Vội vàng là một bài thơ hay của nhà thơ Xuân Diệu in trong tập: “Thơ thơ” xuất bản năm 1938. Bài thơ đã để lại cho các thế hệ học trò một ấn tượng sâu sắc về Xuân Diệu, cùng một quan niệm nhân sinh hết sức mới mẻ hiện đại của ông.
Trong thời đại ngày nay, thời đại của khoa học công nghê phát triển, nền kinh tế thị trường đang không ngừng can thiệp và chi phối mọi hoạt động xã hội và tư duy của con người. Chúng ta đã thấy được cả mặt ưu việt lẫn hạn chế của vấn đề này. Riêng về lĩnh vực giáo dục học trò cũng đã đang đặt ra bao điều khó khăn phức tạp. Cùng lúc chúng ta thấy xuất hiện nhiều quan niệm và có thể phân loại được nhiều đối tượng. Chúng ta nhận thấy trong tầng lớp trẻ còn có những quan niệm về cuộc sống rất lệch lạc. Chẳng hạn: Tự do vô kỷ luật, sống buông thả, vô trách nhiệm, sống gấp, sống vội, lạnh lùng, vô cảm…và đặc biệt là tính tự giáo dục rất thấp... Có không ít bạn trẻ đang lúng túng không biết nên hiểu về quan niệm nhân sinh trong thời hiện đại như thế nào? Nhưng, có một sự thật là khi được học bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu các em học trò đều cảm thấy tâm đắc và dường như đã tìm thấy một lời giải đáp cho quan niệm sống đúng đắn của mình. Từ thực tế của bài giảng, tôi muốn khẳng định giá trị thẩm mỹ và giá trị giáo dục cao của bài thơ xuất sắc này.
Vậy làm thế nào để hướng cho học trò hiểu được đúng hướng bài thơ “Vội vàng” độc đáo của Xuân Diệu?
Trước hết, sau khi giới thiệu về tiểu sử Xuân Diệu, giáo viên cùng học sinh nhấn mạnh hai đặc điểm trong thơ ông trước cách mạng:
- Yêu đời ham sống đến cuồng nhiệt
- Bi quan chán nản
Giáo viên nói rõ: Lòng yêu đời ham sống đến cuồng nhiệt có những biểu hiện nào?
Thứ nhất, Xuân Diệu không lẩn trốn thực tại mà quấn quýt lấy cõi trần:
Không muốn đi mãi mãi ở vườn trần
Chân hoá rễ để hút mùa dưới đất
(Thanh niên)
Kẻ đựng trái tim trìu màu đất
Hai tay chín móng bám vào đời
(Hư vô)
Thứ hai, Xuân Diệu luôn có ý thức về sự trôi chảy của thời gian.
Trong thơ ông chịu ảnh hưởng nhiều của trường phái thơ tượng trưng Pháp. Khi còn trẻ ông đã nghe Baudelaire rên xiết:
Ôi đau đớn! Ôi đau đớn! Thời gian ăn cuộc đời
Xuân Diệu sợ thời gian, ghét thời gian:
Gấp lên em anh rất sợ ngay mai
Đời trôi chảy lòng ta không vĩnh viễn
(Giục giã)
Thứ ba, Ông là nhà thơ của tình yêu - tuổi trẻ
Quan niệm tình yêu của ông thiên về khao khát thoả mãn cuộc sống vĩnh viễn, vô cùng “Tôi chỉ là một cây kim bé nhỏ. Mà vạn vật là muôn đá nam châm”.
“Đây là quán tha hồ muôn khách đến”. Ông mở rộng tâm hồn và chào mời tất cả và muốn lòng mình như phấn thông trên bãi biển bay vàng cả trời đất mênh mông đem tình yêu đi khắp thế gian.
Thứ tư, Xuân Diệu luôn vội vàng, cuống quýt lo sợ cuộc sống tàn phai:
Mau với chứ, vội vàng lên với chứ
Em em ơi, tình non sắp già rồi
(Giục giã)
Xuân Diệu yêu đời nhưng cũng rất bi quan tạo nên nét biện chứng trong thơ ông trước cách mạng:
Hiu hắt nhỉ bốn phương trời vò võ
Lạnh lùng chăng sầu một đỉnh chon von
(Hy Mã Lạp Sơn)
Lòng anh là một cơn mưa lũ
Bắt gặp lòng em là lá khoai
(Nước đổ lá khoai)
Đặc biệt lòng yêu đời ham sống của ông được thể hiện rõ trong bài thơ “Vội vàng”:
Giáo viên cùng học sinh chia đoạn sau đó đi vào phân tích:
Mở đầu, Ông nói lên một khao khát kì lạ:
Tôi muốn tắt nắng đi
Tôi muốn buộc gió lại
Nắng, gió là là thuộc về thiên nhiên vĩnh hằng, vậy mà ông muốn níu giữ lại quy luật cuộc sống để “màu đừng nhạt, hương đừng bay đi”. Cần nói rõ màu sắc, hương thơm là tinh hoa của trời đất vũ trụ dâng tặng. Đó là vẻ đẹp của cuộc sống. Vậy, tác giả muốn lưu giữ vẻ đẹp ấy thành vĩnh cửu, đó là một ước muốn táo bạo.
Phần hai, Tác giả nêu cảm nhận của mình vè cuộc sống thông qua mùa xuân.
Đó là một bức tranh về cuộc sống sinh sôi, đang phát triển, đang dâng đầy màu sắc, âm thanh, ánh sáng:
Này đây: - Tuần tháng mật
-Hoa
-Lá cành
-Khúc tình si
-Ánh sáng chớp hàng mi.
Nghệ thuật điệp ngữ để liệt kê, để khái quát một bức tranh sinh động tươi mới về mùa xuân được cảm nhận từ sự phát triển, sự nảy lộc đâm chòi đầy sức sống của muôn loài.
Cuộc sống được vẽ ra như một thiên đàng ngay trên mặt đất mà mỗi sáng sớm “Thần Vui hằng gõ cửa”. Dư vị thời gian mùa xuân được cảm nhận “ngon như một cặp môi gần”. Tác giả tự hào hãnh diện say mê vì độ sung mãn của mùa xuân. Tác giả như đang nhập vào nhịp sống của mùa xuân để cảm nhận vẻ đẹp, sức sống và làm bừng thức dậy ánh sáng của sức sống ấy, truyền đến mọi người vẻ đẹp dâng trào của mùa xuân. Và, làm bừng sáng những vẻ đẹp của cuộc sống mà chưa mấy ai thấy.
Phần 3, Ý thức vể sự trôi chảy của thời gian
Nhịp thơ đang hân hoan bỗng thay đổi đột ngột: Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa.
Dấu chấm giữa dòng tách thành hai câu thơ diễn tả hai nét tâm trạng: Vui và bi quan thất vọng.
Tác giả đang háo hức mê say bỗng đột nhiên thay đổi vì tận thấy quy luật nghiệt ngã của thời gian:
Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất.
Mùa xuân hay là sức xuân, tuổi trẻ, cuộc sống cá nhân của con người hữu hạn còn thời gian thì vô hạn. Chính mâu thuẫn này gây nên cảm giác lo sợ, hốt hoảng, niềm vui không trọn vẹn.
Bằng cách lý giải, hình ảnh cái tôi tác giả hiện lên thật tội nghiệp, lo sợ, tiếc nuối và cảm nhận sâu xa sự chia li tiễn biệt về sự trôi đi của thời gian:
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt
Tác giả cảm giác hoá về thời gian, cảm nhận dược cái dư vị đắng chát của sự tách vỡ, chia lìa trong vạn vật do thời gian thay đổi. Cuộc sống là dòng chảy của sự vận động vì vậy tác giả nhớ mùa xuân ngay cả khi mùa xuân đang tồn tại. Đỉnh cao của sự lo sợ tiếc nuối được thể hiện trong câu:
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời
Sự tiếc nuối vô cùng tham lam, ôm trọn cả không gian, trời đất vô thuỷ vô chung. Ông giục giã mình, giục giã người vội vàng tận hưởng vẻ đẹp cuộc sống “Mau đi thôi” - vội vàng, cuống quýt.
Phần cuối, Cao trào của khát vọng sống:
Đại từ “Ta” thay cho đại từ “Tôi”: Cá nhân tự hoá thành rộng lớn để ôm trọn bao trùm cuộc sống, thống lĩnh cuộc sống. Tác giả dùng một loạt động từ mạnh: Ôm, riết, say, thâu, cắn, diễn tả cảm giác nắm bắt, chiếm lĩnh cuộc sống ở mức giao hoà tuyệt đích vĩnh viễn.
Ở đây, giáo viên cần lý giải rõ: Xuân Diệu yêu đời ham sống đến cuồng nhiệt, đến vội vàng cuống quýt là bởi ông muốn cảm nhận cuộc sống trong mọi chiều kích của thời gian, không gian.
Để tránh hiểu sai: Vội vàng tức là sóng gấp sống vội để tận hưởng về vật chất. Ở đây Xuân Diệu ham hố cuồng nhiệt là chiếm lĩnh cuộc sóng trong chiều sâu tình thần, trong tâm hồn tình cảm.Vội vàng hoàn toàn không hiểu theo nghĩa “Đi đâu mà vội mà vàng.Mà quơ phải đá mà quàng phải dây”.
Xuân Diệu yêu cuộc sống mãnh liệt, vội vàng nhưng không rơi vào rồ dại, thác loạn.
Đằng sau thái độ vội vàng lo sợ kia chính là một cái tôi cô đơn
Ta là MỘT, là RIÊNG, là THỨ NHẤT
Xuân Diệu “vội vàng” vì ông hiểu và trân trọng giá trị của cuộc sống. Nó là phần tinh tuý mà trời đất ban tặng, nhưng cuộc đời con người thì hữu hạn.
Yêu cuộc sống, Xuân Diệu nhìn cuộc sống dù ở góc độ nào cũng thấy nó thật đẹp và đáng quý trọng. Ông đã từng quan niệm buổi chiều thu là một bài thơ duyên mà ở đó con người và tạo vật, con người và con người gắn bó với nhau như một cặp vần. Đó phải là một cái nhìn về cuộc sống hết sức tài hoa và nhạy cảm, tinh tế, với một tầm văn hoá cao.
Xuân Diệu cảm nhận được cả những mối liên hệ mong manh nhưng vô cùng bền vững của cuộc sống ở chiều sâu tinh vi nhất:
Không gian như có dây tơ
Bước đi sẽ đứt động hờ sẽ tiêu
(Chiều)
Vì vậy ông cảm thấy luôn lo sợ cuộc sống trôi chảy, tàn phai. Ông chạy đua với thời gian với vạn vật. Ông hối hả vồ vập trước cuộc sống để sống tốt, sống đẹp hơn.
Từ đó Giáo viên dẫn dắt học sinh đi đến liên hệ:
Trong cuộc sống thực tại, bên cạnh những con người ưu tú, những quan niệm sống tích cực, có lý tưởng đáng để cho chúng ta ngưỡng mộ, vẫn còn những quan niệm sống tâm thường. Chẳng hạn: Sống gấp, sống vội thiên về thụ hưởng vật chất, sống ươn hèn yếu đuối..., lạnh lùng, vô cảm, phi nhân tính…
Vậy, chúng ta càng thấy rõ giá trị đích thực của bài thơ “Vội vàng”. Bài thơ với hình ảnh táo bạo, khơi gợi cảm giác, bút pháp trữ tình tâm trạng và cảm xúc, tứ thơ hăm hở cuống quýt, cú pháp Tây phương, lối qua hàng hết sức thoải mái… xứng đáng đươc xem là tiếng gọi đàn, là lời tập hợp, là tiếng thức tỉnh con người: hãy sống và tận hưởng đầy đủ ý nghĩa của cuộc sống trong mọi chiều kích của thời gian, không gian một cách tuyệt đích, vĩnh viễn. Đó thật sự là một quan niệm nhân sinh mới mẻ hiện đại của nhà thơ “mới nhất trong phong tràoThơ mới”.