Giải pháp 1: Tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức về học tập theo nhóm cho SV - SV phải tích cực, chủ động tìm hiểu, trang bị các kiến thức về học tập theo nhóm thông qua sách, báo, internet, … - SV phải thường xuyên chủ động trao đổi với các giảng viên về các vấn đề liên quan tới học tập theo nhóm; - Tổ chức các buổi hội thảo, thảo luận, trao đổi kinh nghiệm về các chủ đề liên quan đến học tập theo nhóm. Đây là cơ hội rất tốt để cho SV nói lên những suy nghĩ, những hiểu biết, những quan điểm, những cách tiếp cận khác nhau của mình, và chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân giúp cho mỗi SV có thể làm sáng rõ nhiều vấn đề, mở rộng tầm hiểu biết và học hỏi được nhiều kinh nghiệm hay; - Mời các chuyên gia về nói chuyện, trao đổi với SV về chủ đề học tập theo nhóm; - Tích cực tham gia vào các câu lạc bộ học tập, giúp SV vừa nâng cao kiến thức chuyên môn vừa cải thiện kỹ năng làm việc; - Phổ biến các công trình nghiên cứu khoa học về học tập theo nhóm, làm việc nhóm đến SV. Các công trình nghiên cứu khoa học là thành quả lao động của rất nhiều cá nhân, cung cấp cả cơ sở lý luận lẫn các giải pháp, các biện pháp mang tính ứng dụng cao. Nếu SV được tiếp cận với những sản phẩm nghiên cứu này thì có thể rút ngắn thời gian tìm kiếm, mày mò và nhanh chóng tìm được những phương pháp hay cho riêng mình.
Giải pháp 2 : Tăng cường rèn luyện các kỹ năng học tập theo nhóm Hiện nay, SV còn thiếu và yếu về các kỹ năng học tập theo nhóm. Chính vì thế cần phải xây dựng quy trình thực hiện các kỹ năng một cách cụ thể, khoa học và logic nhằm giúp cho SV có định hướng rèn luyện các kỹ năng. Điều này sẽ giúp SV tiết kiệm thời gian, công sức, nâng cao chất lượng hiệu quả học tập theo nhóm. Cần phải xây dựng quy trình thực hiện các kỹ năng sau: + Lập kế hoạch hoạt động nhóm + Xây dựng nội quy hoạt động nhóm + Phân công nhiệm vụ rõ ràng, hợp lý + Thảo luận, trao đổi + Nghiên cứu tài liệu + Chia sẻ trách nhiệm + Lắng nghe chủ động, tích cực + Chia sẻ thông tin + Giải quyết xung đột + Tự kiểm tra, đánh giá hoạt động nhóm Cụ thể như: Lập kế hoạch hoạt động nhóm cần thực hiện các bước sau: + Bước 1: Xác định mục tiêu, nhiệm vụ các công việc cần thực hiện và yêu cầu đạt được của mỗi công việc; + Bước 2: Xác định quỹ thời gian mà nhóm có, dựa trên quy định của giảng viên; + Bước 3: Phân phối thời gian cho mỗi công việc và sắp xếp thứ tự thực hiện; + Bước 4: Kiểm tra lại mức độ hợp lý, tính khả thi của kế hoạch. Xây dựng nội quy của nhóm: + Nội quy của nhóm phải được xây dựng ngay khi nhóm được thành lập, trên cơ sở sự nhất trí của các thành viên trong nhóm; + Một bản nội quy cần đảm bảo những nội dung: * Xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của trưởng nhóm, các thành viên trong nhóm; * Những quy định về: thời gian, cách thức làm việc, cách thức đánh giá, những hình thức về thưởng – phạt… 2.1.3. Giải pháp 3: Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ lớp và nhóm trưởng nhóm học tập Phát huy vai trò của cán bộ lớp và nhóm trưởng nhằm giúp cho việc thiết kế nhóm, quản lý, điều hành hoạt động nhóm khoa học và hiệu quả. - Đối với cán bộ lớp: Khi giao bài tập nhóm cho SV, các giảng viên dựa vào ý kiến tham mưu của cán bộ lớp để chia nhóm. Vì vậy, cán bộ lớp cần phải phát huy vai trò của mình trong việc tham gia thiết kế các nhóm học tập và hỗ trợ các nhóm trong hoạt động học tập theo nhóm khi cần thiết. Để thiết kế được các nhóm học tập có hiệu quả, cán bộ lớp cần phải đảm bảo những yêu cầu sau: + Số lượng các thành viên trong một nhóm vừa đủ không quá nhỏ cũng không quá lớn, đối với yêu cầu của từng loại công việc, từng loại nhiệm vụ để thiết kế nhóm. Tốt nhất nên thiết kế nhóm từ 3 đến 7 người. + Có sự thay đổi các thành viên trong nhóm tùy theo từng môn học, nhiệm vụ của từng loại công việc. Vì một môi trường làm việc mới với những thành viên mới sẽ làm giảm sự nhàm chán, tạo nên hứng thú cho các thành viên trong nhóm. Mặt khác, thay đổi những người cùng cộng tác cũng là cách rèn luyện cho SV khả năng thích ứng và học hỏi được nhiều hơn (vì mỗi người có một thế mạnh, có lượng kiến thức và cách học khác nhau). + Việc bố trí, sắp xếp các thành viên trong một nhóm nên theo quy luật “bù trừ”. Tức là đảm bảo các thành viên trong nhóm có cả người học tốt, người học chưa tốt, cả nam và nữ, có sự đan xen giữa các loại tính cách… thuận tiện cho việc trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau trong việc thực hiện nhiệm vụ học tập. - Đối với nhóm trưởng: + Lựa chọn nhóm trưởng: Đây là một việc rất quan trọng khi hình thành một nhóm học tập vì nhóm trưởng có vị trí và vai trò rất lớn trong hoạt động của nhóm. Một người nhóm trưởng có năng lực, năng động, linh hoạt sẽ góp phần không nhỏ đưa đến thành công cho nhóm. Khi lựa chọn nhóm trưởng cần phải căn cứ vào năng lực thực tế của mỗi người, phù hợp với yêu cầu công việc. Tuy nhiên, các thành viên nên luân phiên nhau nắm giữ vai trò nhóm trưởng, bởi vì thay đổi nhóm trưởng nghĩa là thay đổi phong cách quản lý nhóm sẽ tạo nên hứng thú mới cho các thành viên. Hơn nữa, làm nhóm trưởng sẽ là cơ hội cho mỗi SV rèn luyện kỹ năng quản lý. + Khi giảng viên nhận xét sản phẩm của nhóm, nhóm trưởng phải đặc biệt chú ý, ghi chép lại những ý kiến của thầy cô, rút ra bài học để điều chỉnh hoạt động của nhóm trong thời gian tiếp theo. + Nhóm trưởng cũng cần coi trọng việc tạo mối quan hệ với thầy cô giáo, cán bộ lớp và các nhóm khác nhằm học hỏi kinh nghiệm và trao đổi thông tin khi cần thiết. 2.1.4. Giải pháp 4: Lựa chọn, sử dụng kết hợp các hình thức học tập theo nhóm Trên thực tế có nhiều hình thức học tập theo nhóm, mỗi hình thức lại phù hợp với những nhiệm vụ học tập khác nhau. Hơn nữa, mỗi hình thức học tập theo nhóm đều có những ưu và nhược điểm riêng. Chính vì thế chúng ta phải có sự lựa chọn, sử dụng kết hợp, linh hoạt các hình thức học tập để đem lại hiệu quả tốt nhất. Căn cứ vào nội dung, yêu cầu của từng môn học, từng bài học, thời gian tiến hành…để lựa chọn và kết hợp các hình thức hoạt động nhóm cho phù hợp như: - Đọc sách báo, tài liệu để hiểu rõ về các hình thức học tập theo nhóm (trong phạm vi đề tài chúng tôi chỉ đề cập đến ba hình thức học tập theo nhóm: nhóm dọc, nhóm ngang và nhóm kết hợp) cùng các trường hợp sử dụng chúng đạt hiệu quả: + Với hình thức học tập theo nhóm ngang nên sử dụng trong các trường hợp: nội dung công việc nhiều, thời gian ít, tính chất công việc không phức tạp. + Với hình thức nhóm dọc nên sử dụng trong các trường hợp: nội dung công việc ít, tính chất công việc phức tạp, thành viên của nhóm có năng lực. + Với hình thức nhóm kết hợp nên sử dụng trong các trường hợp: nội dung công việc nhiều, tính chất công việc phức tạp, thời gian nhiều. - Phân tích tính chất, yêu cầu công việc, quỹ thời gian mà nhóm có được và năng lực của các thành viên, từ đó lựa chọn một hình thức hoạt động nhóm phù hợp. - Sau khi nhóm đã lựa chọn được hình thức học tập nhóm, nhóm trưởng phối hợp các thành viên tiến hành lập kế hoạch và phân chia công việc cụ thể cho từng thành viên. Học tập nhóm dù theo hình thức nào thì cũng cần sự nỗ lực của nhóm trưởng và các thành viên. 2.1.5. Giải pháp 5: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động học tập theo nhóm Hiện nay, công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ, đã và đang đạt được nhiều thành tựu to lớn. Các thành tựu đó có thể ứng dụng rất nhiều trong việc học tập theo nhóm. Nó giúp tiết kiệm thời gian, công sức, nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập theo nhóm. Cụ thể là ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nghiên cứu, tìm tài liệu, liên lạc giữa các thành viên trong nhóm, học nhóm online. - Nghiên cứu, tìm tài liệu bằng internet. Internet cung cấp nguồn tài liệu hết sức phong phú, đa dạng từ các trang web, các bài viết trong một khoảng thời gian ngắn. SV có thể sử dụng các công cụ tìm kiếm khác nhau như: google, yahoo, … - Trao đổi, liên lạc thông qua email, chat, giúp SV tiết kiệm được thời gian, giảm thiểu tối đa việc di chuyển. - Thành lập các nhóm học tập online. Đây là một hình thức học nhóm còn khá mới và chưa được ứng dụng rộng rãi trong SV Khoa KHXH & NV- Trường Đại học Đồng Tháp nói riêng và SV các trường Đại học nói chung. Tuy nhiên, nó là một hình thức nếu được vận dụng tốt thì sẽ mang lại hiệu quả cao. Hình thức này sẽ giúp SV chủ động về mặt thời gian, không phụ thuộc về vị trí địa lí, đồng thời vẫn có thể giao lưu, nói chuyện trực tiếp với nhau giống như hình thức mặt đối mặt.