Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
"Bắt nạt" được thể hiện bằng lời thơ ngộ nghĩnh, ngây thơ. Tác giả đã sáng tạo trong việc để nhân vật trữ tình sử dụng giọng điệu của con trẻ một cách nghệ thuật. Chính điều này đã đưa đến cho người đọc một sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tâm hồn trong niềm khát khao hóa giải vấn đề bắt nạt của trẻ thơ.
Bài thơ mở đầu bằng những lời tâm sự, nhắn nhủ rất chân tình:
"Bắt nạt là xấu lắm
Đừng bắt nạt, bạn ơi
Bất cứ ai trên đời
Đều không cần bắt nạt…"
Bắt nạt là xấu lắm, nhưng là cái xấu hiện hình qua đôi mắt của con trẻ. Cách biểu lộ rất ngây thơ, đáng yêu này hẳn dễ dẫn dụ, thu hút người đọc, bởi một hiện tượng đang trở thành vấn nạn xã hội nhưng đã được “nhẹ nhõm hóa” dưới góc nhìn con trẻ.
Bắt nạt là xấu lắm, và cái xấu đầu tiên được nói tới là bạn ấy chỉ dành thời gian cho việc bắt nạt:
"Tại sao không học hát
Nhảy híp - hóp cho hay
Thời gian trong một ngày
Đâu để dành bắt nạt…"
Là người trong cuộc từng bị bắt nạt (Bị bắt nạt quen rồi), vậy mà lại là người đang trong tư cách khuyên bảo. Tại sao bạn không biết tạo cho mình một đời sống tinh thần vui tươi, thoải mái, phóng khoáng (học hát, nhảy híp - hóp) làm nên giá trị cuộc sống, lại còn lãng phí thời gian đi bắt nạt người khác?
"Sao không ăn mù tạt
Đối diện thử thách đi?
Thử kẻ yếu làm gì
Sao không trêu mù tạt?"
Với giọng điệu, ngôn ngữ thơ dồn dập, chất vấn, nhân vật trữ tình bộc lộ một thái độ mỉa mai, thách thức đối với kẻ đi bắt nạt. Cái cách “vặn vẹo” sao không trong hai câu hỏi tu từ, ấy là khi nhân vật trữ tình cố tạo nên nét nhấn nhằm “vạch tội” bản chất rất xấu của kẻ đi bắt nạt. Huênh hoang như thế, bạn là người quá xấu đi chứ lị!
Đến đây, ta có sự liên hệ thú vị về hình ảnh nhân vật Dế Mèn trong "Dế Mèn phiêu lưu kí" của nhà văn Tô Hoài. Cả hai nhân vật đều có những nét tương đồng trong tính cách. Nói về nhân vật Dế Mèn, khi chị Cốc tìm kẻ khiêu khích, cà khịa mình, thay vì phải có trách nhiệm đối mặt thì chàng ta lại nhanh chân chui tọt vào hang và lầm tưởng sức mạnh của mình là ở… cái tổ. Núp tận đáy đất mà tôi cũng khiếp, nằm im thít, chẳng phải Mèn ta đã thú nhận sự hèn yếu trước đối thủ mà mình đã hung hăng cà khịa hay sao? Đọc "Bắt nạt" và "Dế Mèn phiêu lưu kí", ta bắt gặp nét tương đồng trong cách “mổ xẻ” sự ngộ nhận của những nhân vật tự phụ vô lối. Kẻ bắt nạt cứ lầm tưởng mình là mạnh, nhưng khi đối mặt trước thử thách đã vội rụt cổ, co vòi theo cung cách của kẻ hèn nhát.
Bắt nạt là xấu lắm, bởi thế điều mong muốn thiết tha được cất lên:
"Đừng bắt nạt người lớn
Đừng bắt nạt trẻ con
Đừng bắt nạt nước khác
Trên khắp trái đất tròn
Đừng bắt nạt mèo, chó
Đừng bắt nạt cái cây
Đừng bắt nạt ai cả
Vì bắt nạt dễ lây"
Vấn đề bắt nạt thực sự đã lây lan: Từ con người, mở rộng ra các quốc gia Trên khắp trái đất tròn; từ động vật đến cây cỏ. Chán ghét việc bắt nạt và nhận thấy tác hại không lường của nó, nhân vật trữ tình đã tâm nguyện khẩn cầu: "Đừng bắt nạt ai cả".
Trong hai khổ thơ trên, "Đừng bắt nạt" được nhắc tới sáu lần đã tạo nên sự hối thúc cấp bách, khẩn thiết trước một vấn đề hệ trọng cần ngăn chặn. Những biến động nội tâm con trẻ đã làm mạch thơ vỡ òa bao nỗi niềm xúc cảm. Chính điều này đã làm nên nét “mềm mại” của bài thơ. Có thể nói, với "Bắt nạt", từ dòng cảm xúc chân thành, mãnh liệt của nhân vật trữ tình, hẳn nó sẽ có sức mạnh lan tỏa, lay thức hồn người!
Tìm hiểu bài thơ, ta nhận thấy, ẩn chứa trong lớp ngôn ngữ nói có vẻ “vụng về” của trẻ con là ý nguyện của tác giả muốn hóa giải vấn đề bắt nạt, một hiện tượng nóng bỏng đang thường xuyên xảy ra từ học đường đến xã hội, và thậm chí còn rộng hơn thế nữa. Ước muốn, khát khao trong sáng, đẹp đẽ ấy chẳng phải làm cho Bắt nạt càng gần gũi bạn đọc hơn hay sao?
"Bắt nạt", một bài thơ giàu cảm xúc và chặt chẽ về ý tứ. Từ cách đặt vấn đề về cái xấu của việc bắt nạt, đến cách “lột trần” nó, rồi mong muốn ngăn chặn và cuối cùng là khao khát hóa giải, ta nhận thấy tác giả có một lối tư duy rất logic, mạch lạc trong diễn đạt. Sử dụng ngôn ngữ, giọng điệu, cách nói hồn nhiên của trẻ thơ một cách có nghệ thuật để đề cập tới vấn đề mang tính xã hội, khiến thông điệp của bài thơ đến với người đọc nhẹ nhàng nhưng thấm thía. Không cần đại ngôn, lên giọng, chỉ lời con trẻ nhưng đã thể hiện tấm lòng trăn trở trước những vấn đề nan giải đang xảy ra với cuộc sống con người.
Đọc "Bắt nạt", ta thấy nhà thơ thật biết cách thể hiện mong ước trong việc xóa nhòa khoảng cách tốt/xấu, bạn/thù, để tất cả ngày càng xích lại gần nhau hơn. Vẻ đẹp của tình người, của cảm hứng nhân văn đã làm nên hồn cốt bài thơ.
Đến với "Bắt nạt", ta thấy ở thể thơ năm chữ, theo lối đồng dao, nhưng tác giả đã biết cách sử dụng uyển chuyển các phương thức biểu đạt, giọng điệu, ngôn ngữ, các phép tu từ… để thể hiện khát khao cháy bỏng trong việc hóa giải một vấn đề mang tính xã hội đầy cấp bách. Tiếng nói thi ca cất lên trọn vẹn khi tâm hồn thăng hoa đã có miền đất của nó. Miền đất lạ đầy tính khám phá mà tác giả đang đi đã khiến cho bạn đọc phải biết làm một độc giả “khó tính” để tinh tế nhận ra ý đồ nhà thơ gửi gắm trong tác phẩm của mình.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |