Cũng như các châu lục khác trên thế giới, trong những năm qua, châu Phi trải qua nhiều chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội. Từ một khu vực bị phân hoá, chìm ngập trong xung đột, đói nghèo, bệnh tật, đời sống người dân vô cùng khó khăn và hầu như không có vị trí trong đời sống chính trị, kinh tế của cộng đồng quốc tế, trong mấy năm gần đây, châu Phi có tình hình chính trị tương đối ổn định, tăng trưởng kinh tế trung bình đạt 3%/ năm, riêng năm 1997 đạt khoảng 5%, trong khi tỷ lệ tăng dân số có chiều hướng giảm, các cuộc xung đột đi dần vào giải pháp hoặc bị thu hẹp, xu thế hoà bình, ổn định và hợp tác ngày càng được củng cố; một số nước thoát ra khỏi thảm cảnh nghèo đói bần cùng và xung đột bạo lực, bắt tay vào khôi phục nền kinh tế, xây dựng lại đất nước. Với những thành quả bước đầu trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, với xu thế hoà bình, ổn định và hợp tác phát triển trên thế giới, các quốc gia châu Phi sẽ từng bước vượt qua những khó khăn, thử thách, duy trì hoà bình ổn định, tiếp tục khôi phục kinh tế mở ra triển vọng phát triển mới trong thời gian tới.
Là lục địa lớn thứ ba trên thế giới về diện tích, châu Phi hiện nay có hơn 700 triệu người, giầu tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu mỏ và các khoáng sản chiến lược với trữ lượng lớn và mới khai thác. Nhưng từ thập kỷ 60 trở về trước, châu lục này bị đế quốc, thực dân đô hộ và chia cắt. Tình trạng dân trí thấp, sống du canh du cư theo bộ tộc, bộ lạc, chậm phân hoá giai cấp -xã hội, bên cạnh đó sự thống trị, bóc lột, chia rẽ và sự áp đặt của đế quốc thực dân trong việc phân định đường biên giới lãnh thổ làm cho quá trình hình thành các quốc gia - dân tộc diễn ra phức tạp, khó khăn và chứa đựng nhiều mâu thuẫn giai cấp, xã hội. Sau Thế chiến II, được sự ủng hộ và giúp đỡ của Liên Xô (cũ) và các nước xã hội chủ nghĩa, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đòi độc lập tự do phát triển mạnh mẽ, và đến cuối những năm 70, khi những vết tích cuối cùng của chủ nghĩa thực dân bị xoá bỏ, thì hầu hết các nước Châu Phi dành được độc lập dân tộc ở mức độ khác nhau và lựa chọn mô hình phát triển đất nước dưới tác động của chiến tranh lạnh, sự tập hợp lực lượng và đấu tranh ý thức hệ giữa hai phe, hai khối. Trong số 50 quốc gia châu Phi hiện nay, trước năm 1950 chỉ có 4 nước độc lập, những năm 50 và 60 có 38 quốc gia dành độc lập, và chỉ riêng năm 1960, một loạt 17 nước ra đời. Tình trạng nghèo nàn, chậm phát triển, những hậu quả nặng nề do chính sách áp bức bóc lột và "chia để trị" mà đế quốc, thực dân để lại cùng với tâm lý kỳ thị chủng tộc, tôn giáo, sự bất bình đẳng về quyền lợi chính trị, kinh tế, xã hội, sự áp bức lẫn nhau thường là những nguyên nhân sâu xa dẫn đến các cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo, các cuộc đảo chính tranh giành quyền lực hoặc các xung đột khu vực mang mầu sắc tư tưởng, đối đầu Đông - Tây. Do đó các quốc gia châu Phi chưa thể ra khỏi tình trạng đói nghèo, chậm phát triển, và nguy cơ tụt hậu ngày càng lớn trong bối cảnh những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, tin học v.v...thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất trên toàn cầu.
Khác với các châu lục khác trên thế giới, ở châu Phi, xu hướng phát triển đất nước không phải do sự vận động của các phương thức sản xuất trong xã hội quyết định, mà chủ yếu do hệ tư tưởng của giới cầm quyền ở từng nước chi phối. Vì vậy, suốt trong nhiều thập kỷ sau khi dành độc lập, đa số chính quyền các nước châu Phi dựa vào viện trợ, giúp đỡ từ bên ngoài để duy trì chế độ thống trị độc tài, trấn áp các lực lượng đối lập, phục vụ lợi ích của giới cầm quyền. Do đặc điểm tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và tính chất cuộc đấu tranh dành độc lập ở từng nước, tại khu vực này đã hình thành ba khuynh hướng phát triển chủ yếu gồm: những nước được trao trả độc lập thông qua thương lượng thoả hiệp, chính quyền Trung ương do giai cấp tư sản mại bản hoặc phong kiến lãnh đạo thường lựa chọn con đường phát triển tư bản chủ nghĩa, bị lệ thuộc vào quỹ đạo của chủ nghĩa thực dân mới (Ma-rốc, Cốt-đi-voa, Nam Phi, Tuy-ni-di, Kê-ni-a, Ga-bông, Xê-nê-gan, Da-i-a v.v...). Trong khi đó, những nước dành độc lập thông qua đấu tranh vũ trang hoặc bằng bạo lực chính trị, giới lãnh đạo theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa, có ý thức độc lập, tự chủ đã chọn con đường xã hội chủ nghĩa: A-rập (ai-cập, An-giê-ri, Li-bi, Ma-đa- gat-xca, Ga-na, Ghi-nê, Tan-da-ni-a, Dăm-bi-a, Bốt-xoa-na, Xô-ma-li v.v...). Còn những nước dành độc lập bằng đấu tranh vũ trang, bạo lực cách mạng, giới lãnh đạo có xu hướng tiến bộ, mác xít và trong quá trình đấu tranh được Liên Xô (trước đây), Cu-ba và các nước XHCN giúp đỡ, ủng hộ, vì vậy sau khi dành được chính quyền họ chủ trương phát triển đất nước theo khuynh hướng CHXH khoa học (Ang-gô-la, Mô-dăm-bích, Ê-ti-ô-pi-a, Công-gô(B) ). Tuy vậy, do xuất phát điểm thấp lại bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh giành quyền lực liên tiếp xẩy ra trong thời gian dài nên các nước châu Phi phát triển chậm, kinh tế khó khăn, tình hình chính trị, xã hội diễn biến phức tạp và luôn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định. Trên thực tế, trong nhiều năm qua, nền kinh tế của các nước châu Phi mất cân đối nghiêm trọng, chủ yếu dựa vào khai thác, xuất khẩu nguyên nhiên liệu với giá rẻ, trong khi phải nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp và thiết bị với giá cao, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm, nợ nước ngoài ngày một tăng (đến nay lên tới 400 tỷ USD).
Đề cập vấn đề kinh tế, Ngân hàng thế giới nhận xét rằng trong các năm 1996-1997, châu Phi có tốc độ tăng trưởng là 5%, lạm phát ở mức độ vừa phải, đặc biệt khu vực Nam Xa-ha- ra có thể đạt mức tăng trưởng bình quân 4% trong 10 năm tới. Tình hình phát triển kinh tế có sự khác nhau giữa các vùng, tỷ lệ tăng trưởng của các nước Cộng đồng Trung Phi chỉ đạt 1,1%, các nước khối Ma-grép gồm An-giê-ri, Ma-rốc, Li-bi, Mô-ri-ta-ni và Tuy-ni-di đạt 1,7%; khu vực tiểu lục địa Xa-ha-ra đạt 3,3%, các nước Tây Phi đạt 3,5%; trong khi các nước ở miền Đông và Nam châu Phi duy trì được tốc độ tăng truởng bình quân khoảng 5% năm. Nguyên nhân dẫn đến kết quả trên là do từ năm 1994, nhờ có hoà bình ổn định tương đối nên nhiều nước châu Phi có điều kiện khôi phục sản xuất, thực hiện cải cách kinh tế, tăng cường hợp tác kinh tế khu vực, đồng thời tranh thủ viện trợ kỹ thuật từ bên ngoài. Các tổ chức kinh tế của Liên Hợp Quốc cho biết sự cải thiện của nền kinh tế châu Phi trong mấy năm trở lại đây là chưa chắc chắn, bởi còn chứa đựng yếu tố nhất thời, không đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Vì xuất phát điểm thấp, khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật chậm nên kinh tế châu Phi thường bị thiệt hại do tác động tiêu cực của tự do hoá quá nhanh; hơn nữa trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới, do không đủ sức cạnh tranh, họ lại càng bị thua thiệt và tụt hậu rất nhiều so với các khu vực khác.
