Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Vì sao tác giả lại dùng nhiều dung lượng cho mỗi lần em bé quẹt diêm như vậy?

1. Vì sao tác giả lại dùng nhiều dung lượng cho mỗi lần em bé quẹt diêm như vậy?
2. Cảm nhận của em về câu nói '' Chắc nó muốn sưởi cho ấm"
3. Suy nghĩ của em về văn bản Chiếc lá cuối cùng
5 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
628
0
0
Phạm Thu Thuỷ
22/11/2018 20:08:09
“Chiếc lá cuối cùng” là một tác phẩm vô cùng giàu tính nhân văn của nhà văn người Mỹ O.Hen-ri. Đọc xong tác phẩm người đọc cảm thấy như mắt mình đang ngấn lệ bởi những tình huống éo le, nhiều cảm động và đầy bất ngờ. “Chiếc lá cuối cùng” đầy ắp yêu thương, niềm tin của con người vào cuộc đời rằng “Nhân định thắng thiên” ý chí của con người sẽ chiến thắng số phận nghiệt ngã.
Trong câu chuyện của O. Hen-ri xoay quanh ba nhân vật, ông họa sĩ già Bơ-men, và hai nữ họa sĩ trẻ chập chững vào đời là nàng Xiu và Giôn-xi. Cả ba người họ cùng thuê chung một căn hộ, nhưng khắc phòng. Cụ Bơ-men là người đam mê nghề vẽ, cái nghiệp này đã đeo bám ông hơn 40 năm qua. Ông luôn mơ ước mình sẽ có một bức tranh tuyệt tác để khi ông chết đi tác phẩm của ông vẫn còn lưu danh thiên hạ. Nhưng có lẽ cuộc sống đời thường với những lo lắng vật chất đã vắt kiệt sức sáng tạo của ông, khiến cho ông Bơ-men loay hoay mãi mà vẫn chưa tìm đường lối thoát cho sự sáng tạo của mình, để mưu sinh ông phải ngồi làm mẫu vẽ cho những họa sĩ trẻ mới vào nghề ngày này qua tháng khác cuộc sống cứ buồn tẻ trôi đi.
Giôn-xi là một cô gái trẻ phía trước cô còn rất nhiều thời gian để sáng tạo, để ước mơ, nhưng không may cho cô Giôn-xi mắc bệnh viêm phổi và nằm thoi thóp nhìn qua cửa sổ đếm lá rơi chờ chết. Chỉ còn lại nhân vật Xiu. Xiu tuy không giàu có nhưng có khỏe mạnh và có tâm hồn lương thiện cô rất thương bạn mình là Giôn-xi ngày ngày chăm sóc bạn, động viên tinh thần cho bạn, nhưng chính Xiu cũng đang ám ảnh bởi suy nghĩ của Giôn-xi rằng “Khi chiếc lá cuối cùng ngoài kia rơi xuống thì Giôn-xi sẽ chết
Cuộc sống u buồn, mang nặng màu tang tóc của những con người ấy bị mùa đông lạnh giá làm cho thêm tê buốt, những cơn gió tuyết lạnh lẽo, khiến cho con người càng thêm cô đơn, nặng trĩu những âu lo, chán nản.
Giôn-xi thì buông xuôi cuộc đời, cô thậm chí còn sợ nhìn ra cửa sổ vì cô sợ chiếc lá cuối cùng ở trên cây sẽ rụng xuống, sẽ là lúc cô phải chết. Những chiếc lá trên cây mà cô ngày ngày đang đếm dần dần rụng xuống, thời khắc Giôn-xi rời xa cuộc đời cũng không còn nhiều. Và đến một ngày chỉ còn một chiếc lá duy nhất ở trên cây. Giôn-xi và Xiu vô cùng lo lắng, họ sợ đó là lời tiên đoán trước về số phận của Giôn-xi rằng chỉ qua đêm nay thôi khi chiếc lá cuối cùng kia không còn bám liền với thân cây nữa thì cũng là lúc cô từ giã cõi đời này.
Giôn-xi sợ cái chết nhưng lại không có ý chí chống lại cái chết mà lại neo đậu sự sống của mình với những chiếc lá.
Sau một đêm trằn trọc lo lắng cho sự sống của mình mãi Giôn-xi mới có thể thiếp đi một chút. Sáng hôm sau, khi cô tỉnh dậy Giôn-xi không dám mở cửa sổ để nhìn ra cái cây quen thuộc bởi cô sợ chiếc lá đã rụng mất rồi. Một chiếc lá mong manh yếu đuối thì làm sao có thể chiến thắng được mùa đông buốt giá với những cơn gió tuyết buốt thấu.
Chiếc lá ấy gan góc, ngang ngạnh ấy, vẫn tồn tại, nó không cho phép Giôn-xi buông xuôi cuộc đời mình từ bỏ quyền được sống của mình. Nó vẫn tồn tại, hết ngày này sang ngày khác, khiến cho Giôn-xi phải nhìn lại mình và cô có hy vọng sống trở lại. “Chiếc lá thường xuân vẫn còn đó”. Chính sự tồn tại của chiếc lá cuối cùng đó là cứu sống một con người. Giôn-xi đã hy vọng trở lại, cô yêu đời hơn, khát khao sống hơn, và cô cũng nhận ra mình rất ích kỷ, hèn nhát khi không dám chiến đấu với bệnh tật để sống tiếp.
Rồi ngày này qua ngày khác chiếc lá vẫn còn nguyên ở trên cây, Giôn-xi thì càng ngày càng khỏe hơn. Mùa đông lạnh giá nhưng không còn đáng sợ nữa. Cho đến một ngày Giôn-xi khỏi bệnh cô có thể bước ra khỏi chiếc giường mình vẫn thường hay nằm lại gần bên cửa sổ để ngắm “chiếc lá cuối cùng” đầy dũng cảm kia. Chiếc lá đã cứu vớt linh hồn cô, đưa cô qua khỏi những u mê để đến với những hy vọng. Chiếc lá chứa phép nhiệm màu, thì lúc này Giôn-xi mới nhận ra thật ra đó chỉ là một bức tranh mà thôi chiếc lá mà cô nhìn thấy thực ra chỉ là một bức tranh.
Vậy do đâu mà có bức tranh này? Và ai là người đã vẽ nó cho Giôn-xi? Tác giả của bức tranh nhiệm màu mang tên “Chiếc lá cuối cùng” ấy chính là lão họa sĩ già khốn khổ Bơ-men. Ông đã dùng tình yêu của mình với nghề vẽ, lòng thương cảm của mình với Giôn-xi để vẽ lên bức tranh đó. Người họa sĩ già đó, tuy nghèo tiền, nghèo bạc nhưng lại có tâm hồn vô cùng cao thượng, giàu có về tình cảm. Ông tuy không phải thượng đế tối cao để cứu sống Giôn-xi. Nhưng chính tình yêu lòng nhân đạo của ông đã cứu sống Giôn-xi. Ông đã cho Giôn-xi hy vọng. Cuối cùng thì Giôn-xi đã chiến thắng bệnh tật, chiến thắng số phận, nhưng còn người nghệ sĩ già ấy thì mãi mãi ra đi. Sau một đêm dầm mình trong gió tuyết giữa mùa đông lạnh buốt để hoàn thành được tác phẩm cuối cùng của đời mình, ông Bơ-men đã ra đi vì viêm phổi nặng, vì tuổi già sức yếu. Ông Bơ-men ra đi nhưng ông cũng đã hoàn thành được tâm nguyện của mình khi sáng tác được một tác phẩm để đời. Tác phẩm của ông vượt qua mọi giá trị về nghệ thuật nó là một tác phẩm có thể cứu một con người khỏi cái chết. Nó là tác phẩm chứa đựng lòng vị tha, cao thượng, sự hy sinh của những con người chân chính trong xã hội
Mặc dù, chiếc lá của ông họa sĩ già Bơ-men chỉ là một sự giả dối, là một bức tranh nhưng chính sự giả dối này đã mang đến niềm tin cứu sống linh hồn và mạng sống của một con người. Kiệt tác “chiếc lá cuối cùng” của người họa sĩ già mãi mãi là một tuyệt phẩm để hàng trăm năm sau người đời vẫn còn ca ngợi bởi tinh thần cao thượng, tấm lòng bao dung, yêu thương đồng loại của nó. Tác phẩm “Chiếc lá cuối cùng” của ông Bơ-men vì thế mà mãi mãi trường tồn, bất tử với thời gian.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
0
0
Phạm Thu Thuỷ
22/11/2018 20:10:18
2. Cảm nhận của em về câu nói '' Chắc nó muốn sưởi cho ấm"
Cô bé bán diêm có lẽ là một trong những truyện An-đéc-xen làm em xúc động hơn cả. Thân phận của cô bé đã tội nghiệp lắm rồi, nhưng cảnh ngộ cụ thể của cô bé mồ côi này trong đêm giao thừa càng khiến ta vô cùng thương xót, và không thể không buộc em phải nghĩ ngợi về thái độ người đời đối với những cô bé như vậy.
