Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng của mỗi con người. Chúng ta có nhiều nơi để đến nhưng chỉ có một nơi duy nhất để về đó chính là gia đình. Chính vì vậy, gia đình được xem là ngôi nhà thân yêu và thiêng liêng liêng nhất trên cuộc đời này, chứa chan biết bao kỷ niệm tươi đẹp của thời thơ ấu mà chúng ta không thể nào quên, kỷ niệm đó sẽ theo mãi trong tâm trí của mỗi người. Gia đình mang đến cho ta cảm giác được che chở, bao bọc, mái ấm gia đình và tình cảm gia đình được xem như là kho tàng quý báu mà không nơi nào có thể so sánh được. Gia đình là nơi giúp con người hình thành nhân cách. Vai trò của gia đình thiêng liêng là thế nên không một ai có thể phủ nhận được tầm quan trọng của tình cảm tươi đẹp này.
Gia đình là khái niệm rất đỗi quen thuộc và gắn liền với cuộc sống hằng ngày với mỗi chúng ta. Vậy thử hỏi những ai đã và đang hiểu đúng về khái niệm gia đình hay chưa? Gia đình là tập hợp những người thân quen, gần gũi với chúng ta, gia đình chính là một tổ chức nhỏ nhất một tế bào tạo nên tập thể, cộng đồng, xã hội. Trong gia đình có sự liên kết với nhau từ những mối quan hệ huyết thông và công ơn nuôi dưỡng.
Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau trong hôn nhân, huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định. Một gia đình theo truyền thống Việt Nam sẽ bao gồm các thành viên: vợ chồng, cha mẹ ruột, cha mẹ nuôi, anh em họ hàng, cô, dì, chú, bác. Gia đình không chỉ giữ vai trò nền tảng, tế bào của xã hội mà còn là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống, hình thành nhân cách con trẻ. Gia đình là nơi giữ gìn, vun đắp, phát huy những giá trị truyền thống quý báu của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã hình thành trong quá trình lịch sử dựng nước, giữ nước. Đó là lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động, bất khuất kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách,…Tùy thuộc vào việc tổ chức sinh sống của gia đình, gia đình có thể chia thành nhiều các cách gọi như sau: Một gia đình nhỏ bao gồm khoảng hai thế hệ như cha, mẹ và con cái. Đại gia đình bao gồm rất nhiều thế hệ cùng sinh sống với nhau: ông cụ, bà cụ, ông, bà, cha mẹ, con cái, cháu, chắt. Có rất nhiều cách hiểu về gia đình khác nhau nhưng nhìn chung đây là một nơi mà những con người liên kết với nhau, sinh sống với nhau tạo nên mối quan hệ mật thiết, gia đình là hình ảnh phản ảnh của một xã hội thu nhỏ. Gia đình là nơi chứa đựng biết bao nhiêu tình cảm thân thương, chân thành nhất của cả một đời người. Chính tình yêu thương, che chở bao bọc của gia đình giúp ta vượt qua được mọi rào cản về không gian và thời gian để mang lại một cuộc sống tốt đẹp, gia đình là điểm tựa tinh thần tuyệt vời nhất đối với mỗi cá nhân. Tình cảm gia đình không chỉ bó hẹp trong phạm vi huyết thống mà chúng ta có thể hiểu rộng hơn là quan hệ họ hàng xa. Trước hết nói về tình cảm gia đình phải kể đến tình cảm yêu thương rộng lớn như biển cả của cha mẹ dành cho chúng ta. Cha mẹ là suối nguồn yêu thương vô tận, người đã mang cho những người con hình hài và nhịp sống, trái tim, mạch máu, hơi thở và nụ cười. Những lời ru ngọt ngào của mẹ từ thuở còn nằm nôi sẽ là lời thiên thu dọc theo bước thời gian của con trên vạn nẻo đường đời. Nếu như mẹ yêu con bằng những cưu mang, hoạn dưỡng thì cha thương con bằng những nhọc nhằn cả đời bươn chải kiếm tiền để chăm lo cho gia đình nhỏ. Mẹ thương con bằng sự đùm bọc, che chở, thương con bằng những lời hỏi han, lo lắng khi con vắng nhà, thì cha thương con bằng những công việc cực nhọc thấm đẫm mồ hôi để có tiền chi trả lo cho cuộc sống. Không ai có thể phủ nhận được công lao to lớn của cha như ngọn núi Thái Sơn, như nguồn nước luôn chảy của mẹ.
Gia đình không chỉ là một tế bào của xã hội mà còn là một đơn vị kinh tế xã hội. Gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đất nước. Gia đình có vai trò quyết định đối với sự hình thành và phát triển của xã hội. Những chuẩn mực giá trị tốt đẹp của gia đình được tiếp nhận, phát triển góp phần xây dựng, tô thắm, làm rạng rỡ thêm bản sắc văn hóa dân tộc. Đại hội XI, Đảng ta khẳng định: Gia đình là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách, góp phần chăm lo xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân, có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi, sống có văn hóa, nghĩa tình, có tinh thần quốc tế chân chính.
Gia đình là cầu nối giữa cá nhân và xã hội,… Gia đình là tổ ấm, mang lại các giá trị hạnh phúc, bình yên thoải mái trong tâm hồn. Sự hài hòa trong đời sống của các thành viên trong gia đình, thể hiện tình cảm khăng khít, một tình cảm thiêng liêng giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái.
Ngoài ra, gia đình là nơi hình thành nhân cách, phẩm chất đạo đức của mỗi người, được xem là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn, đạo đức tốt đẹp cho chúng ta. Mái ấm gia đình cũng là mái trường đầu tiên ta được học, học từ những thứ căn bản, đơn sơ nhất trong nếp sống, sinh hoạt đến cách đối nhân xử thế. Trong xã hội, trẻ em nếu không được gia đình chăm sóc, bảo bọc và dạy dỗ từ gia đình cha mẹ sẽ dễ dàng bị cám dỗ ngoài xã hội và có những hành động vi phạm pháp luật nếu không có sự kèm cặp và quản lý từ gia đình. Nhiều nhà tâm lý học đã chứng minh rằng, sự hình thành nhân cách con người từ giáo dục gia đình, những dấu ấn kiến thức đầu đời không dễ dàng phai mờ mà luôn khắc ghi trong tâm trí mỗi người. Những bài học cơ bản mà mỗi người tiếp thu được trong gia đình sẽ giống như những vết mực đầu tiên trên trang vở trắng, tạo thành những nguyên tắc sống cho một nhân cách trong suốt cuộc đời họ. Trong giai đoạn đầu tiên của lịch sử nhân loại, gia đình là đơn vị duy nhất khởi nguồn cho vai trò giáo dục con người. Ông bà, cha mẹ đều trở thành những người thầy dạy dỗ ta nên người.
Giáo dục từ nền tảng gia đình là bước đầu tiên của quá trình xã hội hóa giáo dục trong xã hội. Sau đó thiết chế giáo dục đã hình thành và phát triển trong xã hội, tạo thành muôn vàn những nguyên tắc và phương thức giáo dục phức tạp như ngày nay. Đối với hầu hết các bậc cha mẹ trên thế giới, việc nuôi dạy con cái vẫn được xem không chỉ là một trong những niềm vui lớn nhất, mà còn là một trách nhiệm trong cuộc sống.
Một gia đình gia giáo, con cái được nuôi dạy đến nơi đến chốn sẽ trở thành những người có phẩm chất nhân cách tốt đẹp. Nhưng ngược lại, nếu gia đình thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, bất hòa và chia rẽ sẽ khiến con cái lớn lên trong sự căm hận, ác cảm, tự ti với bạn bè. Niềm hạnh phúc gia đình bị tan vỡ, những đứa trẻ chứng kiến và trải qua quá nhiều bi kịch, bố mẹ ly hôn. Đó là sự mất mát to lớn vì họ đã mất đi chỗ dựa tinh thần duy nhất, mái ấm gia đình không còn. Nhiều trẻ em mồ côi, cơ nhỡ không nơi nương tựa, không ai nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy bảo. Những đứa trẻ dễ bị cám dỗ làm những việc gây hại đến anh ninh trong xã hội. Đó là lẽ đương nhiên, bởi không có gia đình con người ta khó được giáo dục nên người, khi ra ngoài xã hội chỉ gây ra những tệ nạn, thói hư tật xấu làm ảnh hưởng đến mọi người và bộ mặt xã hội. Việc thiếu trách nhiệm trong giáo dục con cái trong gia đình có thể được xem là nguyên nhân cơ bản nhất khiến chúng hư hỏng.
Gia đình là nơi có đầy đủ cha mẹ, anh em ruột thịt, là nơi ta được sinh ra và lớn lên trên cõi đời này. Mọi người trong gia đình luôn yêu thương vô bờ. Cho ta một hành trang vững chắc để tự tin bước những bước đầu tiên trong cuộc đời. Khi ta chỉ là những đứa trẻ thơ được ba mẹ chăm sóc, dìu dắt, đùm bọc che chở ta đến ta được trưởng thành. Tình cảm gia đình chỉ cho đi mà không nhận lại. Gia đình nơi chứa đầy ắp tình yêu thương, đùm bọc thứ tình cảm thiêng liêng tươi đẹp của các thành viên dành cho nhau. Nhưng các bạn biết đó, khi ta đã lớn khôn và đã trưởng thành dưới bàn tay chăm sóc của mẹ, với sự dạy dỗ của cha với tình yêu thương che chở của ông bà, anh chị thì khi ta bước chân ra khỏi mái ấm gia đình để tự lập mọi thứ, trong suy nghĩ hành động của một người trưởng thành cũng sẽ khác hẳn với khi có gia đình ở bên. Ngoài kia, cuộc sống bon chen, chúng ta phải tự lập về tài chính và có trách nhiệm với chính cuộc đời của mình thì ai cũng phải trải qua và đối mặt với những khó khăn và thử thách của cuộc sống. Khi đó, gia đình chính là điểm tựa vững chắc, tiếp thêm sức mạnh và là niềm tin giúp đỡ ta vượt qua mọi khó khăn, trắc trở của cuộc đời. Dù chúng ta có thất bại, gục ngã trước những sóng gió thì khi đó một nơi gọi là nhà –gia đình giang rộng bàn tay sẵn sàng đón ta trở về, gia đình là chốn bình yên là mái ấm hạnh phúc duy nhất của con người. Cho dù sau mai sau chúng ta có vấp ngã, nếm trải những vị đắng cay, những muộn phiền, lo âu, sự bế tắc của cuộc sống và cần tìm một nơi để tựa vào thì gia đình là bến đỗ duy nhất và an toàn nhất cho tất cả chúng ta. Bởi vì, mỗi khi gặp thất bại, gặp bế tắc thì gia đình là người động viên, an ủi khuyến khích ta vượt qua. Gia đình mang đến sự ấm áp trong tâm hồn xoa dịu bớt những nỗi đau, chông gai của cuộc đời, nơi chan chứa niềm yêu thương và hạnh phúc, là nơi sinh thành, nuôi dưỡng ta trưởng thành.
Gia đình là mái ấm gia đình cái nôi nuôi dưỡng nhân cách, đạo đức của mỗi người. Tuy nhiên, một thực trạng đáng buồn hiện nay, nhiều trẻ em lại bị chính cha mẹ ruột, dì dượng bạo hành do tình trạng ly hôn xảy ra ngày một nhiều. Những trận đòn bạo hành gia đình, chồng đánh vợ, cha mẹ hay dì dượng đánh con riêng, việc kết hôn chắp nối để lại những vết sẹo về mặt tinh thần và thể xác cho con trẻ. Không gì bất hạnh và cô đơn bằng thiếu vắng tình cảm gia đình và đổ vỡ trong hôn nhân. Lev Tolstoy từng viết: “Những gia đình hạnh phúc đều giống nhau, nhưng những gia đình không hạnh phúc thì bất hạnh theo cách của riêng mình”.Có lẽ hàng trăm năm sau, nỗi bất hạnh của con người, của nhân loại sẽ vẫn thế, vẫn riêng biệt, bơ vơ, cô đơn, lẻ loi nếu sống mãi trong gia đình không hạnh phúc.
Bên cạnh đó, tồn tại nhiều gia đình tiếp thu những phương pháp giáo dục cởi mở với con trẻ và nuông chiêu một cách quá mức. Nhiều gia đình bận rộn công việc kiếm sống mưu sinh hằng ngày không xem trọng việc giáo dục con cái, buông lỏng chỉ trông chờ vào sự giáo dục của nhà trường và xã hội dẫn đến giáo dục con cái không được trọn vẹn, điều đó làm gián tiếp cho con trẻ dễ bị cám dỗ, hư hỏng.
Mặt khác, thực tại nền kinh tế xã hội ngày một phát triển, thì bên cạnh đó tế bào xã hội cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những yếu tố tác động bên ngoài, thiết bị công nghệ điện tử hiện đại du nhập ngày càng nhiều. Thế giới công nghệ ngày càng thay thế con người, chúng ta đã và đang đối mặt với nền kinh tế hàng hóa và cơ chế thị trường nên văn hóa gia đình đang có biểu hiện tha hóa, đi xuống vì những tác động của những mặt trái, mặt tiêu cực của sự phát triển đó. Phát triển tốt có lợi nếu biết tiếp thu tinh hóa văn hóa tri thức nhân loại một cách có chọn lọc. Còn học hỏi những cái tiêu cực không tốt thì sẽ gây ra những hệ lụy cho nền kinh tế xã hội. Mặt trái của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đã kích thích nhu cầu ham muốn vật chất, ít chú trọng đời sống tình cảm tinh thần, tình trạng xung đột gia đình dẫn đến đổ vỡ và ly hôn ngày càng gia tăng, làm cho gia đình không được bền vững. Vì thế, để tạo dựng nền tảng vững chắc cho thế hệ tương lai, phải bắt đầu giáo dục con trẻ trong gia đình – trước khi những mầm non ấy đặt chân tới trường và tiếp xúc với môi trường xã hội. Đó được xem là những viên gạch đầu tiên để xây dựng nên nhân cách của một con người, một thế hệ. Và trong giai đoạn hiện nay, để “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội, là trách nhiệm của mỗi gia đình, mỗi con người cụ thể.
Vì vậy, ta càng phải nhận thức được rõ về tầm quan trọng của gia đình. Để có một cuộc đời vui vẻ hạnh phúc, mỗi cá nhân cần phải có trách nhiệm xây dựng, giữ gìn tổ ấm của mình. Từ trẻ nhỏ đến người già trong gia đình hãy dành cho nhau tình cảm nhiều hơn, yêu thương, chở che đùm bọc lẫn nhau, bảo vệ một gia đình luôn bền vững. Gia đình cũng là nơi tiếp thu, giữ gìn và lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Thông qua các câu chuyện cổ tích, ca dao, tục ngữ, cha mẹ, ông bà là những người thầy đầu tiên dạy dỗ, nuôi dưỡng tâm hồn, phát triển tư duy và từng bước giáo dục hình thành nhân cách cho mỗi con người. Qua lao động, qua việc xử lý các mối quan hệ hằng ngày, gia đình đã truyền thụ cho con trẻ những nét đẹp của truyền thống gia đình, dòng họ, truyền thống văn hóa dân tộc. Từ đó mỗi cá nhân hình thành và bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tình cộng đồng, lòng nhân ái, tinh thần tự lực, tự cường, anh hùng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, chăm chỉ cần cù trong lao động sản xuất… Gia đình cũng giữ vai trò đặc biệt quan trọng tới số lượng, chất lượng dân số và cơ cấu dân cư của quốc gia.
Tình cảm gia đình thiêng liêng, cao quý là thế, mãi mãi trường tồn vĩnh hằng với thời gian, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho mỗi người. Cuộc sống này tiềm ẩn những giá trị tốt đẹp và sẽ không mất đi nếu chúng ta biết trân trọng, giữ gìn và phát huy. Tình cảm ấy sẽ là nơi chúng ta thấy được niềm tin yêu trong cuộc sống, sự gắn kết diệu kỳ mà cuộc sống ban tặng cho mỗi người để giúp họ vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc đời.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạn nhân của xã hội là gia đình”. Trong xã hội hiện đại, nhất là thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, vai trò của gia đình càng trở nên quan trọng, trở thành thước đo sự ổn định và phát triển của xã hội, đồng thời là nơi lưu giữ và phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp tạo nên bản sắc văn hóa của một quốc gia.
Bản chất của văn hóa gia đình người Việt truyền thống chính là một tổ chức dựa trên mối quan hệ nghĩa tình nơi mà các thành viên sống và yêu thương, gắn bó với nhau bằng tình thân, sự đồng cảm và thấu hiểu. Trong gia đình Việt Nam truyền thống, mối quan hệ ông bà, cha mẹ, con cháu được xây dựng theo một tôn ti, trật tự nhất định, có trên có dưới. Ở đó có tình nghĩa vợ chồng sâu nặng, có tình yêu thương giữa cha mẹ với con cái, sự hiếu thảo, tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ của con cái, cháu chắt đối với ông bà, cha mẹ. Chính mối quan hệ nghĩa tình ấy đã góp phần tác động đến việc hình thành nhân cách của mỗi cá nhân trong gia đình, tạo nên nền nếp, gia phong, lối sống của gia đình. Văn hóa gia đình truyền thống tạo cho mọi thành viên của gia đình một bản lĩnh vững vàng khi hòa nhập với đời sống xã hội.
Gia đình là tài sản quý giá nhất đối với mỗi con người, đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách đạo đức tốt đẹp của mỗi người. Bởi vậy, mỗi chúng ta khi còn có gia đình hãy biết quý trọng, gìn giữ và vun đắp tình cảm ấy thật tốt đẹp bởi vì tình cảm gia đình là thiêng liêng, cao quý nhất. Bởi lẽ, tình yêu thương chính là một phẩm chất tốt đẹp, đáng quý mà chúng ta có trách nhiệm gìn giữ và phát huy và bảo vệ. Không có gì hạnh phúc và đáng quý hơn khi sống dưới một mái ấm gia đình hạnh phúc, đầy ắp tiếng cười đùa vui vẻ. Vì vậy, mỗi cá nhân hãy biết yêu thương và thực hiện trách nhiệm, làm tốt vai trò bổn phận của mình đối với người thân trong gia đình các bạn nhé!