Trong những năm đầu thập kỷ 80, cục diện tình hình thế giới có nhiều thay đổi, châu Phi không còn là khu vực tranh giành ảnh hưởng và tập hợp lực lượng của các nước lớn; vì vậy từ chỗ Liên Xô (cũ) và Mỹ viện trợ ồ ạt về quân sự, kinh tế, ủng hộ chính trị đối với các nước đồng minh, nay họ điều chỉnh chiến lược, giảm đối đầu, giảm cam kết và viện trợ, đồng thời hợp tác với nhau trong việc giải quyết các xung đột khu vực nhằm tiếp tục duy trì ảnh hưởng lợi ích của họ. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, sự đối đầu, tranh giành ảnh hưởng giữa Liên Xô (cũ) và Mỹ, khu vực châu Phi chủ yếu tập trung vào các điểm nóng như Ang-gô-la, Mô-dăm-bích, Na-mi-bi-a, E-ti-ô-pi-a. Trong khi Liên Xô coi trọng ảnh hưởng chính trị hơn lợi ích kinh tế, thì Mỹ chú trọng cả mục đích chính trị, kinh tế, quân sự. Các nước và các tổ chức có quan hệ truyền thống với châu Phi như Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, I-ta-li-a và EU nói chung có nhiều lợi ích chính trị, quân sự, kinh tế ở châu Phi; họ có chung mục đích là phối hợp với Mỹ trong việc ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô và CNXH tại khu vực vốn là thuộc địa cũ của họ, nhưng họ có mâu thuẫn, tranh giành lợi ích kinh tế với Mỹ.
Từ khi nguồn viện trợ, giúp đỡ từ bên ngoài bị cắt giảm, chính quyền Trung ương của nhiều nước châu Phi mất chỗ dựa cả về chính trị, kinh tế; mặt khác lại chưa kịp điều chỉnh chính sách nên không đủ khả năng điều hành, quản lý đất nước. Trong tình trạng khủng hoảng cả về kinh tế, chính trị, xã hội, những mâu thuẫn bộc tộc, bộ lạc và tôn giáo tranh giành quyền lực vốn tồn tại âm ỉ, nay bùng nổ dẫn đến các cuộc xung đột đẫm máu xẩy ra tại Xô-ma-li, Xu-đăng, Công-gô, Da-i-a, Ang-gô-la, Mô-dăm-bích, An-giê-ri, Li-bê-ri-a, Ru-an-đa, Bu-run-đi v.v...
Nhưng nhờ nỗ lực của cộng đồng quốc tế và bản thân các dân tộc châu Phi cũng mong muốn có hoà bình, ổn định để khôi phục kinh tế, cải thiện đời sống và phát triển đất nước, từ cuối những năm 70, đầu 80, một số nước đã tìm cách giải quyết xung đột hao người tốn của bằng giải pháp hoà bình, trên cơ sở dung hoà, nhìn nhận lợi ích chính đáng của nhau. Năm 1984, Mô-dăm-bích đã ký hiệp định Nơ-kô-ma-ti với chế độ phân biệt chủng tộc Nam Phi, theo đó Mô-dăm-bích không giúp đỡ Đại hội Dân tộc Phi (ANC) và đổi lại, Nam Phi không giúp lực lượng đối lập RENAMO chống phá Mô-dăm-bích. Tháng 12/1988, dưới sự trung gian của Mỹ-Xô, các bên Ang-gô-la, Cu-ba và Nam Phi đã ký Hiệp định hoà bình về Tây Nam Phi, theo đó Nam Phi trao trả độc lập cho Na-mi-bi-a theo Nghị quyết 435 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Cu-ba rút quân khỏi Ang-gô-la. Hiệp định về hoà bình Tây Nam Phi đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết xung đột ở Nam Phi, Mô-dăm-bích, Ang-gô-la. Chính quyền Ang-gô-la, Mô-dăm-bích cũng như Tổ chức Nhân dân Tây Nam Phi (SWAPO), Đại hội dân tộc Phi (ANC) của Nam Phi đã tiến hành đối thoại, tìm giải pháp hoà bình, thực hiện hoà giải dân tộc, thúc đẩy tiến trình hoà bình, ổn định tại khu vực miền Nam châu Phi. Một điểm khá nổi bật trong thập kỷ 80 là phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc A-pác- thai phát triển mạnh mẽ ở Nam Phi, tập hợp nhiều tầng lớp nhân dân kể cả giới kinh doanh, người da trắng và được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước Tiền tuyến miền Nam châu Phi (Ang-gô-la, Mô-dăm-bích, Bốt-xoa-na, Tan-da-ni-a, Dăm-bi-a, Dim-ba-bu-ê).; Trước sức ép quốc tế (cấm vận vũ khí, trừng phạt kinh tế, cô lập về ngoại giao) và cuộc đấu tranh kiên cường và bền bỉ của nhân dân Nam Phi dưới sự lãnh đạo của Đại hội dân tộc Phi (ANC) và Đảng Cộng Sản Nam Phi, chế độ A-pác- thai nhận thấy là không thể tiếp tục cai trị như cũ được, nên tháng 8/1989, Tổng thống Nam Phi lúc đó là De Cleeck đã tiến hành cải cách dân chủ, từng bước xoá bỏ các đạo luật phân biệt chủng tộc, trả lại tự do cho các nhà hoạt động chính trị nổi tiếng, trong đó có ông Nen-xơn Man-đê-la, lãnh tụ của ANC, từng bị chế độ A-pác- thai giam cầm suốt 27 năm trời và chấp nhận chuyển giao quyền lực dần dần cho người da đen chiếm đa số ở Nam Phi. Tiếp đó chính quyền thiểu số da trắng Nam Phi tiến hành đối thoại với tất cả các lực lượng chính trị nhằm tìm giải pháp hoà giải, hoà hợp dân tộc, tiến tới xây dựng một nước Nam Phi mới đa chủng tộc.
Trong những năm 90, nhiều cuộc xung đột đi vào giải pháp. Tháng 5/1991, với sự trung gian của Mỹ-Xô và Bồ Đào Nha, chính phủ Ang-gô-la và UNITA ký Hiệp định hoà bình về Ang-gô-la và tiến hành bầu cử đa Đảng vào tháng 9/1992 với thắng lợi áp đảo của Đảng cầm quyền MPLA. ở Mô-dăm-bích , Chính phủ và RENAMO cũng ký Hiệp định đình chiến và tổ chức bầu cử vào tháng 10/1994 với thắng lợi tuyệt đối của Đảng cầm quyền FRELIMO. Tại Nam Phi và Mô-dăm-bích, tình hình diễn ra khá suôn sẻ. Sau cuộc tổng tuyển cử tự do dân chủ lần đầu tiên được tổ chức ở Nam Phi vào cuối tháng 4/1994, chính quyền da trắng Nam Phi đã chấp nhận kết quả cuộc bầu cử và Đại hội Dân tộc Phi (ANC) giành thắng lợi áp đảo tại Quốc Hội và Nghị viện địa phương đã lên nắm quyền. Ông N.Man-đê-la được cử làm Tổng thống, Chính phủ đoàn kết thống nhất dân tộc ra đời, chấm dứt 300 năm của chế độ A-pác- thai tàn bạo, đồng thời mở ra kỷ nguyên phát triển mới của cộng đồng các dân tộc Nam Phi. Tại Mô-dăm-bích, lực lượng đối lập RENAMO đã công nhận thắng lợi của Đảng cầm quyền FRELIMO trong cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội. Riêng tình hình Ang-gô-la diễn ra phức tạp hơn vì phe đối lập UNITA không chấp nhận kết quả bầu cử, dùng lực lượng quân sự tấn công lấn chiếm, gây xung đột trở lại ở Ang-gô-la, nhưng cuối cùng do bị thất bại và trước sức ép quốc tế, họ buộc phải đồng ý chia xẻ quyền lực theo kết quả bầu cử, nên tháng 4/1997 đã thành lập Chính phủ liên hiệp ở Ang-gô-la có sự tham gia của 13 thành viên cao cấp của UNITA trong cương vị Bộ trưởng và Thứ trưởng. Mặc dù tình hình còn diễn biến phức tạp, nhưng triển vọng cho thấy Ang-gô-la sẽ tiếp tục tiến trình hoà bình, ổn định và hoà hợp, hoà giải dân tộc. Tại Ê-ti-ô-pi-a, tình hình lại diễn ra nhanh chóng hơn do lãnh đạo Ê-ti-ô-pi-a lúc đó không thức thời điều chỉnh chính sách nên đã bị lực lượng đối lập tấn công quân sự lật đổ vào tháng 5/1991, tiếp đó đã thành lập Chính phủ liên hiệp, tình hình đất nước đi dần vào ổn định. Riêng tình hình cục diện Xô-ma-li diễn ra bi thảm hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực. Sau khi chính quyền củaTổng thống Xi-át Ba-rê bị lực lượng nổi dậy là Đại hội Thống nhất Xô-ma-li (USC) do A-li Mát-đi Mô-hám-mét cầm đầu lật đổ (5/1991), Xô-ma-li rơi vào tình trạng hỗn loạn, nạn cướp bóc, chém giết lẫn nhau cùng nạn đói và dịch bệnh đã đẩy đất nước này đến bên bờ vực thẳm. Trước tình hình đó, tháng 12/1992, trên cơ sở Nghị quyết của Liên Hợp Quốc, Mỹ và một số nước phương Tây đã đưa quân đội vào nhằm duy trì trật tự và giúp phân phối hàng cứu trợ. Tuy nhiên từ tháng 3/1193 khi lực lượng của Liên Hợp Quốc do Mỹ cầm đầu tiến hành giải giáp vũ khí đối với các lực lượng tham chiến thì họ gặp phải sự phản kháng quyết liệt của các phe phái ở Xô-ma-li, nhiều binh sỹ Mỹ bị giết hại, vì vậy Mỹ đã rút quân khỏi Xô-ma-li tháng 3/1995, và từ đó đến nay Xô-ma-li vẫn chưa có chính quyền Trung ương, hoà bình ổn định chưa được vãn hồi. Như vậy, cho đến nay, hầu hết các cuộc xung đột mang tính chất ý thức hệ đối đầu Đông -Tây hoặc những điểm nóng khu vực đã và đang được giải quyết, làm cho tình hình khu vực trong những năm gần đây phát triển theo hướng hoà dịu hơn.
Trong khi các cuộc xung đột mang tính chất ý thức hệ đi vào giải quyết thì xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh giành quyền lực lại bùng nổ dữ dội ở một số nơi. Đặc biệt chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan có chiều hướng phát triển, gây mất ổn định tại nhiều nước Bắc Phi, Trung Phi và Đông Phi. Vấn đề sắc tộc, tôn giáo đã có từ lâu ở châu Phi mà nguyên nhân sâu xa là tâm lý kỳ thị chủng tộc, sự bất bình đẳng về kinh tế, chính trị, văn hoá giữa các bộ tộc, và do hậu quả của chính sách "chia để trị", sự áp đặt phân chia biên giới lãnh thổ của đế quốc, thực dân. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, đã xẩy ra xung đột sắc tộc, tôn giáo, như việc Bi-a-fra đòi li khai khỏi Ni-giê-ri-a năm 1967, xung đột miền Nam Xu-đăng, Ang-gô-la, Nam Phi, Ê-ti-ô-pi-a v.v...Nhưng lúc đó do đấu tranh về ý thức hệ, đối đầu Đông - Tây, nên việc tập hợp lực luợng là nhằm phục vụ cho cuộc đấu tranh này, vì vậy những mâu thuẫn về sắc tộc, tôn giáo không nổi lên mạnh. Sau chiến tranh lạnh, việc tập hợp lực lượng trên không còn nữa, cho nên các mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo vốn tồn tại âm ỉ nay bùng lên ở nhiều nơi như Ru-an-đa, Bu-run-đi, Da-i-a, An-giê-ri, Ai-cập. Riêng ở Ru-an-đa đã có gần 1 triệu người bị giết hại do tàn sát giữa hai bộ tộc, Hu-tu và Tút-si trong những năm 1994-1996. Tại vùng Hồ lớn (Hồ Victoria- lớn nhất thế giới), vấn đề xung đột sắc tộc giữa người Tút-si và người Hu-tu ở Ru-an-đa và Bu-run-đi vốn có từ lâu, trải qua nhiều cuộc xung đột đẫm máu và hiện nay vẫn còn căng thẳng. Tại Da-i-a (cũ), cuộc nổi dậy của người Ban-gia-mu-len-gi gốc Tút-si dưới sự lãnh đạo của Lau-ren Ca-bi-la tuyên thệ nhậm chức Tổng thống và lấy lại tên nước Cộng hoà Dân chủ Công Gô (K), được dư luận rộng rãi ở châu Phi và thế giới hoan nghênh. Điều đáng chú ý là từ đầu những năm 90, chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan phát triển mạnh ở khu vực Tây A' và Bắc Phi, gây bất ổn định một số nước như An-giê-ri, Ai-cập, Xu-đăng, Pa-le-stin.
