Tác giả tác phẩm: Về thăm mẹ - Ngữ văn 6 Cánh diều

Ngọc Anh | Chat Online
08/11 16:02:22
16 lượt xem

Tác giả tác phẩm: Về thăm mẹ - Ngữ văn 6

I. Tác giả

- Tên: Đinh Nam Khương

- Quê quán: Thôn Đục Khuê, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

- Chức danh: Từng là phó chủ tịch Hội Đông y Mỹ Đức, Hà Nội; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

- Giải thưởng:

+ Giải A cuộc thi thơ 1981 - 1982 - Báo Văn nghệ.

+ Tặng thưởng bài thơ hay nhất 1992 - Báo Văn nghệ Quân đội.

+ Tặng thưởng chùm thơ hay nhất 2001 - Báo Văn nghệ.

+ Giải B cuộc thi thơ Lục bát 2002 - 2003.

II. Đọc Tác phẩm Về thăm mẹ

Về thăm mẹ

(Đinh Nam Khương)

Con về thăm mẹ chiều đông

Bếp chưa lên khói mẹ không có nhà

Mình con thơ thẩn vào ra

Trời đang yên vậy bỗng oà mưa rơi.

Chum tương mẹ đã đậy rồi

Nón mê xưa đứng nay ngồi dầm mưa

Áo tơi qua buổi cày bừa

Giờ còn lủn củn khoác hờ người rơm. 

Đàn gà mới nở vàng ươm

Vào ra quanh một cái nơm hỏng vành

Bất ngờ rụng ở trên cành

Trái na cuối vụ mẹ dành phần con. 

Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn

Rưng rưng từ chuyện giản đơn thường ngày.

 

III. Tác phẩm Về thăm mẹ
1. Thể loại

Thể thơ lục bát

2. Phương thức biểu đạt

Tự sự + Biểu cảm

3. Tóm tắt tác phẩm Về thăm mẹ

Bài thơ thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của người con về nỗi nhớ mong, yêu thương dành cho người mẹ.

4. Bố cục tác phẩm Về thăm mẹ

4 khổ:

- Khổ 1: 4 câu đầu: Hình ảnh người mẹ bên chiếc bếp lửa

- Khổ 2+3: 8 câu tiếp: Tình yêu thương của mẹ

- Khổ4: 4 câu tiếp: Tình cảm của mẹ với người con thân yêu

5. Giá trị nội dung tác phẩm Về thăm mẹ

- Về thăm mẹ là bài thơ thể hiện tình cảm của người con xa nhà trong một lần về thăm mẹ mình.

- Mặc dù mẹ không ở nhà nhưng hình ảnh mẹ hiễn hữu trong từng sự vật thân thuộc xung quanh.

- Mỗi cảnh, mỗi vật đều biểu hiện sự vất vả, sự tần tảo, hi sinh và đặc biệt là tình thương yêu của mẹ dành cho con.

6. Giá trị nghệ thuật tác phẩm Về thăm mẹ

- Thể thơ lục bát nhịp nhàng, biểu cảm.

- Kết hợp thành công các biện pháp tu từ: ẩn dụ, liệt kê.
 

IV. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Về thăm mẹ
1. Tình cảm của người mẹ với người con thân yêu

- Hình ảnh mẹ gắn liền với bếp lửa: 'Bếp chưa lên khói, mẹ không có nhà'.

→ Thể hiện sự tần tảo, đảm đang → Mang những đặc điểm điển hình của người mẹ, người phụ nữ Việt Nam.

- Tình yêu thương của mẹ gắn với những sự vật gần gũi đời thường:

+ Chum tương đã đậy.

+ Áo tơi lủn củn.

+ Nón mê ngồi dầm mưa.

+ Đàn gà, cái nơm hỏng vành.

→ Tất cả các sự vật đều gần gũi, có vẻ cũ kĩ, xấu xí, không trọn vẹn.

→ Sự vất vả, tích cóp, tiết kiệm của người mẹ để nuôi con khôn lớn. Tình yêu của mẹ đối với con trọn vẹn.

- Tình thương của mẹ kết lại bởi hình ảnh: 'Trái na cuối vụ mẹ dành phần con.'

→ Chỉ là một trái na nhưng thể hiện rõ nét nhất sự yêu thương của mẹ: trái na đã đến cuối vụ mà mẹ không nỡ hái, vẫn chờ con về để cho con.

→ Người mẹ tần tảo, vất vả, tiết kiệm, hi sinh để lo cho con ăn học trưởng thành mà quên bản thân mình.

2. Mẹ luôn yêu thương, mong nhớ và nghĩ tới con

- Hoàn cảnh: 'Con về thăm mẹ chiều đông'.

- Biểu hiện:

+ Dáng hình: 'Thơ thẩn vào ra' → Khi ở nhà một mình, ngắm nhìn những cảnh vật xung quanh, con ngờ ngợ một cảm giác bâng khuâng, tha thẩn, mang nét buồn, nét thương.

+ Cảm xúc:

'Nghẹn ngào' → cố kìm nén, cảm động không nói nên lời.

'Rưng rưng' → không thể kìm nén, nước mắt chỉ trực chờ rơi.
 

V. Các bài văn mẫu
Đề bài: Phân tích bài Về thăm mẹ
Bài tham khảo 1

Tình mẫu tử vốn là một đề tài quen thuộc trong thơ ca. Một trong những tác phẩm viết về đề tài này là bài thơ Về thăm mẹ của Đinh Nam Khương.

