Tác giả tác phẩm: Thạch Sanh - Ngữ văn 6 Cánh diều
Ngọc Anh | Chat Online | |
08/11 15:58:51 |
Tác giả tác phẩm: Thạch Sanh - Ngữ văn 6
I. Tác phẩm Thạch SanhTHẠCH SANH
Ngày xưa, có một chàng trai nghèo tên là Thạch Sanh. Thạch Sanh sống lủi thủi một mình trong túp lều cũ dựng dưới gốc đa. Cả gia tài chỉ có một lưỡi búa, hằng ngày lên rừng đốn củi kiếm ăn.
Một hôm có người hàng rượu tên là Lý Thông đi qua đó, nhgir ở gốc đa. Thấy Thạch Sanh gánh về một gánh củi lớn, hắn nghĩ bụng: “Người này khỏe như voi. Nó về ở cùng thì lợi biết bao nhiêu”. Lý Thông lân la gợi chuyện rồi gạ cùng Thạch Sanh kết nghĩa anh em. Vì sớm mồ côi cha mẹ, tứ cố vô thân, nay có người săn sóc đến mình, Thạch Sanh cảm động, vui vẻ nhận lời và chàng từ giã gốc đa đến sống chung với mẹ con Lý Thông.
Bấy giờ trong vùng có con trăn tinh có nhiều phép lạ, thường ăn thịt người. Quan quân đã nhiều lần đến bổ vây định diệt trừ nhưng không thể làm gì. Dân trong vùng phải lập cho nó một cái miếu thờ, hằng năm nộp một mạng người cho nó ăn thịt để nó đỡ phá phách.
Năm ấy đến lượt Lý Thông nộp mình. Mẹ con hắn nghĩ kế lừa Thạch Sanh chết thay. Chiều hôm đó, chờ Thạch Sanh kiếm củi về, Lý Thông dọn một mâm rượu thịt ê hề mời ăn, rồi bảo:
- Đêm nay đến phiên anh canh miếu thờ, ngặt vì dở cất mẻ rượu, em chịu khó thay anh, đến sáng thì về.
Thạch Sanh thật thà nhận lời đi ngay.
Nửa đêm hôm ấy, Thạch Sanh đang mơ màng nửa thức ngửa ngủ, bỗng nghe thấy có tiếng động mạnh sau miếu. Thạch Sanh với lấy búa đứng dậy thì trăn tinh đã hiện ra, nhe nanh vuốt xông vào con mồi. Thạch Sanh không hề sợ hãi, giơ cao búa giáng thật mạnh vào đầu trăn tinh. Thạch Sanh đã xả xác nó ra làm hai mảnh. Trăn tinh hiện nguyên hình là một con trăn khổng lồ và để lại bên mình một bộ cung tên bằng vàng. Thạch Sanh ung dung chặt đầu con quái vật và nhặt bộ cung tên xách về nhà. Lúc ấy đã gần sáng. Mẹ con Lý Thông đang ngủ, bỗng nghe tiếng gọi cửa. Ngỡ là oan hồn Thạch Sanh hiện về báo oán, chúng hoảng sợ van lạy rổi rít. Khi Thạch Sanh vòa nhà kể chuyện giết trăn tinh, mẹ con Lý Thông mới hoàn hồn. Nhưng những kẻ độc ác thì trong đầu bao giờ cũng có sẵn những mưu thâm. Lý Thông nói với Thạch Sanh:
- Con trăn ấy là của vua nuôi từ lâu. Nay em giết nó chắc không khỏi tội nặng. Thôi bây giờ nhân trời chưa sáng, em hãy trốn ngay đi. Có chuyện gì để anh ở nhà lo liệu.
Thạch Sanh thật thà tin ngay, vội từ giã mẹ con Lý Thông ra đi. Chàng lại trở về túp lều cũ dưới gốc đa, kiếm củi nuôi thân. Còn Lý Thông hí hửng đem đầu con yêu quái vào kinh đô nộp cho nhà vua. Vua khen ngợi và phong cho làm Quận công.
Nhà vua có cô công chúa vừa đến tuổi lấy chồng.
Một hôm công chúa đang ngồi trên lầu cao bỗng bị một con đại bàng khổng lồ bay đến quắp đi. Con đại bàng bay qua phía trên túp lều của Thạch Sanh, Thạch Sanh trông thấy liền dùng cung tên vàng bắn theo một phát. Mũi tên trúng vào cánh đại bàng. Nó đau đớn, quằn quại nhưng gắng sức bay về đến hang trong núi sâu. Thạch Sanh lần theo vết máu, tìm được chỗ ở của đại bàng.
