Tóm tắt: Trong lịch sử lập hiến Việt Nam, Hiến pháp năm 1992 lần đầu tiên ghi nhận nguyên tắc “Quyền và nghĩa vụ của công dân do Hiến pháp và luật quy định”. Trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy Luật Hiến pháp, những trăn trở về Hiến pháp cùng với địa vị pháp lý của người dân đã khiến chúng tôi suy nghĩ một cách có hệ thống và nhận thấy nguyên tắc này là một trong những mắt xích quan trọng để bảo vệ công dân cũng như nâng cao “đẳng cấp” của Nhà nước pháp quyền mà chúng ta không ngừng phấn đấu xây dựng
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Lý luận về nguyên tắc “Quyền và nghĩa vụ của công dân do Hiến pháp và luật quy định”
Nhà nước là chủ thể độc quyền ban hành pháp luật. Vì thế, về nguyên tắc, pháp luật của nhà nước phải khách quan để bảo đảm lợi ích của công dân và duy trì bình thường việc thực hiện các chức năng của nhà nước. Ở nước ta, Quốc hội là cơ quan dân cử tiêu biểu nhất, có khả năng nhất trong việc thể chế hóa ý nguyện của nhân dân một cách trung thực và toàn diện; đặc biệt trong việc xây dựng mối quan hệ cơ bản giữa nhà nước với công dân.
Để thể chế hóa nguyên lý đại diện trên, đồng thời “khắc phục sự vi phạm quyền con người, quyền công dân do thiếu sót của Nhà nước từ hoạt động lập pháp, lập quy”[1], Hiến pháp năm 1992 khẳng định một tư tưởng chỉ đạo hay nguyên tắc nền tảng cho việc xác lập địa vị pháp lý của công dân: Quyền và nghĩa vụ của công dân do Hiến pháp và luật quy định. Ngay từ năm 1992, Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VIII[2] - luật gia kỳ cựu Phùng Văn Tửu - đã bình luận: “Ở đây nói luật chứ không phải pháp luật. Như vậy là sau khi có Hiến pháp mới thì chỉ có luật do Quốc hội thông qua mới quy định về quyền và nghĩa vụ công dân. Còn các văn bản dưới luật chỉ là hướng dẫn cụ thể việc thực hiện. Đó cũng là một trong nhiều thí dụ khác chứng tỏ quyết tâm của Nhà nước ta xây dựng nhà nước pháp quyền, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”[3]. Đây cũng chính là quy định mới mang tính nền tảng đối với hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung, Quốc hội nói riêng. Điều này, một lần nữa, thể hiện thái độ trân trọng rất đáng ghi nhận của Nhà nước đối với việc thể chế hóa địa vị pháp lý của công dân, nhằm hạn chế tối đa sự tùy tiện từ phía Nhà nước.
Về mặt hình thức pháp lý,chúng tôi xin diễn giải như sau[4]:
1.Quyền và nghĩa vụ của công dân có thể được chia thành hai loại gồm quyền và nghĩa vụ cơ bản (được quy định mang tính xác lập, khởi đầu trong Hiến pháp - luật cơ bản của Nhà nước) và quyền, nghĩa vụ khác hay quyền, nghĩa vụ không cơ bản (được quy định mang tính xác lập, khởi đầu trong các luật, bộ luật). Phân tích sâu hơn, chúng ta nhận thấy Hiến pháp chỉ quy định những quyền và nghĩa vụ công dân hoặc có tính quan trọng đặc biệt, hoặc vừa có tính quan trọng đặc biệt vừa có tính khái quát so với quyền và nghĩa vụ luật định. Ví dụ: nghĩa vụ nộp thuế là nghĩa vụ chung được hiến định; còn nghĩa vụ nộp một loại thuế cụ thể như thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất nhập khẩu… sẽ do luật định. Hoặc quyền được Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình (theo suy đoán) là quyền chung; còn quyền kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình là quyền cụ thể. Một ví dụ khác, quyền bầu cử là quyền quan trọng đặc biệt vừa có tính chung nên được hiến định: "Công dân, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật” (Điều 54 Hiến pháp 1992). Trong trường hợp này, nếu chỉ lấy việc xác định độ tuổi làm căn cứ thì quyền bầu cử dường như là quyền khá cụ thể; tuy nhiên, nếu tiếp tục xét một số trường hợp công dân tuy đủ tuổi hiến định song vẫn bị tước quyền bầu cử theo luật định (ngoại lệ) thì quyền này lại vẫn mang tính khái quát[5].