Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”1, là quan điểm được Đại hội XIII của Đảng khẳng định. Song, có ý kiến cho rằng quan điểm này là không phù hợp quy luật và thực tiễn. Đó là ý kiến sai trái cần kiên quyết đấu tranh bác bỏ, nhất là hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang tích cực chuẩn bị bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Việt Nam là một trong những quốc gia có những hình thức tổ chức nhà nước (kiểu nhà nước) sớm trên thế giới, nhưng biểu hiện rõ chức năng và được sử liệu ghi chép khá đầy đủ là các nhà nước phong kiến từ sau khi Ngô Quyền lãnh đạo nhân dân ta đánh tan quân Nam Hán năm 938. Trải qua những thăng trầm lịch sử, các triều đại phong kiến đã để lại nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp, đặc trưng bản sắc dân tộc, nhưng do vận động, phát triển không hợp quy luật, nên cũng đã lạc hậu và kết thúc sứ mệnh của mình. Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước được xây dựng theo hướng: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn dân Việt Nam”2, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Bộ máy nhà nước từ Trung ương đến cơ sở được xây dựng ngày càng hoàn thiện; Nhân dân phát huy “quyền bính” của mình, cùng Nhà nước vượt qua khó khăn, thách thức, giành được nhiều thành tựu to lớn trong các cuộc kháng chiến, cũng như cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng lên, đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Vậy mà, các thế lực thù địch, phần tử phản động lại xuyên tạc rằng: xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân là lặp lại lý luận “xưa cũ” về nhà nước siêu giai cấp, phi giai cấp, nhà nước toàn dân,... của các học giả tư sản từ thế kỷ XIX. Số khác thì lý sự: theo chủ nghĩa Mác – Lênin, nhà nước là công cụ của giai cấp thống trị, không có nhà nước của dân, do dân, vì dân. Phần đông ra sức cổ súy xây dựng nhà nước tam quyền phân lập theo kiểu dân chủ tư sản, v.v. Thực chất, đây là những quan điểm lạc hậu, không phù hợp với tiến bộ xã hội, cần được nhận diện và đấu tranh bác bỏ, vì:
Nhà nước của dân, do dân, vì dân là kết quả vận động hợp quy luật của xã hội. Từ vận dụng phép biện chứng duy vật vào nghiên cứu lịch sử, C. Mác xem xã hội là một bộ phận của tự nhiên và đã tìm ra quy luật về sự phù hợp giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất; quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng; giai cấp và đấu tranh giai cấp; nhà nước và cách mạng xã hội, v.v. Ông khẳng định: “Tôi coi sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử, tự nhiên”3. Theo đó, khi mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất đạt đến đỉnh điểm sẽ diễn ra cách mạng xã hội mở đường cho lực lượng sản xuất thoát khỏi “xiềng xích” của quan hệ sản xuất đã lạc hậu, đưa đến sự ra đời hình thái kinh tế - xã hội với đại diện là một giai cấp mới, thiết lập nhà nước và chế độ xã hội trên cơ sở kinh tế - xã hội mới, tiến bộ hơn; cứ như vậy làm cho xã hội luôn vận động, phát triển từ thấp đến cao. Đến nay, nhân loại đã và đang trải qua các kiểu nhà nước tương ứng với các giai cấp đại diện là: chiếm hữu nô lệ do giai cấp chủ nô đại diện; phong kiến với đại diện là giai cấp phong kiến, địa chủ; tư bản - đại diện là giai cấp tư sản và nhà nước xã hội chủ nghĩa do giai cấp vô sản, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản làm đại diện. Theo lý luận, nhà nước xã hội chủ nghĩa là nhà nước của giai cấp công nhân – giai cấp có sứ mệnh: xóa bỏ chế độ người bóc lột người, giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động và nhân loại khỏi mọi áp bức, bóc lột, nghèo nàn lạc hậu, xây dựng xã hội Cộng sản chủ nghĩa văn minh, “Thực hiện sự nghiệp giải phóng thế giới ấy - đó là sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản hiện đại”4. Để hoàn thành sứ mệnh đó, giai cấp công nhân phải thông qua đội tiền phong của mình là Đảng Cộng sản để lãnh đạo nhân dân tiến hành cách mạng vô sản thủ tiêu giai cấp tư sản, thiết lập chuyên chính vô sản, cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Đến giai đoạn mà lao động trở thành nhu cầu cống hiến cao nhất, mọi cá nhân đều bình đẳng, được phát triển toàn diện “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, nhà nước hết vai trò, sẽ tự tiêu vong. Như vậy, mục tiêu và lợi ích căn bản của giai cấp công nhân phù hợp với nguyện vọng, lợi ích của nhân dân lao động. Vì thế, ở giai đoạn xã hội chủ nghĩa, việc xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là phù hợp với quy luật và lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin. Thực tiễn cho thấy, sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, Liên xô và một loạt các nước (bao gồm Việt Nam) đã thiết lập nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và đã trở thành hệ thống lớn mạnh, đe dọa sự diệt vong chế độ tư bản trên toàn thế giới. Đáng tiếc là, những năm cuối thế kỷ XX, do nhiều nguyên nhân khác nhau, mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên xô và các nước Đông Âu “chệch hướng” dẫn đến sụp đổ. Cùng thời điểm đó, Việt Nam và một số nước đã vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin phù hợp thực tiễn, tiến hành đổi mới toàn diện đất nước và đã thu được nhiều thành tựu to lớn. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) ghi rõ: “Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”5.
