So sánh phần 1 bài viếng lăng Bác của Viễn Phương
Giúp em
Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Bác Hồ đã ra đi mãi mãi để lại niềm tiếc thương vô cùng cho hàng triệu con người Việt Nam. Người ra đi khi mà miền Nam còn chưa được độc lập, đất nước Việt Nam còn chưa được thống nhất. Mong muốn mãnh liệt là đi miền Nam của Bác cũng không kịp thực hiện. Vậy nên, năm 1976, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ vừa kết thúc thắng lợi và lăng Bác được khánh thành thì nhà thơ Viễn Phương – một người con của miền Nam yêu dấu đã thay mặt nhân dân miền Nam ra thăm và viếng lăng Bác. Cũng ở dịp này, ông đã sáng tác nên bài thơ “Viếng lăng Bác” và in trong tập thơ Như mây mùa xuân.
Bài thơ Viếng lăng Bác là niềm cảm xúc dạt dào, chân thành của một người con từ miền Nam xa xôi lặn lội ra thăm người Cha già của dân tộc, vừa thành kính lại tha thiết, sâu nặng. Bài thơ được viết bằng thể thơ tám chữ với bốn khổ thơ. Mỗi khổ thơ lại là những cảm xúc khác nhau kể từ khi nhà thơ nhìn thấy lăng Người cho tới khi trước lúc rời xa lăng Bác để trở về quê hương.
Bài thơ được mở đầu bằng những cảm xúc rất đỗi nghẹn ngào, chân thành của nhà thơ khi từ xa nhìn về lăng của Người:
“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”
Lời giới thiệu trực tiếp chứa chan niềm xúc động của nhà thơ. Nhà thơ giới thiệu mình là người con từ “miền Nam” xa xôi ra “thăm” Người. Bởi lẽ, miền Nam luôn là nơi Bác Hồ luôn đau đáu thuở còn sinh thời, tới tận khi cuối đời, Người luôn mong mỏi về một miền Nam độc lập và Người sẽ được vào thăm nhân dân miền Nam yêu quý. Thế nhưng, chưa kịp thực hiện thì Người đã mãi ra đi.
“Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác nỗi mong cha”
(Tố Hữu)
Cách xưng hô con-bác thể hiện sự gần gũi, gắn bó thân thiết. Tác giả đã sử dụng từ “thăm” chứ không phải “viếng” một cách tinh tế, ý nhị. Đó không chỉ là cách nói giảm nói tránh để vơi bớt đi nỗi tiếc thương mà với nhà thơ Viễn Phương, chuyến đi này là một cuộc thăm hỏi, gặp gỡ thân tình của những người con Việt Nam với vị cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc.
Từ xa nhìn lại, lăng Bác ẩn hiện trong làn sương và trong làn sương ấy lại thấp thoáng “hàng tre bát ngát”. Trước hết đây là hình ảnh tả thực về những hàng tre xanh ngát trước lăng Bác. Không chỉ vậy, hàng tre trong câu thơ “Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát” mang ý nghĩa biểu tượng. Tre với người Việt Nam từ bao đời nay đã trở nên quen thuộc, đã trở thành biểu tượng cho sự kiên cường, bất khuất của con người Việt Nam. Cây tre xuất hiện từ thời Thánh Gióng đánh đuổi giặc Ân đến thời kháng chiến, nó trở thành những cây chông để ngăn bước chân thù. Tre gắn bó với cuộc sống sinh hoạt, chiến đấu, tre đi vào đời sống tinh thần qua những câu ca dao, những áng thơ văn. Và giờ đây, quanh lăng Bác, hàng tre ấy lại hiện lên mênh mông, bát ngát chứa đựng hồn cốt, vẻ đẹp của con người Việt Nam. Hàng tre xanh bát ngát cũng như hàng triệu con người Việt Nam, luôn ở bên Bác, bảo vệ chốn nghỉ bình yên của Người. Nguồn xúc cảm mãnh liệt đã khiến cho mạch thơ ở đây thật bồi hồi, thật xúc động. Và từ đó, nó biến thành sự cảm thán nghẹn ngào:
“Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”
Nhìn hàng tre thấp thoáng trong sương nơi lăng Bác nhà thơ lại chợt liên tưởng tới những con người Việt Nam với ý chí kiên cường. Thán từ “ôi” đặt đầu câu đã nhấn mạnh sự xúc động, niềm tự hào của tác giả trước vẻ đẹp kiên cường, bất khuất của con người Việt Nam giữa bão táp lịch sử. Hàng tre ấy như bao thế hệ con người Việt Nam, lớp này nối tiếp lớp kia, hiên ngang “đứng thẳng” giữa đất trời, dù có khó khăn, dù có thử thách cam go!
