Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Thời chiến là thời kì lòng yêu nước của dân ta được đẩy lên đến đỉnh cao. Nhờ đó, biết bao nhiêu tác phẩm ra đời nhằm ca ngợi sức mạnh ấy của dân tộc. Một trong số những tác phẩm tiêu biểu về tình yêu quê hương làng xóm đặt trong lòng yêu nước đó là truyện ngắn “Làng” của nhà văn Kim Lân. Truyện đã dắt người đọc đi qua những cung bậc cảm xúc chân thực sống động và đa dạng thông qua nhân vật ông Hai – một lão nông yêu làng.
Tình yêu làng của ông Hai được bộc lộ rõ rệt trong giai đoạn đi tản cư. Kháng chiến bùng nổ, ông cùng gia đình hòa vào dòng người rời làng đi tản cư đến một miền quê xa lạ. Từ đó ông phải rời xa ngôi làng yêu dấu đã gắn bó từ thuở ấu thơ. Làng Chợ Dầu là niềm kiêu hãnh của ông, ông tự hào vì ngôi làng đã có biết bao chiến công trong kháng chiến hào hùng chung của đất nước. Ông yêu làng da diết sâu nặng. Ở nơi tản cư, ngày nào ông cùng hoài niệm về những tháng ngày “làm việc cùng anh em”. Ông nhớ làng, nhớ nhà, nỗi nhớ ấy kết thành một nỗi buồn dằn vặt trong tâm trí ông.
Yêu làng nên ông có cái tính khoe làng. Làng Dầu anh hùng cùng tham gia vào cuộc chiến đấu chung của toàn dân tộc “Cả giới phụ lão có cụ râu tóc bạc phơ cũng vác gậy đi tập một hai” trong những ngày dồn dập khởi nghĩa. Cái nhớ làng làm ông bực bội, ít nói ít cười, ông phải “đi chơi cho khuây khỏa”. Ông không biết chữ nên ông coi đó là điều cản trở ông nghe ngóng tin tức, ông tìm mọi cách để biết tin kháng chiến ở mọi nơi và “chẳng sót một câu nào”. Khi nghe tin chiến thắng của quân dân ta, ruột gan ông cứ múa cả lên, ông vui mừng vì thắng lợi của dân tộc đó là biểu hiện của lòng yêu nước sâu sắc.
Càng yêu làng bao nhiêu thì ông càng lo âu dằn vặt bấy nhiêu kể từ khi ông nghe tin làng mình theo giặc. Bao nhiêu tình cảm sâu nặng dường như bộc phát trong tin báo bất ngờ, ông Hai sững sờ, xấu hổ và uất ức: “cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi tưởng như không thở được”. Ông cố gắng không tin, không muốn tin vì kỉ niệm về làng trong ông đều là những ngày tháng chiến đấu hào hùng tốt đẹp của dân làng. Nhưng rồi những nhân chứng sống là những người tản cư đã kể rành rọt quá, lại khẳng định họ “vừa ở dưới ấy lên”. Điều đó làm ông không thể không tin. Niềm tự hào về làng thế là sụp đổ tan tành. Ông không ngờ ngôi làng mà ông yêu quý nhất đã quay quay lưng với Tổ quốc. Tuy ông không phải là người phản bội Tổ quốc, nhưng ông cảm thấy xấu hổ trước bà con khi ông cũng là một con dân làng Chợ Dầu. Ông Hai đau khổ vì nơi mà ông yêu thương nhung nhớ nhất cũng chính là nơi làm ông mất đi niềm tin, hạnh phúc và sự tự hào. Từ khi nghe được tin, ông không ngừng ám ảnh day dứt. Nghe tiếng người người chửi bọn Việt gian, ông xấu hổ “cúi gằm mặt mà đi”, về đến nhà thì “nước mắt ông lão cứ giàn ra”. Ông tức giận khi phải mang nỗi nhục bán nước. Thế nhưng cũng chính lúc này, nét đẹp tâm hồn của ông Hai bộc lộ rõ hơn bao giờ hết. Tình huống ấy đã buộc ông Hai phải chọn lựa quê hương hay tổ quốc. Lời nói của đứa con thơ đã cảnh tỉnh ông: “Không thể được! Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Tình yêu làng dẫu có tha thiết đến đâu cũng không thể sánh bằng tình yêu đất nước, yêu đồng bào dân tộc và niềm tin vào kháng chiến và Cụ Hồ.
Tình yêu làng, yêu nước của ông Hai được thể hiện ra ngoài rõ rệt khi nghe tin cải chính về ngôi làng Chợ Dầu anh hùng kháng chiến . Ông Hai vui sướng và “rạng rỡ hẳn lên” mặc dù nhà ông đã bị “đốt nhẵn”. Đối với người nông dân, căn nhà là cơ nghiệp của cả một cuộc đời, vậy mà ông sung sướng khi “Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ” một cách tự hào như thể đó là tin mừng. Cái nhà bị đốt như thể càng minh chứng thêm cho việc làng Dầu kiên cường chống giặc. Niềm tự hào vui sướng về ngôi làng đã quay trở lại trong ông. Có thể nói, lòng yêu làng của ông Hai là cội nguồn của lòng yêu nước.
Đọc truyện, ta như được đắm chìm vào từng mạch cảm cảm xúc của nhân vật ông Hai. Nhà văn Kim Lân đã miêu tả diễn biến nội tâm nhân vật một cách chi tiết và sắc nét. Nhân vật ông Hai đã gây được ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc bởi sự ám ảnh, day dứt cùng niềm vui sướng mãnh liệt, tất thảy đó là những cung bậc cảm xúc chân thực mà lão nông yêu nước ấy đã trải qua. Phải thấu hiểu những người nông dân hiền lành ấy đến nhường nào thì nhà văn Kim Lân mới nhập tâm vào từng cử chỉ suy nghĩ và cảm xúc của nhân vật đến như thế. Cùng với hình thức trần thuật đối thoại cũng như độc thoại, nhân vật ông Hai đã từng bước đi vào lòng người đọc và đánh thức lòng yêu nước trỗi dậy trong mỗi người.
Qua truyện ngắn “Làng” và nhân vật ông Hai, Kim Lân đã khắc hoạ thành công hình tượng người nông dân chất phác luôn yêu làng, yêu nước và tin tưởng vào kháng chiến. Những suy nghĩ tình cảm của họ được phản ánh một cách chân thực và mang tính giáo dục sâu sắc cho độc giả. Đọc truyện, ta càng thêm khâm phục và yêu thương biết bao tình yêu nước và sự hy sinh cao cả của những thế hệ đi trước và từ đó tự rút ra bài học quý giá cho bản thân.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |