Cám Ơn Và Xin Lỗi
Cám ơn và xin lỗi là một biểu hiện văn hóa, là thái độ văn minh, lịch sự trong quan hệ xã hội. Lời cám ơn và xin lỗi khi được nói một cách chân thành, chẳng những phản ảnh phẩm chất văn hóa mà còn làm cho mọi người xích lại gần nhau hơn.
Lời cám ơn hay lời xin lỗi không chỉ đem niềm vui tới người nhận, chúng còn giải tỏa những khúc mắc, làm dịu đi những cơn nóng giận, và con người cũng nhờ đó mà sống vị tha hơn.
Trước đây, việc nói lời cám ơn hay xin lỗi nhau là chuyện bình thường, cám ơn và xin lỗi trở thành một trong các chuẩn mực để đánh giá tư cách của một người. Tiếc rằng những năm gần đây, lời cám ơn và xin lỗi như có xu hướng giảm xuống trong giao tiếp xã hội.
Có người cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là do sự lỏng lẻo của chuẩn mực ứng xử, cũng có người cho rằng, đời sống công nghiệp hóa làm con người thay đổi, hay do bản tính của con người không quen với hai từ cám ơn và xin lỗi,...
Cuộc sống công nghiệp hiện tại đã làm con người ta thay đổi quá nhiều, và trong bản tính của mỗi người, không phải lúc nào cũng biết đến hai từ cám ơn và xin lỗi. Nhưng có bao giờ ai đặt ra câu hỏi: cuộc sống Phương Tây còn nhanh gấp bội chúng ta, tại sao họ vẫn có thể nói được những điều ấy và chả lẽ họ luôn ngượng và coi chuyện nói điều đó ra là giả dối như chúng ta vẫn nghĩ? Vấn đề là lối sống và giáo dục, mà hình như từ lâu, người ta đã dạy con trẻ những điều này một cách máy móc và giáo điều trong những cuốn “Giáo dục công dân”, mà những tiết học “Giáo dục công dân” lại là được những người có trách nhiệm biến thành những giờ học buồn tẻ.
Trong xã hội này, thứ văn hóa cám ơn và xin lỗi đã không tồn tại, hoặc thực tế tồn tại không chân thực và bị lợi dụng. Người ta cám ơn không bằng lời nói mà bằng phong bì, và những kẻ mắc sai lầm nghiêm trọng chỉ nói xin lỗi một cách ráo hoảnh cho xong chuyện và rồi vẫn giữ cái ghế của mình.
Tuy nhiên tôi nghĩ, vẫn còn một nguyên nhân nữa là lâu nay, như một thói quen, thường thì chỉ có con cái xin lỗi hay cám ơn cha mẹ, người ít tuổi xin lỗi hay cám ơn người lớn tuổi, mà nhiều người lớn tuổi không chú ý tới việc cám ơn hay xin theo chiều ngược lại. Trong giao tiếp xã hội, nhất là trong giao tiếp nơi công cộng, người lớn tuổi hơn ít khi nói lời xin lỗi hay cám ơn cho dù họ nhận được sự giúp đỡ, hay hành vi của họ gây phiền phức cho người khác. Các em nhỏ khi nhận được sự giúp đỡ hay sau khi mắc lỗi thường không ngần ngại nói lời xin lỗi hay cám ơn, nhưng càng lớn lên thì thói quen này dường như đã mất dần, đó là vì các em học nói lời cám ơn và xin lỗi không chỉ qua bài học giáo dục công dân(đạo đức) hoặc qua lời dạy bảo của cha mẹ, mà còn học trực tiếp qua tấm gương của những người lớn nửa?
Xin lỗi khi mình có lỗi là chuyện bình thường, và mỗi người có cách giải quyết lỗi lầm của mình khác nhau. Có người nhận sai lầm, xin lỗi rồi sửa sai; lại có người biết là sai lầm nhưng không dám nhận, hoặc nhận nhưng không chịu sửa và không hề biết nói lời xin lỗi. Biết nói và sử dụng lời cám ơn hay lời xin lỗi là biểu hiện của nhận thức, của việc thực hiện hành vi văn minh. Ðể các lời nói thân thiện này trở thành thói quen trong đời sống hằng ngày, chúng ta cần nhận thức cụ thể hơn, để xử sự có văn hóa hơn trong giao tiếp. Biết nói lời cám ơn và xin lỗi một cách chân thành là một biểu hiện phẩm chất và trình độ văn hóa của mỗi người. Tất nhiên, nói như thế nhưng cũng phải loại trừ những lời cám ơn hay xin lỗi không thật lòng, để cho qua chuyện
Ngay từ khi còn nhỏ, chúng ta đã được dạy nói“cám ơn”khi có"người khác giúp ta việc gì hay cho ta thứ gì đó. Lời cám ơn sẻ làm người nghe cảm thấy vui hơn.
Rồi chúng ta cũng được dạy nói “xin lỗi” khi ta vô ý làm tổn thương đến ai đó, hay vô tình làm ảnh hưởng đến người khác. Lời xin lỗi được nói ra làm cho người được xin lỗi cũng cảm thấy thoải mái và dễ tha thứ hơn.
Tuy vậy bây giờ chúng ta thường có thói quen chỉ cám ơn khi đem lợi ích cho chính mình. Tôi nhớ một câu chuyện nho nhỏ về cách cám ơn . Đó là khi bạn được một người khác mời một thứ gì đó như ” Bạn có muốn một ly cafe không?”. Thường câu trả trả lời là “Không”(không có cám ơn), chỉ khi ta muốn thì mới nói “Có, cám ơn” trong khi đáng lẻ chúng ta nên nói “Không, tôi uống rồi, cám ơn bạn”
Ra đường hỏi đường bác xe ôm nhưng lại quên mất cám ơn khi đã biết đường, đánh rơi đồ vật trên đường người khác nhặt dùm lại quên cám ơn. Người quyền cao mà đức thấp thường dựa vào địa vị của mình và coi thường người khác. Họ không chấp nhận việc nói lời “cám ơn” với những người có địa vị thấp hơn mình. Hãy thử nhớ xem khi bạn vào một siêu thị chú bảo vệ dắt xe dùm bạn, bạn có “cám ơn” người ta không. Nhiều bạn nghĩ đó là công việc của người ta, họ trả tiền để làm như vậy nhưng bạn lại quên là họ cũng đang giúp bạn đó thôi. Và còn rất nhiều trường hợp khác nữa. Nhiều người nghĩ những chuyện đó quá nhỏ nhặt nên không chú ý mà không biết lời “cám ơn” trong tình huống đó là cần thiết như thế nào.
Lời“xin lỗi” cũng vậy, khi lên xe bus vô tình bạn “đụng chạm” đến người khác, tuy rằng không ảnh hưởng nhiều lắm nhưng vẫn rất nhiều bạn “lờ đi” lời xin lỗi. Bạn vội vàng chạy đi đụng người ta làm rớt đồ của người ta rồi lờ đi và chạy luôn.
Ngày còn bé bạn được cha mẹ dạy nói “cám ơn – xin lỗi” nhưng càng lớn bạn lại càng quên những lời dạy dỗ ngày xưa. Lời “cám ơn - xin lỗi” tưởng rằng quá nhỏ bé nhưng đó cũng là một “kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp” mà chúng ta nên gìn giữ.
Hãy nói cám ơn khi ai đó giúp đỡ bạn và xin lỗi trước những sai lầm của bản thân bạn…dù cho người đó là ai, bình thường đến như thế nào đi chắng nữa.
Chẳng hạn khi đi đường va chạm nhau dù vô ý thôi, ứng xử hợp lý hợp tình nhất là người vi phạm phải xin lỗi người kia. Khi nhận được sự giúp đỡ, nên cám ơn để bày tỏ lòng biết ơn của mình và người lớn cần phải làm gương. Nói thì ai cũng cho là như vậy, nhưng thực tế nhiều khi lại không.
Nhiều người cho rằng người lớn không cần xin lỗi, cám ơn trẻ em. Đó là một sai lầm! Có những người lớn biết mình sai với con trẻ nhưng cậy thế mình lớn hơn, không những không xin lỗi mà còn lấn át theo kiểu “cả vú lấp miệng em”. Đôi khi ta còn phải chứng kiến cảnh có người thay vì “xin lỗi” lại sử dụng bạo lực.
Gần gủi nhất là tình trạng giao thông hiện nay, mỗi khi tham gia giao thông, do đường chật xe đông, người người chen chúc… rất dễ xảy ra va chạm, lời qua tiếng lại càng đẩy sự việc đi xa hơn. Nhưng nếu ai cũng sẳn sàng lời xin lỗi và cám ơn thì tôi chắc chắn mọi chuyện sẻ êm đẹp.
Những lời xin lỗi đúng chỗ, đúng lúc chắc chắn ít nhiều cũng làm dịu được cơn “nóng” trong đầu những người… nóng tính, dẫn tới có được những hành xử thân thiện, ngăn chặn được những câu chửi tục dẫn đến ẩu đả và nguy cơ “cái sảy nảy cái ung”, sự việc bé xé ra to…
Ông bà ta từ xưa đã dạy: Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Chỉ cần hai tiếng “xin lỗi” được nói lên từ miệng người mắc lỗi, cùng với một thái độ thân thiện (chẳng hạn đỡ người bị ngã dậy, nhặt giúp họ đồ khi ta vô ý đánh rơi…) thì chắc bao nhiêu bực tức trong đầu người kia sẽ được giải toả và thân thiện sẽ thay thế cho “mồi lửa chiến tranh” .
Đặc biệt cần những lời xin lỗi đúng chỗ, vì vừa tỏ ra là người văn minh lịch sự, vừa tự biết mình có lỗi để rút kinh nghiệm lần sau không tái phạm nữa.
Khi nhận được sự giúp đỡ của người khác (dù việc nhỏ nhặt nhất, là cấp dưới đối với cấp trên, hay trẻ em đối với người lớn…) thì cũng nên nói lời cám ơn. Những lời đó không nên bị coi là khách sáo, mà là sự thể hiện tấm lòng, tình cảm… giữa những con người với nhau. Tôi tin chỉ cần nói lời “cám ơn” mà không cần có “vật chất” kèm theo, ít nhiều mình cũng được đánh giá mình là người biết điều và không phải là kẻ vô ơn.
Với trẻ em, cần nhớ rằng: Khi người lớn lịch sự văn minh thì trẻ em sẽ văn minh lịch sự. Nếu người lớn là những tấm gương xấu, thì chắc chắn là trẻ em không thể ngoan được. Mà bây giờ, ai dám khẳng định 100% người lớn đều không “hư” nhỉ?
Có văng tục cãi lộn nhau không
- có.
Có chen lấn nhau không
– có.
Có bạo lực với nhau không
- có…
Ngày trước, khi xảy ra bất đồng trong gia đình, người lớn thường cố gắng nói với nhau khi không có trẻ em ở đó. Ngày nay thường thấy hơn lại là cảnh những điều chẳng hay ho gì đó diễn ra ngay trước mặt con trẻ, không một chút e dè. Thế nên trẻ em ít dùng từ “cám ơn”, “xin lỗi” hơn trước cũng là phải. Không những cần dạy trẻ cám ơn khi được người khác giúp đỡ, mà người lớn cũng cần cám ơn con trẻ mỗi khi các em làm được một việc gì đó cho mình….
Lịch sự – văn minh không phải tự trên trời rơi xuống là có ngay, mà phải rèn luyện kiên trì, lâu dài mới có. Cần phải bắt đầu từ những việc làm cụ thể, tưởng là nhỏ mà ý nghĩa không nhỏ. Bởi thế, đưa những lời hay, ý đẹp trở lại với cuộc sống đời thường cũng là chuyện cần làm ngay với tất cả chúng ta...
Nhiều người nói với tôi, rằng nói những điều đó ra là một sự khách khí và đôi khi, giả tạo và ai cũng "ngài ngại". Cái chính là thực lòng. Ừ, thì một phần sự thừa nhận ấy là đúng, nhưng tại sao con người ta không thể sống xã giao với nhau trong khi điều đó chẳng có gì là giả dối, tại sao chúng ta không thể biết nói lời cám ơn một ai đó và nhận lỗi một ai đó chỉ vì điều đó là nhỏ nhặt nhất, trong khi một cái thùng rác vẫn còn có dòng chữ “Cám ơn đã bỏ rác vào tôi”? Tôi vẫn tin là những ai đã không biết cám ơn và xin lỗi vì những điều nhỏ nhặt nhất sẽ không thể làm được những điều vĩ đại nhất.
Viết đến đây, tôi nhớ đến câu chuyện của Mahatma Gandhi khi ông ăn trưa trong một quán ăn bình dân, sau khi trả tiền ông nói với người phục vụ lời nói cám ơn, và người phục vụ tâm sự: "Thưa ông, tôi sẽ nhớ ông mãi vì hơn 25 năm phục vụ ở đây, tôi chưa bao giờ nghe ai nói cám ơn".