Vợ nhặt của Kim Lân là một nhan đề độc đáo. Nhan đề là một danh từ gợi hai khái niệm: người nhặt vợ và người vợ nhặt.+
Ở khái niệm thứ nhất, ta hình dung đến chuyện cưới vợ - nhặt vợ. Theo quan niệm và phong tục truyền thống của dân tộc, việc cưới xin là việc hệ trọng của một đời người, vì thế nó được tiến hành với những nghi lễ trang trọng, thiêng liêng trong sự tham gia chứng kiến của hai bên họ hàng dâu, rể. Vậy mà nhân vật trong truyện – anh cu Tràng lại đi nhặt vợ, đưa một người về làm vợ mà không cưới hỏi. Câu chuyện nhặt vợ của Tràng quả thật đã phản ánh một tình cảnh bi hài, khốn khổ của người dân nghèo trong nạn đói năm 1945. Trong tình cảnh đói khổ, người ta đã không thể cưới vợ, hỏi vợ mà đành nhặt vợ. Một chuyện quan trọng trở thành một chuyện như đùa. Tuy nhiên, cũng chính trong câu chuyện bi hài ấy, người ta lại thấy ánh lên một khát vọng cao đẹp – khát vọng có một tổ ấm gia đình, có một tương lai tốt đẹp hơn.
Khái niệm thứ hai cho ta liên tưởng đến người được nhặt về làm vợ. Cũng theo quan niệm và phong tục của dân tộc, người con dâu trong nhà là người có vị trí đặc biệt quan trọng, vì đó là người gánh vác việc gia đình, duy trì nòi giống cho dòng tộc. Có vị trí quan trọng như vậy cho nên người về làm dâu được thách cưới, được đón rước long trọng. Vậy mà người đàn bà trong truyện lại theo không Tràng về làm vợ chỉ sau hai ba bận tầm phơ tầm phào, sau bốn bát bánh đúc và lời “rủ rê”: Hay đằng ấy về với tớ một nhà cho vui! Thế mới thấm thía cái thân phận rẻ rúng, bi đát của con người trong thời buổi đói khát. Có thể, người đàn bà theo không về làm vợ người ta kia ban đầu cũng chỉ nghĩ đến một chốn nương thân để tránh cảnh đói khát, không nhà. Nhưng đằng sau quyết định ấy có lẽ là ý nghĩ có vợ có chồng sẽ giúp con người dễ dàng vượt qua cơn hoạn nạn hơn.
Một nhan đề gợi những ý nghĩa sâu xa như vậy là một nhan đề độc đáo, thành công!