2/- Hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ được miêu tả khá sắc nét, chân thực và sinh động với tài điều binh khiển tướng, tài mưu lược, quyết đoán, có ý chí quyết chiến quyết thắng, có tầm nhìn xa trông rộng.
+ Nhận định tình hình sáng suốt, tài điều binh khiển tướng: Sáng suốt nhận định tình hình, quyết định tiến quân ra Bắc tiêu diệt giặc; lời lẽ sắc bén, kích thích được tinh thần tự tôn dân tộc của tướng sĩ, có tư tưởng nhân đạo,...; lên kế hoạch đánh giặc, sử dụng chiến lược, chiến thuật hợp lí, độc đáo (cách hành quân thần tốc, cách chống lại súng của giặc, chiến thuật nghi binh,...).
+ Hành động mạnh mẽ, quyết đoán: Nhận được tin báo quân Thanh chiếm đóng Thăng Long, liền họp các tướng sĩ, đích thân cầm quân đi ngay; lên ngôi hoàng đế, đốc suất đại binh ra Bắc dẹp giặc; gặp Nguyễn Thiếp để hỏi cơ mưu; tuyển mộ quân lính ở Nghệ An, duyệt binh, phủ dụ quân sĩ; biết dùng người, đối đãi công bằng.
+ Có ý chí quyết chiến quyết thắng, có tầm nhìn xa trông rộng, mạnh bạo, tự tin trong kế sách đánh giặc, tính toán trước sau chu toàn (trước khi đánh giặc đã tính đến cả đốì sách với giặc sau khi chiến thắng),...
- Hình tượng vua Quang Trung đã được các tác giả trong Ngô gia văn phái miêu tả với đầy đủ những phẩm chất, vẻ đẹp của một vị anh hùng dân tộc. Các tác giả Ngô gia văn phái vốn trung thành với nhà Lê mà vẫn viết về vua Quang Trung với một tinh thần ngợi ca như vậy là do chính tài năng, đức độ của
Nguyễn Huệ; mặt khác, các tác giả này đã đứng trên tinh thần dân tộc, tôn trọng sự thật lịch sử mà phản ánh, vì thế tác phẩm có tính chân thực cao, giàu sức thuyết phục. Tác phẩm không chỉ phản ánh một cách khách quan sự thật lịch sử mà còn gửi gắm vào đó những quan điểm tư tưởng, tình cảm của các tác giả. Đây cũng là điểm đặc sắc của thể loại tiểu thuyết lịch sử.