LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Viết bài làm văn số 6 đề 3 - Viết bài làm văn số 6: Nghị luận xã hội

2 trả lời
Hỏi chi tiết
408
0
0
Phạm Văn Phú
07/04/2018 12:46:41

Đề bài: Hãy phân tích tác hại của thái độ thiếu trung thực trong thi cử. Theo anh (chị), làm thế nào để khắc phục được thái độ đó.

Bài làm

   Trung thực là một phẩm chất đạo đức cao quý của con người. Rèn luyện đức tính trung thực ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là một yêu cầu hàng đầu, góp phần tạo nên nhân cách đẹp đẽ cho mỗi con người sau này. Tuy nhiên, hiện tượng thiếu trung thực trong học tập, gian lận trong thi cử ngày càng trở nên phổ biến trong nhà trường. Điều này gây ra những tác hại khôn lường. Chúng ta phải khắc phục ngay thái độ này.

   Vậy thế nào là trung thực? "Trung" ở đây nghĩa là một lòng một dạ, không thay đổi, còn "thực" là cách phát âm khác của từ "thật", có nghĩa là thật thà, thành thật. "Trung thực" nghĩa là tôn trọng sự thật, là dám đứng lên bảo vệ sự thật, là dám nhận lỗi, sửa lỗi, nhất là luôn thành thật với bản thân, với mọi người: thật lòng, nói thật, làm thật... Tóm lại, trung thực là luôn tôn trọng sự thật, tôn trọng chân lí, lẽ phải; sống ngay thẳng thật thà và dám dũng cảm nhận lỗi khi mình mắc khuyết điểm. Người có đức tính trung thực là người sống hết lòng với mọi người, thật thà, ngay thẳng, luôn nói đúng sự thật, không làm sai lệch sự thật, chân thành trong cách đối xử với mọi người, luôn nhìn nhận khách quan về các sự việc trong cuộc sống, luôn tôn trọng và bảo vệ chân lí, bảo vệ lẽ phải.

   Còn thế nào là thiếu trung thực? Thiếu trung thực là đi ngược lại sự trung thực, là làm sai lệch tính đúng đắn của sự việc. Thiếu trung thực trong thi cử là những cử chỉ, hành động vi phạm quy chế thi cử. Đây là những việc làm gian dối, lừa bịp để thi đậu, đạt được bằng cấp.

   Những biểu hiện thiếu trung thực trong thi cử rất đa dạng, muôn hình muôn vẻ: có khi theo kiểu "cổ điển" như quay cóp, giở tài liệu (phao), thi hộ thi thay, đánh dấu bài, cả bộ đề thi được phô tô thu nhỏ giấu vào trong quần áo, giày tất để mang lọt vào phòng thi. "Hiện đại" hơn thì làm bài thi theo hướng dẫn từ bên ngoài qua điện thoại di động có lắp tai nghe, được ngụy trang tinh vi để qua mắt giám thị... Không chỉ thí sinh mà cả thầy cô giáo cũng có thái độ sai. Việc cố tình để lộ đề thi ở trường này, trường khác, hiện tượng giám thị gợi ý, thậm chí đọc bài giải cho thí sinh chép cũng có, dù biết rằng những hành động đó vi phạm nội quy thi cử. Một số phụ huynh nông nổi, cạn nghĩ cũng có những hành động tiêu cực như ném phao, nhờ người giải bài, thuê người thi hộ, đe doạ giám thị... để "hỗ trợ" con em thi "đỗ".

   Vì sao học sinh lại có thái độ thiếu trung thực trong thi cử? Những học sinh có thái độ sai trái trong thi cử phần lớn là do lười biếng, không muốn mất nhiều công sức học tập nhưng lại muốn được điểm cao. Đã lười học thì không thể nào nắm vững các kiến thức cơ bản và phương pháp làm bài tập của từng môn học. Cho nên lúc làm bài, họ chỉ có một trong hai cách là quay cóp bài của bạn hoặc giở tài liệu đã chuẩn bị sẵn dưới nhiều hình thức khác nhau được gọi là "phao". Mặt khác, cơ chế thi cử ở nước ta cũng là mảnh đất màu mỡ cho hiện tượng thiếu trung thực phát triển.

   Ngoài ra xét kĩ, chúng ta sẽ thấy thái độ thiếu trung thực trong thi cử có liên quan đến các hiện tượng tiêu cực khác như thói giả dối và bệnh thành tích... Sâu xa hơn, nó bắt nguồn từ nhận thức lệch lạc về mục đích và tầm quan trọng của việc học đối với sự hình thành nhân cách con người. Ngay từ ngày xưa, tổ tiên chúng ta đã có quan điểm hết sức đúng đắn là học dể làm người. Tiên học lễ, hậu học văn, tức là trước hết phải học lễ giáo (những điều giáo dục về khuôn phép sống theo tư tưởng Nho giáo). Có thể hiểu đơn giản là học phép cư xư, học đạo lí nhân nghĩa trước, sau đó mới học chữ thánh hiền (chữ Nho) để có được những kiến thức cơ bản trong việc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Lời khẳng định tầm quan trọng của sự học có giá trị như chân lí muồn đời:

"Ngọc bất trác, bất thành khí. Nhân bất học, bất tri lí".

(Ngọc không mài không sáng. Người không học không biết đâu là đạo lí).

   Thái độ thiếu trung thực trong thi cử chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Nhiều người nghĩ một cách đơn giản và nông cạn là hiện tượng thiếu trung thực trong thi cử không hại đến ai, đến điều gì nên người nào gian lận được thì cứ việc gian lận. Thực ra, gian lận trong thi cử là một tệ nạn gây tác hại nghiêm trọng và lâu dài cho xã hội, quốc gia. Trước hết, hiện tượng thiếu trung thực sẽ phá vỡ sự nghiêm túc cần phải có ở chốn trường thi, biến thi cử thành một trò đùa may rủi. Không thể để sự lộn xộn, phản giáo dục như thế tồn tại mãi vì giáo dục không đơn thuần là vấn đề truyền thụ kiến thức mà trước hết là vấn đề dạy dỗ, rèn luyện tư cách, đạo lí làm người. Thiếu trung thực là biểu hiện của sự thoái hoá nhân cách, đánh mất lòng tự trọng và phụ lòng tin của mọi người đối với mình. Khởi đầu bằng sự dối trá, gian lận thì tất yếu không thể có được một kết quả tốt đẹp trong cuộc đời. Bên cạnh đó, hiện tượng thiếu trung thực trong thi cử sẽ tạo ra sự bất công giữa người chăm chỉ, thật thà và kẻ lười nhác, dối trá; làm đảo lộn mọi giá trị tài năng và đạo đức trong xã hội. Ngành giáo dục bị ảnh hưởng nhiều nhất về mặt chất lượng vì sai lầm trong giáo dục là sai lầm nguy hiểm nhất. Nó không chỉ ảnh hưởng xấu đến một cá nhân mà còn gieo rắc tai hoạ cho cả một thế hệ. Một cử nhân "dỏm", một thạc sĩ, tiến sĩ học giả mà bằng thật đã làm giảm sút uy tín của ngành giáo dục rất nhiều. Những người tài sơ đức thiểu như thế mà làm công việc đào tạo thì chất lượng sản phẩm con người mà họ đào tạo ra sẽ như thế nào? Hơn nữa, thiếu trung thực trong thi cử tất yếu sẽ sản sinh ra những con người yếu kém về nhân cách và tài năng. Những con người ấy nếu nhờ thân thế mà được sắp đặt vào các vị trí quan trọng trong xã hội thì họ sẽ gây ra những hậu quả khôn lường, gây thiệt hại to lớn cho nhân dân, đất nước.

"Gốc của học tập là học làm người".

(Ngạn ngữ Trung Quốc)

   Để khắc phục thái độ thiếu trung thực trong thi cử, chúng ta phải làm gì? Chúng ta có suy nghĩ gì về đức tính trung thực trong khi thi và trong cuộc sống? Trong khi thi, trung thực là phải làm bài bằng thực lực và chấp nhận đỗ đạt bằng thực chất của mình. Còn gian lận là làm mọi cách để đỗ bằng được, không cần thực chất. Người trung thực phải là người biết rõ: Trung thực trong khi thi dù bị rớt vẫn vinh dự hơn đỗ đạt nhờ gian lận. Cho nên trong thư gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình, Tổng thống Mỹ A. Lin-côn (1809 - 1865) viết: -

"Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi".

   "Nói không với thái độ thiếu trung thực trong thi cử" đang là một vấn đề cần thiết phải làm ngay đối với ngành giáo dục. Bên cạnh việc tuyên truyền giáo dục ý thức trung thực là những biện pháp kỉ luật nghiêm minh, đủ sức răn đe những thí sinh có ý định gian lận trong thi cử. Trước hết, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có sự đổi mới trong cách ra đề thi, đòi hỏi người thi phải có tư duy và phương pháp làm bài chứ không tạo cơ hội cho họ sao chép. Đổi mới cách ra đề thi là một cách hạn chế tiêu cực trong thi cử khá hiệu quả. Mặt khác, công tác coi thi cần được thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm. Nếu giám thị coi thi không nghiêm túc thì không thể đòi hỏi sự nghiêm túc ở thí sinh. Đối với các thí sinh có thái độ không trung thực trong thi cử cũng cần xử phạt nghiêm khắc tùy theo mức độ như trừ điểm hay huỷ bài thi, thậm chí cấm dự thi vĩnh viễn. Những điều sai trái trong thi cử phải bị xử lí trước pháp luật. Có như vậy mới lập lại được trật tự kỉ cương nơi trường thi và mới xoá bỏ được bất công: kẻ lười biếng, dốt nát, dối trá thì đỗ, còn người chăm chỉ, học khá, trung thực thì lại trượt. Hi vọng trong một thời gian không xa, các kì thi sẽ trở nên nghiêm túc và trường thi đúng là nơi đánh giá chính xác về mặt chất lượng học tập của học sinh và giảng dạy của giáo viên. Các kì thi sẽ là nơi đọ sức, so tài để phát hiện ra những hiền tài phục vụ cho sự nghiệp dựng xây đất nước giàu mạnh. Thật đáng buồn trước thái độ thiếu trung thực trong thi cử! Vì đằng sau chuyện gian lận thi cử là ngần ấy thí sinh bị kỉ luật, đình chỉ thi. Hiện tượng này báo hiệu sự xuống cấp đạo đức xã hội trong đó có đạo dức của học sinh, sinh viên. Mục đích thi cử rõ ràng là để lựa chọn những người đủ tâm, đủ tài cho đất nước. Cho nên ngay từ bây giờ mọi người hãy hưởng ứng tích cực cuộc vận động của ngành giáo dục: "Nói không với thái độ thiếu trung thực trong thi cử". Và bản thân học sinh phải nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của việc học để chú ý trau dồi, rèn luyện cả đức lẫn tài, vì:

"Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó".

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
0
0
Đặng Bảo Trâm
07/04/2018 11:24:46

Đề 3: Về một truyện ngắn trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam mà anh (chị) yêu thích.

Bài làm

   Văn xuôi hiện đại Việt Nam đóng góp tên tuổi của mình bằng hàng loạt các nhà thơ, nhà văn với những tác phẩm tiêu biểu, mang đậm dấu ấn cá tính và phong cách riêng. Sau năm 1975, cùng với những thay đổi lớn lao của lịch sử dân tộc, văn học cũng có nhiều thay đổi. Hàng loạt các nghệ sĩ mới ra đời. Những nghệ sĩ trước đó giờ đây xuất hiện trong một hình ảnh mới, với những cách khai thác cuộc sống đầy mới mẻ. Nguyễn Minh Châu, nhà văn của những cuộc hành trình đi tìm hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người cũng là một trong số ấy. Cùng với rất nhiều các sáng tác khác, "Chiếc thuyền ngoài xa" thực sự là một tác phẩm hay, để lại nhiều ấn tượng trong lòng người đọc bởi giá trị nhân đạo và nhân văn sâu sắc. Tác phẩm cũng tập trung những nét tiêu biểu trong phong cách nghệ thuật của chính nhà văn.

   "Chiếc thuyền ngoài xa" là câu chuyện kể về cuộc hành trình đi tìm cái đẹp của người nghệ sĩ. Do đòi hỏi của công việc, nhà nhiếp ảnh đến với một vùng quê chài lưới mong chụp được những khoảnh khắc tuyệt diệu. Mọi cố gắng gần như trở thành vô nghĩa cho đến một ngày anh ta "chộp" được vẻ đẹp trời cho như "...bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét lòe nhòe vào sương mù màu trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do có ánh mặt trời chiếu vào. Vài người lớn dẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. Tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới. Toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp". Cái đẹp hoàn thiện tưởng như đã được khám phá ra thì lại vấp phải một hiện thực phũ phàng, lại chứa đựng sau nó những cái phi nghệ thuật. Đằng sau đó là một người chồng lúc nào cũng rượu chè, đánh đập vợ con; một người vợ khốn khổ nhưng đầy lòng vị tha; những đứa trẻ đáng thương đã sớm bị gieo vào trong lòng sự hận thù. Câu chuyện đi vào khai thác những mâu thuẫn trong cuộc sống cũng như trong nghệ thuật, giàu sức triết lí, tính nhân văn và nhân đạo cao cả nên có sức hấp dẫn lớn.

   Tìm hiểu truyện ngắn này, ta bắt đầu từ ngay tên đề của nó. Cũng giống như rất nhiều truyện ngắn khác của mình, ở ngay từ tên đề của câu chuyện, Nguyễn Minh Châu đã gợi mở cho người đọc rất nhiều điều. "Chiếc thuyền ngoài xa", chính vì vậy nên nó mới trở nên bí ẩn và khó nắm bắt, dự báo nhiều điều bất ngờ. Cốt truyện xoay quanh những vấn đề gần gũi trong cuộc sống, về số phận và hạnh phúc của con người trên con đường mưu sinh vất vả. Nhân vật chính trong tác phẩm là hình tượng người đàn bà làng chài. Nó nằm trong hệ thống hình ảnh về người phụ nữ như Nguyệt trong "Mảnh trăng cuối rừng", Liên trong "Bến quê", Thai trong "Cỏ lau"., những người luôn được Nguyễn Minh Châu dành cho sự ưu ái đặc biệt. Với quan niệm mình là người sinh ra "để thét lên nỗi khổ của con người", nhà văn đã xây dựng nên một hình tượng phụ nữ khốn khổ nhưng có tâm hồn cao đẹp.

