Yên Bái là một tỉnh miền núi, nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, có tới 30 dân tộc anh em cùng chung sống và có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Là "cửa ngõ phên dậu" vùng Tây Bắc, nơi giao thoa của hai khu vực Đông Bắc - Tây Bắc, của những nền văn hoá đa sắc tộc, hình thành nên nền văn minh sông Hồng rực rỡ. Thiên phú và sự sáng tạo lao động của cộng đồng các dân tộc Yên Bái đã tạo nên một vùng đất nhiều tiềm năng. Cùng dòng chảy của lịch sử dân tộc Việt Nam, nhân dân các dân tộc Yên Bái đã hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết, anh dũng, kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Sự hấp dẫn của vùng đất này là hình sông thế núi, được kiến tạo dọc sông Hồng trên nền phù sa cổ sinh, với những cánh đồng bằng phẳng đan xen cùng núi non ngoạn mục vươn sát bờ sông tạo thành những lát cắt phóng khoáng, trùng điệp, đó là tặng vật của thiên nhiên để con người gây dựng nên những xóm làng trù mật và thanh bình. Từ đây, những khát vọng về sự yên ấm thơ mộng được đặt cho các tên làng, trở thành dấu ấn không thể phai nhạt như Châu Quế, Yên Hưng, Lan Đình, Cổ Phúc, Yên Lương, Âu Lâu, Bình Phương, Linh Thông, Minh Quân, Nga Quán…Những tên làng nhắc tới là biết ngay đất Yên Bái.
Dải đất này trầm tích bao bí mật của quá khứ, từ thủa xa xưa. Những kết quả khảo cổ học cho thấy đây là vùng đất có lịch kỳ từ thời đá mới trải dài tới đồ đồng, đồ sắt. Tiêu biểu nhất tương ứng với thời kỳ đá Sơn Vi tìm thấy ở Mậu A, được các nhà khảo cổ đánh giá là di chỉ có những đặc trưng nổi trội nhất. Dọc lưu vực sông là quê hương của thạp đồng Đào Thịnh, thạp đồng Hợp Minh nổi tiếng quốc gia cùng vô số đồ đồng phát lộ, được người xưa chôn dấu dọc dải đất hai bên bờ sông. Vùng đất này cũng là vùng còn chứa nhiều bí ẩn đầy ký ức của cư dân cổ xưa, đang rất cần được các nhà khoa học khám phá.
Cùng với trí tuệ và bàn tay tạo dựng của con người, nhiều nơi ngoài việc trồng lúa nước còn phát triển các làng nghề: trồng dâu nuôi tằm, đan lát thủ công làm miến, kéo mật, cùng với những rừng quế bạt ngàn, những nương chè ngút ngát xanh tươi. Các làng văn hóa được tạo dựng, chính là nơi giữ gìn cảnh quản môi trường thiên nhiên và bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian được bao thế hệ lưu truyền. Ở đây có thể bắt gặp cái lạ và độc đáo của khèn "ma nhí", sáo "cúc kẹ" dân tộc Xa Phó, cũng như sự huyên linh trong "tết nhẩy" của dân tộc Dao và các giá trị phi vật thể khác đang tiềm ẩn trong nhân dân. Đó là kết quả của lao động sản xuất và nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người dân các dân tộc sáng tạo nên.
Đồng hành cùng với lịch sử, các giá trị văn hóa tinh thần được xác lập cùng với tín ngưỡng bản địa, các đình đền miếu mạo được nhân dân tôn ái xây dựng. Những đền chùa nổi tiếng trong vùng như đền Đông Cuông, Tuần Quán, Nhược Sơn, chùa Bách Lẫm, Ngọc Am được tu bổ, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân và cũng là các di tích văn hóa gắn với các truyền tích được người dân lưu giữ. Các dấu tích đình đền còn gắn với các sự kiện lịch sử từng xẩy ra trên mảnh đất này đó là, đền Nhược Sơn gắn với tên tuổi Hà Bổng, Hà Chương thời kỳ chống Nguyên Mông; Đền Đông Cuông (còn gọi là đền Thần Vệ Quốc) gắn với khởi nghĩa Giáp Dần (1914) của đồng bào Tày, Dao địa phương chống thực dân Pháp, đền Tuần Quán gắn với khởi nghĩa Yên Bái tháng 2 năm 1930 của các chí sĩ yêu nước tụ họp ở đây trước khi khởi sự. Thành phố Yên Bái còn nổi bật di tích lịch sử văn hóa Lễ đài nơi Bác Hồ nói chuyện với các nhân dân các dân tộc Yên Bái (ngày 24/9/1958) giữa trung tâm thành phố,một địa chỉ quen thuộc với cả nước là di tích lịch sử văn hóa: Lăng mộ Nguyễn Thái Học và các nhà yêu nước hy sinh năm 1930 trong khởi nghĩa Yên Bái chống thực dân Pháp nổi tiếng đương thời, được tọa lạc trong công viên Yên Hòa khoáng đạt.
Trung tâm Yên Bái còn là nơi cửa ngõ nối giữa Đông Bắc với Tây Bắc của Tổ quốc, có đường sắt và đường bộ nối Hà Nội và các tỉnh đồng bằng trung du với Vân Nam - Trung Quốc. Nơi đây còn có chiến khu Vần Dọc của thời kháng chiến chống Pháp, có bến phà Âu Lâu đã trở thành di tích lịch sử văn hóa của địa phương.
Có thể tự hào rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã giác ngộ, giáo dục, tập hợp, đoàn kết, lãnh đạo nhân dân, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, sức mạnh của cả đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, công nhân, nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp, hợp tác xã và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh làm nên kỳ tích anh hùng - một tỉnh Yên Bái phát triển toàn diện, vững bước đi lên cùng cả nước trong sự nghiệp đổi mới - công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
"Lịch sử là dòng chảy, truyền thống là hành trang", chặng đường cách mạng vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh những năm qua là niềm tự hào về những chiến công, những thành tích đã đạt được, đồng thời cũng nhận thức sâu sắc nhiệm vụ, mục tiêu trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, phấn đấu thực hiện bằng được mục tiêu xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Trung du và Miền núi phía Bắc.