Nhà nước của dân, do dân, vì dân là sự lựa chọn lịch sử Việt Nam. Sau tiếng súng xâm lược (năm 1858), thực dân Pháp biến nước ta thành thuộc địa của chúng, nhân dân ta bị áp bức, bóc lột tàn nhẫn, cuộc sống lầm than, cơ cực; thậm chí, người dân không được quyết định những những vấn đề tối thiểu thuộc về bản thân mình. Tình cảnh đó đã thôi thúc phong trào đấu tranh kháng Pháp nổ ra ở khắp nơi, điển hình như: Trương Định tổ chức nghĩa quân ở Gò Công, Tân An (1859 - 1864); Nguyễn Trung Trực chỉ huy nghĩa quân đốt cháy tàu Hy Vọng (Espérance) của Pháp trên sông Vàm Cỏ Đông, rồi lập căn cứ khắp vùng Rạch Giá, Hà Tiên và đảo Phú Quốc (1861 - 1868); Tống Duy Tân cùng Cao Điền dựng cờ khởi nghĩa ở Hùng Lĩnh, Thanh Hóa (1886 - 1892); Phan Đình Phùng với “Chiếu Cần Vương” chiêu mộ nghĩa quân, lập căn cứ ở vùng núi thuộc hai huyện Hương Sơn, Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh (1885 - 1896); Hoàng Hoa Thám thành lập nghĩa quân ở Yên Thế, đánh Pháp suốt 25 năm (1887 - 1913), v.v. Mỗi phong trào diễn ra ở những nơi với thời điểm và người đứng đầu khác nhau,... nhưng đều nhằm đánh đuổi giặc Pháp; song, do đường lối, phương pháp, mục tiêu không phù hợp nên đều bị đàn áp đẫm máu. Trước đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam ra đời, đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tập hợp và lãnh đạo nhân dân làm lên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập ra Nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Từ đó đến nay, các tầng lớp nhân dân ta luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước, đoàn kết, thống nhất, tạo ra sức mạnh tổng hợp, lập lên những kỳ tích mang tầm thời đại, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đưa Việt Nam từng bước sánh vai với các cường quốc năm châu.
Xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân là nguyện vọng của nhân dân, phù hợp thực tiễn nước ta. Có thể nói, nguyện vọng lớn nhất của mỗi người dân Việt Nam trước năm 1945 là: đất nước được độc lập, nhân dân được tự do, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đáp ứng ước nguyện đó, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời; ngày 06/01/1946, mỗi người dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên được tự tay cầm lá phiếu bầu ra Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước kiểu mới và bước vào cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Nhưng mấy chục năm sau đó, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đã thay nhau xâm lược nước ta (1946 - 1975), với quyết tâm: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”6, Đảng, Nhà nước đã tập hợp, lãnh đạo Nhân dân ta đoàn kết “vừa kháng chiến vừa kiến quốc” và đã làm lên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954) “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Đại thắng Mùa Xuân (30/4/1975) thống nhất đất nước. Bước vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên phạm vi cả nước, nhất là từ khi đổi mới đến nay, vai trò, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân ngày càng sáng tỏ: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân,... tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”7.
Thực tế là, thành viên trong bộ máy nhà nước từ Trung ương đến cơ sở đều do Nhân dân trực tiếp hoặc gián tiếp (thông qua đại diện) bầu ra và bãi miễn khi họ không còn xứng đáng. Mọi hoạt động của nhà nước đều hướng tới: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; chính sách và chất lượng các lĩnh vực: y tế, giáo dục, an sinh xã hội,... ngày càng hoàn thiện, nâng lên. Hiếm có quốc gia nào, mà Nhà nước phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, tỉ lệ xóa đói, giảm nghèo, các mục tiêu thiên niên kỷ đều đạt và vượt chỉ tiêu được thế giới ca ngợi. Để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid -19 và thảm họa thiên tai ở các tỉnh miền Trung năm 2020, Nhà nước chi hàng trăm nghìn tỷ đồng hỗ trợ nhân dân, lao động mất việc, khắc phục hậu quả thiên tai, v.v. Việc cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử “liêm chính, kiến tạo”, chuyển đổi số,... đã và đang giúp người dân trực tiếp tương tác với Chính phủ ngày càng nhiều hơn, Chính phủ quản lý, điều hành, phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn. Mọi người được tham gia đóng góp ý kiến vào các văn bản hoạch định đường lối lãnh đạo trình Đại hội của Đảng, cũng như quá trình xây dựng, sửa đổi bổ sung Hiến pháp, pháp luật. Nhân dân ta ngày càng phát huy vai trò, trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát hoạt động của hệ thống chính trị, phát hiện, tố giác những hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân, góp phần giữ vững kỷ cương, tăng cường pháp chế. Công tác điều tra, xét xử bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, công khai, bình đẳng “không có vùng cấm”, góp phần giữ vững niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng là quá trình vận động, phát triển hợp quy luật, phù hợp tiến bộ xã hội đã được thực tiễn Việt Nam kiểm nghiệm, mọi luận điệu trái với đường lối này đều cần nhận diện, đấu tranh bác bỏ.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |