Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Từ xa xưa, ông cha ta vẫn luôn răn dạy chúng ta về lời ăn, tiếng nói hằng ngày bằng những câu ca dao, tục ngữ đầy ý nghĩa:
“Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”
Thế nhưng hiện nay, có một hiện tượng đáng quan ngại đang diễn ra đang từng ngày làm mất đi nét đẹp, sự trong sáng của văn hóa ngôn ngữ, văn hóa ứng xử: đó là hiện tượng nói tục chửi thề một cách bừa bãi.
Nói tục chửi thề, hiểu một cách đơn giản, là dùng những lời lẽ thô tục, vô duyên, thiếu văn minh, tế nhị trong giao tiếp hằng ngày nhằm thể hiện sự bức xúc, cảm xúc ức chế của bản thân hoặc sỉ nhục, xúc phạm người khác. Không thể phủ nhận rằng, nói tục chửi thề là một trong những cách giải tỏa sự ức chế vô cùng hiệu quả, có tác dụng tức thì, bằng chứng là bất kì một nền văn hóa, một dân tộc, một ngôn ngữ nào cũng có những từ tục. Ở một mức độ hợp lí, nói tục không xấu mà có thể giúp ta giảm bớt sự tức giận, căng thẳng. Thế nhưng, hiện nay, nói tục chửi thề dường như đang bị lạm dụng khi đi đến bất cứ đâu, kể cả những nơi đòi hỏi sự văn minh, thanh lịch, ta cũng có thể nghe thấy những tiếng chửi thề với mức độ vi phạm nghiêm trọng những chuẩn mực văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, và như vậy, hiện tượng nói tục chửi thề quả là lợi bất cập hại.
Đối với người phát ngôn, nói nhiều những lời lẽ không hay lâu dần sẽ trở thành những câu cửa miệng, thói quen xấu nói tục trong mọi trường hợp, thậm chí nó có thể ảnh hưởng đến nhân cách của người nói. Lợi ích giải tỏa cảm xúc chỉ là nhất thời, nhưng những hậu quả mà nó để lại lại rất lớn. Thói quen nói tục chửi thề khiến cho kĩ năng giao tiếp ứng xử giảm sút bởi ta đã quen sử dụng ngôn ngữ lệch chuẩn. Trong những cuộc gặp cần thái độ văn minh cao như gặp gỡ đối tác, khi nói chuyện với người lớn tuổi hơn mình,… những lời nói tục bạn nói ra sẽ gây ra ấn tượng không mấy tốt đẹp trong lần đầu gặp gỡ,bởi không ai đánh giá cao một người nói tục, chửi bậy bừa bãi, thiếu suy nghĩ: “Lời nói là tấm gương của tâm hồn: anh nói như thế nào, anh là như vậy” (Publilius Syrus). Như vậy, nói tục chửi thề chính là con đường bạn tự hạ thấp giá trị của bản thân mình. Và cũng những lời nói tục, chửi thề ấy, thậm chí đôi khi chỉ là một ánh mắt mà người ta cho là “nhìn đểu” đã gây ra những vụ bạo lực gây hậu quả vô cùng đáng tiếc! Một xã hội mà quá nhiều người thường xuyên nói tục chửi thề trong những trường hợp không đáng có sẽ trở nên bê bối đến nhường nào khi những giá trị văn hóa, đạo đức bị vi phạm nghiêm trọng?
Không chỉ đối với người phát ngôn, người nghe những lời nói tục cũng bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực. Những lời lẽ khó nghe có thể gây ra cho người xung quanh cảm giác khó chịu, bực bội, cũng có thể bị lây nhiễm, nhất là đối với trẻ em khi tâm hồn chúng chi như một tờ giấy trắng, rất dễ bị bôi bẩn nếu lớn lên trong một môi trường có nhiều người nói tục chửi thề, các em dễ bị nhiễm thói quen xấu và hình thành một tư tưởng rằng nói tục chửi thề không có gì sai cả! Trong trường hợp những lời nói tục, chửi thề được dùng với mục đích lăng mạ, sỉ nhục, bôi nhọ danh dự người khác, nó có sức sát thương vô cùng lớn, gây ra những tổn thương, những vết thương khó lành trong tâm hồn người bị xúc phạm: “Kiếm làm tổn hại thân thể, ngôn từ làm tổn thương tâm hồn” (Menander).
Hiện tượng nói tục chửi thề xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Về mặt khách quan, đó là do môi trường sống thiếu lành mạnh làm ảnh hưởng đến suy nghĩ của con người, sự thiếu quan tâm, sự quản lí lỏng lẻo của gia đình, nhà trường và xã hội, sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai, ngôn ngữ mạng của thời đại công nghệ làm mai một sự trong sáng của ngôn ngữ dân tộc. Về mặt chủ quan, đó là do nhận thức còn yếu kém, ý thức chưa tốt, tư tưởng đua đòi của một số bộ phận, đặc biệt trong giới trẻ, thích thể hiện mình, cho rằng nói tục là “ngầu”, là “người lớn”,… Để giải quyết tình trạng này, mỗi chúng ta cần tự ý thức được lời ăn, tiếng nói của mình, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, trau dồi vốn ngôn ngữ, tôn trọng người đối diện,… Đó là cách chúng ta chung tay xây dựng một xã hội lành mạnh, thân thiện.
Có những câu thơ rất hay và ý nghĩa rằng:
“Một lời bất cẩn có thể nhóm lên xung đột.
Một lời tàn nhẫn có thể phá hỏng một cuộc đời.
Một lời đúng lúc có thể xua đi căng thẳng.
Nhưng một lời yêu thương có thể chữa lành và chúc phúc.”
Đừng quên rằng, một lời ta nói ra có thể gây ra hạnh phúc hoặc tổn thương. Vì vậy, hãy luôn cẩn thận với những lời mình nói ra để bản thân không bao giờ phải hối hận, bạn nhé!
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |