Văn hóa ứng xử trong nhà trường có tầm quan trọng đặc biệt trong công tác giáo dục, trong nếp sống đạo lý làm người. Văn hóa ứng xử nhà giáo là một trong những yêu cầu cần thiết, tác động tích cực đến sự phát triển nhân cách học sinh. Văn hóa ứng xử trong trường học là vấn đề hết sức quan trọng được cả xã hội quan tâm. Chính vì vậy trong năm học này nhà trường đã đề cao vai trò của văn hóa ứng xử trong trường học.
Trước hết là giao tiếp ứng xử giữa giáo viên với giáo viên. Ông cha ta thường nói.
Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau
Thật đúng vậy, chúng ta là giáo viên là những người có văn hóa nên cần lựa chọn cách nói năng chuẩn mực với thái độ chân thành, cởi mở và hòa đồng. Mỗi ngày đến trường, chúng ta gặp nhau nên trao cho nhau những nụ cười, cái nhìn thân thiện và những câu chuyện vui.
Cùng chia sẻ buồn vui, luôn động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống cũng như trong công tác. Khi góp ý với đồng nghiệp cần cởi mở chân thành giúp đồng nghiệp tiến bộ tránh những lời nói gây tổn thương lòng tự trọng người khác. Có điều gì chưa bằng lòng với nhau thì gặp nhau trực tiếp để trao đổi. Sau đó với tấm lòng bao dung độ lượng, chúng ta hãy thứ lỗi cho nhau. Có như vậy mói tạo ra sự đoàn kết trong nhà trường, giáo viên mới yên tâm công tác, chất lượng giảng dạy đạt kết quả tốt.
Trong trường học, mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh cũng rất quan trọng, giáo viên phải là tấm gương sáng cho các em noi theo. Trước học sinh, giáo viên luôn gương mẫu, nói năng đúng mực, nhẹ nhàng thể hiện sự tôn trọng các em, luôn gần gũi thân thiện với các em. Khi giảng bài cần nhẹ nhàng, chỉ bảo ân cần, tỉ mỉ, giảng giải rõ ràng mạch lạc, dễ hiểu, không mắng mỏ, xúc phạm tới nhân cách học sinh.
Khi học sinh tích cực hoàn thành tốt nhiệm vụ cần tuyên dương khen thưởng. Khi học sinh mắc lỗi cần phê bình nghiêm khắc. Chọn lời lẽ khéo léo sao không gây tổn thương đến các em. Với học sinh hư phải nghiêm khắc nhưng vẫn gần gũi độ lượng và bao dung. Có như vậy mới tạo ra được niềm tin yêu, sự say mê và phấn khởi cho các em giúp các em học tập ngày càng tiến bộ hơn. Uốn nắn các em nói năng lễ phép với người lớn, đoàn kết thân mật với bạn bè. Hướng dẫn các em biết cách cư xử với ông bà, cha mẹ, thầy cô. Khách đến nhà, đến trường phải biết chào hỏi. Không nên nói tục, chửi bậy, đánh nhau. Trong lớp học các em phải biết yêu thương, giúp đỡ nhau. Bạn học giỏi kèm bạn học yếu vươn lên cùng tiến bộ.
Giao tiếp trong trường học còn được thể hiện trong mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh học sinh. Đối với phụ huynh học sinh, giáo viên cần thân thiện, cởi mở. Lời nói lịch sự, nhã nhặn, tránh lạnh lùng ít giao tiếp. Khi phụ huynh học sinh cần tư vấn, giáo viên cần hướng dẫn trao đổi khéo léo, nhẹ nhàng, tôn trọng, mang tính hợp tác cao. Muốn giáo dục các em chăm ngoan học giỏi thì giáo viên phải thường xuyên trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập của các em ở trên lớp. Đặc biệt đối với các em hiếu động, chưa ngoan, giáo viên cần kết hợp với cha mẹ học sinh tìm biện pháp giáo dục phù hợp. Điều quan trọng là giáo viên nên thông cảm với phụ huynh, bởi cha mẹ nào cũng muốn con mình ngoan. Nếu con em họ có những điểm điểm chưa tốt thì giáo viên nên trao đổi kịp thời với thái độ chân thành, cởi mở, khéo léo. Có như vậy mới nhận được sự ủng hộ nhiệt tình, sự phối hợp của phụ huynh để cùng giáo dục các em có hiệu quả.
Văn hóa ứng xử học đường thực chất là đề cập đến các giá trị chuẩn mực văn hóa, cử chỉ, lời nói của cán bộ giáo viên, học sinh trong giao tiếp giữa thầy cô với đồng nghiệp, thầy cô với học trò, thầy cô với cộng đồng… Đó là yếu tố rất quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục các thế hệ học sinh. Vì vậy việc xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường phải được coi là trọng tâm và quan trọng nhất trong môi trường giáo dục.