Bao trọn khổ thơ đầu tiên là cảm xúc của nhà thơ khi lần đầu tiên được nhìn thấy lăng Bác. Niềm cảm xúc ấy vừa có sự đau xót, thương tiếc chân thành đối với vị lãnh tụ kính yêu của đất nước, vừa có niềm tự hào dân tộc về ý chí, về con người Việt Nam.
Hai khổ thơ tiếp theo là những xúc cảm của nhà thơ khi đứng trước vị Cha già dân tộc. Đó là sự đau xót, là niềm biết ơn, sự thành kính chân thành của Viễn Phương đối với Bác Hồ.
Theo chân nhà thơ, chúng ta bước dần vào trong lăng Bác trong không khí trang nghiêm, thành kính.
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”
Sự gặp gỡ của mặt trời của thiên nhiên và “mặt trời” của dân tộc, con người Việt Nam đã mang đến những cảm xúc thật xúc động, tự hào. Một mặt trời của thiên nhiên vũ trụ “ngày ngày” luân chuyển tạo thành đêm và ngày “đi qua trên lăng”. Còn một “mặt trời” khác đang nằm trong lăng, “mặt trời” ấy cũng rất “đỏ”, rực rỡ và chiếu sáng khắp non sông đất nước ta, “mặt trời” đó chính là Bác Hồ. Đây là một hình ảnh so sánh, ẩn dụ hết sức đặc sắc của nhà thơ. Nếu như mặt trời ngoài kia “ngày ngày” đi qua trên lăng Bác, toả ánh sáng, sưởi ấm cho Bác thì Bác cũng là “mặt trời”, là ánh sáng chỉ đường cho dân tộc Việt Nam ta. Ánh sáng ấy là nguồn sáng chói lòa rực rỡ, đưa cả đất nước ta bước ra khỏi lầm than.
Không ít nhà thơ đã lấy hình ảnh “mặt trời” để so sánh với Người, như Tố Hữu cũng đã từng so sánh Bác trong bài thơ Sáng tháng năm:
“Người rực rỡ một mặt trời cách mạng
Còn đế quốc là loài dơi hốt hoảng”.
Thế nhưng, không thể phủ nhận rằng hình ảnh so sánh sáng tạo của Viễn Phương mang một vẻ đẹp, một sắc thái hoàn toàn riêng biệt. Hình ảnh so sánh mộc mạc, giản dị nhưng lại chứa đựng cảm xúc dạt dào, mãnh liệt.
“Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”
Tiếp theo là hình ảnh của đoàn người vào “thăm” viếng Bác. Đoàn người ấy xếp thành hàng dài, lặng lẽ tiến từng bước chậm bước vào trong lăng. Họ đều mang trong lòng nỗi thương nhớ, sự xót xa, tiếc thương đối với Người. Tác giả đã cố tình đặt ở đầu câu thơ điệp từ “ngày ngày” để diễn tả sự lặp lại, thường xuyên, vô tận những dòng người vào lăng viếng Bác trong niềm thương tiếc. Nếu mặt trời của thiên nhiên “ngày ngày” đều đi qua lăng Bác lặng lẽ, đều đặn sưởi ấm cho Người thì những dòng người xếp hàng vào lăng viếng Người trong nỗi thương nhớ cũng đều đặn, lặng lẽ như thế!
Và có lẽ, hình ảnh kết tinh đẹp đẽ nhất bài thơ là hình ảnh:
“Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”.
Đây là hình ảnh ẩn dụ rất sáng tạo của nhà thơ, “dòng người” đang lặng lẽ ngoài lăng, giống như một “tràng hoa” lớn đang được kết lại và dâng lên Người. Đó là tràng hoa của lòng người, của lòng biết ơn, trân trọng của con người Việt Nam với Bác. “Bảy mươi chín mùa xuân” là hình ảnh hoán dụ số tuổi của Người. Cả cuộc đời Bác đều cống hiện trọn vẹn từng phút giây cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc Việt Nam, không một phút ngơi nghỉ.
