Qua nhân vật Vũ Nương, chúng ta nhận thấy được rất rõ tư tưởng nhân đạo của Nguyễn Dữ. Vũ Nương đẹp người đẹp nết, được Trương Sinh là người thất học, tính hay ghen cưới về với 100 lạng vàng. Trương Sinh phải đi lính trong nhóm đầu, Vũ Nương ở nhà chăm sóc mẹ chồng chu đáo và thay chồng nuôi con thơ, mẹ chồng mất thì lo ma chay chẳng khác gì con ruột. Chiến tranh chấm dứt, Trương Sinh về quê, hay tin mẹ mất thì rất đau buồn, đồng thời con thơ lại không nhận mình nên ghen tuông và nghi ngờ sự thủy chung của Vũ Nương. Vũ Nương chứng tỏ sự trong sạch của mình nên đã nhảy xuống sông tự vẫn. Phan Lang do cứu được Linh Phi nên được báo đáp, sau đó gặp được Vũ Nương, nhờ đó, Trương Sinh đã lập đàn giải oan cho vợ nhưng Vũ Nương không thể trở lại dương gian bởi định kiến của xã hội phong kiến quá hà khắc. Vũ Nương xuất thân từ con nhà nghèo khó, mang hình ảnh của người phụ nữ bình dân. Nàng đẹp người đẹp nết, thùy mị, hiền thục, có tư dung tốt đẹp. Về giá trị nhân đạo, biểu hiện trước hết ở giá trị ngợi ca, trân trọng vẻ đẹp của người phụ nữ thông qua hình tượng nhân vật Vũ Nương. Xuất thân từ tầng lớp bình dân nhưng ở Vũ Nương đã hội tụ đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam theo quan điểm Nho giáo (có đủ tam tòng tứ đức). Đặc biết tác giả đã đặt nhân vật trong tất cả các mối quan hệ làm toát lên vẻ đẹp ấy. Với chồng, nàng là người vợ hiền thục, luôn biết "giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hòa". Cuộc hôn nhân của nàng bước đầu diễn ra êm ả. Khi tiễn chồng ra trận, nàng bày tỏ suy nghĩ rằng không muốn chồng phải đi xa, mong chồng mau chóng quay trở về, nàng không mong danh tước mà chỉ mong bình yên. Qua đó thể hiện nàng là một người vợ lo lắng cho chồng, tình cảm yêu thương tha thiết qua những câu văn biền ngẫu, sự dịu dàng, ngọt ngào, chu đáo tận tình của Vũ Nương đã được tác giả khắc họa rất rõ nét. Đối với mẹ chồng, nàng chăm sóc tận tình, chu đáo. Khi bà mất, Vũ Nương lo ma chay chẳng khác gì con ruột. Mẹ chồng khen nàng, công nhận nàng là người con dâu có hiếu, là người vợ hiền thảo, hiếm có, rất đáng quý. Đặt vào thời điểm bây giờ, những lời khen của mẹ chồng đối với con dâu có lẽ là không hề hiếm, nhưng nếu đặt vào hoàn cảnh của nhân vật Vũ Nương thời bấy giờ, khoảng thời gian nhà Hồ đang có chiến tranh, ta mới thấy được định kiến của xã hội phong kiến bấy giờ là quá lớn lao, luôn chà đạp thân phận người phụ nữ. Vậy mà Vũ Nương đã được mẹ chồng hết lời ngợi khen, chứng tỏ nàng thực sự là một người con dâu hiếu thảo. Lời khen của mẹ chồng đã làm tôn vinh lên nét đẹp của Vũ Nương. Đối với con, nàng đã luôn hết mực yêu thương, một mình nuôi nấng con khi chồng còn đang ở chiến trận. Chi tiết nàng chỉ bóng mình trên vách bảo đó là cha Đản (tên đứa con) cũng xuất phát từ tấm lòng của người mẹ : để con trai mình bớt đi cảm giác bị thiếu vắng tình cảm của người cha. Nàng làm vậy không chỉ vì thương con thiếu thốn tình cảm, mà nàng còn luôn muốn bù đắp cho con, và hơn ai hết, nàng luôn rất nhớ chồng. Nỗi nhớ của nàng dành cho Trương Sinh là nỗi nhớ triền miên không dứt, dai dẳng, là nỗi nhớ sâu sắc, tình yêu, sự thủy chung đối với chồng, nàng là hình, chồng là bóng, không thể tách rời, một là hai, hai là một. Khi chồng trở về, thấy con không chịu nhận cha, đã sinh nghi ngờ sự thủy chung của Vũ Nương. Khi bị chồng nghi ngờ, lời nói đầu của nàng là để chứng tỏ, khẳng định rằng mình trong sạch nhưng Trương Sinh không tin. Lời nói tiếp theo thể hiện tâm trạng buồn chán đến tột cùng. Lời nói thứ ba cũng là cuối cùng của nàng, khi mà nàng ngửa mặt lên trời rồi than, thể hiện tâm trạng chán chường, tuyệt vọng tột bậc. Dù là thế, những lời nói, hành động, cử chỉ của Vũ Nương vẫn dịu dàng, trong sạch, thuần khiết. Trước khi nhảy sông, nàng tắm gội chay sạch, chứng tỏ Vũ Nương là người con gái luôn giữ gìn phẩm giá, phẩm hạnh dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào.