Truyện ngắn “Sống chết mặc bay” của Phạm Duy Tốn đã cho người đọc thấy được tình cảnh “nghìn sầu muôn thảm” của người dân. Tác giả đã xây dựng được một tình huống độc đáo: “Gần một giờ đêm, không gian (địa điểm) là khúc đê làng X, thuộc phủ X”. Đồng thời miêu tả thời tiết lúc này “trời mưa tầm tã, nước càng ngày càng dâng cao”, “hai ba đoạn nước đã ngấm qua và rỉ chảy đi nơi khác”. Trong hoàn cảnh đó hàng trăm người vất vả, cố sức giữ đê: “Kẻ thì thuổng, người thì cuốc, kẻ đội đất, người vác tre, nào đắp, nào cừ… Khung cảnh náo loạn với tiếng người xao xác gọi nhau sang hộ nhưng ai cũng đã mệt lử cả rồi”. Sức lực của mấy trăm con người nào có thể địch nổi sức trời. Trong hoàn cảnh đó, viên quan phụ mẫu chịu trách nhiệm về việc hô đê lại đang ngồi chơi đánh bài. Sự đối lập giữa hình ảnh nhân dân ở ngoài đê và viên quan phụ mẫu ở trong đình càng giúp người đọc hiểu hơn về nỗi thống khổ của nhân dân. Đặc biệt là ở đoạn cuối, khi con đê bị vỡ, cũng là lúc quan ù to. Nếu trong đình quan sung sướng bao nhiêu, thì ở ngoài kia người dân lại khổ bấy nhiêu: “Con đê vỡ, khiến cho nước tràn lênh láng, xoáy thành vực sâu, nhà cửa trôi, lúa má ngập hết. Kẻ sống không có chỗ ở, kẻ chết không nơi chôn…”. Cuộc sống yên bình của người dân đã bị thiên tai hủy hoại. Nhưng cần hiểu rằng hậu quả đó không chỉ do thiên tai, mà còn cho sự vô trách nhiệm của viên quan. Càng đồng cảm với nhân dân bao nhiêu, chúng ta lại càng căm ghét viên quan phụ mẫu bấy nhiêu.