Tối 30 Tết năm Nhâm Dần (1962), đường phố mịt mờ trong làn mưa bụi.
Trời rét, xe ô-tô đưa Bác đến đầu phố Lý Thái Tổ thì dừng lại. Bác tới thăm gia đình chị Chín. Bác chọn một gia đình có nhiều khó khăn để đến thăm và chúc Tết. Chồng chị Chín mất, để lại 3 đứa con nhỏ. Chị không có công việc ổn định, gặp việc gì làm việc đó để lấy tiền nuôi con.
Bác bước vào nhà, chị Chín sửng sốt nhìn Bác. Chiếc đòn gánh bổng rơi khỏi vai chị. Chiếc thùng sắt rơi xuống đất kêu loảng xoảng. Mấy cháu nhỏ kêu lên: “Bác! Bác Hồ!” rồi chạy lại quanh Bác.
Lúc này chị Chín mới như chợt tỉnh, chi chạy tới ôm choàng lấy Bác rồi bỗng nhiên khóc nức nở. Đôi vai gầy sau làn áo nâu bạc rung lên từng đợt.
Bác đứng lặng, hai tay Người nhè nhẹ vuốt lên mái tóc chị Chín. Chờ cho chị bớt xúc động, Bác an ủi:
- Năm mới sắp đến, Bác đến thăm thím, sao thím lại khóc?
Tuy cố nén, nhưng chị Chín vẫn không ngừng thổn thức, chị nói:
- Có bao giờ … có bao giờ chủ tịch nước lại tới thăm nhà chúng con…, mà bây giờ mẹ con chúng con lại được thấy Bác ở nhà. Con cảm động quá! Mừng quá… thành ra con khóc.
Bác nhìn chị Chín, nhìn các cháu một cách trìu mến và bảo:
- Bác không tới thăm những người như mẹ con thím thì thăm ai?
Người xoa đầu các cháu và cho các cháu kẹo, rồi hỏi chị Chín:
- Thím hiện nay làm gì?
- Dạ, cháu làm phu khuân vác ở Văn Điển ạ!
- Như vậy là làm công nhân chứ! Sao lại gọi là phu?
- Vâng ạ, cháu trót quen miệng như trước kia.
- Thím vẫn chưa có công việc ổn định à?
- Dạ, cháu đã ngoài 30 tuổi, lại kém văn hoá nên tìm việc có nghề nghiệp cũng khó.
Bác quay sang nhìn đồng chí Phó Bí thư Thành uỷ và đồng chí Chủ tịch Uỷ ban Hành chính thành phố Hà Nội, Bác lại hỏi: - Mẹ con thím có bị đói không?
- Thưa Bác, hồi Tây còn ở đây thì dẫu có cả bố cháu cũng vẫn đói ạ! Bây giờ bố cháu mất rồi, nhưng đói thì không ngại, rét cũng không lo, song việc chi tiêu thì còn chắt chiu lắm ạ!
Nói tới đây chị lại rơm rớm nước mắt. Bác chỉ vào cháu lớn nhất và hỏi:
- Cháu có đi học không?
- Dạ, cháu đang học lớp bốn ạ! Cháu nó vất vả lắm! Sáng đi học, chiều về phải trông các em và đi bán kem hoặc bán lạc rang để đỡ đần cháu… Còn cháu thứ hai thì học lớp ba, cháu thứ ba thì học lớp hai. Dạ, khó khăn nhưng vợ chồng cháu trước đã dốt nát, nay cũng phải cố cho các cháu đi học.
Bác tỏ ý bằng lòng. Người ân cần dặn dò việc làm ăn và việc học tập cho các cháu. Nhân dân trong ngõ đã tới quây quần trước sân. Bác bước ra thăm hỏi và chúc Tết bà con. Mọi người cùng mẹ con chị Chín theo tiễn Bác ra xe. Khi chiếc xe từ từ lăn bánh, mấy mẹ con chị vẫy chào Bác, nhưng nét mặt chị vẫn bàng hoàng như việc Bác vào thăm Tết nhà chị không rõ là thực hay hư.
Trên đường về Phủ Chủ tịch, mưa xuân vẫn như rắc bụi, vầng trán mênh mông của Người còn đượm những nét suy tư.
Sau Tết, Bác đã chỉ chị cho Uỷ ban Hành chính thành phố Hà Nội phải chú ý tạo công ăn việc làm cho những người lao động gặp nhiều khó khăn như chị Chín.
Kính thưa các đồng chí !
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không phải bắt đầu từ những vấn đề to tát mà chính là từ những việc đời thường, bình dị.
* Qua câu chuyện “Bác Hồ đến thăm người nghèo” điều tuyệt vời nhất tôi hiểu được là Bác Hồ đã để lại cho thế hệ con cháu những tình cảm thật quý báu – dù chẳng phải là thần thánh nhưng đó là động lực giúp dân tộc Việt Nam ta – một dân tộc “đói nghèo trong rơm rạ” đã “rũ bùn đứng dậy sáng loà”.
Qua câu chuyện tôi càng thêm khâm phục về một trong những quan điểm của Bác Hồ về những phẩm chất đạo đức cơ bản của con người Việt Nam – đó là lòng yêu thương con người, xuất phát từ truyền thống nhân nghĩa của dân tộc ta. Theo Bác, yêu thương con người là phải làm mọi việc để vì con người, vì mục tiêu: “Ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Câu chuyện còn là lời nhắc nhở, là bài học quý giá cho tất cả chúng ta – dù bất luận ở cương vị nào cũng phải nên gần gũi, yêu thương những con người có hoàn cảnh khó khăn xung quanh mình, không được cậy thế ỷ quyền mà hách dịch xem thường người khác.
Câu chuyện trên đây còn giúp tôi liên tưởng đến tình hình hiện nay. Khi đất nước ta đang chuyển mình mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế toàn diện, đời sống của nhân dân ta đã và đang từng ngày được nâng lên đáng kể. Song bên cạnh đó lại xuất hiện nhiều những con người cơ hội, thích công danh nhưng lười lao động, lười phấn đấu, chỉ biết lợi dụng chức vụ để trục lợi cho bản thân mà quên đi hoặc cố tình không để ý đến những nỗi khổ của nhân dân.
Bản thân tôi là một nhà giáo dạy môn Ngữ văn, tôi luôn có ý thức lồng vào trong những bài giảng của mình bài học về tình thương yêu con người – giá trị của tình yêu thương con người để giúp các em hình thành nhân cách sống cho mình. Mặt khác, tôi luôn dành sự quan tâm cho các em học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn, yêu thương các em bằng tấm lòng của người cha, người mẹ, để truyền cho các em ngọn lửa của tình yêu thương, giúp các em vượt qua những mặc cảm, có thể tự tin hoà đồng cùng với các bạn học sinh khác, để có thể yên tâm vững bước trên con đường học tập.
Tuy là nhỏ bé nhưng tôi tự hào vì mình đã đóng góp một phần nào đó công sức để thực hiện thành công công cuộc đổi mới đất nước như ý nguyện của Bác.
Tôi cũng mong rằng tập thể nhà trường chúng ta luôn đoàn kết, yêu thương nhau, sống chan hòa, cùng giúp nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ trồng người mà Đảng và Nhà nước giao phó
Cuối cùng kính chúc các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.