Để có được hòa bình và hạnh phúc cho nhân dân như ngày hôm nay, có lẽ chúng ta đã phải hy sinh biết bao nhiêu xương máu. Không chỉ vậy, đó còn là nhờ vào truyền thống đoàn kết của nhân dân ta. Khi bàn về vấn đề này, tôi lại nhớ đến câu tục ngữ:
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao
Quả thật, đây là một lời răn dạy đầy sâu sắc của ông cha ta. Xét về nghĩa đen, câu tục ngữ muốn nhắn nhủ rằng một cái cây thật nhỏ bé không thể làm nên cả rừng xanh, chỉ khi có thật nhiều cây mới làm nên một khu rừng rộng lớn. Còn xét theo nghĩa bóng, câu tục ngữ muốn gửi gắm đến mỗi người bài học tinh thần đoàn kết đem đến cho chúng ta sức mạnh, vượt qua mọi thử thách và khó khăn để đạt được thành công. Còn “ba cây” chỉ số nhiều, thể hiện cho một tập thể mạnh mẽ. “Chụm lại” là hành động thể hiện của sự đoàn kết, đồng lòng. Chỉ khi có sự đoàn kết ấy, chúng ta mới “nên hòn núi cao” tức là vươn tới đích đến, vươn tới thành công.
Thực tế đã chứng minh, trong lao động hay chiến đấu, con người cần đoàn kết mới có thể giành chiến thắng. Trong chiến đấu: Nhân dân lao động thế giới cần phải đoàn kết mới có thể đánh bại được chủ nghĩa phát xít; Nhân dân Việt Nam cần phải đoàn kết mới có thể đẩy lùi quân xâm lược. Doanh nghiệp Việt Nam cần hỗ trợ lẫn nhau mới có thể vươn tầm thế giới…
Đoàn kết chính là sức mạnh to lớn, đẩy lùi mọi khó khăn. Hình ảnh “góp gió thành bão” cũng chính là một biểu tượng cho sự đoàn kết, hợp tác. Còn với những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, để có thể nối tiếp truyền thống đoàn kết của cha ông, chúng ta cần xây dựng tinh thần đoàn kết từ ngay trong tổ, trong lớp, trong trường. Chính tình đoàn kết ấy sẽ làm tăng sức mạnh cho học sinh trong học tập và trong cuộc sống.
Tóm lại, đoàn kết chính là cội nguồn của sức mạnh, cũng là yếu tố quan trọng trong cuộc đấu tranh sinh tồn và phát triển của con người.