Đối xử với con riêng của chồng như thế nào?
Những người phụ nữ đến sau luôn phải chịu thiệt thòi. Để không bị mang tiếng là người mẹ kế độc ác, bạn cần chú ý những điều sau:
Ứng xử với con riêng của chồng là đề tài không mới. Trong khi bạn nhận được vô số lời khuyên về cách chiếm cảm tình của đứa trẻ sắp hoặc có khả năng trở thanh con mình, thì có một tình huống ít khi được nói đến – đó là khi bạn không ưa, không thích đứa trẻ ngay khi vừa thấy mặt.
Dù xuất phát từ thành kiến hay trực giác, vấn đề là bạn phải loại bỏ ngay tình cảm tiêu cực đối với con riêng của chồng để mọi người có thể chung sống trong bầu không khí thân thiện, hòa hợp.
Một thách thức
Điều khác biệt nổi bật giữa trẻ con và người lớn là một đứa trẻ 5 tuổi sẽ tuần tự lớn lên, trưởng thành và học cách đối phó với những cảm giác của nó, trong khi cảm giác của một người 40 tuổi dường như là “đông lạnh” và khó thay đổi. Ác cảm của một đứa trẻ đối với bạn khó mà kéo dài hơn vài tháng sau khi quan hệ giữa bạn và chàng đã thành lập và ổn định.
Còn ác cảm của bạn thì sao? Nếu bạn chỉ tập trung suy nghĩ về việc bạn không ưa đứa trẻ đó đến mức nào, rồi kể lể về những tật xấu thói hư của đứa trẻ cho bất cứ người bạn nào bạn gặp… thì lâu dần bạn chỉ có thể ghét đứa trẻ hơn chứ không thể chuyển thành thái độ chấp nhận với nó được.
Vì thế, để “rã đông” mối bất hòa ấy, hãy nhờ chồng bạn chỉ ra những ưu điểm của đứa trẻ (những ưu điểm mà nó có trước khi… bạn xuất hiện) và hãy chỉ tập trung nghĩ về những ưu điểm ấy thôi. Hãy tự đặt ra cho mình một thách thức: tìm lại những ưu điểm của trẻ trong một thời hạn nhất định.
Nhận dạng cảm xúc
Thực tế là không có đứa bé nào đáng ghét từ trong bản chất cả, chỉ là do cảm giác ban đầu hoặc thành kiến của bạn mà thôi. Vì thế, nếu con của chàng không có những đòi hỏi quá quắt, không ăn vạ để phản đối bạn, không nhảy lên đùi chàng quấy rối khiến chàng và bạn không thể ngồi gần nhau, hoặc không đòi ngủ chung giường với chàng… thì chẳng có lý do gì để bạn ghét nó.
Nguyên nhân duy nhất khiến bạn thấy đứa trẻ khó ưa có thể là do bạn cảm thấy phải tranh giành với nó sự chú ý của chàng. Vậy thì hãy chủ động tạo mọi điều kiện, thậm chí “đẩy” chàng về phía đứa trẻ, để nó cảm thấy không cần tranh giành gì với bạn cả và bạn cũng không cần sự chú ý của cha nó làm gì. Một khi đã “chiến thắng” quá dễ dàng, chẳng mấy chốc chính đứa trẻ cũng chán sự quan tâm thái quá của cha nó và hòa bình sẽ được lập lại.
Tỏ ra “người lớn”
Một cậu bé 9 tuổi dễ có khuynh hướng giả vờ như không nghe lời bạn nói hoặc “vô tình” làm đổ một ly nước nóng lên đùi bạn. Nhưng nếu bạn phản ứng lại hành vi đó một cách gay gắt, bạn sẽ lại thành người có lỗi bởi vì ai cũng thấy rằng bạn đang “cố chấp” với một đứa trẻ.
Thay vào đó, một câu hỏi đơn giản, trực tiếp như “Cô đã nói gì khiến cháu không bằng lòng?” hoặc “Tại sao cháu lại làm thế?” sẽ hiệu quả hơn cách trả đũa bằng cái nhìn nẩy lửa hoặc tệ hơn, sự tim lặng lạnh lùng. Khi chọn cách đối xử với bạn kiểu trẻ con đó, đứa trẻ đã thúc đẩy bạn chơi theo luật của nó và bạn sẽ không cách chi thắng được nó.
Cái nhìn toàn diện
Nếu chưa từng có con hoặc chưa quen thuộc với việc nuôi dạy trẻ con, bạn có thể không hiểu những giai đoạn phát triển của chúng và những gì chúng trải qua trong từng lứa tuổi. Ví dụ, một đứa trẻ tuổi dậy thì thường có xu hướng đối xử với bạn như là một người “bằng vai phải lứa”, không phản đối bạn nhưng lại cố tình tỏ ra thờ ơ, lạnh nhạt với bạn.
Để đáp lại, bạn cần hiểu rằng đó là một thái độ hết sức bình thường của trẻ độ tuổi này. Bạn đừng kỳ vọng mình có thể trở thành “người bạn đặc biệt” của trẻ, vì bạn cũng không phải là người đầu tiên được cha chúng đưa về giới thiệu. Vì thế, điều bạn cần làm là tỏ rõ thái độ “tôi sẽ ở lại đây lâu dài, tôi cần sự hợp tác” và cố gắng hết sức để tôn trọng sự riêng tư của trẻ.
Cần sự trợ giúp
Trẻ con không có kinh nghiệm và không đủ từ vựng để nói rằng chúng buồn khổ vì cha mẹ ly dị, lo sợ người mới có thể đối xử tồi tệ hoặc giận dữ vì cha, mẹ chúng bị tách rời khỏi chúng… Vì thế, một cuộc nói chuyện thành thật và nghiêm chỉnh với chồng là cách giải quyết bất cứ vấn đề cư xử nào. Bạn có thể nói: “Anh biết đó, dường như em không hòa hợp được với con anh. Anh nghĩ liệu em có thể làm gì để con cảm thấy dễ chịu hơn với em không?”.