Tế lễ là hoạt động tín ngưỡng có tính cách tập thể cùng thể hiện một sự tôn thờ và sự kính trọng, biết ơn đến 18 chi đời các Vua Hùng đã có công dựng nước Văn Lang- Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam và các đấng Thần linh, Thành hoàng, Thổ địa . Tập thể ở đây có thể là quốc gia ( quốc lễ), làng xã; có thể là một cộng đồng dân cư cùng chung một nơi thờ tự các Vua Hùng, hay một hội gồm nhiều hội viên cùng có chung tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng và cùng tổ chức tế lễ Vua Hùng tại lễ hội có di tích tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Như vậy, Tế lễ cũng là cúng lễ nhưng với hình thức và nghi thức có quy mô to lớn hơn đáp ứng nhu cầu thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cho một cộng đồng của một hay nhiều địa phương. Tế thường có âm nhạc, lễ vật, trang phục và có một ban Tế gồm nhiều người, nhiều chức sắc, có chúc văn Giỗ Tổ Hùng Vương được chủ tế đọc và hóa…
Tế lễ có 2 điểm khác với khấn và cúng :
- Tế lễ là cuộc dâng lễ vật một cách long trọng lên những các vị Vua Hùng và các vị Thần lớn như : Trời, Đất, Mùa Màng, Đức Khổng Phu Tử, Hai Bà Trưng, Đức Thánh Trần, các bật tiên liệt có công với quê hương đất nước, các vị Thần linh, Thành Hoàng, Thổ địa của làng xã…
- Tế lễ còn được tổ chức một cách trọng thể với cờ xí, nhạc lễ và phẩm phục, phẩm vật tế lễ là vật tam sinh: bò, dê, heo ( lễ mặn); hoa quả, bánh chưng, bánh giầy, xôi, chè, kẹo...( lễ chay).