Niềm vui như nhân lên, nỗi buồn như lắng xuống, sự yếu đuối được thay thế bằng ý chí, nghị lực, bởi con được tiếp thêm sức mạnh khi nghĩ về đôi bàn tay chan sạn ẩn chứa tình yêu thương, những hy sinh thầm lặng mẹ dành cho chúng con.
Con từng bị đeo bám bởi tâm lý hổ thẹn, mặc cảm vì mẹ là một người nông dân nghèo khó, quanh năm chân lấm tay bùn trong khi mẹ của các bạn con người thì là giáo viên, người là kế toán, văn thư, thậm chí có người còn là giám đốc một cơ quan danh tiếng.
Mỗi lần nghe bạn bè tự hào, hãnh diện khoe về mẹ mình con chỉ im lặng nuốt những tủi hờn vào trong. Con thầm trách mẹ sao không là một công chức nhà nước để con được mở mày mở mặt với đám bạn đồng trang lứa. Điều làm con xấu hổ nhất chính là bàn tay sần sùi, thô ráp, móng lúc nào cũng thâm đen vì quanh năm dầm bùn đất, lại có một ngón bị liệt của mẹ. Còn nhớ, có lần mẹ đến trường đón con, vừa thấy bóng con bước ra, mẹ tươi cười tiến lại, trìu mến khoác tay lên vai liền bị con cau mặt gạt ra rồi lảng mau đi chỗ khác vì sợ chúng bạn chê cười…
Hiểu rõ tâm tư của con, mẹ không trách mắng mà tỏ ra đồng cảm. Rất nhiều lần mẹ nhẹ nhàng tâm sự với con rằng ngày bé mẹ cũng rất tự ti khi bạn bè chê bai, cười nhạo đôi bàn tay xấu xí bằng biệt danh “búp chuối”. Nhưng sau những trải nghiệm, thăng trầm mẹ đã vững vàng lên, thậm chí mẹ còn tự hào vì tay mẹ không đẹp nhưng chưa từng làm điều xấu, gieo cái ác mà cần mẫn lao động chân chính kiếm tiền nuôi 4 đứa con học giỏi, nên người. Con đã chép miệng bỏ ngoài tai tất cả…
Con vẫn chỉ là một thằng con trai vô tâm, đáng trách nếu không có lần con bị ốm phải nhập viện năm học lớp 9. Thấy con sốt cao, người mướt mát mồ hôi mẹ vội vã cõng con trên tấm lưng gầy guộc chạy băng băng qua cánh đồng tới trạm y tế xã. Và rồi mẹ ôm chặt con trong vòng tay suốt dọc đường ngồi trên xe cấp cứu chuyển lên bệnh viện tỉnh. Trước khi vào phòng cấp cứu, con còn kịp thấy mẹ níu tay bác sĩ khẩn nài trong hàng lệ: “Xin bác sĩ hãy cứu lấy con em bằng mọi cách. Cháu mà có mệnh hệ gì em sẽ không sống nổi”.
Những ngày con nằm điều trị ở phòng hồi sức bàn tay mẹ ân cần bón cho con từng thìa cháo, dỗ dành con uống từng thìa nước cam, từng viên thuốc. Các cô, các bác trong họ đến thăm ngỏ ý đỡ đần thay để mẹ được nghỉ ngơi nhưng mẹ nhất quyết không chịu. Đêm đến lần nào tỉnh giấc con cũng thấy mẹ đang ngồi cạnh, bàn tay con được bao bọc trong sự ấm nóng, thân thương của bàn tay mẹ. Quá lo lắng cho bệnh tình của con nên người mẹ gầy rộc, da sạm đi, đôi mắt quầng thâm vì thiếu ngủ. Con vô cùng cảm động khi một lần chưa kịp ngủ say con nghe mẹ bộc bạch với bác bệnh nhân cùng phòng: “Khổ thân thằng bé, từ lúc sinh ra đến giờ đây là lần ốm nặng nhất. Giá mà có thể gánh bệnh thay cho con em còn nhẹ nhõm hơn là nhìn nó đau đớn thế”. Khoảnh khắc ấy nước mắt con cứ thế trào ra không sao ngăn nổi. Con cảm nhận rõ hơn ai hết tình yêu mẹ dành cho con ba la hơn trời biển. Con trách mình bấy lâu đã có những suy nghĩ và hành động không phải khiến mẹ bị tổn thương. Con hãnh diện về đôi bàn tay “khác người” của mẹ…
Giờ đây, đã trở thành sinh viên đại học nhưng mỗi lần về thăm nhà con vẫn thường gối đầu lên đôi tay mẹ để được ôm ấp, vỗ về. Niềm vui như nhân lên, nỗi buồn như lắng xuống, sự yếu đuối được thay thế bằng ý chí, nghị lực, bởi con được tiếp thêm sức mạnh khi nghĩ về đôi bàn tay chan sạn ẩn chứa tình yêu thương, những hy sinh thầm lặng mẹ dành cho chúng con. Với con, bàn tay mẹ kỳ diệu hơn tất thảy mọi thứ trên đời.