Nhà vua vô cùng đau đớn, bèn sai Lý Thông đi tìm, hứa sẽ gả công chúa và nhường ngôi cho. Vừa mừng, vừa lo, Lý Thông lại tìm đến túp lều dưới gốc đa của Thạch Sanh. Thạch Sanh thật thà kể cho hắn nghe chàng đã bắn đại bàng bị thương và lần ra đượchang ổ của nó như thế nào. Lý Thông mừng quá liền nhờ Thạch Sanh dẫn đường cho quân sĩ đến hang đá. Hang sâu thăm thẳm, nhìn vào ai cũng thấy rùng mình, hoảng sợ.
Thạch Sanh xin cho mình được xuống hang cứu công chúa. Quân sĩ lấy dây dài buộc vào lưng chàng rồi dòng xuống. Đại bàng nguyên là một con yêu tinh ở trên núi có nhiều phép lạ. Tuy bị thương nặng nhưng khi thấy Thạch Sanh xuất hiện nó cũng đã vùng ngay dậy được, vung cánh chĩa vuốt, lao vào kẻ thù mạnh như một cơn bão lớn. Thạch Sanh dùng cung tên vàng bắn mù hai mắt đại bàng, rồi vung búa chặt đứt vuốt sắc, bổ vỡ đôi đầu đại bàng. Sau khi giết được chim dữ, Thạch Sanh lấy dây buộc vào người công chúa rồi ra hiệu cho quân Lý Thông kéo lên trước. Sau khi đưa được công chúa lên tới mặt đất, Lý Thông liền ra lệnh cho quân sĩ vần những tảng đá lớn lấp kín cửa hang lại, rồi kéo nhau về. Thạch Sanh đi sâu vào hang, để tìm lối ra khác. Đến cuối hang, chàng thấy có một chiếc cũi sắt. Một chàng trai khôi ngô tuấn tú bị nhốt trong đó, chàng trai đó chính là Thái tử con vua Thuỷ Tề. Thạch Sanh bèn dùng cung vàng bắn tan cũi sắt cứu Thái tử ra. Thái tử thoát nạn hết lời cảm tạ chàng và mời chàng xuống chơi Thuỷ phủ). Vua Thuỷ Tề sung sướng được gặp lại con, đãi chàng rất hậu. Khi chàng về, vua biếu rất nhiều vàng bạc nhưng Thạch Sanh không nhận, chỉ xin có một cây đàn. Rồi chàng lại trở về gốc đa sinh nhai bằng nghề cũ.
Hồn trăn tinh và đại bàng lang thang, một hôm gặp nhau bàn cách báo thù Thạch Sanh. Chúng vào kho của nhà vua ăn trộm của cải mang tới quẳng ở gốc đa để vu vạ cho Thạch Sanh. Thạch Sanh bị bắt hạ ngục.
Về phần nàng công chúa bất hạnh, từ khi được cứu thoát đưa về bị câm. Suốt ngày nàng chẳng nói, chẳng cười, mặt buồn rười rượi. Vua đành hoãn việc cưới xin và bảo Lý Thông mời thầy thuốc về chạy chữa. Không biết bao nhiêu thầy thuốc giỏi trong nước đã được mời đến nhưng không ai chữa được bệnh câm và tâm trạng sầu não của công chúa.
Một hôm, Thạch Sanh ngồi trong ngục tối, đem đàn của vua Thuỷ Tề cho ra gẩy. Tiếng đàn vang lên như những lời trách oán, trách sự hờ hững của công chúa và oán sự độc ác của Lý Thông. Tiếng đàn vắng đến hoàng cung, lọt vào tai công chúa. Vừa nghe tiếng đàn, công chúa bỗng cười nói vui vẻ. Nàng xin vua cha cho gọi người đánh đàn vào cung.
Nhà vua lấy làm lạ, cho đòi Thạch Sanh đến. Trước mặt mọi người, chàng kể hết đầu đuôi chuyện của mình, từ chuyện kết bạn với Lý Thông đến chuyện chém trăn tinh, từ chuyện giết đại bàng, cứu công chúa đến chuyện bị lấp cửa hang và cuối cùng là chuyện bị bắt oan vào ngục thất của hoàng cung. Mọi người bấy giờ mới hiểu ra tất cả sự thật. Vua sai bắt giam hai mẹ con Lý Thông lại giao cho Thạch Sanh xét xử. Chàng rộng lượng tha thứ cho chúng về quê làm ăn. Nhưng về đến nửa đường thì chúng bị sét đánh chết.
Nhà vua gả công chúa cho Thạch Sanh, lễ cưới của họ tưng bừng nhất kinh kì, chưa bao giờ và chưa ở đâu có lễ cưới tưng bừng như thế. Thấy vậy, bọn hoàng tử các nước chư hầu trước kia bị công chúa từ hôn lấy làm tức giận. Họ hội họp binh lính cả mười tám nước lại kéo sang đánh. Thạch Sanh xin nhà vua đừng động binh. Chàng một mình cầm cây đàn ra trước quân giặc. Tiếng đàn của chàng vừa cất lên thì quân sĩ của mười tám nước bủn rủn tay chân, không còn nghĩ gì được tới chuyện đánh nhau nữa. Cuối cùng, các hoàng tử phải cuốn giáp ra về. Thạch Sanh sai dọn một bữa cơm thết đãi những kẻ thua trận. Cả mấy vạn tướng lĩnh, quân sĩ thấy Thạch Sanh chỉ cho dọn ra vẻn vẹn có một niêu cơm tí xíu thì ai nấy đều ngạc nhiên, toan bỏ về. Thạch Sanh thân chinh đến mời họ cầm đũa và hứa sẽ trọng thưởng cho những ai ăn nối cơm đó. Quân sĩ mười tám nước ăn mãi, ăn mãi nhưng nồi cơm bé xíu vậy mà cứ ăn hết lại đầy. Sau khi ăn no nê, quân sĩ mười tám nước cúi đầu lạy tạ vợ chồng Thạch Sanh và kéo nhau về nước.
Về sau, vua không có con trai nên đã nhường ngôi cho Thạch Sanh.
(Theo Bùi Mạnh Nhị, Chủ biên Văn học dân gian; Những tác phẩm chọn lọc, NXB Giáo dục 2008, tr. 244- 247)
1. Thể loại
Cổ tích
2. Phương thức biểu đạtTự sự
3. Tóm tắt tác phẩm Thạch SanhỞ quận Cao Bình có hai vợ chồng tuổi đã già mà chưa có con. Thấy họ tốt bụng Ngọc Hoàng bèn sai Thái tử xuống đầu thai làm con. Cậu vừa chào đời thì mẹ mất, cậu sống lủi thủi trong túp lều cũ nát. Người ta gọi cậu là Thạch Sanh. Cậu được dạy đủ các môn võ nghệ và mọi phép thần thông. Thạch Sanh bị Lý Thông lợi dụng rủ về sống chung. Nhưng Lý Thông độc ác lừa Thạch Sanh nộp mạng thay mình cho Chằn tinh. Lý Thông cướp công giết Chằn tinh được vua khen ngợi phong làm quận công. Lần nọ, đại bàng đến quắp công chúa đi. Thạch Sanh bèn dùng cung tên bắn đuổi theo, cứu công chúa. Lý Thông lại lần nữa hãm hại Thạch Sanh. Chàng đã dùng tiếng đàn để giải oan, được vua gả công chúa cho. Nhờ niêu cơm ăn mãi không hết và tiếng đàn thần kì, Thạch Sanh đã chiến thắng mười tám nước chư hầu.
4. Bố cục tác phẩm Thạch SanhCó thể chia thành 5 phần như sau:
- Phần 1. Từ đầu đến 'mọi phép thần thông': Giới thiệu sự ra đời của Thạch Sanh.
- Phần 2. Tiếp theo đến 'phong cho làm Quận công': Thạch Sanh chiến thắng chằn tinh nhưng bị Lí Thông cướp công.
- Phần 3. Tiếp theo đến 'hóa kiếp thành bọ hung': Thạch Sanh đánh nhau với đại bàng cứu công chúa, sau đó bị hồn đại bàng và chằn tinh hãm hại.
- Phần 4. Tiếp theo đến 'hóa kiếp thành bọ hung': Thạch Sanh đánh đàn minh oan, Lí Thông bị trừng phạt.
- Phần 5. Còn lại: Thạch Sanh cưới công chúa, đánh bại các nước chư hầu.
5. Giá trị nội dung tác phẩm Thạch Sanh- Ngợi ca những chiến công rực rỡ và những phẩm chất cao đẹp của người anh hùng - dũng sĩ dân gian.
- Thể hiện ước mơ về sự đổi đời.
- Ước mơ đạo lí của nhân dân
- Thiện thắng ác
- Chính nghĩa thắng gian tà
- Hòa bình thắng chiến tranh
- Các dân tộc sống trong hòa bình và yên ổn làm ăn.
