Trong xã hội công nghệ hóa, hiện đại hóa với tốc độ chóng mặt như ngày nay, con người dường như bị hạn chế giao tiếp với nhau. Mỗi cá nhân chú trọng vào việc xây dựng hình ảnh trên mạng xã hội nhiều hơn những phương thức ứng xử thường nhật trong đời sống thực. Chính vì vậy, việc nói lời cảm ơn hay xin lỗi ngày càng giảm thiểu tần suất xuất hiện, tuy đây là những câu nói giản đơn và cơ bản nhất mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng nằm lòng.
Lời cảm ơn là lời thể hiện sự biết ơn, quý trong dành cho những người đã giúp đỡ khi ta gặp khó khăn, hoặc đơn giản hơn, lời cảm ơn được thốt ra khi ta nhận được sự tự tế từ đối phương. Không ai tiếc một lời cảm ơn khi được phục vụ một cách chu toàn từ người bồi bàn. Lời cảm ơn kèm nụ cười thân thiện thể hiện bạn là người có học vấn, hòa đồng, vui vẻ và biết trân trọng người khác. Lời xin lỗi là sự nuối tiếc, thừa nhận sai lầm và mong muốn sửa chữa lỗi lầm khi ta vô tình mắc lỗi. Lời xin lỗi khi làm cha mẹ buồn, xin lỗi khi vô tình làm rơi đồ của người khác,... có khả năng làm dịu đi cơn nóng giận, giải tỏa những hiểu lầm không đáng có. Bản thân chúng ta khi bị làm khó chịu cũng xứng đáng nhận được một lời xin lỗi. Như vậy, cảm ơn là xin lỗi là những câu nói đơn giản nhất, dễ nói nhất, phản ánh văn hóa giao tiếp, trình độ tư duy của mỗi cá thể và làm con người ngày thêm gắn kết. Tuy nhiên, ngày càng ít những lời cảm ơn và xin lỗi được nói ra trong những cuộc hội thoại hàng ngày.
Trên thực tế có thể thấy một cách dễ dàng, con người ngày càng ít nói cảm ơn khi được giúp đỡ hay nói xin lỗi khi phạm sai lầm. Trong số chúng ta, còn được bao nhiêu người nói cảm ơn khi nhận tiền thừa từ những người bán hàng, cúi đầu cảm ơn khi hoàn thành một chuyến xe an toàn, thoải mái. Lời cảm ơn chân thành xuất phát từ đáy lòng không đòi hỏi phải ở trong hoàn cảnh thanh cao, mĩ miều. Cũng không còn nhiều người biết nói lời xin lỗi khi lỡ va quệt vào người tham gia giao thông, thay vào đó là những lời mắng chửi thậm tệ như "không biết đi à", "mắt để ở đâu mà không biết nhường đường". Xin lỗi từ những điều nhỏ nhặt không làm chúng ta "mất giá", đó là cách ứng xử tối cơ bản của những người lịch thiệp, hòa giải mọi khúc mắc và hiểu lầm, gắn kết con người với con người.
Một sự thật đáng buồn rằng văn hóa xin lỗi và văn hóa cảm ơn của người Việt Nam ngày càng có chiều hướng đi xuống. Giới trẻ không có phản xạ cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ của người khác, điều này có thể dễ dàng nhìn thấy, nghe thấy khi các bạn trẻ giao tiếp với những người bán hàng. Họ thường có suy nghĩ rằng, họ bỏ tiền ra để mua dịch vụ, vì thế, người bán hàng cần cảm ơn họ nhưng họ không cần thiết nói cảm ơn. Suy nghĩ sai lệch này chắc hẳn đã và đang được tư duy bởi phần lớn công dân hiện nay. Tương tự như vậy, người lớn - tấm gương của những mầm non dân tộc, lại rất hiếm khi xin lỗi khi mắc sai lầm. Bậc cha mẹ cho rằng họ không có trách nhiệm phải xin lỗi con cái cho dù họ trách mắng con trẻ sai hay phạm sai lầm trước mặt con trẻ. Chính những hành động ấy tác động vào tiềm thức của trẻ em một lối sống và hành vi tiêu cực. Thậm chí, có những trường hợp cha mẹ ra đường với con nhỏ ngồi sau vẫn sẵn sàng mắng nhiếc, cãi nhau khi gặp sự cố. Con trẻ chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ, nên dường như sự suy đồi văn hóa cảm ơn và xin lỗi đã bắt nguồn, tồn tại từ những thế hệ đi trước.
