Hình ảnh quan phụ mẫu lòng lang dạ sói, vô trách nhiệm, ích kỉ, chỉ biết ăn chơi hưởng lạc, không mảy may rung động trước thảm cảnh lụt lội cuốn trôi nhà cửa của nhân dân, đã được tác giả Phạm Duy Tốn khắc họa sinh động trong truyện ngắn "Sống chết mặc bay". Trong lúc người dân đang vật lộn dưới trời mưa tầm tã để bảo vệ tính mạng và tài sản của mình thì quan phụ mẫu và nha lại lại tổ chức đánh tổ tôm ở trong đình khi đi hộ đê. Đình cao vững chãi, đèn thắp sáng trưng, đê vỡ không sao, không khó trang nghiêm, tĩnh mịch, nhàn nhã, đường bệ. Chỗ quan ngồi đồ dùng sinh hoạt bày ra, nào là bát yến hấp đường phèn để trong khay khảm, tráp đồi mồi, trầu vàng, cau đậu, rễ tía, ống thuốc bạc, đồng hồ vàng, quản bút, tăm bông trông mà thích mắt. Tất cả những đồ dùng sinh hoạt của quan chứng tỏ quan rất xa hoa. Quan cùng các nha lại lao vào cuộc tổ tôm mà không để ý gì đến nguy cơ đê vỡ mặc dù họ đang có nhiệm vụ đi hộ đê. Rõ ràng tất cả những điều đó đã thể hiện thái độ vô trách nhiệm của quan lại thời phong kiến đối lập với cuộc sống lầm than của nhân dân. Khi đê vớ người dân rơi vào cảnh nghìn sầu muôn thảm thì cũng là lúc quan sung sướng ù ván bài to. Qua hình ảnh quan phụ mẫu, nhà văn Phạm Duy Tốn đã lên án, phê phán thái độ vô trách nhiệm của quan lại lúc bấy giờ, đồng thời bộc lộ niềm thương cảm xót xa trước cảnh nghìn sầu muôn thảm của người dân.