Xã hội chia thành 3 tầng lớp: tầng lớp thống trị gồm vua, quan văn võ (cùng một số nhà sư); tầng lớp bị trị mà đa số là nông dân tự do, cày ruộng công làng xã; tầng lớp cuối cùng là nô tì (số lượng không nhiều).
Nho học chưa tạo được ảnh hưởng, giáo dục chưa phát triển. Đạo Phật được truyền bá rộng rãi, chùa chiền được xây dựng khắp nơi, nhà sư được nhân dân quý trọng. Nhiều loại hình văn hóa dân gian như ca hát, nhảy múa, đua thuyền… tồn tại và phát triển trong thời gian này.
Thời kì này, quyền sở hữu ruộng đất nói chung thuộc về làng xã, theo tập tục chia nhau cày cấy, nộp thuế, đi lính và làm lao dịch cho nhà vua. Việc đào vét kênh mương, khai khẩn đất hoang… được chú trọng, nên nông nghiệp ổn định và bước đầu phát triển; nghề trồng dâu tằm cũng được khuyến khích; nhiều năm được mùa.
Đã xây dựng một số công trường thủ công: từ thời Đinh đã có những xưởng đúc tiền, chế tạo vũ khí, may mũ áo… xây cung điện, chùa chiền. Các nghề thủ công truyền thống cũng phát triển như dệt lụa, làm gốm.
Nhiều trung tâm buôn bán và chợ làng quê được hình thành. Nhân dân hai nước Việt – Tống thường qua lại trao đổi hàng hóa ở vùng biên giới.
Tóm lại, thời Ngô – Đinh – Tiền Lê, nước ta đã bước đầu xây dựng nền kinh tế tự chủ trong điều kiện đất nước đã độc lập, các triều vua đã có một số biện pháp khuyến nông như đào vét kênh, vua tổ chức lễ cày Tịch điền; về thủ công nghiệp, các thợ lành nghề không còn bị bắt đưa sang Trung Quốc… nên kinh tế đã có sự phát triển.