Nguyên nhân của tình trạng này một phần được đổ lỗi do sự bùng nổ của công nghệ thông tin. Con người dành quá nhiều thời gian cho những thiết bị điện tử hiện đại, cho smartphone, cho ipad, cho laptop... Thay vì ra đường gặp gỡ và tăng cường khả năng giao tiếp, hầu hết mọi người lựa chọn ở nhà, nói chuyện với bạn bè qua tin nhắn, điện thoại. Bản tính con người từ đó bớt thiện lương hơn do ít được đặt trong tình huống giao tiếp trực diện. Những lời xin lỗi, cảm ơn không còn có cơ hội được thể hiện chức năng khi qua khoảng cách màn hình, ta không thể biết đối phương đang làm gì bên kia, xung quanh họ có những ai, họ bình phẩm về ta như thế nào. Nhân tính con người thay đổi theo guồng xoay phát triển của thời đại công nghệ. Hơn nữa, phải thừa nhận một điều rằng, từ trước tới nay, việc giáo dục chuẩn mực ứng xử ít được quan tâm. Các bậc phụ huynh dành thời gian đi kiếm tiền nhiều hơn là dạy dỗ con trẻ cách cư xử sao cho phải phép. Những lớp kỹ năng sống chỉ phần nào khỏa lấp được sự thiếu thốn về mặt giáo dục nhân cách, tuy nhiên, cũng không phải đứa trẻ nào cũng được uốn nắn, bài bản trong môi trường chuyên nghiệp như vậy. Việc không nói lời cảm ơn hay xin lỗi cũng không gây ảnh hưởng ngay lập tức và trực tiếp đến các mối quan hệ nên con người có chiều hướng xao nhãng, bỏ qua dễ dàng, dẫn đến con người không có thói quen nói xin lỗi và cảm ơn trong những tình huống cần thiết. Tồi tệ hơn, có những trường hợp bị giáo dục cách ứng xử tiêu cực để tránh bị xâm phạm, lâu dần sẽ tạo thành bức tường thành ngăn cách với thế giới, thui chột khả năng giao tiếp và ứng xử của cá nhân đó. Hai từ cảm ơn và xin lỗi tưởng chừng như đơn giản nhưng lại có quá nhiều lý do để ngăn cản chúng ta nói ra. Vì "ngại", vì "tại sao phải xin lỗi", "sao phải cảm ơn", vì "bình thường tôi không cần nói cảm ơn", chung quy lại là vì ý thức. Tác động ngoại lai sẽ không thể ảnh hưởng nếu chúng ta là những người có bản lĩnh vững vàng và có ý thức duy trì những thói quen tốt đẹp, như việc nói lời xin lỗi, cảm ơn.
Cảm ơn và xin lỗi đúng lúc, đúng chỗ khiến cuộc sống thêm hòa nhã, đơn giản. Những cuộc cãi vã không đáng có đều có thể ngăn chặn ngay từ đầu bằng lời xin lỗi chân thành. Những sự quan tâm và yêu thương càng nhân lên gấp bội nếu được lời cảm ơn nuôi dưỡng. Ngược lại, việc "tiết kiệm" lời cảm ơn và xin lỗi đang ngày càng để lại những hậu quả mà chúng ta có thể nhìn thấy hằng ngày. Nhân cách con người không được cải thiện, trẻ em không biết quý trọng những gì chúng đang được thụ hưởng, người lớn gây cho mình cảm giác bất mãn khi buộc phải nói lời xin lỗi, những việc tốt đáng được cảm ơn lại trở thành sự hiển nhiên không đáng được tôn trọng,... Những bài học lý thuyết sáo rỗng trong sách Giáo dục công dân niên đại mười năm có lẽ hoàn toàn không có giá trị nếu không được áp dụng vào thực tế đời sống ngay trước mắt. Những bài viết hô hào từ những cá nhân có tầm ảnh hưởng hoàn toàn phi thực tế nếu chính bản thân mỗi chúng ta không có ý định tiếp thu và vận dụng. Nguyên nhân do chúng ta gây ra, hậu quả cũng do chúng ta hứng chịu. Có những câu cảm ơn không thốt ra lời, cũng có những câu xin lỗi mà cả đời cũng chẳng có cơ hội nói được một lần.
Ngay từ khi con nhỏ, việc giáo dục con trẻ về tác dụng của lời xin lỗi và cảm ơn là rất quan trọng. Chúng ta đã và đang làm rất tốt điều này. Hầu hết mọi đứa trẻ đều thuộc làu các bài dạy cảm ơn và xin lỗi, vậy tại sao người lớn lại không thực hiện được điều đó? Nói cảm ơn khi được giúp đỡ, bày tỏ tấm lòng biết ơn và làm gương cho con cháu. Xin lỗi khi mắc sai lầm, đặc biệt là xin lỗi trẻ em khi bạn hành xử chưa đúng mực với chúng không chỉ dạy cách xin lỗi mà còn khiến chúng có cảm giác được tôn trọng, từ đó trẻ em cũng biết cách tôn trọng người khác. Bản thân chúng ta cũng vậy, cần dần dần dẹp bỏ cái tôi cá nhân để trở thành cá thể cộng đồng. Nói lời cảm ơn và xin lỗi không khiến chúng ta mất mát điều gì, vậy hãy "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau", vừa khiến tâm trạng phấn chấn, thanh bình, vừa khiến người đối diện thoải mái, dễ chịu, gia tăng mối quan hệ xã hội và nâng cao vị trí, khẳng định giá trị bản thân. Muốn được đối xử tốt, trước hết hãy đối xử tốt với tất cả mọi người.
Cảm ơn và xin lỗi, những điều tưởng như nhỏ bé, không đáng phải suy nghĩ lại khiến con người ta băn khoăn, trăn trở. Liệu một mối quan hệ bạn bè lâu năm khăng khít phút chốc tan biến chỉ vì thiếu đi lời xin lỗi, có đáng hay không? Liệu một nụ cười tươi rói của bác xe ôm tần tảo, vất vả có xứng đáng để ta nói lời cảm ơn chân thành? Cuộc sống không đong đếm bằng số tiền trong ví, số kiến thức đồ sộ hay bộ quần áo đắt tiền. Giá trị thực tại nằm ở chỗ, bản thân ta là người như thế nào.