Đề 12:
C3:
Ai đó hay gọi mùa gặt lúa là “mùa vàng”. Cũng phải thôi, mới tháng 4, những thân cò trắng toát lặng lẽ kiếm ăn bên từng đám lúa xanh thì con gái. Lâu lâu không qua, tháng 6 lúa đã vàng, cò đi hết, những cánh đồng được trải kín bởi một màu duy nhất: vàng rực rỡ. Lúa đã qua thì con gái, đã ăn đủ nước, đủ chất, đủ mồ hôi, nay trả lại người những hạt vàng căng mẩy. Hàng trăm hạt thóc nhỏ như đám trẻ ăn no, nằm gối vào nhau, kéo trĩu cây mẹ đã héo hon, vàng võ xuống sát mặt ruộng. Cánh đồng rộn ràng vào mùa gặt.
Mùa lúa chín- mùa gặt, nông dân đổ ra đồng. Theo tay liềm, những thân lúa đổ xuống thành dãy gọn gàng, những cây lúa, hạt thóc vàng rời đất mẹ nằm im lìm đợi được gom về. Lúa được bó lại đem tuốt. Bên này tiếng máy tuốt xình xình kêu, lúa bỏ vào máy, thóc ra một đằng, rơm bay vèo vèo ra một nẻo. Bên kia bạt được trải ra, bàn đập được mang tới; bó lúa nâng lên, hạ xuống chạm vào bàn, những hạt vàng bắn ra long lanh trong nắng. Thóc không tự chảy về nhà như trong truyện cổ tích, người trồng lúa không ngồi nhà đợi thóc về, họ phải đánh đổi: đổi những ngày dãi nắng dầm mưa, đổi những hạt mồ hôi, đổi tấm lưng còng lấy hạt thóc đem về. Bên thửa ruộng còn trơ cuống rạ, Bác nông dân có chòm râu bạc, khuôn mặt đỏ nắng ướt đẫm mồ hôi dang tay dồn thóc vào bao, chất lên xe bò kéo về nhà…
Hình như miền núi không cấy đồng loạt như miền xuôi, cho nên trong khi có người vẫn đang gặt lúa, thì cách đó không xa, có những thửa ruộng gặt xong đã trơ thân rạ làm thức ăn cho trâu bò. Hình như cũng chỉ mùa này trâu, bò mới được tự do trên đồng đến thế, con đứng gặm rạ ràn rạt, con nằm vểnh tai mơ màng ngẫm nghĩ, con lại cuồng chân chạy thục mạng trên đồng khiến lũ chim giật mình bay tung. Tiếng líu ríu chim sẻ, tiếng tinh tang lục lặc trâu, tiếng cười nói hòa vào nhau rộn ràng, yên ấm. Vài cô bé đội nón trắng, tranh thủ lúc thả trâu, đi mót những nhánh lúa sót lại, lúa vẫn vàng, hạt vẫn căng đầy như thiếu nữ mười tám. Các chú bé lại có thú vui khác, tay mỗi người đều có một chiếc lọ nhỏ, tay kia huơ huơ trên những gốc rạ, mỗi lần huơ huơ là một con cào cào hay châu chấu nằm gọn trong lòng bàn tay. Tiếng cười hồn nhiên vang dội cánh đồng miền núi.
Cánh đồng mùa gặt là thế, lúc sôi động, lúc bình lặng. Sôi động là cảnh gặt, tuốt lúa, là tiếng cười đùa. Bình lặng là đàn trâu lặng lẽ đứng, nằm, là những đống rơm đốt dở khói lam, làn khói mỏng manh len lỏi trong từng đụn rơm, khóm rạ, hương khói quyện vào nắng chiều. Đứng trên đường, phóng tầm mắt về sát chân núi, chỉ thấy những làn khói mỏng bay vấn vít xen giữa màu xanh ngăn ngắt của ngô, của rừng. Khói bay lại, trên những lùm tre, trong tóc, trên áo. Không giống mùi thơm ngái của lúa xanh, chẳng giống mùi thơm mát của hạt lúa non trắng sữa. Mùi rơm cháy rất lạ, nồng nồng, khen khét, nhưng không dễ quên. Bởi khó quên, nên đâu đó, giữa phố thị đông đúc mới có người bất chợt thấy trong làn gió có mùi nếp mới bỗng nhớ về chõ xôi, nhớ mái tóc pha sương của mẹ, nhớ mùa lúa chín, nhớ những cánh đồng vàng ươm trong nắng, nhớ khói lam chiều và mùi khen khét, nồng nồng. Dù đi xa mấy, dù thời gian trôi lâu đến mấy, mùi lúa non, mùi rơm, rạ, mùi khói lam của mùa gặt vẫn không hề phai nhạt trong ký ức tuổi thơ mỗi con người. Nhớ lắm! Nhớ không thể quên! Bởi nó là mùi của quê hương, mùa của sự trở về.