Một em nhỏ, lại là bé gái phải chân trần đi bán diêm trong một đêm mịt mùng, tuyết rơi giá buốt. Hơn nữa, đây là một đêm giao thừa. Sự đối lập quá trái ngược giữa đêm tuyết giá ngoài trời đó với cảnh “ánh đèn sáng rực” trong các gia đình em bé đi qua, giữa mùi “ngỗng quay sực nức” với bụng đói cô bé lang thang trên đường, giữa quá khứ “những ngày đầm ấm” trong ngôi nhà xinh xắn có dây thường xuân bao phủ với hiện tại phải chui rúc trong “một xó tối tăm” luôn phải nghe những lời mắng chửi… làm nổi bật thân phận đáng thương của cô bé. Nhưng điều làm em buồn bực hơn cả là thái độ của những người qua lại. Tại sao trong một đêm giá rét như thế, lại là đêm giao thừa, mà bao người qua đó đều “rảo bước rất nhanh”, “chẳng ai đoái hoài” đến em cả? Tình người đâu nhỉ? Dù trời rét, dù vội về nhà tết nhất, nhưng lẽ nào không thể dừng chân đôi ba phút, nếu không cưu mang chia sẻ được gì, ít ra cũng có vài lời hỏi han an ủi em chứ! Cái thằng bé lấy mất chiếc giày của em “để làm nôi cho con chó sau này” còn không đáng giận bằng những người lớn nọ. Thằng bé chỉ độc ác một cách vô tư, hồn nhiên, chứ những người lớn đầy đủ ý thức mà đã dửng đưng vô cảm, thiếu hẳn tình đồng loại tối thiểu, nói gì đến lòng nhân đạo “thương người như thể thương thân”!
Không ai mua diêm cho em cả. Em cũng không dám về nhà, vì “nhất định cha sẽ đánh em”. Rét quá, đói quá, thêm nỗi lo sợ căng thẳng, em kiệt sức đành chỉ “ngồi nép mình trong góc tường”. Và đến đây, thiên tài An-đéc-xen đã sáng tạo nên một tình tiết tuyệt vời, mãi mãi đậm nét trong tâm trí em. Đó là tình tiết vừa thật vừa hư sau mỗi lần em bé quẹt diêm, dẫn đến cái kết thúc vừa đau thương nghẹn lệ, vừa huy hoàng như “những niềm vui đầu năm”.
Trong cảnh ngộ tăm tối đói lạnh của cô bé, dù chỉ một ngọn lửa diêm bé nhỏ thôi, cũng đã thành cả một niềm vui “sáng chói”, không chỉ sưởi ấm bàn tay tê cóng của bé, mà quý giá hơn là còn đáp ứng những mong muốn, khát khao biết bao thiết tha của bé! Trước mắt cô bé đáng thương, ngọn lửa diêm bé xíu cũng đã gợi ra những màu sắc tươi đẹp, ít nhiều tượng hình hạnh phúc. Những hạnh phúc hết sức bình dị, với bao bạn nhỏ khác, nhưng với cô bé ở đây lại chỉ có thể đạt được trong mơ ước. Có điều là mơ ước của cô bé vì độ nungnấu mãnh liệt của nó, nên đã đủ sức làm thể hiện lên trước mắt cô bé như có thực vậy. Nào là chiếc lò sưởi có lửa cháy “đến là vui mắt” và “hơi ấm dịu dàng”, nào là bàn tiệc đêm Nô-en có chú ngỗng quay, biết nhảy ra khỏi đĩa kèm theo cả dao, đĩa ăn mà “tiến về phía em bé”! Nào là cây thông Nô-en lộng lẫy biết bao!
Không có khả năng thực tế được ấm no, được chăm sóc yêu thương, cô bé bán diêm đã khát khao cực độ những hạnh phúc bình thường ấy. Hình ảnh cô bé chết vì giá rét, vì đói miếng ăn và tình thương trong đêm giao thừa, mà đôi môi “vẫn đang mỉm cười”, khiến em xót xa đến trào nước mắt. Cô bé mỉm cười, ửng hồng đôi má, trông thấy những cái “kì diệu”, “huy hoàng”. Cô bé thiên thần ấy càng khiến bi kịch thêm đau thương gấp bội và mỗi người có lương tri đều phải tự ngẫm lại trách nhiệm đồng loại, trách nhiệm với lứa tuổi nhỏ của mình. Lẽ ra cô bé có thể mỉm cười sung sướng, ửng hồng đôi má đón nhận những hạnh phúc bình dị ấy trong cuộc sống, chứ không phải trong cõi chết như vậy! Chỉ cần mỗi người chúng ta loại trừ được thói thờ ơ vô cảm, biết quan tâm hơn một chút đến cuộc sống quanh mình, nhất là những thân phận bất hạnh hay nghèo khó, côi cút, bệnh tật… thì cuộc sống này sẽ đẹp hơn bội phần.
Em được biết có những cô chú đã tổ chức những bạn nhỏ bụi đời thành một tập thể, biết gom công đấu sức lại để tự nuôi sống mình và để có một mái ấm, bù đắp tình cảm cho nhau, như tổ bán báo “Xa mẹ”, như những lớp học tình thương… Nhưng còn bao nhỏ khác đang phải lang thang, thiếu đói cả miếng ăn lẫn tình cảm! Chính bản thân em cũng đã nhiều lần “bước rảo” đi qua những cảnh đáng thương như cô bé bán diêm này! Ước gì mỗi người biết kịp thời tự vấn lương tâm mình hơn, biết dừng lại chia sẻ dù chỉ một ngọn lửa diêm ấm áp với những cảnh ngộ bất hạnh hằng ngày quanh ta.
0
0
Quỳnh Anh Đỗ
23/11/2018 12:12:18
Câu 3:
Chiếc lá cuối cùng là một truyện ngắn xuất sắc của nhà văn ắp tràn tình thương yêu và niềm tin với con người, một bức thông điệp khẳng định sứ mạng và sức mạnh của nghệ thuật chân chính.
Câu chuyện kể về cuộc sống chật vật của những người hoạ sĩ nghèo: hai nữ họa sĩ trẻ Xiu và Giôn-xi sống cùng căn hộ với người họa sĩ già Bơ-men. Những khó khăn về vật chất đã vắt kiệt sức sáng tạo, khiến họ lâm vào cảnh bi đát. Cụ Bơ-men suốt bốn chục năm mơ ước vẽ một bức kiệt tác mà không thực hiện được, đành phải ngồi làm mẫu cho các họa sĩ trẻ để kiếm chút tiền còm nuôi thân. Giôn-xi bị sưng phổi, bệnh tật và nghèo túng đã lấy nốt của cô niềm tin vào cuộc sống. Chỉ còn lại Xiu mòn mỏi với những bức vẽ và ám ảnh bởi suy nghĩ của Giôn-xi: cô gái bệnh tật ấy đang đếm từng chiếc lá rơi để chờ định mệnh phán quyết mạng sống của chính mình, với niềm tin khi chiếc lá cuối cùng rụng xuống thì cô sẽ ra đi… Không gian cuộc sống của những con người khốn khổ ấy lạnh lẽo u ám như mùa đông, nặng trĩu những buồn lo.
