Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Tìm về xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình trong những ngày đầu tháng 3, theo chân các cán bộ Ban quản lý các Khu di tích huyện Lạc Thủy, chúng tôi đã được đến thăm Khu Di tích đồn điền Chi Nê và Nhà máy tin tiền, nơi từng đặt nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam.
Ngược dòng lịch sử, vùng đất Lạc Thủy xưa với địa hình đẹp, có đồi núi và nhiều thung lũng bằng phẳng, đất đai màu mỡ phù hợp trồng các loại cây công nghiệp như chè, trẩu, cà phê và chăn nuôi… Từ năm 1893, thực dân Pháp đã lên khai phá và lập nhiều đồn điền ở Lạc Thủy để bóc lột nhân dân lao động. Từ năm 1893 đến năm 1899, trên địa bàn Lạc Thủy đã có 8 nhà tư sản đến chiếm 11.445 ha đất lập đồn điền. Nằm ven dòng sông Bôi hiền hòa, thơ mộng, đồn điền cà phê Chi Nê của nhà tỉ phú người Pháp Enet Bô-ren rộng tới 7.331 ha, có chiều dài 13 km và rộng hơn 9 km với những cánh rừng cà phê, xoan, trẩu, chè bạt ngàn. Tại đây, Bô-ren đã cho xây dựng nhiều khu nhà kiên cố, khu chế biến cà phê, khu chuồng trại trâu, bò... Hơn 40 năm khai phá và xây dựng, đến năm 1943, Bô-ren bán lại đồn điền cho gia đình ông bà Đỗ Đình Thiện là nhà tư sản Việt Nam với giá 2.000 lượng vàng. Là một nhà tư sản yêu nước nên ông bà Đỗ Đình Thiện luôn tìm cách ủng hộ và giúp đỡ cách mạng khi có cơ hội.
Sau khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nền tài chính nước ta lâm vào tình trạng kiệt quệ, ngân khố gần như trống rỗng do hậu quả đô hộ bóc lột hàng trăm năm của chế độ thực dân. Cùng với việc thành lập Quỹ Độc lập, phát động Tuần lễ vàng, Chính phủ đã quyết định thành lập Cơ quan ấn loát, tức Nhà máy in bạc thuộc Bộ Tài chính để phát hành tờ bạc Việt Nam độc lập. Khi việc phải khẩn trương in tiền trở nên gấp rút, một vấn đề nan giải đặt ra cho chính quyền cách mạng là sử dụng nhà máy in tiền như thế nào, ở đâu?
Năm 1946, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời, ông Đỗ Đình Thiện, một nhà tư sản yêu nước đứng tên và bỏ tiền mua lại toàn bộ nhà in Tô-panh, một trong hai nhà in lớn và hiện đại nhất lúc đó nằm ở khu Cửa Nam (Hà Nội) của chủ người Pháp để hiến tặng cho cách mạng.
Đến tháng 3/1946, trước nguy cơ bị lộ việc in tiền tại nhà in Tô-panh là rất lớn, nhận thấy đồn điền Chi Nê ở Hòa Bình có vị trí chiến lược, có thể di chuyển xuyên tuyến đường 21 vào Thanh Hóa hoặc ngược lên Tây Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ và Bộ Tài chính quyết định sơ tán nhà in lên đồn điền Chi Nê của gia đình ông Đỗ Đình Thiện.
Trong buổi sơ khai của chính quyền cách mạng, nhà máy in tiền còn hết sức đơn giản. Máy móc chưa hiện đại nên cách thức in tiền cũng rất thô sơ: in lần lượt từng màu, số sê-ri, sau đó mới cắt. Mệnh giá lớn được in ốp-sét, mệnh giá nhỏ được in bằng máy sốp, ti-pô. Các mệnh giá tiền được in bao gồm 100 đồng, 5 đồng, 2 đồng, 1 đồng, 5 hào, 2 hào, 1 hào.
Tại Nhà máy in tiền ở đồn điền Chi Nê đã ra đời đồng bạc mệnh giá lớn nhất lúc bấy giờ là 100 đồng Việt Nam, còn được gọi là tờ bạc"con trâu xanh" vì một mặt in ảnh Bác Hồ, mặt còn lại in hình con trâu màu xanh và hai người nông dân khỏe mạnh đang làm ruộng. Sau khi in, cắt, đóng, đếm xong, tiền được cho vào hòm gỗ chất lên xe bò hoặc xe ngựa chuyển vào kho cất giữ rồi mới tỏa đi ra Bắc vào Nam.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |