LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Phân tích 3 khổ thơ cuối bài thơ về tiểu đội xe không kính

Phân tích 3 khổ thơ cuối bài thơ về tiểu đội xe không kính
 
2 trả lời
Hỏi chi tiết
120
6
0
Nguyễn Thị tuyết ...
18/05/2022 20:20:19
+5đ tặng

Phạm Tiến Duật là một trong những gương mặt tiêu biểu của lớp nhà thơ trẻ trong những năm chống Mĩ. Thơ ông tập trung thể hiện thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ qua các hình tượng người lính và những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Thi phẩm "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" sáng tác năm 1969, nằm trong chùm thơ Phạm Tiến Duật được tặng giải Nhất cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ và được đưa vào tập thơ "Vầng trăng quầng lửa" của tác giả. Bài thơ mà điển hình là ba khổ thơ cuối đã khắc họa hiện thực khốc liệt của chiến tranh nhưng qua đó làm nổi bật lên hình tượng người lính với bao phẩm chất cao đẹp.

Sau những chặng đường dây mưa bom bão đạn đây gió bụi, mưa tuôn, người lính lái xe vẫn có giây phút bình yên:

"Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi."

Hình ảnh "Những chiếc xe từ trong bom rơi" gợi nên qua thử cái ý những chiếc xe gan góc, những chiếc xe đã qua thử thách. Vượt qua những đoạn đường "bom giật, bom rung", những chiếc xe lại được quây quần bên nhau thành "tiểu đội" - đơn vị nhỏ nhất trong quân ngũ (gồm 12 người). Tiểu đội xe không kính là mười hai chiếc xe và cứ như thế có biết bao nhiêu tiểu đội trên đường ra trận, kể sao cho hết? Suốt dọc đường vào Nam, tất cả những người lính lái xe gặp nhau dù chỉ trong giây phút nhưng đều là bè bạn "Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới". Mặt khác con đường đi tới là đường chính nghĩa, càng đi càng gặp nhiều bạn bè.

Bên cạnh đó, giây phút gặp nhau ấy thật thú vị qua cái "Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi" - một cử chỉ thật thân thiện, cảm động. Có biết bao nhiêu điều muốn nói trong cái bắt tay ấy. Đó là niềm vui trong họ vừa thoát khỏi chặng đường hiểm nguy gian khó. Họ động viên nhau dù trong hoàn cảnh nào cũng vẫn quyết tâm cầm chắc vô lăng để đưa xe về đến đích. Chỉ một cái bắt tay qua cửa kính vỡ rồi cũng đủ để họ san sẻ cho nhau, cảm hiểu lẫn nhau giữa những người đồng chí, đồng đội chung một chiến hào, chưng một nhiệm vụ thiêng liêng cao cả mà Tổ quốc và nhân dân giao phó. Cái bắt tay qua ô cửa kính là sự bù đắp tinh thần cho sự thiếu thốn về vật chất.

Người lính trên đường ra trận còn có chung những điểm tựa và tình cảm, tâm hồn, sinh hoạt. Chúng ta hãy nghe Phạm Tiến Duật kể về những cái chung ấy:

"Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi, trời xanh thêm."

Bếp Hoàng Cầm - hình ảnh quen thuộc trong cuộc kháng chiến chống Mĩ là tín hiệu của sự sum vầy, hội ngộ sau chặng đường hành quân vất vả. Ngọn lửa ấm áp như nối kết tấm lòng người chiến sĩ với nhau. Tất cả là một gia đình ấm cúng, chan chứa yêu thương. Phạm Tiến Duật đã đưa ra một khái niệm gia đình thật lạ, thật giản đơn: "chung bát đũa" là tiêu chuẩn. Câu thơ toát lên tình đời, tình người gắn bó keo sơn. Họ có chung bát đũa, chung mâm cơm, chung bếp lửa, chung ánh sao trời, chung gió bụi, mưa tuôn, chung một con đường hành quân, một chiến hào, một nhiệm vụ. Những tình cảm ấy chỉ có những người lính cách mạng mới được thưởng thức và nếm trải. Nó thật bình thường nhưng cũng thật cao đẹp thiêng liêng. Câu thơ đẹp về tình cảm, cách nhìn, cách nghĩ của người chiến sĩ. Trong các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, tình đồng chí đã trở thành sức mạnh vô giá, giúp người lính trụ vững nơi chiến trường bom đạn, giành chiến thắng trước quân thù.

Sau một bữa cơm sum họp thân mật, một vài câu chuyện thân tình, những người lính trẻ lại tiếp tục lên đường: "Lại đi , lại đi trời xanh thêm". Hình ảnh "Trời xanh" là một nét vẽ rất tài hoa mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc. Nó không chỉ biểu tượng cho sự sống mà còn biểu tượng cho tự do, hòa bình, chứa chan hi vọng chiến công lớn đang chờ. Người chiến sĩ lái xe chính là tự do của nhân loại. Họ chiến đấu để giành lại trời xanh. Chính vì thế dù gian khó hiểm nguy đến đâu, họ cũng vẫn quyết tâm lái xe bon bon về phía trước. Đây không phải là một mệnh lệnh khô khan, là nhiệm vụ đơn thuần mà là tinh thần, là ý chí, là tình cảm của người lính luôn hướng trái tim về miền Nam ruột thịt.

Khổ thơ kết, hình ảnh thơ được lặp lại những chiếc xe không kính. Nhưng từ đây để làm nổi bật vẻ đẹp của người lính lái xe:

"Không có kính rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim."

Giờ đây những chiếc xe ấy không chỉ mất kính mà lại không đèn, không mui, thùng xe có xước. Chiếc xe đã biến dạng hoàn toàn. Người lính xế lại chất chồng khó khăn. Sự gian khổ nơi chiến trường ngày càng nâng lên gấp bội lần nhưng không thể làm chùn bước những đoàn xe nối đuôi nhau ngày đêm tiến về phía trước. Nguyên nhân nào mà những chiếc xe tàn dạng ấy vẫn băng băng chạy như vũ bão? Nhà thơ đã lí giải: "Chỉ cần trong xe có một trái tim". Câu thơ dồn dập cứng cáp hẳn lên như nhịp chạy của những chiếc xe không kính. Từ hàng loạt những cái không có ở trên , nhà thơ khẳng định một cái có, đó là "một trái tim". Trái tim là một hoán dụ nghệ thuật tu từ chỉ người chiến sĩ lái xe Trường Sơn năm xưa. Trái tim của họ đau xót trước cảnh nhân dân miền Nam sống trong khói bom thuốc súng, đất nước bị chia cắt thành hai miền. Trái tim ấy dạt dào tình yêu Tổ quốc như máu thịt, như mẹ cha, như vợ như chồng ... Trái tim ấy luôn luôn sục sôi căm thù giặc Mĩ bạo tàn. Yêu thương, căm thù chính là động lực thôi thúc những người chiến sĩ lái xe khát khao giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Để ước mơ này trở thành hiện thực, chỉ có một cách duy nhất: vững vàng tay lái, cầm chắc vô lăng. Vì thế thử thách ngày càng tăng nhưng tốc độ và hướng đi không hề thay đổi.

Đằng sau những ý nghĩa ấy, câu thơ còn muốn hướng con người về chân lý thời đại của chúng ta: sức mạnh quyết định chiến thắng không phải là vũ khí mà là con người giàu ý chí, anh hùng, lạc quan, quyết thắng. Có thể coi câu thơ cuối là câu thơ hay nhất của bài thơ. Nó là nhãn tự, là con mắt thơ, bật sáng chủ đề, tỏa sáng vẻ đẹp hình tượng người lính lái xe thời chống Mĩ.

Với một chất liệu hiện thực độc đáo, giọng thơ ngang tàng, khẩu khí trẻ trung, nhịp điệu biến hóa linh hoạt: khi thì như lời hội thoại, khi thì như khúc văn xuôi phù hợp với nhịp hành quân của đoàn xe trên đường ra tuyến lửa. Qua đây, có thể khẳng định rằng, "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật là một trong những thi phẩm tiêu biểu viết về thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm tháng không thể nào quên của dân tộc. Các anh đã dệt nên những bản tình ca bất hủ cho đất nước.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
1
4
Boy lạnk lùnk
18/05/2022 20:20:38
+4đ tặng

Phạm Tiến Duật là nhà thơ thuộc thế hệ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Các tác phẩm của ông đa phần đều viết về hình tượng của người lính và những người con gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn máu lửa. Bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính của ông là một trong những tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc, đặc biệt là ba khổ cuối của bài thơ.

Thi phẩm "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" được nhà thơ Phạm Tiến Duật sáng tác năm 1969 nằm trong tập Vầng trăng quầng lửa của ông. Với giọng điệu sôi nổi, tươi trẻ cùng hình tượng độc đáo, bài thơ đã khắc họa sống động hình ảnh của những người lính lái xe trên đường Trường Sơn trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ. Họ là những chàng thanh niên trẻ tràn trề nhựa sống, luôn hiên ngang, lạc quan, dũng cảm, bất chấp mọi khó khăn, hướng một lòng về miền Nam yêu quý. Ba khổ thơ cuối của bài thơ đã khắc họa rất thành công hình ảnh của những người lính lái xe với tình đồng chí đồng đội thắm thiết cùng tình thần, ý chí quyết tâm vì miền Nam ruột thịt.

Sau những chặng đường đầy gian khổ với những trận mưa bom, bão đạn, bụi đất, mưa tuôn "xối như ngoài trời", những người lính lái xe được trở về trong phút giây bình yên hiếm hoi giữa nơi chiến trường khói lửa này. Và trong những giây phút đó, tinh thần đồng chí đồng đội của họ hiện lên rạng ngời hơn bao giờ hết:

"Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm"

Hình ảnh "những chiếc xe từ trong bom rơi" đã gợi lên cho chúng ta thấy không chỉ là sự khốc liệt của chiến tranh mà còn là sự gan góc, kiên cường của những người lính lái xe. Trải qua quãng đường dài với những "bom giật bom rung", những chiếc xe của những người lính lái xe giờ đây quây quần bên nhau thành một "tiểu đội". Những cái "bắt tay" vội vã "qua cửa kính vỡ rồi" đã thể hiện được tình đồng đội, đồng chí thắm thiết, gần gũi. Cái bắt tay không chỉ là lời chào hỏi mà còn là sự sẻ chia, lời động viên lẫn nhau của những người lính.

Không chỉ sẻ chia những khó khăn trong công việc, những người lính lái xe còn cùng nhau những khó khăn, ngọt bùi trong cuộc sống sinh hoạt:

"Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm"

Bếp Hoàng Cầm là loại dã chiến được sử dụng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Bếp Hoàng Cầm xuất hiện trong khổ thơ không chỉ gợi liên tưởng đến những giờ giải lao hiếm hoi, những bữa ăn chớp nhoáng của người lính lái xe mà còn là "phương tiện" gắn kết tình cảm đồng đội, đồng chí giữa những người lính. Họ quây quần bên nhau, cùng chung bát đũa, thân thiết giống như những người thân trong gia đình. Chính tình cảm chân thành của tình đồng chí đồng đội, tinh thần yêu nước đã trở thành nguồn động lực, sức mạnh to lớn để những người lính vượt qua những khó khăn của bom đạn và chiến thắng trước kẻ thù.

