Từ đoạn trích ta có thể thấy được nhân cách sáng ngời của bậc danh y Lê Hữu
Trác, ông không chỉ để lại cho hậu thế di sản quý giá về y học mà còn trao tặng cho tất cả
các y bác sĩ ngày nay những bài học về y đức y tâm sao cho xứng đáng với trọng trách
“bảo vệ sinh mạng con người”. Là một người thầy thuốc, trước hết Lê Hữu Trác luôn đề
cao y đức, đó chính là tấm lòng nhân ái, độ lượng, cứu vớt những người gặp chuyện
không may trong cuộc sống mà không màng danh lợi. Ngày nay, khi y học ngày càng
phát triển, đội ngũ y bác sĩ ngày càng có điều kiện được học tập nâng cao trình độ, hiểu
biết thì khái niệm về “y đức” cũng dần thay đổi. Thực tế cho thấy không ít thầy thuốc
chưa thông cảm với nỗi đau của người bệnh, chưa coi “trị bệnh cứu người” là mục tiêu
theo đuổi trong suốt cuộc đời hành nghề y mà vì vòng xoay “ muốn có nhiều cơm, nhiều
áo, nhiều gạo, nhiều tiền” mà dẫm đạp lên “y đức”. Khi văn hoá “phong bì” của bệnh
nhân, cơ sở khám bệnh phân chia “dịch vụ” và “bảo hiểm” thì càng nảy sinh sự đối xử
thiếu công tâm của người thầy thuốc. Đặc biệt đối với những bệnh nhân của gia đình
nghèo hay khám bảo hiểm ta sẽ thấy được thái độ “phân biệt đối xử” của những con
người luôn được tin là “mẹ hiền thiên hạ”. Cứ bước vào bệnh viện ta sẽ thấy ngay những
điều này, không khó để thấy cảnh bác sĩ, nhân viên y tế có thái độ đối xử thiếu lịch sự,
thậm chí quát mắng bệnh nhân, kể cả đối với người già. Đó là chỉ bàn đến thái độ, còn
nhân cách thì ngày càng “mục ruỗng” không sao tả được khi mà các y bác sĩ khoác lên
vai màu áo trắng của thiên thần nhưng lại có những hành động giống như “ thần chết”,
xin lấy một ví dụ không xa xôi đó là sự việc bác sĩ thẩm mỹ viện Nguyễn Mạnh Tường
làm chết người rồi vứt xác xuống sông Hồng để phi tang gây rúng động dư luận trong
thời gian vừa qua. Nhiều người bàng hoàng, sửng sốt trước y đức, lương tâm của vị bác sĩ
trước hành động quá tàn nhẫn, mất nhân tính.