Đáng sợ làm sao khi mỗi ngày trôi đi trong gió tuyết và những cơn mưa lạnh lẽo dai dẳng, những chiếc lá thường xuân tiếp tục rơi xuống, chỉ còn lại một chiếc lá cuối cùng để Giôn-xi như nhìn thấy cái chết của mình đang đến gần. Có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy rối lòng, bất lực trước một con người đã buông xuôi, chán sống. Bởi thế nhà văn đã tập trung miêu tả khoảnh khắc căng thẳng của Xiu và cụ Bơ-men lúc Giôn-xi đang ngủ: “Họ sợ sệt ngó ra ngoài cửa sổ, nhìn cây thường xuân. Rồi họ nhìn nhau một lát, chẳng nói năng gì”. Có lẽ trong giây phút đó, họ đã nhìn thấy nhánh thường xuân cuối cùng trụi lá rồi chăng? Dường như cùng với cái khắc nghiệt của trời đông, mưa gió, họ có thể đoán trước được điều gì khi Giôn-xi tỉnh dậy vào sáng hôm sau và thấy chiếc lá cuối cùng đã rụng.
Trong hoàn cảnh này, người đau khổ nhất không phải là Giôn-xi mà chính là cô gái trẻ Xiu. Bởi lẽ, cô là người sẽ phải chứng kiến toàn bộ tấn bi kịch sắp diễn ra vào sáng hôm sau khi Giôn-xi lại nhìn ra cửa sổ. Nhà văn không mô tả cụ thể tâm trạng Xiu, chỉ cho biết cô “tỉnh dậy sau khi chợp mắt được một tiếng đồng hồ”,như vậy có nghĩa là cô đã phải trải qua một đêm trắng đầy âu lo thổn thức, trong sự bồn chồn và bất lực. Một đêm mưa gió ngoài trời dữ dội, một chiếc lá mong manh bám trên bức tường gạch chắc chắn sẽ bị vùi dập tơi tả, không chống chọi nổi sự tàn phá của tự nhiên. Điều đó có nghĩa là sau phút kéo mành lên, Giôn-xi sẽ nhìn thấy cái chết của chính mình. Nhưng Xiu cũng không thể chịu được khoảnh khắc nhìn thấy “Giôn-xi đang mở to cặp mắt thẫn thờ nhìn tấm mành mành màu xanh đã kéo xuống”. Không kéo mành lên cũng không được, vì như vậy Xiu sẽ mang mặc cảm chính mình mới là người gây ra cái chết của Giôn-xi. Ta hiểu tâm trạng của cô khi làm theo một cách chán nản, bản thân cô cũng không còn phương cách nào giúp cho người đồng nghiệp, người em gái kia từ bỏ suy nghĩ điên rồ đáng sợ kia.
Chính vào lúc ấy, một hình ảnh bất ngờ đã làm đảo lộn mọi dự đoán, đảo ngược cả tình huống tưởng như chắc chắn trong dự định của Giôn-xi, trong nỗi lo của Xiu và trong sự thất vọng của mọi người. Tình huống ấy đã thắp lại niềm hy vọng như một phép màu: vẫn còn một chiếc lá thường xuân bám trên bức tường gạch. Có lẽ người vui mừng nhất lúc này là Xiu, vì chiếc lá cô nhìn thấy không phải là một ảo ảnh: “Đó là chiếc lá cuối cùng trên cây. Ở gần cuống lá còn giữ màu xanh sẫm, nhưng với rìa lá hình răng cưa đã nhuốm màu vàng úa, chiếc lá vẫn dũng cảm treo bám vào cành cách mặt đất chừng hai mươi bộ”. Còn Giôn-xi? Cô cũng nhận ra: “Đó là chiếc lá cuối cùng”, thừa nhận sự thật một cách miễn cưỡng và tiếp tục suy nghĩ: “Hôm nay nó sẽ rụng thôi và cùng lúc đó thì em sẽ chết”.
Giôn-xi thật đáng thương nhưng cô cũng thật đáng trách khi vẫn đeo đuổi ý định từ bỏ cuộc sống. Cô chìm đắm trong ý nghĩ kỳ quặc của mình, mặc kệ những sợi dây ràng buộc cô với tình bạn và với thế gian cứ lơi lỏng dần từng sợi một.Cô đã phụ lòng của Xiu, bởi lẽ cô đã xem nỗi đau của mình lớn hơn tất cả mọi sự quan tâm lo lắng của mọi người. Trong thời điểm ấy, sẽ không ai có thể giúp đỡ cô, ngoại trừ chính bản thân cô. Thời gian một ngày kéo dài đằng đẵng để Giôn-xi chứng kiến chiếc lá thường xuân chống chọi với mùa đông khắc nghiệt. Chiếc lá bướng bỉnh ấy không chấp nhận sự buông xuôi của một cô gái còn quá trẻ. Thế nhưng, khi con người ấy đã chấp nhận đầu hàng số phận, thì sức mạnh của màn đêm buông xuống, gió bấc ào ào, mưa đập mạnh vào cửa sổ lại có một uy lực khiến cho Giôn-xi không còn một niềm tin nào vào sự sống của chính mình. Sự cố chấp ấy quả thật đáng chê trách.