Sau những giờ nghỉ ngơi ít ỏi, cùng giấc ngủ chớp nhoáng trên những chiếc võng "mắc chông chênh trên đường xe chạy", những người lính lại tiếp tục cuộc hành trình chi viện cho miền Nam ruột thịt:

"Lại đi, lại đi trời xanh thêm"

"Lại đi, lại đi" gợi liên tưởng đến những chiếc xe không biết mệt mỏi, xuyên rừng, xuyên núi, vượt mưa bom bão đạn để về với miền Nam, cùng với đó là tinh thần mạnh mẽ, kiên cường, không chịu khuất phục trước hoàn cảnh của những người lính lái xe. Hình ảnh "trời xanh" là một nét vẽ, một ẩn dụ vô cùng đẹp đẽ của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Bầu trời xanh ấy không chỉ tượng trưng cho sự sống mà còn là màu của tự do, hoà bình và độc lập. Những người lính lái xe dành hết mọi sức lực để tiến về phía "trời xanh" ấy, họ chiến đấu để giành lại bầu "trời xanh" hoà bình cho dân tộc Việt Nam.

Hai khổ thơ 5 và 6 đã cho chúng ta thấy được tình cảm đồng chí đồng đội hết sức gắn bó, chân thành của những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn. Họ chỉ là những con người xa lạ, gặp nhau, bắt tay nhau trong tiếng cười qua ô cửa kính xe đã vỡ nhưng chỉ từng đó cũng đủ để tạo cho họ một tình cảm sâu sắc, thiêng liêng mà không phải ai cũng có được!

Trong khổ thơ cuối cùng, hình ảnh những chiếc xe không kính lại một lần nữa xuất hiện. Nếu như ở khổ thơ đầu tiên, nhà thơ chỉ nêu ra hình ảnh của những chiếc xe thiếu kính vì "bom giật bom rung", thì ở khổ cuối này, sự thiếu thốn ấy lại càng gia tăng gấp bội:

"Không có kính rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim"

Những chiếc xe vốn đã méo mó, thiếu thốn nay càng trở nên biến dạng hơn dưới sức hủy diệt của bom đạn kẻ thù. Xe không kính, không đèn, không mui, thùng xe có xước gợi ra cái ác liệt của cuộc chiến tranh, qua đó còn làm nổi bật lên tinh thần hiên ngang, dũng cảm của những người lính lái xe. Dẫu xe có bị tàn phá đến biến dạng, hoạt động lái xe cũng gặp muôn vàn những khó khăn, thế nhưng những người lính vẫn giữ vững một niềm tin "Chỉ cần trong xe có một trái tim". Hai từ "chỉ cần" ở đầu câu thơ cho thấy một thái độ ngang tàng, hiên ngang của những người lính. Những chiếc xe kia có biến dạng ra sao thì chỉ cần một người lính với trái tim nhiệt huyết thì nó vẫn sẽ tiến lên, hướng về miền Nam thân yêu. Nhịp thơ ở đây đột nhiên dồn dập, gấp gáp lạ thường, bởi vì nó chứa đựng sự sôi sục, ý chí của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Có lẽ đây là câu thơ hay nhất của cả bài thơ. Nó đã làm nổi bật lên hình tượng, ý chí và lòng quyết tâm chiến đấu của những người lính lái xe Trường Sơn trong những năm tháng ấy.

Với chất liệu hiện thực cùng một giọng thơ tươi vui, tự nhiên, khoẻ khoắn, bài thơ đã khắc hoạ vô cùng thành công hình ảnh của những người lính lái xe ngàng tàng mà trẻ trung, lạc quan, yêu đời. Nhịp thơ biến hoá linh hoạt, lúc nhanh, dồn dập, khi lại chậm rãi, yên bình, phù hợp với nhịp tiến hành quân của đoàn xe "không kính". Những hình ảnh ẩn dụ, hoán dụ cũng góp phần khắc hoạ thành công hình tượng của những người lái xe Trường Sơn năm xưa.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan
Bài tập Ngữ văn Lớp 9 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư