Trong truyện Kiều, Nguyễn Du tả cảnh mùa xuân:
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Câu thơ như một bức tranh. Có người nói rằng đây không phải là Nguyễn Du sáng tạo nên mà chẳng qua ông đã dịch ra từ câu thơ chữ Hán:
Phương thảo liên thiên bính
Lê chi sổ điểm hoa
Cứ cho là như vậy thì tài năng dịch tuyệt vời ấy chẳng đáng quý hay sao? Hơn nữa Nguyễn Du đâu chỉ dịch mà còn sáng tạo. Cái màu “trắng” của hoa lê kia làm gì có trong câu thơ chữ Hán? và sắc trắng độc đáo đó cứ ngời ngợi lên trên sắc xanh của màu trời, sắc cỏ, làm cho bức tranh xuân càng thêm lộng lẫy.
Điều đáng nói ở đây không chỉ là sắc trắng do họa sĩ Nguyễn Du thêm vào. Với tư cách nhà thơ, nghệ sĩ của ngôn từ, Nguyễn Du đã đặt từ “trắng” vào vị trí nổi bật nhất của câu thơ. Nếu chúng ta đảo vị trí từ “trắng” câu thơ sẽ được viết như sau:
Cành lê điểm trắng một vài bông hoa
Ý nghĩa thông báo của câu thơ không thay đổi. Theo mô hình câu thơ lục bát bình thường, cũng không có biến đổi gì đáng kể vì hai từ hoán vị cho nhau đều là thanh trắc. Vâng, đúng vậy. Nhưng xem lại, bức tranh đã mất đi sự hài hòa màu sắc vì cặp từ “xanh” và “trắng” không còn đối chọi với nhau ở hai câu thơ. Mặt khác, cả câu bát có ba từ mang thanh trắc cao lên, trội lên trên nền những thanh bằng. Trong liên kết bộ ba ấy, nếu từ “trắng” đứng ở giữa như chúng ta giả định, nó sẽ có nguy cơ bị hòa lẫn, bị hai từ kia lấn át. Nhưng nguyên nhân vấn đề là ở cách nhìn nhận sự vật của nhà thơ- họa sĩ Nguyễn Du. Khi nhìn vào cành lê, ấn tượng mạnh mẽ đầu tiên là màu trắng. Trong hội họa màu trắng được coi là màu gốc. “Những màu đó nằm ở trong tâm trường nhìn trong mắt ta. Màu gốc mà lại để nguyên...” luôn luôn gợi cảm giác gần “đập ngay vào mắt”.
Sau ấn tượng về sắc trắng, tập trung nhìn kỹ hơn mới phân biệt rõ thêm màu trắng đó không liền một mảng, một dải, mà là điểm xuyết. Phân biệt được những “chấm trắng” bấy giờ mới nhận ra chúng là những bông hoa. Bởi vậy “cành lê trắng điểm một vài bông hoa” là một trật tự sắp xếp tuân theo quy luật nhận thức bằng thị giác không thể thay đổi được. Nhà thơ - họa sĩ Nguyễn Du đã nhìn như vậy và đã để lại cả dấu ấn, cách nhìn hiện thực của mình. Cấu trúc của câu thơ đạt đến mức hoàn hảo tối đa, vừa đúng với quy luật nhìn bằng mắt từ bao quát đến cụ thể, vừa đảm bảo được cả sự hài hòa về màu sắc đối chọi với âm thanh.
Cần nói thêm rằng Nguyễn Du dùng chữ “điểm” cũng thật tài tình. Chữ “điểm” gợi sự tô điểm của thiên nhiên và còn gợi sự điểm xuyết của một nghệ sĩ tài năng, tinh tế. Nếu thay thế chữ “điểm” bằng chữ “nở” câu thơ sẽ kém ngay về thanh nhã, mặc dù âm thanh, nhạc điệu câu thơ không thay đổi. Nguyễn Du đã không thay như vậy và chính vì thế ông là Nguyễn Du.