Văn học Việt Nam có nhiều áng văn chương tuyệt tác, ca ngợi cuộc khởi nghĩa hào hùng năm 40 của Hai Bà Trưng cùng toàn dân phá ách nô lệ Đông Hán giành độc lập cho nước ta, thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất.
Trong số đó, bài Trưng Nữ Vương (1939) của nữ sĩ Ngân Giang bằng những vần thơ mỹ lệ đã đồng cảm, tinh tế chia sẻ với nỗi niềm chất chứa “nợ nước, thù chồng” của bà Trưng Trắc:
Ải Bắc, quân thù kinh vó ngựa,
Giáp vàng khăn trở, lạnh đầu voi.
Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá,
Trăng chếch ngôi trời, bóng lẻ soi.
* Câu 3 (kỳ 2, giai đoạn I): Hãy cho biết cảm nhận của bạn về câu chuyện lịch sử: “nợ nước, thù chồng"?
Trên ngai vàng cao trọng, giữa cung điện huy hoàng, bốn bề núi sông, quân thù sạch bóng, nỗi sầu cô quạnh của bà Trưng mới da diết làm sao!
Bà đang thầm nhớ một người, đang trĩu nặng một nỗi lo trọng đại...
... Thi Sách, người chồng anh hùng bạc mệnh. Lương duyên giữa ông và bà - giữa hai gia đình Lạc tướng Chu Diên và Mê Linh - là mối dây liên kết đầy triển vọng, hợp quần sức mạnh dân Việt.
Đó cũng là cái gai chọc vào mắt quân đô hộ.
Giết được ông, thái thú Tô Định vội mừng đã trấn áp được tinh thần dân chúng. Hắn phải kinh hoàng tháo chạy cùng tàn quân Hán khi hùng binh tướng sĩ theo bước voi chiến Hai Bà Trưng, ồ ạt tràn vào thành Luy Lâu như nước vỡ bờ.
Nỗi căm hờn quân bạo ngược dồn nén bấy lâu, món nợ với non sông đang chìm đắm trong xích xiềng nô lệ nay lại thêm mối thù chồng. Phẫn uất như giọt nước tràn ly đã tiếp thêm sức mạnh quật cường cho hai bà cùng dân tộc Việt vùng lên đánh đuổi quân thù ra khỏi biên cương.
... Nợ nước đã lo. Thù chồng đã trả. Trên ngôi nữ vương một nước độc lập tự chủ bà Trưng vẫn chưa thể an lòng. Kẻ thù hùng mạnh, hiểm ác có khi nào nguôi dã tâm xâm lược. Nhất định chúng không để yên lâu dài cho nước ta...
Năm tháng đi qua, tên tuổi Hai Bà Trưng mãi mãi sáng ngời lịch sử.
Nỗi niềm nợ nước thù chồng thuở nào bà Trưng đã lo toan trọn vẹn. Điều còn đọng lại là bài học nằm lòng cho hậu thế. Nước mất ắt nhà tan. Đó là điều tất yếu.
Phụ nữ nước Nam với truyền thống “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh!” phải chăng đã được khởi xướng từ thời đại oai hùng của hai bà?
Xin hai bà hãy an nghỉ trong khói hương muôn đời tưởng nhớ!
Hồn thiêng sông núi, tiền nhân hãy yên lòng!
Cháu con đời sau sẽ mãi mãi khắc ghi những bài học lịch sử máu xương!
NGUYỄN KHẮC TOÀN
(P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
* Ải Bắc, quân thù kinh vó ngựa,
Giáp vàng khăn trở, lạnh đầu voi.
Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá,
Trăng chếch ngôi trời, bóng lẻ soi.
(Ngân Giang)
Ngày 26-3-1969 tại giảng đường Trường đại học Văn khoa Sài Gòn, khi bình bài thơ Trưng Nữ Vương của Ngân Giang, tới đoạn cuối trích dẫn trên, nhà giáo Đông Hồ xúc động quá, đột tử giữa trang thơ, bỏ dở bài giảng về cái tang Thi Sách!
Gần 2.000 năm sau, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng vì “nợ nước, thù chồng” vẫn còn gây xúc động lòng người, thật xứng đáng là niềm tự hào về truyền thống yêu nước thương nhà, về đạo lý làm người của dân tộc ta nói chung, của phụ nữ Việt Nam nói riêng.
Suốt 250 năm bị phong kiến phương Bắc thống trị, lần đầu tiên bùng nổ cuộc khởi nghĩa rộng lớn đuổi xâm lược, khẳng định chủ quyền đất Nam Việt với người lãnh đạo là khách “hồng quần” mà “việc dựng nước, xưng vương dễ như trở bàn tay” (sử gia Lê Văn Hưu)! Một dấu son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm, một dấu son chói lọi về nữ quyền trong dân tộc Việt. Cuộc khởi nghĩa đền nợ nước, trả thù nhà trọn vẹn riêng chung, mở trang sử độc lập tự chủ cho đất nước. Hai bà xứng đáng là anh hùng dân tộc vô song, anh linh hai bà còn mãi với nước non Hồng Lạc.
Cờ nghĩa Mê Linh đã hội tụ được khoảng 70 tướng lĩnh muôn phương, trong đó một phần ba là nữ tướng mưu lược, sau này được muôn dân hương khói phụng thờ, quả là một tập thể phụ nữ anh hùng mở đường cho hậu thế tiến lên mà tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Bà Triệu sau đó 200 năm. Các vị nữ anh hùng được vinh dự đứng hàng đầu các anh hùng dân tộc nối tiếp nhau tỏa sáng trang sử Việt: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… Với cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, lần đầu tiên và cũng là độc nhất trong lịch sử một nữ anh hùng đuổi giặc cứu nước, xưng vương, khẳng định nước Nam có chủ. Dẫu rằng “Hai Bà thất thế phải liều với sông” và vương nghiệp không được lâu dài nhưng khí phách anh hùng quả là khó sánh:
“Trước là nghĩa, sau là trung
Kể trong lịch sử anh hùng ai hơn”.
(Đại Nam quốc sử diễn ca)
NGUYỄN TẾ NHỊ
(H4 cư xá Đài PTTH Đồng Nai)
* Trong lịch sử xây dựng đất nước và chống ngoại xâm, chưa có dân tộc nào lại xuất hiện nhiều nữ tướng tài ba như ở nước ta. Câu chuyện lịch sử “nợ nước, thù chồng” chính là nói về Hai Bà Trưng.
Đầu thế kỷ 1, nước ta bị nhà Hán đô hộ. Thái thú quận Giao Chỉ là Tô Định nổi tiếng tham lam, tàn bạo. Bấy giờ ở huyện Mê Linh (vùng đất nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và Hà Tây) có hai chị em sớm có lòng căm thù giặc, căm thù quân xâm lược. Trưng Trắc thường nói với em: “Giặc Hán tàn bạo đã gieo rắc bao nhiêu đau thương, tang tóc cho dân ta. Chị chỉ muốn đập tan ngay mọi nỗi bất bình, giết hết loài giặc Hán, cứu muôn dân ra khỏi cảnh lầm than, chứ không thể ngồi yên trong chốn phòng the được”…
Trưng Nhị cũng bày tỏ: “…Nhìn thấy non sông nghiêng ngả, giống nòi lầm than em cũng vô cùng căm giận, muốn đập tan tành những bất công, tàn bạo đó".
Trí lớn của hai chị em và cuộc duyên giữa Trưng Trắc - Thi Sách dường như đã chắp thêm đôi cánh cho Trưng Trắc. Thi Sách không chỉ là người chồng mà còn là người bạn tâm giao cùng sát cánh trong việc mưu sự nghiệp lớn.
Chính lúc đó Thi Sách bị Tô Định bắt và giết hại. Hai Bà Trưng càng quyết tâm khởi nghĩa để đền nợ nước, trả thù nhà.
Mùa xuân năm 40, tại cửa sông Hát (Hát Môn, Hà Tây), Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa. Nghĩa quân nhanh chóng làm chủ Mê Linh, rồi đánh chiếm Cổ Loa, Luy Lâu, trung tâm của chính quyền đô hộ. Bị đòn bất ngờ, quân Hán không dám chống cự, bỏ hết của cải, vũ khí lo chạy thoát thân. Tô Định sợ hãi đã cắt tóc, cạo râu, giả thường dân, lẩn vào đám tàn quân trốn về Trung Quốc. Trong vòng không đầy một tháng, cuộc khởi nghĩa hoàn toàn thắng lợi.
Trưng Trắc lên ngôi vua, xưng là Trưng Vương. Cuộc sống tự do thanh bình đã trở lại trên đất Việt. “…Cầm quyền đại tướng, hơn 60 thành thu về một mối.
Làm chúa anh hùng, 4.000 năm độc lập mở màn đầu…”.
Ba năm sau, nhà Hán sai Mã Viện và Lưu Long đem quân sang nước ta theo đường biển, san núi làm đường với lực lượng rất đông, một cuộc hỗn chiến không cân sức quyết liệt đã nổ ra. Hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị dựa lưng vào nhau mà đánh. Nhưng thế cùng, hai bà đã hi sinh. Đó là mùa xuân năm Quý Mão, hai bà mới 29 tuổi xuân.
Nợ nước, thù chồng đã thể hiện rõ nét tại hội thề Hát Môn. Nội dung ấy như sau:
Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin trở lại nghiệp xưa họ Hùng,
Ba khỏi oan ức lòng chồng
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này.
Noi gương những người đi trước, phụ nữ Việt Nam bao thế hệ tiếp bước theo sau đã thể hiện lòng yêu nước, căm thù giặc viết tiếp trang sử vàng chói lọi, làm rạng rỡ thêm sắc màu bức tranh lịch sử chống cường quyền, chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.