Bác Hồ đã mãi mãi ra đi, thế nhưng, với nhà thơ Bác chỉ như đang “nằm trong giấc ngủ bình yên”. Người dường như chỉ đang vừa chợp mắt sau những giờ làm việc căng thẳng và mệt mỏi. Người nằm dưới ánh sáng của đèn điện bao quanh, thế nhưng, nhà thơ lại tưởng đó là ánh sáng của “vầng trăng sáng dịu hiền”. Hình ảnh “một vầng trăng sáng dịu hiền”: liên tưởng thú vị của nhà thơ gợi liên tưởng đến tâm hồn thanh cao, giản dị của Bác đồng thời gợi nhớ đến những bài thơ ngập ánh trăng của Người.
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa” (Cảnh khuya)
Hay:
“Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ” (Vọng nguyệt)
Cuộc đời Bác là hoà quyện của sự thanh cao, vĩ đại mà gần gũi, giản dị vô cùng. Có lẽ vì thế mà khi nhà thơ được nhìn thấy Bác, trong lòng Viễn Phương đã dâng lên một niềm xúc động mãnh liệt:
“Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim”
Ông biết quy luật của thiên nhiên, của tạo hoá thì cái chết là điều không tránh khỏi, thế nhưng sự ra đi của Bác Hồ là một sự mất mát to lớn, một niềm tiếc thương cho toàn thể dân tộc Việt Nam. Vẫn biết Bác vẫn còn mãi trong trái tim mỗi người con Việt Nam giống sự bất tử của trời xanh “trời xanh là mãi mãi” thế nhưng đối diện với sự thật đau lòng, tác giả vẫn “nhói” lên nỗi đau đớn khôn cùng. Sự ra đi của Bác là hoá thân vào đất trời, vào thiên nhiên để cùng trường tồn với dân tộc, thế nhưng, nỗi đau vẫn còn đó, trong lòng nhà thơ, trong lòng tất cả con người Việt Nam. Câu thơ nghe như một sự cảm thán, một sự trách cứ với quy luật của thiên nhiên. “Vẫn biết” quy luật sinh tử là không thể tránh khỏi, nhưng đau đớn quá, tê tái quá!
Cuộc gặp gỡ nào rồi cũng tới hồi kết, và cuộc viếng thăm của Viễn Phương cũng vậy. Giờ phút nói lời từ biệt với Bác, trong lòng ông dâng lên một cảm xúc mãnh liệt, những nỗi niềm đau xót từ ban đầu giờ đây biến thành tiếng nấc đầy nghẹn ngào:
“Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa ngát hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”
Ngày mai thôi là nhà thơ phải rời khỏi nơi đây, rời xa vị Cha già dân tộc mà không biết bao giờ có thể gặp lại. Chính vì thế, những nỗi nghẹn ngào đã bật thành tiếng khóc, bật thành những giọt nước mắt bịn rịn, lưu luyến. Và tận sâu trong lòng nhà thơ bật lên những ước nguyện thật nhỏ bé:
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa ngát hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”
Tác giả muốn trở thành “chim”, thành “hoa”, thành những cây “tre” nơi đây dù là bé nhỏ thôi, để được gần cạnh Người, bầu bạn cùng Người. Ước nguyện của nhà thơ thật mãnh liệt và cháy bỏng khi liên tục lặp lại ba lần điệp từ “muốn làm”. Nhịp thơ ở đây chậm hơn những khổ thơ trước như muốn kéo dài giây phút chia xa. Và cuối bài thơ, hình ảnh “cây tre” lại một lần nữa xuất hiện. Hình ảnh “cây tre trung hiếu” là biểu tượng cho con người Việt Nam kiên trung, là phẩm chất đạo đức quan trọng nhất của con người, luôn “trung với Đảng, hiếu với dân”. Nhà thơ muốn được hoá thành một cây tre nhỏ, “trung hiếu” để được bên Bác, được Bác soi đường và dẫn lối. Qua đó, Viễn Phương muốn khẳng định sự tin tưởng, sự trung thành của mỗi người dân Việt Nam trước những lý tưởng và chân lý mà Bác đã mở đường cho chúng ta.
Bài thơ khép lại nhưng vẫn còn lưu lại trong chúng ta tình cảm dạt dào của một người con phương Nam khi tới thăm lăng Bác. Với lối thơ tám chữ, chậm rãi như đang kể một câu chuyện, Viễn Phương đã giúp người đọc cùng cảm nhận sự đau xót, thương tiếc cũng như niềm tự hào trong lòng ông. Những hình ảnh đẹp, những ẩn dụ sáng tạo đã làm sống dậy trong lòng mỗi người đọc chúng ta niềm kính yêu vô bờ trước vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Và dù Người đã đi xa hơn năm mươi năm nhưng những lý tưởng và tấm gương của Người sẽ còn sáng mãi trong lòng người dân Việt Nam.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |