Mỗi người Việt Nam chúng ta đều tự hào là người con của đất Việt, một mảnh đất có nhiều truyền thống tốt đẹp và cao quý. Một trong những truyền thống tốt đẹp đó là truyền thống nhân ái. Bên cạnh những câu tục ngữ ca dao như: “Thương người như thể thương thân” Hoặc “Nhiễu điều phủ lấy giá gương - người trong một nước phải thương nhau cùng” mà nhân dân ta hay truyền miệng thì nhân dân ta vẫn thường nhắc nhở nhau “lá lành đùm lá rách”. Đó là những bài học đạo lý làm người của những người cùng trong một nước, luôn biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Truyền thống quý báu đó của dân tộc đã được thế hệ con cháu giữ gìn và phát huy bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Đã có rất nhiều các nhà hảo tâm - những chiếc lá lành - đang dang rộng vòng tay để giúp đỡ những mảnh đời cơ nhỡ, những trẻ khuyết tật mồ côi, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn… với mong muốn làm vơi bớt những thiệt thòi mà các em đang phải gánh chịu.
Để phát huy truyền thống tốt đẹp đó, nhiều năm qua, trường Tiểu học Lãng Sơn đều triển khai và thực hiện có hiệu quả các phong trào như phong trào làm từ thiện, ủng hộ người nghèo, phong trào “Kế hoạch nhỏ” giúp bạn nghèo vượt khó… Năm học 2016 - 2017 nhà trường lại tiếp tục triển khai nhiều phong trào, nhiều hoạt động nhằm giáo dục ý thức cho các em học sinh biết bảo vệ môi trường, sống tiết kiệm, yêu lao động, đoàn kết, chia sẻ cảm thông với mọi người xung quanh… Cụ thể vào ngày 7-11-2016 vừa qua, trường Tiểu học Lãng Sơn đã tổ chức Lễ phát động Chương trình “Nuôi heo đất” giúp bạn đến trường với mục đích giáo dục các em thiếu niên, nhi đồng phát huy tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, tiết kiệm và đoàn kết; biết động viên chia sẻ yêu thương, giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn có thêm nghị lực để sống, để vươn lên. Sáng thứ hai ngày 7- 11-2016, khác hẳn với mọi ngày, ngoài chiếc cặp sách trên vai, trong tay mỗi em đều cầm theo vài nghìn đồng tiết kiệm từ phần tiền quà sáng hay tiền bán phế liệu mà các em đã thu gom. Gặp một số phụ huynh ở cổng trường tôi được họ chia sẻ: “Cô ạ, mọi ngày cháu nhà tôi sau khi ăn sáng xong thường đòi mua thêm quà vặt như kẹo mút, bim bim thế mà hôm nay cháu bảo con sẽ để dành tiền mua quà này nuôi heo đất để gây quỹ tặng bạn nghèo mẹ ạ. Tôi rất vui vì thấy cháu còn nhỏ mà đã biết suy nghĩ như vậy. Nhà trường phát động phong trào này hay quá cô ạ. Nó giúp không những giúp các cháu có ý thức không ăn quà vặt mà còn biết thu nhặt phế liệu, tiết kiệm đồ dùng để tặng bạn nghèo. Tôi sẽ để dành cho cháu các lon bia, chai nhựa của gia đình.” Qua cuộc trò chuyện tôi càng thấy việc làm này thật có ý nghĩa nó không chỉ lan toả đến học sinh mà nó có sức lan toả đến cả cộng đồng. Tôi bước vào sân trường trong khi tiếng nhạc bài hát : “Mẹ mua cho con heo đất …” đã vang lên rộn ràng. Lúc này, không khí trường học náo nhiệt hẳn lên. Các lớp nhanh chóng tập trung tại sân trường và đem theo chú heo đất đáng yêu của mình đặt lên bàn một cách trang trọng. Em nào cũng vui vẻ mong được lên thả vào heo phần tiền dành dụm của mình. Sau lời phát động cùng những chia sẻ của thầy Chủ tịch Công đoàn, cô Hiệu trưởng và thầy Hiệu phó đã trực tiếp tham gia chăm sóc các chú heo của các lớp bằng một phần tiền tiết kiệm của mình.
Sau đó, lần lượt từng lớp, từng lớp cùng giáo viên chủ nhiệm lên chăm sóc chú heo của lớp mình. Nhìn những tờ tiền dù mệnh giá chỉ là những đồng tiền lẻ do tiết kiệm tiền quà vặt hay tiền bán một vài phế liệu nhỏ của các em học sinh được vuốt phẳng phiu thả vào bụng heo cho thấy các em đã ý thức được việc làm nhỏ mà có ý nghĩa to lớn này.
Xúc động nhất là khi tôi được nghe lời chia sẻ ngây thơ và chân thật của các em học sinh lớp tôi chủ nhiệm. Em Vũ Anh Thư lớp 5A chia sẻ: “Từ việc thu gom giấy vụn, em đã bán được một số tiền để gây quỹ tặng quà cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Em cảm thấy mình rất vui và tự hào vì được đóng góp công sức nhỏ bé của mình giúp đỡ các bạn ấy. Hoạt động này giúp em hiểu sâu sắc hơn đạo lý “Thương người như thể thương thân” của dân tộc ta. Thứ hai tuần này em sẽ tiết kiệm một phần tiền ăn sáng của mình và thu gom nhiều phế liệu để bán lấy tiền nuôi heo đất”. Em Diệu Linh cho biết: "Ở nhà, mỗi khi ăn uống có lon bia hay vỏ chai nước ngọt nào gia đình em đều để dành cho em hoặc khi em nhìn thấy thấy lon bia hay hộp giấy rơi vãi em đều gom lại. Sau một tháng em cũng bán được số tiền nhỏ để ủng hộ bạn nghèo". Em Bùi Anh Tuấn lớp 5A xúc động nói: “Nhiều năm nay, em đều được Liên đội nhà trường tặng áo trắng, tặng sách vở và đồ dùng học tập. Món quà các bạn tặng thực sự là nguồn động viên tích cực cho em học tập tiến bộ”. Em Lan Anh hồ hởi nói với cả lớp: “Từ ngày mai mỗi ngày chúng mình chỉ cần bớt ra ít nhất 1 nghìn đồng ăn sáng và tích cực thu gom phế liệu để bán thì sẽ có tiền nuôi heo. Chú Heo đất của chúng mình luôn béo tròn, cuối năm sẽ có nhiều tiền ủng hộ bạn nghèo các bạn có đồng ý không?”. Cả lớp đều đồng thanh nhất trí. Thấy các em có suy nghĩ như vậy tôi rất xúc động và vô cùng tự hào về các em. Tôi nghĩ, chính từ việc làm nhỏ bé này đã hình thành cho các em những phẩm chất yêu thương, biết sống đẹp, biết quan tâm chia sẻ với mọi người.
Từ nay đến cuối năm các lớp có trách nhiệm giữ gìn, chăm sóc, yêu thương và nuôi heo đất của lớp mình lớn từng ngày. Thức ăn cho heo là tiền thu gom giấy vụn, phế liệu, tiền tiết kiệm từ tiền ăn sáng, ăn quà vặt, tiền sinh hoạt hằng ngày, tiền thưởng… Việc ủng hộ hoàn toàn tự nguyện và tùy theo khả năng của mỗi học sinh. Sau đó Liên đội sẽ tổ chức "Ngày hội thu heo" vào cuối năm học. Toàn bộ số tiền này sẽ dùng vào việc tổ chức Chương trình thắp sáng ước mơ, tặng học bổng, trao quà tết … cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn.
Có thể nói, buổi quyên góp đã thành công ngoài mong đợi. Thành công không chỉ ở số tiền quyên góp mà còn thành công ở chỗ việc làm này đã khơi gợi trong học sinh tinh thần tương thân, tương ái. Các em đã biết giúp đỡ, ủng hộ bạn nghèo, đó chính là những nghĩa cử cao đẹp trong truyền thống của dân tộc Việt Nam ta.
Nuôi heo đất giúp bạn gặp khó khăn đến trường là bài học thiết thực nhất về đạo đức, lối sống vì mọi người cho các em học sinh. Nó đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của học sinh. Các em sẽ không còn vô cảm trước những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống; các em sẽ biết sống tiết kiệm hơn, không tiêu xài hoang phí; biết chia sẻ tình yêu thương, động viên và giúp đỡ các bạn kém may mắn vươn lên trong học tập với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”. Chính các em là những thế hệ tiếp tục phát huy truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam. Thông qua phong trào, các em đã góp phần giúp đỡ nhiều bạn có hoàn cảnh khó khăn vững bước đến trường. Đồng thời cũng hình thành cho các em ý thức thực hành tiết kiệm, cần kiệm trong sinh hoạt và học tập, biết thu gom phế liệu góp phần làm môi trường thêm xanh – sạch - đẹp. Số tiền nuôi heo đất thu được trong lễ phát động sẽ đem lại cho học sinh nghèo một mùa đông này một tình thương ấm áp hơn. Nó là ngọn lửa sưởi ấm các tâm hồn trẻ thơ trong mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Qua những trải nghiệm này chúng ta đã hình thành được cho các em nhiều phẩm chất tốt đẹp, góp phần vào việc giáo dục toàn diện nhân cách học sinh. Do vậy chúng ta cần tổ chức nhiều phong trào, nhiều hoạt động có ý nghĩa hơn nữa để tạo cơ hội cho các em được thể hiện, được bộc lộ mình, được hình thành và phát triển các nhân cách tốt góp phần đạt mục tiêu giáo dục đề ra.