-Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là nỗi nhớ, nhớ về đồng đội và địa bàn hoạt động của đoàn quân, nhớ về vùng đất mà bước chân hào hùng mà đoàn binh Tây Tiến đã đi qua – Tây Bắc. Vùng đất đó với thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ và thơ mộng, trữ tình, vùng đất ấy với những con người tài hoa, duyên dáng và nghĩa tình. Trên nền cảnh ấy là hình ảnh người lính Tây Tiến. Họ hiện lên thật ấn tượng với phẩm chất hào hùng đáng kính, họ đã hi sinh dọc đường hành quân, hi sinh dọc miền biên giới – họ đã hi sinh vì lí tưởng sống cao đẹp:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
-Đoạn thơ sử dụng rất nhiều từ Hán Việt mang sắc thái trân trọng, thể hiện không khí trang nghiêm, lòng thành kính thiêng liêng của nhà thơ trước sự hi sinh của đồng đội. Những từ ngữ ấy như những nén tâm nhang thắp lên đưa tiễn những người đã ngã xuống. CHính hệ thống từ ngữ ấy kết hợp với những hình ảnh giàu sức gợi (biên cương, chiến trường, áo bào, khúc độc hành) cũng tạo sắc thái cổ kính, gợi liên tưởng đến sự hi sinh oanh liệt của những anh hùng, dũng tướng sẵn sàng chấp nhận cảnh “da ngựa bọc thây” đầy bi tráng trong văn học trung đại.
-Câu thơ đầu đoạn thơ sử dụng nhiều từ Hán Việt (biên cương, viễn xứ) nhưng sức nặng của cả câu lại dồn vào một từ thuần Việt: “mồ”. Mồ cũng là mộ nhưng không phải mộ theo đúng nghĩa. Đó chỉ là những nấm đất được đào vội, chôn mau ngay trên con đường hành quân vội vã để đoàn quân lại tiếp tục lên đường. Đặt trong không gian bao la, mênh mông hoang sơ của miền biên giới Việt – Lào, những nấm mồ ấy gợi lên bao nỗi xót xa.
-Trong câu thơ thứ hai, tác giả sử dụng nghệ thuật đảo ngữ (chiến trường đi) để nhấn mạnh đích đến của người lính, người chiến sĩ. Trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, sứ mênh đất nước rất mỏng manh, chiến trường là đích đến duy nhất, là sự lựa chọn đầy trách nhiệm của cả một thế hệ. Với họ, “đường ra trận mùa này đẹp lắm” và “cuộc đời đẹp nhất trên trận chiến chống quân thù”. Cách nói “chẳng tiếc đời xanh” cho thấy sự dứt khoát, lòng quyết tâm, coi thường gian nguy, coi thường cái chết. Họ sẵn sàng hiến dâng cả đời xanh, tuổi trẻ, quãng đời đẹp nhất cho tổ quốc, hơn thế nữa, tính mạng của họ cũng sẵn sàng hi sinh để làm nên dáng hình đất nước. Họ ra đi với tinh thần của cả thời đại“Người ra đi đầu không ngoảnh lại”. Đó là lí tưởng sống cao đẹp, hào hùng.
-Viết về người lính và cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta, nhà thơ Quang Dũng rất chân thực, ông không hề né tránh hiện thực:
Áo bào thay chiếu anh về đất
“Áo bào thay chiếu” – một hình ảnh thực đến xót xa của chiến tranh. Nhưng cái thiếu thốn về vật chất lại được khoả lấp bằng sự hiên ngang, can trường của người lính. Từ Hán Việt và cách nói “Áo bào thay chiếu anh về đất”làm cho cái chết của người lính Tây Tiến trở nên trang trọng hơn rất nhiều, thiêng liêng hơn nhiều. Nhà thơ vẫn gợi lên sjw thật chung của cả thời chống Pháp là sự thiếu thốn về vật chất, ở vùng biên giới xa xôi thì sự thiếu thốn ấy còn nhân lên gấp bội. Người chiến sĩ đã ngã xuống không có một cỗ quan tài, thậm chí không có lấy một tấm chiếu để liệm thân mà khi ngã xuống vẫn cứ mặc nguyên tấm áo thường ngày trên đường hành quân. Đó có thể là tấm áo sờn vai, tấm áo bạc màu, tấm áo có vài mảnh vá. Nhưng với thái độ trân trọng đồng đội, nhà thơ Quang Dũng đã thấy họ như đang mặc tấm áo bào của chiến tướng mà đi vào cõi vĩnh hằng, bất tử cùng sông núi. Cách nói “về đất” không chỉ là cách nói giảm, nói tránh mà mang ý nghĩa biểu tượng thiêng liêng. Cái chết không phải là ra đi vào cõi hư vô bất định mà là trở về, trở về với đất Mẹ yêu thương. Đất Mẹ cũng đã mở lòng đón những đứa con đầy trách nhiệm của mình trở về. Họ đã ra đi như thế đấy. Họ đã nằm lại nơi chân đèo, dốc núi nào đó trên con đường hành quân đầy gian khổ, nhọc nhằn, họ đã để lại mình nơi biên cương lạnh lẽo, hoang vắng. Nhưng họ đã ra đi vì lí tưởng, cái chết của họ dù để lại nhiều xót xa trong lòng người đọc nhưng họ ra đi một cách rất thanh thản. Họ chỉ là “không bước nữa”, là “bỏ quên đời”, là “về đất” thôi chứ không phải là chết. các anh đã ngã xuống, đã “hoá thân cho dáng hình xứ sở” để rồi mỗi thế núi hình sông, mỗi tên đất tên làng đều có bóng hình các anh. Các anh hi sinh, trở về trong lòng Đất Mẹ để “cho cây đời mãi mãi xanh tươi”, để đem lại cho đất đai, cho quê hương đất nước sự sống bất tận.
– Đoạn thơ kết thúc bằng một âm hưởng hào hùng. Dường như linh hồn người tử sĩ đã hòa cùng sông núi, con sông Mã đã tấu lên khúc nhạc đau thương, hùng tráng để tiễn đưa người lính vào cõi bất tử. Hình tượng “sông Mã” ở cuối bài thơ được phóng đại và nhân hóa, tô đậm cái chết bi hùng của người lính_ sự hi sinh làm lay động đất trời, khiến dòng sông gầm lên đớn đau, thương tiếc.
* Nghệ thuật:
– Bằng bút pháp lãng mạn và âm hưởng bi tráng, đoạn thơ ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của người lính Tây Tiến trong cuộc kháng chiến chống Phá.