Bàn về giá trị, sức mạnh và chức năng của văn chương, nhà văn Hoài Thanh đã khẳng định rằng “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có”.
Văn chương chính là những tác phẩm văn học chân chính. Nó không chỉ là những con chữ trên mặt giấy, mà là những thế giới, những câu chuyện sống động, được tác giả thổi hồn vào. Những tác phẩm văn chương ấy đem đến cho người đọc vô vàn những trải nghiệm. Và quan trọng nhất, chính là gợi lên, tạo cho ta những tình cảm, những rung động chưa từng có, và tôi luyện thêm những xúc cảm đã hình thành. Đó chính là thiên chức của văn chương từ thuở mới khai sinh.
Những tình cảm ấy, không chỉ là những tình cảm cao thượng, lớn lao, mà còn phải là những tình cảm gần gũi, chân thực nhất. Đó là niềm vui, nỗi buồn, là sự khổ đau, hạnh phúc, là sự căm phẫn, đồng cảm, sẻ chia. Tất cả những cung bậc cảm xúc ấy, được gói trọn trong các tác phẩm văn chương. Rõ ràng đó là một người ta chưa gặp bao giờ, là một câu chuyện không có thật, nhưng ta vẫn đồng điệu với họ, thăng hoa cùng họ từng xúc cảm. Để từ đó, mang trong mình một trái tim nhạy cảm đầy tình yêu thương hơn.
Chẳng hạn như đọc truyện ngắn Nghèo của Nam Cao. Ta thương cái đói khổ, bất hạnh đến cùng cực của vợ chồng chị Chuột. Tuyệt vọng cùng với hành động hi sinh cuối cùng của anh Chuột. Và xót xa với cảnh cơ cực của hai đứa con anh. Chính cái thương ấy, theo ta ra với cuộc sống thực tại, để cho ta biết thêm yêu thương những người xung quanh mình, biết đùm bọc sẻ chia với những số phận bất hạnh. Đó chính là cái giá trị nhân văn cao cả mà các tác phẩm văn chương chân chính luôn hướng tới.