Nhà văn đã tạo ra một tình huống thử thách trước số phận của Giôn-xi, để rồi, cuối cùng người đọc có thể thở phào nhẹ nhõm: “chiếc lá thường xuân vẫn còn đó”. Chiếc lá mong manh ấy đã chiến thắng được thời tiết khắc nghiệt, để tạo ra một bước ngoặt trong nhận thức của Giôn-xi. Cuối cùng, cô gái ấy đã nhận ra sự ích kỷ tồi tệ của bản thân mình. Chiếc lá cuối cùng đã cứu sống một sinh linh. Trước hết là thức tỉnh khát vọng sống tiềm ẩn trong tâm hồn của Giôn-xi, để cô nhận ra: “có một cái gì đấy đã làm cho chiếc lá cuối cùng vẫn còn đó để cho em thấy rằng mình đã tệ như thế nào. Muốn chết là một tội.”. Phép nhiệm màu đã xảy ra, vượt qua tất cả những quy luật thường tình của thiên nhiên tạo hoá, khiến Giôn-xi không hiểu và không sao hiểu được. Phải chăng, Thượng đế chí công và nhân từ không nỡ để một cô gái trẻ phải sớm giã từ cuộc sống? Không những thế, sau thời khắc bừng tỉnh, cô gái Giôn-xi đã lại bắt đầu mơ ước về tương lai: “một ngày nào đó em sẽ vẽ được vịnh Na- plơ”. Thượng đế thật công bằng, vị thượng đế ấy có tên là… Bơ-men.
Người hoạ sĩ già khốn khổ ấy không có quyền năng tối thượng của Thượng đế, nhưng ông có một trái tim giàu lòng thương cảm. Hoá ra, trong thời điểm làm mẫu cho Xiu, con người ấy đã đi đến một quyết định táo bạo, đoạt quyền của Đấng-toàn-năng bằng chính khả năng của mình. Con người đã bốn mươi năm theo đuổi kiệt tác mà không thành công đã tạo nên một kiệt tác cuối cùng của đời mình: chiếc lá cuối cùng! Khi bắt tay vào công việc, người nghệ sĩ chân chính ấy đã âm thầm hành động với ước nguyện thật cao cả: trả lại niềm tin vào sự sống cho Giôn-xi. Không ai được biết có bao nhiêu tinh hoa đã phát tiết trong giờ phút vẽ nên chiếc lá trên tường của cụ Bơ-men. Tất cả đều diễn ra quá bất ngờ, đến nỗi cả Xiu là người đã chứng kiến giờ phút chiếc lá cuối cùng rụng xuống cùng cụ Bơ-men cũng phải bàng hoàng. Ta chợt hiểu những lời nói hối hả của cô với Giôn-xi: “Em thân yêu, thân yêu. Em hãy nghĩ đến chị, nếu như em không còn muốn nghĩ đến mình nữa. Chị sẽ làm gì đây?”. Cô đã hiểu tất cả, nhưng không dám nói rõ cho Giôn-xi, bởi lẽ cô chưa thể hình dung ra phản ứng của Giôn-xi trước một sự lừa dối bắt nguồn từ lòng tốt của người hoạ sĩ già. Lời nói ấy còn bộc lộ một niềm sung sướng vô biên của Xiu trước giải pháp tình thế mà cụ Bơ-men đã nghĩ ra trong đêm chiếc lá cuối cùng thực sự đã rụng xuống. Bởi thế, lần kéo mành vào hôm sau, ta không còn gặp tâm trạng chán nản đến cùng cực của Xiu nữa.
Vì sự sống của một cô gái, cụ Bơ-men đã bất chấp thử thách của thời tiết khắc nghiệt, quên đi sự sống của bản thân mình. Có lẽ bản thân cụ cũng không ngờ đó là bức vẽ cuối cùng của cuộc đời mình, nhưng chắc chắn một điều khi người hoạ sĩ ấy vẽ chiếc lá, bức vẽ ấy không nhằm để lưu lại tên tuổi nghệ sĩ với đời. Điều đáng quan tâm lúc đó là sự sống đã tắt trong tâm hồn một cô gái trẻ, làm thế nào để cô thôi không bị ám ảnh bởi quy luật lạnh lùng của tạo hoá, để rồi vươn lên giữa cuộc đời bằng chính sức sống tiềm tàng trong tâm hồn cô. Đó là lúc người hoạ sĩ già ấy hiểu thấu sứ mạng vinh quang và cao cả của nghệ thuật: hướng về con người chứ không phải là nhằm tạo chút danh tiếng hão huyền, nghệ thuật chỉ thật sự bắt đầu khi sáng tạo của người nghệ sĩ giúp ích cho đời.
Cuối cùng thì Giôn-xi đã vượt qua cửa ải của chính mình, trở lại với niềm tin sự sống nhờ niềm tin vào sức sống mãnh liệt từ chiếc lá cuối cùng – tác phẩm của cụ Bơ-men. Nhưng người nghệ sĩ già ấy đã phải trả một cái giá quá đắt bằng chính mạng sống của mình. Giôn-xi chỉ được biết điều ấy khi đã thật sự bình phục bằng nghị lực của chính mình. Qua lời thuật lại của Xiu, ta hiểu được lòng biết ơn của Xiu đối với người hoạ sĩ cao cả ấy, và cô muốn nhắc nhở Giôn-xi không thể vô ơn trước sự hy sinh của một con người chân chính, vì sự sống của đồng loại đã không ngần ngại xả thân. Cụ Bơ-men đã nhiễm chính căn bệnh sưng phổi của Giôn-xi vào lúc tạo nên chiếc lá cuối cùng giữa một đêm đông mưa gió lạnh lẽo. Chi tiết xúc động này khiến ta tin rằng Giôn-xi dù biết rằng chiếc lá ấy là một sản phẩm nhân tạo, nhưng chắc chắn cô sẽ không bao giờ hối hận trước một sự lừa dối cao cả như thế, Người hoạ sĩ già Bơ-men là hiện thân của sự cao thượng, lòng vị tha, đức hy sinh của một con người chân chính.
Câu chuyện kết thúc bằng một sự đảo ngược tình huống lần thứ hai. Chiếc lá cuối cùng là một sự lừa dối, nhưng lại là một sự lừa dối cao cả để đem lại niềm tin vào sự sống cho con người. Kiệt tác cuối cùng của người họa sĩ già đã được ra đời nằm ngoài tất cả mọi dự đoán của công chúng. Nhưng chiếc lá cuối cùng ấy mãi mãi là bằng chứng của tấm lòng yêu thương con người. Bởi thế, Chiếc lá cuối cùng sẽ mãi bất tử với thời gian.
0
0
Quỳnh Anh Đỗ
23/11/2018 12:14:24
Câu 2:
Cái chết của cô bé vẫn là sự hoài niệm trong tâm trí người đọc. Câu chuyện kết thúc khi cảnh đời đang vui vẻ nhưng cô bé bán diêm lại có cái chết bi thảm. Trong đêm giao thừa hôm ấy, em chịu đói chịu rét cả một ngày mà không dám về nhà vì sợ cha đánh. Vì quá đói rét mà em đã chết với đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười. Buổi sáng đầu năm mới, tuyết phủ kín mặt đất, khi mặt trời bắt đầu lên, bầu trời bắt đầu xanh, mọi người vui vẻ ra khỏi nhà.
Trong sự háo hức và vui vẻ của mọi người thì em đã chết ở một xó tường nơi vỉa hè, nằm giữa những bao diêm và que diêm đã quẹt, hình ảnh đó xoáy sâu vào tâm can người đọc, đó cũng là kết thúc khác hoàn toàn so với những kết thúc của truyện cổ tích. Cô bé bán diêm chẳng có cái kết có hậu, cũng chẳng tìm được hạnh phúc ngay trong cuộc sống thực tại, ngược lại em đã phải chết một cách bi kịch, đầy xót thương.
Tuy nhiên, cái tài của nhà văn chính là viết bi kịch nhưng không gợi ra bi thảm và nỗi buồn cuộc đời của nhân vật. Bởi cô bé bán diêm đã ra đi trong niềm hạnh phúc vô bờ, sự mãn nguyện khi em được đến bên bà, được bà yêu thương và hết mực che chở. Hình ảnh em đã chết nhưng đôi má vẫn hồng và đôi môi vẫn đang mỉm cười là minh chứng cho việc em không chết, em chỉ bước từ thế giới đầy đắng cay, đen tối sang một thế giới tươi đẹp hơn.
Cũng chỉ có cái chết mới giải thoát được cuộc đời em khỏi những nỗi khổ, niềm vui sướng và hạnh phúc của em khi được ở bên bà, được bay lên về với Thượng đế chí nhân. Nhà văn An-đéc-xen đã thấu hiểu và trân trọng một các sâu sắc, bởi ông có tấm lòng thuộc về những con người khốn khổ, bất hạnh trong xã hội. Kết thúc của truyện tuy bi kịch nhưng lại tỏa sáng giá trị nhân văn.
Đối lập với sự bất hạnh trong cái chết của cô bé bán diêm chính là sự thờ ơ của người đời. Khi nhìn thấy những que diêm cháy dở kia, con người ta trở nên lạnh lùng, vô cảm, thiếu tình thương, chỉ thốt ra được một câu lạnh lùng: “Chắc nó muốn sưởi ấm”. Cô bé bán diêm thật đáng thương, chính trong xã hội vô cảm, thiếu tình thương giữa con người với con người này, nhà văn An-đéc-xen đã viết nên truyện này. Một phần để bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn với cô bé bán diêm nói chung và số phận của những con người khốn khổ trong xã hội nói chung, an ủi và xoa dịu nỗi đau của họ. Một phần cũng là để lên án và tố cáo sự vô tâm của những con người thiếu tình cảm trong xã hội.
Hình ảnh về cái chết của cô bé bán diêm luôn là hình ảnh xúc động nhất, dù cho nhà văn đã miêu tả đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười. Dù có khép lại trang sách thì hình ảnh của cô bé bán diêm vẫn còn đọng lại trong tâm hồn tất cả những ai đọc truyện.
1
0
NguyễnNhư
09/08/2023 23:17:17

    Thế giới tuổi thơ của chúng ta lung linh màu sắc nhờ có những câu chuyện đẹp của nhà văn An- đéc- xen. Đến với truyện "cô bé bán diêm" em vô cùng xúc động trước hình ảnh cô bén bán diêm đêm giao thừa. Em hoàn toàn đối lập với những người xung quanh. Giữa đường phố Bắc Âu lạnh lẽo, em đầu trần chân đất. Trong khi cửa sổ mọi nhà đều sáng rực ánh đèn thì em đi giữa đường lạnh buốt, tối om. Trong phố sực nức mùi ngỗng quay còn em thì lại rất đói. Cảnh ngội em thật đáng thương! Em đâu dám về nhà vi sợ những trận đòn của người cha khắc nghiệt. lạnh quá, em bé quẹt những bao diêm và những mộng tưởng kì diệu đã hiện ra sau ánh lửa diêm huyền ảo. Mộng tưởng nào cũng đẹp rực rỡ nhiều màu sắc như sụ hồn nhiên của em. Lò sưởi, ngỗng quay, cây thông nô en và cả người bà nhân hậu cũng hiện ra trước mắt. Rồi tất cả vut tắt, những hình ảnh đẹp đẽ đã rời xa em. Em bé đã cùng bà bay lên thiên đường để đón lấy niềm vui đầu năm. Nhưng thiên thần nhỏ ấy cũng đã vĩnh viển rời xa dương tế, em đã chết vì giá rét trong đem giao thừa. Với những hình ảnh đối lập, sự sắp xếp khéo léo các trình tự sự việc, sáng tạo trong cách kẻ chuyện của nhà văn an - đéc - xen đa truyền cho chúng ta lòng thương cảm đối với một em bé bất hạnh đồng thời lên án xã hội thiếu tình thương đã đẩy em bé vào cái chết thật xót xa. Em thầm mong trên thế giới này khôn còn em bé nào rơi vào cảnh ngộ như thế nữa

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×