Nét nổi bật ở chị Dậu là tấm lòng yêu chồng thương con tha thiết, là tính vị tha và đức hi sinh”. Đó chính là những tình cảm cao quý thiêng liêng mà chị luôn dành cho anh Dậu - chồng chị và những đứa con thơ. Chị là vợ của một anh nông dân nghèo kiết xác đến nỗi phải bán đứa con để lấy tiền nộp sưu, là mẹ của ba đứa con nhỏ dại trong cái gia đình đã “lên đến bậc nhất trong hạng cùng đinh”. Đó là hình ảnh gia đình chị Dậu nói riêng, gia đình những người dân Việt Nam dưới chế độ thực dân nửa phong kiến. Cuộc sống của cả gia đình chị Dậu đã vất vả chạy từng bữa ăn lại càng khó khăn hơn khi trong cái xã hội thối nát đó vẫn còn nhan nhản, đầy rẫy những kẻ như Nghị Quế vợ, Nghị Quế chồng, quan phủ Tư Ân, bọn cai lệ, người nhà lí trưởng...Thái độ nhẹ nhàng, ân cần của chị đối với chồng thật cảm động biết bao. “Rồi chị đón lấy cái Tỉu và ngồi xuống dó như có ý chờ xem chồng chị ăn có ngon miệng hay không? Một tình cảm yêu thương sâu nặng của chị Dậu được biểu hiện một cách kín đáo nhưng vẫn sâu sắc, đậm đà biết bao qua việc quạt cháo cho nguội, ân cần mời chồng rồi xem chồng ăn có ngon miệng không. Tình thương dó của chị còn được biểu hiện qua khía cạnh khác: việc chị bảo vệ chồng khỏi đòn roi của bọn cai lệ. Khi chúng sấn sổ đến trói anh Dậu thì “Chị Dậu xám mặt” vội vàng đặt con bé xuống chạy đến đỡ tay hắn: “Cháu van ông, nhà cháu vừa mới tỉnh được một lúc, các ông tha cho". Cách xưng hô “ông - cháu” ấy thể hiện rõ thái độ nhẫn nhục của chị Dậu. Nhưng chị nhẫn nhục chỉ vì muốn cứu chồng. Ban đầu chị Dậu nhẫn nhục chịu đựng, dùng lời lẽ ngon ngọt mong cứu được chồng. Nhưng chúng chẳng những không tha cho mà còn đánh cả mình khiến chị thay đổi cách xưng hô từ “ông - cháu” đến “ông - tôi”, rồi “mày - bà”. Cách thay đổi thái độ nhanh chóng như vậy thể hiện việc chị không thể chịu đựng cảnh chồng bị đánh. Dù mình bị đánh, chị vẫn cố gắng nài nỉ van xin đừng đánh chồng chị. Rồi việc chị thay đổi thái độ, ngôn ngữ đã hàm chứa sự phản kháng quyết liệt để bảo vệ chồng. Và đỉnh cao của tình cảm yêu thương của chị đối với chồng chị là việc chị đánh thắng tên cai lệ và người nhà lí trưởng. Đó là một chiến thắng vẻ vang vì một người đàn bà chân yếu tay mềm lại chiến thắng và chiến thắng dễ dàng trước hai gã đàn ông. Chính việc thương chồng, lo chồng bị đánh đã biến thành sức mạnh để chị chiến thắng hai tên cai lệ và người nhà lí trưởng, bảo vệ chồng mình. Qua đó ta thấy hiện lên hình ảnh một người vợ nông thôn hết mực thương yêu chăm sóc chồng. Nhưng bên cạnh đó, hình ảnh chị Dậu còn là hình ảnh một người mẹ rất mực yêu thương các con. Phải bán cái Tí, chị như đứt từng khúc ruột. Khi về nhà chị vẫn chưa nói cái tin sét đánh đó cho cái Tí nghe mà âm thầm chịu đựng. Nhưng sự hiếu thảo ngoan ngoãn của cái Tí vô tình lộ ra đã như lưỡi dao găm vào lòng chị, khiến chị càng nước mắt ngắn nước mắt dài. Người mẹ nào sau những ngày tháng “mang nặng đẻ đau” mà chẳng thương yêu con.