Chúng ta đều biết sau chiến tranh lạnh, cục diện đối đầu Xô- Mỹ không còn nữa, thay vào đó là sự hợp tác Nga- Mỹ đã làm tan rã hoặc thay đổi tính chất các liên minh chính trị, quân sự, kinh tế trên thế giới. Sau chiến tranh lạnh, Mỹ trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới và đóng vai trò chủ đạo trong việc giải quyết các vấn đề Na-mi-bi-a, Ang-gô-la, Nam Phi, ký Hiệp định hoà bình Ai-cập ? I-xra-en, v.v... Tại các tiểu khu vực Trung, Đông, Bắc và Tây Phi, vốn là thuộc địa có nhiều ảnh hưởng của các nước Tây Âu và từ lâu được coi là "khu vườn cấm" của Pháp và của Anh, Mỹ đã từng bước thâm nhập về chính trị, kinh tế thông qua việc giải quyết khủng hoảng ở An-giê-ri, Ru-an-đa, Ê-ti-ô-pi-a, Công-gô, Da-i-a, Li-băng v.v... Mỹ cố gắng duy trì sự ổn định tương đối, dùng chiêu bài "bảo vệ nhân quyền", "dân chủ", quyền can thiệp nhân đạo, "chống khủng bố" để thâm nhập, can thiệp nhằm duy trì lợi ích chính trị, kinh tế, tăng cường ảnh hưởng của Mỹ, cạnh tranh và lấn át Tây Âu, Nga, Nhật Bản. Từ năm 1991 đến nay, 3 Hội nghị cấp cao Mỹ- châu Phi đã được tổ chức nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Mỹ và các nước châu Phi trên các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, nông nghiệp, y tế. Mỹ đứng ra dàn xếp một số điểm nóng ở khu vực (Ang-gô-la, Nam Phi, Na-mi-bi-a, Vùng Hồ lớn). Đặc biệt Mỹ ủng hộ chính quyền mới tại Cộng hoà Dân chủ Công- Gô (Da-i-a cũ); tránh can thiệp quân sự, thông qua cơ chế Liên Hợp Quốc, dùng biện pháp "tìm sự nhất trí chung" để lôi kéo lực lượng đồng minh cùng giải quyết các xung đột. Mặc khác, Mỹ ra sức cổ vũ cải cách dân chủ, chế độ đa đảng, thúc ép cải cách kinh tế theo mô hình thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho sự thâm nhập, đầu tư của Mỹ, từng bước gạt ảnh hưởng của Pháp và Tây Âu, lôi kéo các nước châu Phi theo quỹ đạo của Mỹ. Tháng 10/1996, Ngoại trưởng Mỹ W.Christopher thăm 5 nước châu Phi (Ma-li, Ê-ti-o-pi-a, Tan-da-li-a, Ang-gô-la, Nam Phi) nhằm tăng cường sự hiện diện, vai trò và khả năng hành động của Mỹ ở châu Phi. Tiếp đó, chuyến thăm 6 nước châu Phi (Ê-ti-o-pi-a, Cộng hoà Dân chủ Công- Gô (Da-i-a cũ), Ru-an-đa, Nam Phi, Ang-gô-la, Dim-ba-bu-ê) của Bà Ngoại trưởng Mỹ M.Albright vào tháng 12/1997 là nhằm triển khai thêm một bước mới chính sách châu Phi của chính quyền Mỹ. Từ ngày 22/3 đến ngày 2/4/1998, Tổng thống Mỹ B. Clin-tơn đã thăm 6 nước châu Phi: Ga-na, Ru-an-da, U-gan-da, Nam Phi, Bốt-xa-noa, Xê-nê-gan. Cùng đi với Bill Clinton có các bộ trưởng Thương mại, Lao động, Giao thông vận tải và hơn 700 nhà kinh doanh Mỹ. Trong chuyến đi thăm này, ông B.Clin-tơn đã chủ trì cuộc họp thượng đỉnh Trung- Đông Phi tại U-ga-đa, (25/3/1998), gồm Tổng thống các nước U-gan-đa, Cộng hoà Dân chủ Công- Gô, Ru-an-đa, Ê-ti-o-pi-a, Tan-da-li-a, kê-ni-a, và Ngoại Trưởng Dim-ba-bu-ê. Tại cuộc họp này, ông B.Clin-tơn nêu chính sách mới của Mỹ đối với châu Phi dựa trên quan hệ kinh tế, thương mại, dân chủ, nhân quyền và chống hoạ diệt chủng. Mỹ công bố viện trợ cho Ga-na 67 triệu USD, viện trợ cho Ru-an-đa 32 triệu USD, phát triển kinh tế và đền bù cho nạn nhân của nạn diệt chủng; lập Quỹ tài trợ kinh tế 650 triệu USD cho châu Phi, đặc biệt là cho các nước đang cải cách kinh tế triệt để theo đường lối của IMF; viện trợ 180 triệu USD cho phát triển giao thông, y tế. Ông B.Clin-tơn cũng tuyên bố sẽ phối hợp với G-7 xoá nợ cho châu Phi 1,7 tỷ USD, trước mắt xoá nợ 30 triệu USD; đưa ra Sáng kiến ứng phó khủng hoảng ở châu Phi (ACRI) nhằm huấn luyện cho từ 10.000 đến 20.000 lính châu Phi triển khai nhanh trong trường hợp xẩy ra khủng hoảng. Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ B.Clin-tơn diễn ra trong bối cảnh những năm gần đây, tình hình châu Phi đã có những bước phát triển mới về chính trị, kinh tế và nổi lên như một thị trường rộng lớn với hơn 700 triệu người, giầu có về tài nguyên, chứa đựng nhiều tiềm năng to lớn, thu hút sự chú ý của các cường quốc kinh tế thế giới, đặc biệt là sự tranh giành ảnh hưởng và lợi ích chính trị, kinh tế giữa Mỹ và Pháp, Anh nói riêng và các nước Tây Âu nói chung. Chuyến công du sang châu Phi của Tổng thống B.Clin-tơn nhằm mục đích mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại Mỹ- Châu Phi, tăng cường ảnh hưởng của Mỹ ở Châu Phi, thực hiện bành trướng vào khu vực vốn là "vườn cấm" của các cường quốc như Pháp, Anh, mở đầu việc xoá bỏ khái niệm "khu vực ảnh hưởng" được hình thành từ sau chiến tranh thế giới II, thúc đẩy châu Phi phát triển theo chiều hướng toàn cầu hoá (nhằm giải quyết các vấn đè môi trường, bệnh tật, xung đột, nạn khủng bố, nạn diệt chủng...); triển khai chiến lược "tìm lại châu Phi" của Mỹ, theo đó Mỹ chuyển dần từ chính sách truyền thống là viện trợ trực tiếp sang coi trọng buôn bán, đầu tư. Mặc khác, Mỹ khuyến khích châu Phi phát triển theo hướng dân chủ, ổn định, tự do hoá về kinh tế v.v... nhằm tạo điều kiện cho giới thương mại, đầu tư Mỹ đi vào thị trường châu Phi mới mẻ và đầy tiềm năng này. Chuyến thăm của ông Clin-tơn còn nhằm mục đích cân bằng trong quan hệ của Mỹ với các châu lục khác, tranh giành ảnh hưởng với Pháp, Anh, Nga ở địa bàn châu Phi đồng thời tranh thủ cộng đồng người Mỹ gốc Phi (hiện chiếm 13% dân số Mỹ) trong việc tuyển cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ trong năm nay.
