Cách làm bài
Cách làm mở bài
Mở bài của bài văn nghị luận xã hội về một vấn đề đặt ra trong một tác phẩm văn học cần đi theo các bước:
- Dẫn dắt vào đề.
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề xã hội được rút ra từ tác phẩm đó.
- Trích dẫn câu văn, câu thơ hoặc đoạn văn, đoạn thơ có chứa vấn đề xã hội nêu trên (nếu đề ra yêu cầu).
Cách làm thân bài
Thân bài là trọng tâm của bài viết, là nơi giải quyết vấn đề cần nghị luận. Đối với thân bài của một dạng đề nghị luận xã hội về một vấn đề đặt ra trong một tác phẩm văn học phải đảm bảo được 2 nội dung lớn:
- Phần thứ nhất (phần phụ): người viết cần phân tích văn bản (nếu cần thiết có thể nêu tóm tắt văn bản trước) từ đó rút ra ỹ nghĩa của vấn đề. Cần lưu ý rằng ở phần này chỉ được giải thích và phân tích một cách khái quát rồi chốt lại vấn đề chứ không được phân tích quá đà. Khi chuyển sang phần hai cần chú ý sử dụng các từ liên kết và chuyển ý một cách uyển chuyển, tăng sự mạch lạc, chặt chẽ cho văn bản.
- Phần thứ hai (phần chính): Khi đã có vấn đề được rút ra từ phần thứ nhất, người viết chỉ việc thực hiện các thao tác như khi làm một bài văn nghị luận xã hội về một hiện tượng xã hội hoặc một tư tưởng, đạo lý. Cần chú ý xác định đúng dạng bài để có các thao tác làm phù hợp.
Cách làm kết bài
Kết bài có ý nghĩa tổng kết lại những vấn đề đã nêu ra ở phần mở bài và đã được giải quyết ở phần thân bài để tạo nên tính trọn vẹn cho bài viết. Ở dạng đề nghị luận xã hội về một vấn đề được nêu ra trong tác phẩm văn học thì phần kết bài thường khẳng định chung về ý nghĩa xã hội mà mà tác phẩm văn học đã nêu. Đồng thời liên hệ với bản thân cũng như gửi lời nhắn nhủ đối với mọi người.