Bài thơ là lời của người con bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc khi về thăm mẹ. Những hình ảnh quen thuộc gợi nhớ về những kỉ niệm xưa khiến người con thêm thấu hiểu được nỗi nhọc nhằn của mẹ:

“Con về thăm mẹ chiều đông
Bếp chưa lên khói mẹ không có nhà
Mình con thơ thẩn vào ra
Trời đang yên vậy bỗng oà mưa rơi”

Người con trong bài thơ trở về thăm mẹ sau một thời gian xa nhà. Chiều mùa đông lạnh giá, lại có mưa rơi nhưng mẹ lại không có nhà. Người mẹ xuất hiện ở đây gắn với hình ảnh “bếp lửa” thể hiện sự tần tảo của người phụ nữ Việt Nam. Và khi nhìn những đồ vật quen thuộc trong nhà, người con nhớ về mẹ:

“Chum tương mẹ đã đậy rồi
Nón mê xưa đứng nay ngồi dầm mưa
Áo tơi qua buổi cày bừa
Giờ còn lủn củn khoác hờ người rơm

Đàn gà mới nở vàng ươm
Vào ra quanh một cái nơm hỏng vành
Bất ngờ rụng ở trên cành
Trái na cuối vụ mẹ dành phần con”

Tình yêu thương của mẹ gắn với những sự vật bình thường. Đó là những sự vật gần gũi, quen thuộc với nhân vật trong bài thơ, thể hiện sự vất vả, lam lũ và hy sinh của người mẹ dành cho đứa con.

Người con một mình ngồi trên hiên nhà vắng, thơ thẩn vào ra” gợi sự bồi hồi khi nhìn thấy những đồ vật quen thuộc mẹ vẫn thường dùng, mong ngóng mẹ trở về. Hai câu thơ cuối là đã bộc lộ trực tiếp tâm trạng của người con lúc này:

“Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn
Rưng rưng từ chuyện giản đơn thường ngày”

Đó là sự xúc động khi biết được nỗi nhọc nhằn, sự hy sinh của mẹ. Điều làm người con “Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn” đó là những chuyện giản đơn thường ngày - ngôi nhà do mẹ một tay vun vén, sự hy sinh mẹ dành cho con.

Như vậy, bài thơ “Về thăm mẹ” đã thể hiện được tình yêu thương sâu sắc của người con dành cho mẹ của mình. Bài thơ tuy ngắn gọn nhưng lại chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc.
 

Bài tham khảo 2

Viết về tình mẫu tử, có không ít những tác phẩm đã làm nên tiếng vang lớn. Và Đinh Nam Khương cũng đóng góp một phần nhỏ vào đề tài này với bài thơ “Về thăm mẹ”:

Trước hết, bài thơ là lời của người con đã bộc lộ tâm trạng, cảm xúc khi về thăm mẹ. Đó là một buổi chiều mùa đông lạnh giá, lại có mưa rơi. Điều đầu tiên con người con nhìn thấy khi trở về nhà là hình ảnh khói bếp. Hình ảnh gắn bó với người phụ nữ, cho thấy sự tần tảo của những người mẹ, người bà. Hình ảnh này ta đã từng bắt gặp trong bài “Bếp lửa” của Bằng Việt:

“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa!”

Tiếp đến, tác giả đã khắc hoạt một loạt những hình ảnh quen thuộc gợi nhớ về những kỉ niệm xưa khiến người con thêm thấu hiểu được nỗi nhọc nhằn của mẹ:

“Chum tương mẹ đã đậy rồi
Nón mê xưa đứng nay ngồi dầm mưa
Áo tơi qua buổi cày bừa
Giờ còn lủn củn khoác hờ người rơm

Đàn gà mới nở vàng ươm
Vào ra quanh một cái nơm hỏng vành
Bất ngờ rụng ở trên cành
Trái na cuối vụ mẹ dành phần con”

Mọi thứ trong căn nhà đều có bàn tay nâng niu, chăm sóc của mẹ. Từ những đồ vật giản dị nhất như nón mê, áo mưa hay chum tương, đàn gà, trái na đều cho thấy sự vất vả nhọc nhằn của mẹ. Đó là những sự vật gần gũi, quen thuộc với nhân vật trong bài thơ, thể hiện sự vất vả, lam lũ và hy sinh của người mẹ dành cho đứa con. Người mẹ luôn muốn dành những điều tốt đẹp nhất để lại cho đứa con của mình.

Hai câu thơ cuối, tác giả đã bộc lộ trực tiếp tình cảm dành cho người mẹ thân yêu của mình:

“Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn
Rưng rưng từ chuyện giản đơn thường ngày”

Thấu hiểu được nỗi nhọc nhằn của mẹ, người con nghẹn ngào, xót xa và cảm động biết bao.

Với lời thơ giản dị, giọng thơ sâu lắng, bài thơ “Về thăm mẹ” đã thể hiện được tình mẫu tử thật đáng trân trọng.

Tải file tài liệu:
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận của bạn tại đây
Gửi ý kiến bình luận của bạn tại đây:
Hình ảnh (nếu có):

(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tài liệu hay, hãy gửi cho mọi người cùng xem và tham khảo tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Đăng tài liệu

Giải bài tập Flashcard Trò chơi Đố vui Khảo sát Trắc nghiệm Hình/chữ Quà tặng Hỏi đáp Giải bài tập

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×