6. Giá trị nghệ thuật tác phẩm Thạch Sanh- Kết cấu, cốt truyện mạch lạc, sắp xếp tình tiết rất khéo léo, hoàn chỉnh.
- Xây dựng hình tượng hai nhân vật đối lập, tương phản hầu như xuyên suốt truyện (Thạch Sanh và Lý Thông) -> Tạo cho cốt truyện vững chắc, tập trung.
- Các chi tiết, yếu tố thần kì có ý nghĩa thẩm mĩ.
1. Xuất thân đặc biệt của Thạch Sanh
- Xuất thân khác người: Là thái tử của Ngọc Hoàng, xuống trần đầu thai làm người.
- Sự ra đời kì lạ:
+ Người vợ mang thai nhiều năm mà không thấy sinh nở.
+ Người chồng lâm bệnh chết, mãi về sau người vợ mới sinh được một cậu con trai.
+ Vừa khôn lớn thì mẹ mất, sống một mình nghèo khổ ở gốc đa.
- Khi trưởng thành, Ngọc Hoàng sai thiên thần xuống dạy đủ phép thần thông, các loại võ nghệ.
→ Thạch Sanh có xuất thân vừa phi thường vừa bình thường. Bình thường vì chàng là con của một vợ chồng nông dân nghèo khổ tốt bụng, lại sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống một mình khổ cực. Phi thường vì chàng lại chính là thái tử của Ngọc Hoàng đầu thai xuống làm người thường, được thần dạy nhiều phép thần thông và các loại võ nghệ.
2. Cuộc chiến giữa Thạch Sanh và chằn tinh- Sự gặp gỡ và quen biết Lí Thông: Một hôm, Lí Thông đi qua thấy Thạch Sanh gánh về một bó củi lớn, nghĩ bụng: 'Người này khỏe như voi. Nó về ở cùng thì lợi biết bao nhiêu'. Lí Thông liền lân la lại gần làm quen rồi gạ Thạch Sanh kết nghĩa huynh đệ.
→ Lí Thông là một con người mưu mô, tiếp cần Thạch Sanh nhằm có lợi cho bản thân.
- Thạch Sanh giết chết đại bàng:
- Hoàn cảnh: Trong vùng có một con chằn tinh tác yêu tác quái. Nó bắt dân làng mỗi năm phải nộp cho nó một mạng người. Năm ấy đến lượt nhà Lí Thông, hắn liền nghĩ kế khiến Thạch Sanh đi nộp mạng thay mình (lừa đi trông miếu thay). Thạch Sanh tốt bụng giúp đỡ Lí Thông mà không hay biết mình bị lừa gạt.
→ Qua đó, có thể thấy, Thạch Sanh là một người thật thà và tốt bụng.
- Diễn biến: Thạch Sanh đang lim dim mắt thì chằn tinh hiện ra định vồ lấy chàng. Thạch Sanh dùng nhiều loại võ thuật đánh con quái vật. Không lâu sau thì lưỡi búa của chàng đã xé xác nó làm đôi.
- Kết quả: Thạch Sanh chặt đầu con quái vật đem về. Khi trở về, mẹ con Lí Thông rất sợ hãi nhưng sau đó đã nghĩ ra kế lừa Thạch Sanh phải trốn đi: Đó là con vật nuôi của vua, giết nó là mang tội. Lí Thông nhân cơ hội đó đem đầu con chằn tinh vào dâng vua và được thường.
→ Lí Thông là một con người vong ơn bội nghĩa, hãm hại cả người đã cứu mạng mình.
3. Thạch Sanh đánh nhau với đại bàng cứu công chúa, cứu con vua Thủy Tề, Lí Thông bị trừng phạt* Thạch Sanh đánh nhau với đại bàng cứu công chúa:
- Hoàn cảnh: Nhà vua có công chúa đến tuổi lấy chồng nên phải mở hội kén rể. Trong lễ kén rể, công chúa bị một con đại bàng khổng lồ quặp đi. Thạch Sanh dùng cung tên bắn nó rồi lần theo vết máu biết được hang của đại bàng. Còn Lí Thông bị vua sai đi tìm công chúa.
- Diễn biến: Lí Thông gặp lại Thạch Sanh, nói với chàng chuyện tìm công chúa. Thạch Sanh kể cho hắn nghe về hang của đại bàng. Hai người cùng đi cứu công chúa. Đến hang Thạch Sanh xin xuống hang cứu công chúa. Thạch Sanh đánh nhau với đại bàng, dùng cung tên bắn mù mắt nó, vung búa bổ đôi đầu con vật.
- Kết quả: Chàng cứu được công chúa. Nhưng lại bị Lí Thông bỏ lại hang đại bàng.
* Thạch Sanh cứu con vua Thủy Tề:
- Thạch Sanh đi đến cuối hang thì thấy một chàng trai bị nhốt trong cũi sắt.
- Thạch Sanh dùng cung tên bắn tan cũi sắt cứu chàng trai chính là con vua Thủy Tề.
- Chàng được mời xuống thủy phủ chơi, tiếp đãi chu đáo rồi đưa trở về quê nhà.
→ Thạch Sanh là một chàng trai dũng cảm và tốt bụng.
4. Thạch Sanh đánh đàn minh oan, Lí Thông bị trừng phạt- Sau khi trở về Thạch Sanh bị oan hồn chằn tinh và đại bàng hãm hại, bị bắt vào ngục tối.
- Công chúa sau khi được cứu trở về liền không nói, không cười. Khi nghe tiếng đàn của Thạch Sanh, công chúa bỗng cười nói vui vẻ.
- Vua thấy lạ bèn cho gọi Thạch Sanh vào gặp. Chàng liền đem hết nỗi oan kể cho vua nghe.
- Bấy giờ mọi người liền hiểu ra, còn Lí Thông thì bị trừng trị thích đáng.
→ Kết cục xứng đáng cho kẻ độc ác xấu xa, vong ân phụ nghĩa.
5. Kết thúc có hậu- Thạch Sanh được vua gả công chúa cho.
- Thấy lễ cưới tưng bừng, các nước chư hầu trước kia bị công chúa từ hôn đem quân sang đánh. Thạch Sanh đem đàn ra gảy, tiếng đàn của chàng vừa cất lên đã khiến quân sĩ mười tám nước bủn rủn chân tay xin hàng.
-Thạch Sanh sai nấu cơm thiết đãi, quân sĩ thấy niêu cơm bé xíu liền khinh thường.
- Biết vậy, Thạch Sanh đố họ ăn hết được niêu cơm sẽ trọng thưởng.
- Quân sĩ ăn mãi không hết niêu cơm bé xíu liền cảm ơn rồi kéo nhau về nước.
- Về sau, vua không có con trai nên đã nhường ngôi cho Thạch Sanh.
→ Sự nể phục của quân sĩ mười thám nước Thạch Sanh đã thể hiện ước mơ về sự chiến thắng của lòng yêu chuộng hòa bình.
Đề bài: Phân tích bài Thạch Sanh
Bài tham khảo 1
Tuổi thơ của tôi trôi qua thật êm đềm và đẹp đẽ, tôi sống trong những lời ru thân thương của mẹ của bà, nghe từng câu chuyện cổ tích lý thú, hấp dẫn mà đi vào giấc ngủ mơ màng. Mỗi một câu chuyện đều đem đến cho tôi những bài học hay và quý giá, từ Tấm Cám, Sọ Dừa, đến Sự tích Hồ Gươm,... và Thạch Sanh cũng là một trong số những câu chuyện cổ tích đặc sắc gắn liền với tuổi thơ tôi.
Nhân vật Thạch Sanh có nhiều điểm tương đồng với các nhân vật chính trong các truyện cổ tích khác, là kiểu người thật thà tốt bụng, có một lai lịch bất thường, ở chàng hội tụ đủ các phẩm chất đẹp không chỉ về ngoại hình mà còn cả tâm hồn. Xuyên suốt câu chuyện là những tình tiết lý thú, gay cấn, thêm vào các yếu tố thần kỳ làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn, hút người đọc. Đây là một câu chuyện khá dài, kể về cuộc đời của Thạch Sanh từ khi sinh ra cho đến khi đã thành gia lập thất, cuộc đời chàng gặp rất nhiều nguy khốn, nhưng may thay đều vượt qua được, cuối cùng có một cuộc sống viên mãn.
Kể về gốc gác của Thạch Sanh, ngay từ lúc ban đầu đã có nhiều sự lạ, bởi vốn dĩ chàng là thái tử do Ngọc Hoàng phái xuống đầu thai làm con của cặp vợ chồng hiếm muộn, nhưng ăn ở tốt. Người mẹ mang thai ròng rã mấy năm trời, đến nỗi khi người chồng lâm bệnh qua đời mà Thạch Sanh vẫn chưa chịu ra đời, đến khi chào đời vừa lớn khôn cậu đã phải chịu cuộc sống mồ côi cha mẹ. Tình cảnh hết sức khó khăn, nghèo túng, gia sản chỉ có túp lều và lưỡi rìu người cha để lại, tuy nhiên Thạch Sanh đã sớm tự lập, nối nghiệp của cha mẹ ngày ngày lên rừng kiếm củi. Ngọc Hoàng lại phái thiên thần xuống dạy cho các phép thần thông, từ đó Thạch Sanh trở thành người tinh thông võ nghệ, nhưng không vì thế mà sinh kiêu, chàng vẫn ngày ngày kiếm củi sống cuộc sống giản dị chân chất, không hề có ý bon chen. Sống ẩn dật và mang trong mình một sức mạnh phi thường, dự báo trước một cuộc đời vẻ vang với nhiều chiến công lừng lẫy của chàng về sau này.
Cuộc đời chàng bắt đầu rẽ sang hướng khác khi gặp Lí Thông, và kết nghĩa anh em. Thực chất Lí Thông chẳng phải hạng tốt lành gì, hắn chỉ nhắm vào sức khỏe phi thường của Thạch Sanh hòng lợi dụng chàng làm việc cho mẹ con hắn. Nhưng vốn thật thà, chất phác, lại sớm mồ côi cha mẹ, nay lại có người hỏi thăm, muốn kết nghĩa anh em, quả thật không gì hạnh phúc bằng nên Thạch Sanh đã nhận lời và dọn về cùng Lí Thông. Và tại nơi này Thạch Sanh đã chịu lần hãm hại đầu tiên, mà kẻ thủ phạm không ai khác chính là người anh em gian ác Lí Thông, hắn lợi dụng lòng tin của Thạch Sanh nhờ chàng đi canh miếu giùm, thực chất là đưa Thạch Sanh vào chỗ chết. Quả là một kẻ nham hiểm, xảo trá, sẵn sàng hy sinh mạng sống của anh em không từ thủ đoạn. Thạch Sanh vì tin tưởng anh, nên ra đi mà không hề biết có nguy hiểm phía trước, khi gặp xà tinh ban đầu chàng có hơi hoảng loạn, nhưng bằng sự gan dạ, dũng cảm và võ nghệ đã học được, Thạch Sanh cuối cùng cũng chiến thắng quái vật. Cây cung vàng chính là phần thưởng cho sự anh dũng, khi diệt quái thú của Thạch Sanh. Thạch Sanh đem đầu xà tinh về nhà, lúc này chàng vẫn không mảy may nghi ngờ người anh Lí Thông, cứ nghĩ mọi chuyện chỉ là trùng hợp. Mẹ con nhà Lí Thông, có tật giật mình nghe tiếng gõ cửa tưởng hồn Thạch Sanh hiện về, nhưng không ngờ lại thấy Thạch Sanh còn sống nguyên vẹn trở về, với bản tính tham lam, hám lợi Lí Thông lại một lần nữa lừa Thạch Sanh hòng đuổi chàng đi, để chiếm hết công lao và thành Quận công. Còn Thạch Sanh vốn chất phác, càng không có suy nghĩ danh lợi lại lầm lũi trở về túp lều trước kia tiếp tục kiếm sống qua ngày.
Mạch truyện hấp dẫn hơn khi lần nữa Thạch Sanh dùng mũi tên bắn bị thương đại bàng bắt công chúa, và tìm thấy nơi ẩn nấp của nó. Lúc này tên Lí Thông vốn vô năng, không thể cứu được công chúa như lệnh của hoàng đế, bất ngờ gặp lại Thạch Sanh, và hắn lập tức lợi dụng chàng thêm lần nữa. Khi đã giải cứu được công chúa, để giành hết công lao và che giấu tội lỗi hắn từng gây ra, Lí Thông bèn lập kế lấp miệng hang hòng thủ tiêu Thạch Sanh, vô cùng tàn nhẫn và độc ác. Sau ba lần bị lừa, giờ đây cuối cùng Thạch Sanh cũng nhận ra bộ mặt thật của tên Lí Thông gian ác, đánh dấu bước chuyển biến mới trong tư duy của Thạch Sanh, biết phân biệt người tốt kẻ xấu, dự báo một ngày tàn của Lí Thông sẽ không còn xa nữa. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo nguy khốn, Thạch Sanh lại ra tay nghĩa hiệp cứu được thái tử của vua Thủy Tề và may mắn thoát khỏi hang động bị lấp kín đá. Với tâm hồn thanh bạch không màng danh lợi, vật chất, khi được biếu tặng nhiều vàng bạc Thạch Sanh không nhận và chỉ xin một cây đàn, rồi trở về gốc đa tiếp tục cuộc sống ẩn dật, chàng vẫn không có ý định trả thù tên Lí Thông, bởi sâu trong thâm tâm chàng là người lương thiện, sẵn sàng bỏ qua mọi chuyện. Có một chi tiết rất lạ, là nàng công chúa sau khi được cứu về lại hóa câm, qua mạch truyện hẳn đây là tâm bệnh, có lẽ nàng quá căm tức trước hành động vô liêm sỉ của Lí Thông và thương xót cho Thạch Sanh mà thành ra như thế. Chi tiết này phần nào tố cáo Lí Thông và những tội ác, những lời gian dối hắn có nhiều nghi vấn, đây là nút thắt chính của câu chuyện, cũng là nút thắt hóa giải tất cả mọi việc.
Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam vô cùng phong phú, đặc sắc. Với trí tưởng tượng phong phú, tài hoa các tác giả dân gian đã dựng lên bức chân dung các nhân vật chính diện thật tuyệt mĩ, hoàn hảo, không chỉ đẹp về ngoại hình mà còn đẹp cả phẩm chất bên trong. Thạch Sanh là một truyện cổ tích như vậy.
Thạch Sanh là truyện cổ tích thần kì, nhân vật thuộc kiểu người dũng sĩ, đây là mô típ phổ biến trong truyện cổ tích Việt Nam và thế giới. Câu chuyện với những tình tiết bất ngờ, hợp lí đã tạo nên sức hấp dẫn với người đọc.
Trước hết tác phẩm là bài ca ca ngợi người anh hùng lí tưởng Thạch Sanh trong cuộc đấu tranh lại cái ác. Thạch Sanh vốn là con Ngọc Hoàng, nhưng được sai xuống đầu thai làm con của một gia đình nghèo khó, hiền lành, tốt bụng. Sự ra đời của Thạch Sanh cũng ẩn chứa rất nhiều điều kì lạ. Người mẹ sau nhiều năm mang thai mới sinh ra Thạch Sanh. Khi cậu vừa khôn lớn thì mẹ qua đời. Thạch Sanh sống một mình trong túp lều cũ cạnh gốc đa, hàng ngày kiếm củi bán để sống. Sự ra đời của Thạch Sanh là sự kết hợp hài hòa giữa những cái bình thường và phi thường. Điều bình thường ở Thạch Sanh đó là được sinh ra trong một gia đình nghèo, sau khi cha mẹ chết cậu làm nghề kiếm củi để nuôi sống bản thân. Nhưng điểm nhấn của nhân vật chính là yếu tố phi thường: mẹ mang thai vài năm mới sinh, được các thiên thần dạy đủ các môn võ nghệ và phép thần thông. Sự ra đời và lớn lên kì lạ như vậy như một tín hiệu báo những chiến công oanh liệt của Thạch Sanh sau này. Mang trong mình sự hài hòa giữa nét bình thường và khác thường còn cho ta thấy rằng những con người bình thường cũng có thể mang trong mình những khả năng, phẩm chất khác thường.
Cũng như các nhân vật truyện cổ tích khác, Thạch Sanh phải trải qua rất nhiều thử thách khác nhau để khẳng định bản thân và đến được bến bờ hạnh phúc, đồng thời cho thấy quá trình đấu tranh thiện, ác gian nan của chàng. Là một người mồ côi, luôn khao khát được yêu thương, bởi vậy khi Lí Thông ngỏ lời kết nghĩa anh em, Thạch Sanh đã lập tức đồng ý. Ta thấy rằng Lí Thông không hề có lòng tốt khi kết nghĩa với Thạch Sanh mà chỉ muốn lợi dụng chàng. Thử thách đầu tiên mà Thạch Sanh phải trải qua là thử thách lòng tin. Lí Thông nói dối để Thạch Sanh đi canh miếu thờ, mà thực chất là đẩy Thạch Sanh đến chỗ chết, Lí Thông là kẻ hết sức mưu mô, xảo quyệt, ích kỉ vì mạng sống của mình mà đẩy người anh em vào chỗ chết. Vốn là người hiền lành nên chàng tin lời anh ngay, trong đêm canh miếu, Thạch Sanh không những không bị giết mà còn đánh bại chằn tinh. Qua những việc làm đó cho thấy Thạch Sanh là một người thật thà, chất phác.
Lí Thông tiếp tục tỏ ra là tên gian xảo, một lần nữa lừa Thạch Sanh, khiến chàng bỏ về túp lều cũ, còn hắn thì đàng hoàng nhận lấy công trạng và lĩnh thưởng. Công chúa bị đại bàng bắt đi, Thạch Sanh nghĩa hiệp mang cung tên vàng ra bắn bị thương con chim ác, chàng đã đi theo dấu máu và tìm đến tận cửa hang. Nghe theo lời nhờ cậy của Lí Thông, chàng xuống hang sâu cứu công chúa, nhưng lại bị Lí Thông lấp cửa hang. Ở dưới đó, chàng không hề sợ hãi, tìm đường ra, trên đường tìm lối thoát chàng còn cứu thêm con vua Thủy Tề. Chàng quả là người có tấm lòng nhân hậu và lương thiện. Nói về phần công chúa, sau khi được cứu về nàng hóa câm, đó cũng chính là bằng chứng tố cáo tội ác của Lí Thông.
Tội ác của Lí Thông ngày một gia tăng, được các tác giả dân gian khéo léo xếp theo chiều tăng tiến, ban đầu hắn lợi dụng Thạch Sanh thế mạng cho mình, rồi tiếp đến cướp công một cách trắng trợn, không dừng lại ở đó hắn còn nhẫn tâm giết chết Thạch Sanh. Những tội ác của Lí Thông mỗi ngày một tăng lên cho thấy tính cách xấu xa, xảo quyệt, lòng tham vô đáy, ham mê quyền lực, tiền bạc đến mờ mắt của hắn. Vậy liệu Lí Thông có bị trừng phạt đích đáng hay không?
Quá trình đấu tranh giữa cái thiện và cái ác ngày càng gay go, quyết liệt, Thạch Sanh không chỉ chịu sự hãm hại của Lí Thông, mà còn bị hồn của đại bàng và chằn tinh báo thù, chàng bị giam vào ngục. Cái ác ngày càng tăng dần về cấp độ thì ta cũng thấy cái thiện cũng ngày một trưởng thành, lớn mạnh hơn. Nhờ có tiếng đàn Thạch Sanh được giải oan, còn mẹ con Lí Thông phải chịu tội. Tiếng đàn chính là tiếng nói của công lý, nhờ có tiếng đàn mà mọi oan khuất của Thạch Sanh đã được hóa giải. Có một điều đặc biệt đó là Thạch Sanh không phải là người trừng phạt tội ác mẹ con Lí Thông mà chính đất trời đã trừng trị chúng. Qua chi tiết đó càng thể hiện rõ tấm lòng bao dung, độ lượng của Thạch Sanh với kẻ đã hãm hại mình. Câu chuyện kết thúc có hậu, Thạch Sanh lấy công chúa, công lí, công bằng đã được thực thi.
Truyện Thạch Sanh không chỉ phản ánh quá trình đấu tranh thiện ác mà còn thể hiện lòng yêu chuộng hòa bình của nhân dân ta. Lấy công chúa, Thạch Sanh trải qua thử thách cuối cùng: thu phục các nước chư hầu. Với niêu cơm thần và tiếng đàn thần các nước chư hầu phải ngả mũ xin hàng. Chi tiết niêu cơm thần và tiếng đàn thần là hai chi tiết có nhiều giá trị, ý nghĩa. Niêu cơm thần thể hiện mơ ước, khát vọng cuộc sống ấm no, hạnh phúc và tấm lòng nhân đạo của dân tộc. Tiếng đàn thần tượng trưng cho khát vọng hòa bình của nhân dân ta. Trải qua rất nhiều khó khăn thử thách, Thạch Sanh đã đến được bến bờ hạnh phúc, chung sống cùng công chúa và cai trị đất nước. Đây là phần thưởng xứng đáng cho đức hạnh cũng như tài năng của Thạch Sanh.
Tài liệu khác:
- Tác giả tác phẩm: Sự tích Hồ Gươm - Ngữ văn 6 Cánh diều
- Tác giả tác phẩm: À ơi tay mẹ - Ngữ văn 6 Cánh diều
- Tác giả tác phẩm: Về thăm mẹ - Ngữ văn 6 Cánh diều
- Tác giả tác phẩm: Thánh Gióng - Ngữ văn 6 Cánh diều
- Tác giả tác phẩm: Mon và Mên đang ở đâu? - Ngữ văn 7 Kết nối tri thức
- Tác giả tác phẩm: Vẻ đẹp bình dị và chân thật của Quê Nội (Võ Quảng) - Ngữ văn 7 Kết nối tri thức
- Tác giả tác phẩm: Thân thiện với môi trường - Ngữ văn 7 Kết nối tri thức
- Tác giả tác phẩm: Lễ rửa làng của người Lô Lô - Ngữ văn 7 Kết nối tri thức