Đối với châu Phi, vấn đề cấp bách hiện nay là giải quyết các xung đột sắc tộc , tôn giáo, tranh giành quyền lực để có hoà bình, ổn định và phát triển kinh tế bằng chính nỗ lực của bản thân mình chứ không phải trông chờ can thiệp từ bên ngoài. Tình hình mới đòi hỏi các nước châu Phi phải điều chỉnh chính sách, thực hiện cải cách dân chủ, chuyển sang chế độ đa nguyên, đa đảng, thi hành chính sách kinh tế thị trường, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh đã có một số nước theo chế độ đa nguyên, đa đảng, kinh tế thị trường, nhưng cũng không ít nước châu Phi theo chế độ một đảng, kinh tế tập trung. Từ cuối thập kỷ 80, do tác động của cục diện tình hình thế giới, mô hình kinh tế theo kiểu tập trung quan liêu bao cấp không còn cơ sở để tồn tại ở châu Phi, trong khi đó mô hình kinh tế thị trường theo khuynh hướng tư bản chủ nghĩa, trào lưu tự do dân chủ xâm nhập mạnh vào khu vực; nhiều nước đã chuyển sang chế độ đa nguyên, đa đảng, kinh tế thị trường như An-giê-ri, Ang-gô-la, Mô-dăm-bích, Bê-nanh, Ghi-nê, Cáp-ve, Công-gô v.v...
Việc chuyển sang chế độ đa đảng, kinh tế thị trường có mặt tích cực là làm cho đời sống chính trị dân chủ hơn, tránh được tình trạng độc tài, quân phiệt, gia đình trị đã từng xẩy ra tại nhiều nước châu Phi, đồng thời tạo điều kiện phát huy năng lực sáng tạo của người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế, xã hội chưa phát triển, trình độ dân trí còn thấp, tính chất bộ tộc, bộ lạc, tôn giáo còn rất nặng nề, ý thức về tự do dân chủ còn chưa đầy đủ thì đa nguyên, đa đảng đã gây phức tạp ở nhiều nơi, một số nước lâm vào tình trạng nội bộ lục đục, tình hình đất nước bị xáo trộn, xung đột phe phái, tôn giáo, sắc tộc lại bùng lên như ở An-giê-ri, Công-gô (B), Da-i-a v.v... Điều đáng chú ý là một số nước duy trì được ổn định chính trị, khôi phục và phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng khá như Bốt-xoa-na, Kê-ni-a, Dim-ba-bu-ê, Cốt-đi-voa, Ga-bông, trong khi chỉ có một đảng cầm quyền và rất ít đảng phái đối lập; vì vậy đa nguyên đa đảng không đồng nghĩa đem lại hoà bình ổn định và phát triển kinh tế, mà ngược lại, trong một số trường hợp, dân chủ, đa đảng trở thành một trong những yếu tố gây mất ổn định như đã xẩy ra ở An-giê-ri, Công-gô (B), Xô-ma-li v.v...
Nhìn chung, trong những năm gần đây, tuy còn nhiều khó khăn, tình hình châu Phi đã có những bước phát triển tiến bộ. Tăng trưởng kinh tế trung bình đạt khoảng 5% trong năm 1997, cải cách kinh tế theo hướng thị trường phát triển mạnh mẽ ở nhiều nước (hiện khu vực này có 14 thị trường chứng khoán); Tổ chức Thống nhất châu Phi (OUA)cũng như các tổ chức kinh tế khu vực, tiểu khu vực tăng cường hoạt động, phối hợp giải quyết một số vấn đề nội bộ châu Phi không có sự can thiệp của các nước lớn hoặc của Liên Hiệp Quốc. Hợp tác kinh tế, trao đổi thông tin, liên kết khu vực v.v... đã từng bước mang lại hiệu quả thiết thực đối với các nước châu Phi. Triển vọng tình hình cho thấy các điểm nóng, các cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh giành quyền lực ngày càng bị thu hẹp cả về không gian, thời gian, xu thế hoà bình, ổn định, hợp tác phát triển tiếp tục được củng cố. Các nước châu Phi sẽ nỗ lực xây dựng đất nước, lấy mục đích dân tộc làm mục tiêu cao nhất và xu hướng chung là dân chủ, đa đảng, kinh tế thị trường (hiện nay một nửa Chính phủ các nước châu Phi là do bầu cử và phát triển theo hướng chế độ dân chủ). Tuy nhiên, tình hình châu Phi còn khó khăn về kinh tế, mâu thuẫn nội bộ, vị trí quốc tế có mức độ. Hiện nay các nước châu Phi đang rất cần vốn, khoa học kỹ thuật, trình độ quản lý nhằm tiếp tục phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân./.