Với vai trò lãnh đạo, trước hết Đảng tạo lập các cơ sở chính trị, định hướng nội dung, mục tiêu cho toàn bộ hoạt động thể chế hoá. Điều đó có nghĩa những vấn đề về thể chế hoá trước hết được nhận thức và xác định thành các nguyên tắc chung, qua đó tạo thành cơ sở chính trị cho toàn bộ hoạt động thể chế hoá. Đảng lãnh đạo Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội bằng cương lĩnh chính trị, chiến lược, chính sách, chủ trương; bằng công tác tư tưởng, tổ chức, cán bộ và kiểm tra giám sát việc thực hiện. Chẳng hạn Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội do Đại hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam vạch ra xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, lực lượng và phương pháp thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của nước ta trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước3. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) đưa ra quan niệm tổng quát nhất về xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và những phương hướng cơ bản để xây dựng xã hội đó; khẳng định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng; khẳng định phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể tạo thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân; khẳng định xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một trong những phương hướng chiến lược lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam4.