   Bên trong cái vẻ quê mùa, thô kệch, cam chịu của bà là cả một sức sống và tình thương yêu mãnh liệt. Nhân vật để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc với những lời tâm sự tự đáy lòng: "Chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của một người đàn bà trên chiếc thuyền không có đàn ông (...). Đám đàn bà làng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn, nuôi dưỡng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa. Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con rồi nuôi con cho đến lúc khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi sống cho con chứ không sống cho mình như ở trên đất được". Đó không phải là thứ suy nghĩ cam chịu mà là một sự hi sinh lớn lao. Người phụ nữ thậm chí còn tỏ ra đồng cảm với người đày đọa mình. "Bất kể lúc nào khổ quá là lão xách tôi ra đánh, cũng như đàn ông thường hay uống rượu". Bởi xét cho cùng người chồng vừa là thủ phạm gây ra đau khổ cho người thân vừa là nạn nhận của chính cuộc sống khốn khổ ấy. Giọt nước mắt van xin khi người phụ nữ lạy con mình tha cho bố của nó một lần nữa khắc họa sự hi sinh cao cả và vẻ đẹp nữ tính trong người phụ nữ. Cái lạy vừa là một lời van xin đứa trẻ đừng thù ghét cha nó, đừng giống cha nó sau này, còn là lời xin lỗi vì "vòng tay mẹ hữu hạn, không thể che chở, bao bọc được hết cho con". Cái tài năng của Nguyễn Minh Châu là để cho bạn đọc đi từ băn khoăn, thậm chí cảm thấy khó hiểu về nhân vật, sau đó dần dần gợi mở và thuyết phục họ bằng chính vẻ đẹp ẩn sâu trong hình tượng, thứ vẻ đẹp không hoa mĩ, cầu kì mà gần gũi, giản dị.

   Truyện xây dựng khá nhiều tình huống, sự kiện bất ngờ dẫn tới một tình huống mâu thuẫn xuyên suốt là mâu thuẫn trong hành trình đi tìm cái đẹp đích thực. Người nghệ sĩ khi chớp được bức ảnh kia thoạt đầu đã coi nó là "cái đẹp tuyệt đích" và chiêm nghiệm: "bản thân cái đẹp là đạo đức". Ngay sau đó anh ta lại vấp phải một nghịch lí, một điều bất ngờ đầy trớ trêu: từ trên chiếc thuyền bước ra là những con người xấu xí, mệt mỏi, cam chịu, thậm chí là thô lỗ, hoang dại. Trên đó tồn tại sự bạo hành, đánh đập dã man. Cái mà người nghệ sĩ săn đuổi cuối cùng lại mang đến một kết quả không mong muốn. Thước phim huyền diệu được rửa bởi thứ thuốc rửa quái đản của ngang trái, xấu xa. Bi kịch trong con người hiện lên thật đáng sợ. Tác phẩm như một minh chứng tiêu biểu cho quan niệm của tác giả: "Nhà văn tồn tại ở trên đời trước hết để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hay số phận đen đủi dồn đến chân tường, bênh vực cho những con người không còn được ai bênh vực". vẫn là cái đẹp ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người nhưng giờ đây nó không có là cái đẹp lãng mạn được bao bọc trong "bầu không khí vô trùng" mà là cái đẹp bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống bộn bề. Tác phẩm đặt ra cho độc giả câu hỏi: Thế nào là nghệ thuật đích thực? Và trả lời nó là một triết lí rút ra từ sự chiêm nghiễm: Cái đẹp hoàn thiện phải là sự kết hợp giữa vẻ đẹp của nghệ thuật và cái đẹp trong cuộc sống. Đây mới là điều cần thiết của nghệ thuật, cái không chỉ Nguyễn Minh Châu mà còn rất nhiều người khác đang kiếm tìm.

   Cái làm nên sức hấp dẫn của "Chiếc thuyền ngoài xa" không chỉ là nội dung phản ánh trong tác phẩm, thông qua hình tượng nhân vật, tư tưởng, tình cảm của tác giả mà còn là ở phương diện nghệ thuật. Nét độc đáo và sáng tạo trong nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu thể hiện trong tác phẩm là nghệ thuật xây dựng nhân vật, xây dựng tình huống truyện, nghệ thuật kể chuyện, ngôn ngữ truyện. Đặc biệt, triết lí làm cho tính nhân văn, nhân đạo của tác phẩm càng trở nên sâu sắc. Câu chuyện được kể lại qua nhân vật người kể chuyện xưng "tôi". "Tôi" vừa là nhân vật tham gia vào truyện lại vừa là người chứng kiến nên có thể kể lại câu chuyện một cách chi tiết, chính xác mà không mất đi tính khách quan của nó. Thông qua những băn khoăn trăn trở và đốn ngộ của "tôi" mà tác phẩm dần gợi mở trước người đọc hiện thực xã hội, cuộc sống con người cũng như bản chất đích thực của cái đẹp.

   Hình tượng nhân vật trong truyện được miêu tả chọn lọc trong một vài chi tiết nhằm phục vụ vào mục đích nghệ thuật nhất định. Người dân chài lưới được khắc họa ở những đường nét ngoại hình khắc khổ, in hằn lên trên đó là sóng gió là muối mặn của biển khơi. Người phụ nữ mang dáng dấp thô kệch của một người lao động chân tay vất vả, nhưng tấm lòng thì lại thật bao dung, độ lượng. Nhà văn đã tỏ ra rất thành công khi tạo ra sự đối lập ấy để thực hiện mục đích của mình, khẳng định vẻ đẹp đích thực trong cuộc sống.

   Khi người nghệ sĩ phát hiện ra sự thật ẩn giấu đằng sau cái đẹp tưởng như toàn thiện cũng là tình huống để cho những mâu thuẫn xung đột được đẩy lên cao trào. Cái được coi là đẹp thực ra mới chỉ là sự nhìn nhận từ bên ngoài. Phía sau nó, là hiện thực trần trụi và đen tối. Để có được cái đẹp đích thực, nghệ thuật lại phải một lần nữa hành trình để kiếm tìm và cuộc hành trình này tất nhiên cũng không hề dễ dàng. Nếu không có một tâm hồn lớn, một sự đồng cảm sâu sắc nhà văn sẽ không tìm thấy viên ngọc ẩn giấu sau lớp vỏ hiện thực trần trụi kia. Điều đó cũng giống như việc người nghệ sĩ trong tác phẩm, sau sự ngộ nhận đầu tiên nếu như không khám phá ra vẻ đẹp tiềm ẩn trong người đàn bà làm nghề chài lưới kia có lẽ sẽ vĩnh viễn mất đi niềm tin vào sự tồn tại của cái đẹp trong cuộc sống.

   "Mỗi tác phẩm là một phát minh về hiện thực và một khám phá về nội dung" (Lê-ô-nít Lê-ô-nốp). "Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu không chỉ là sự khám phá, sáng tạo so với các nhà văn khác mà còn là sự sáng tạo trong chính sáng tác của nhà văn. Tác phẩm cho thấy một hướng quan niệm mới, tiến bộ hơn trong hành trình đi tìm cái đẹp ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn mỗi con người của ông, cái đẹp không mang màu sắc lãng mạn nữa mà gắn liền với hiện thực trần trụi. "Cái đẹp là cuộc sống". Tác phẩm đã góp phần trả lời cho câu hỏi: nghệ thuật là gì? Cái đẹp là gì? - câu hỏi mà bấy lâu nay rất nhiều người vẫn mong muốn có thể được giải đáp một cách thích đáng nhất. Đặt trong thời kì hiện đại, khi mọi giá trị đang dần có sự thay đổi, câu trả lời của Nguyễn Minh Châu có giá trị lớn lao đối với con người, đặc biệt là với người nghệ sĩ.

   Một tác phẩm nghệ thuật đích thực là tác phẩm có khả năng khơi gợi trong lòng con người những tình cảm tốt đẹp, giúp cho con người sống với nhau ngày càng nhân ái hơn. Đó cũng chính là những gì Nguyễn Minh Châu đã làm được trong "Chiếc thuyền ngoài xa". Và như một lẽ dĩ nhiên, tác phẩm đã đi sâu vào lòng người và sẽ luôn được độc giả yêu thích, trân trọng.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư