“Người bị bệnh vẩy nến, mất vân tay cần chữa trị ổn định để lấy bằng được”, Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu Quốc gia về dân cư cho biết.
Chưa gặp trường hợp nào mất vân tay
Nói về những trường hợp không đủ dữ liệu để làm CMND như người bị vẩy nến, á sừng, mất vân tay, ông Vũ Xuân Dung - Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu Quốc gia về dân cư, khẳng định: “Bình thường có thể không nhìn thấy vân tay ở người bị bệnh nhưng khi đi làm CMND kiểu mới, vân tay sẽ vẫn hiện lên. Chúng tôi chưa từng gặp trường hợp không thể lấy vân tay từ khi làm CMND mới”.
Theo Đại tá Vũ Xuân Dung, quy định của Chính phủ là phải thu vân tay của người trên 16 tuổi. Việc lấy dấu vân tay còn liên quan đến quản lý dữ liệu con người. Thế nên, bằng mọi giá, nếu còn tay, việc lấy vân tay cần phải làm bằng được.
“Dù bị bệnh gì, cũng cố gắng lấy vân tay vì chỉ việc đặt tay vào, máy sẽ thu lại hình ảnh. Máy đã mặc định, thu được vân tay mới lên hiện xanh. Nếu không thu được thì không thể làm được CMND”, ông Dung nói.
Khẳng định của Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu Quốc gia về dân cư cho biết chưa gặp trường hợp nào không lấy được vân tay. Ảnh: Lê Hiếu.
Đối với trường hợp người bị tai nạn, cụt ngón nào thì đặc điểm nhận dạng ghi nhận mất ngón đó. Phần cụt ngón sẽ được đính chính, ghi chú rõ ràng.
“Cụt ngón nào thì bỏ ngón ấy, cụt cả bàn thì đính chính cụt cả bàn. Lúc đó sẽ phải dùng dữ liệu đính chính nhân thân để cấp CMND bình thường”, Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu Quốc gia về dân cư nói.
Không có CMND, có thể gặp rắc rối?
Công ty luật Minh Khuê (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, theo quy định Chính phủ trong các thủ tục làm, đổi hay cấp lại CMND thì dấu vân tay luôn là dấu hiệu nhận dạng bắt buộc, nhưng không đồng nghĩa với việc “nếu không có dấu vân tay sẽ không được làm CMND".