Hồ Chí Minh là một người có hồn thơ rất phong phú và tinh tế. Những sáng tác của Người trong các hoàn cảnh khác nhau vẫn luôn toát lên một tình yêu đời, yêu thiên nhiên tha thiết, cùng với đó là một tâm thế ung dung, tự tại trong bất kì hoàn cảnh nào. Đến với bài thơ “Ngắm trăng” của Hồ Chí Minh, ta lại bắt gặp một tâm hồn thơ phóng khoáng, tinh tế và giàu cảm xúc, một tâm thế của người chiến sĩ cách mạng đáng nể trọng.
Bài thơ “Ngắm trăng” là một trong 134 bài thơ Bác Hồ viết thuộc tập thơ “Nhật kí trong tù” của Bác, viết trong những ngày tháng Bác bị giải tới giải lui ở Quảng Tây, Trung Quốc năm 1942. Bài thơ được viết theo thể thơ Thất ngôn tứ tuyệt Đường luật, gợi ra tâm thế người chiến sĩ cách mạng đáng trân trọng.
Mở đầu bài thơ, ta bắt gặp hình ảnh người chiến sĩ cách mạng đang bị giam cầm trong ngục, nhưng vẫn đắm say trước cảnh đẹp thiên nhiên”
“Ngục trung vô tửu diệc vô hoa
Đôi thử lương tiêu nại nhược hà”
(Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ)
Trong hoàn cảnh ngục tù, khi mà cuộc sống hàng ngày vẫn diễn ra với những cực hình, đau khổ, thiếu thốn và khắc nghiệt, người chiến sĩ cách mạng vẫn có những phút giây đắm say trước thiên nhiên. Xưa kia, các thi nhân thường uống rượu, thưởng trăng, ngắm hoa, làm thơ. Nhưng hôm nay, thi nhân của chúng ta lại đang trong một hoàn cảnh đặc biệt, ngục tù giam hãm. Nhưng không vì thế mà nhân vật trữ tình bi lụy với hoàn cảnh, Người vẫn đắm say, bị thu hút bởi vẻ đẹp của thiên nhiên tạo hóa “khó hững hờ”. Qua đó, ta thấy được một tình yêu thiên nhiên đến say mệ của nhân vật trữ tính.
Hai câu thơ tiếp theo gợi ra cho người đọc hình ảnh một thi nhân với phong thái ung dung, tự tại, giao hòa với thiên nhiên:
“Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt
Nguyệt tòng song khích khán thi gia”
(Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ)
Hai câu thơ đã được sử dụng phép đối, với hình ảnh thi nhân và trăng, có những cái nhìn giao cảm với nhau. Con người và thiên nhiên như tìm được sự đồng điệu, trăng vốn đã trở thành một người bạn tri âm, tri kỉ với nhà thơ tự lúc nào. Sự hòa hợp giữa vẻ đẹp thiên nhiên và sự cảm nhận trân trọng, tinh tế của con người khiến cho bức tranh đêm kia thêm đẹp. Hình ảnh người chiến sĩ cách mạng vượt lên trên hoàn cảnh ngục tù, vẫn lãng mạn thả hồn mình vào để thưởng trăng, để tận hưởng được ánh sáng hiền dịu của trăng, hòa mình vào ánh sáng thiên nhiên càng thêm tươi đẹp. Vậy là con người và thiên nhiên đã cùng tìm thấy sự đồng điệu với nhau về mặt tâm hồn. Qua đó, ta thấy được một tư thế ung dung, tự tại của người chiến sĩ cách mạng. Dù hoàn cảnh thực tại có khó khăn, thiếu thốn, gian khổ là mấy nhưng nhân vật trữ tình vẫn lạc quan, dành những phút giây tính lặng để được sống trọn từng khoảnh khắc với thiên nhiên. Song sắt nhà tù như ngăn cách hai thế giới riêng biệt, một bên là cảnh tối tăm ngục tù, một bên là thế giới tự do đầy ánh sáng. Nhưng song sắt ấy không thể ngăn cản được sự hòa hợp, đồng điệu về mặt tâm hồn giữa con người và thiên nhiên.
Với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt đường luật, cùng với những hình ảnh thơ gần gũi, chân thực, tác giả Hồ Chí Minh đã gợi lên được một tình yêu, đắm say trước vẻ đẹp của thiên nhiên. Đồng thời, Bác cũng thể hiện được một tâm thế ung dung, tự tại, sự giao cảm, hòa hợp với thiên nhiên vô cùng tinh tế. Ngay cả trong cảnh ngục tù tối tăm, người chiến sĩ cách mạng vẫn luôn có những hành động hướng về ánh sáng và tương lai.
Bài thơ “Ngắm trăng” gợi lên cho người đọc sự thán phục trước nghị lực, tinh thần lạc quan đáng trân trọng của người chiến sĩ cách mạng. Dù trong hoàn cảnh khó khăn như thế nào, họ vẫn luôn mang trong mình tâm hồn lãng mạn, vượt lên nghịch cảnh để giao cảm với đời, hòa hợp với thiên nhiên mang trong mình tư thế ung dung, tự tại.