Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Trong sử học Việt, Việt điện u linh tập của Lý Tế Xương viết năm 1329 được cho là nguồn tham khảo chính của Đại Việt sử ký toàn thư trong ghi chép về Phùng Hưng. Việt điện u linh tập truyện Bố Cái đại vương viết:
“Xét Giao Châu Ký của Triệu Vương chép rằng: Vương họ Phùng tên Hưng, thế tập Biên Khố Di Tù Trưởng châu Đường Lâm, hiệu là Quan Lang (man tục nay còn). Vương gia tư hào hữu, sức lực dũng mãnh, đánh được hổ, vật được trâu; người em tên là Hải cũng có sức mạnh kỳ dị, vác được một tảng đá nặng mười nghìn cân, hay một chiếc thuyền con chở nghìn hộc mà đi hơn mười dặm; mọi người thấy vậy đều kinh hãi. Giữa niên hiệu Đại Lịch nhà Đường, nhân nước An Nam ta có quân loạn, anh em đem nhau đi tuần các ấp lân cận đều hạ được cả, đi đến đâu thì chỗ ấy tan tác. Đắc chí rồi, Hưng cải danh là Cự Lão, Hải cũng đổi tên là Cự Lực; Vương hiệu là Đô Quán, Hãi hiệu là Đô Bảo, dùng kế hoạch của người Đường Lâm là Đỗ Anh Hậu đem binh tuần hành mấy châu Đường Lâm, Trường Phong, thảy đều quy thuận cả; uy danh chấn động, dương ngôn muốn đánh lấy Đô Hộ Phủ. Lúc bấy giờ quan Đô Hộ là Cao Chính Bình đem binh dưới trướng ra đánh không hơn được, ưu phẫn phát bệnh vàng da mà chết. Vương vào Đô Phủ thị sự bảy năm rồi mất; dân chúng muốn lập em là Hãi lên nối ngôi. Có kẻ phụ tá đầu mục là Bồ Phá Lặc, sức có thể bài sơn cử đỉnh, dũng lực tuyệt luân, có ý không theo mới lập con Vương là An, rồi đem quân chống Hãi; Hãi tránh Bồ Phá Lặc, dời qua ở động Chu Nham, sau đấy không biết ra sao nữa. An tôn Hưng là Bố Cái Đại Vương, bởi quốc tục xưng cha là “Bố”, mẹ là “Cái” nên mới gọi như vậy. An lên kế vị được hai năm, vua Đức Tông phong Triệu Xương sang làm An Nam đô hộ; Xương sang đến nơi, trước hết sai Sứ đem nghi vật dụ An; An sửa sang nghi vệ, đem quân nghênh hàng hiệu, các thân thuộc họ Phùng giải tán hết.
Vương vừa mới mất đã hiển linh, thường ở trong thôn dân hiện hình thành thiên xa vạn mã phi đằng trên gia ốc, trên cổ thụ; chúng nhân trông lên thực như đám mây ngũ sắc, lại nghe thấy ti trúc, quản huyền giao hưởng trên không trung, tiếng hô hoán, tiếng cờ trống võng kiệu vọng lên nghe thấy phân minh giữa ban ngày. Phàm trong ấp có tai nạn hoặc việc vui mừng thì Ấp trưởng trong đêm đã thấy có dị nhân báo cáo trước; chúng phục là thần, lập đền phía tây Đô phủ mà phụng sự, phàm có việc trộm cướp, việc hồ nghi thì đại thể tề tựu trước đền mà bái yết thần, vào trong đền mà minh thệ, lập tức thấy họa phúc. Nhà thương mại đem lễ đến đền cầu lợi hậu đều có linh ứng; thôn dân gặp phải mưa dầm hay đại hạn; cầu đảo liền được như ý. Mỗi năm xã đến ngày tạ lễ, người đến đông như rừng như biển, bánh xe dấu ngựa đầy đường; miếu mạo nguy nga, hương đèn chẳng dứt.
Thời Ngô Tiên chúa kiến quốc, Bắc binh nhập khấu, Tiên chúa đã lo, nửa đêm hốt nhiên mộng thấy một ông già đầu bạc, y quan nghiêm nhã, tay cầm quạt lông, chống gậy trúc, tự xưng tính danh rằng:
Ta lãnh thần binh vạn đội, sẵn sàng mai phục các chỗ yếu hại, chúa công tức tốc tiến binh chống cự, đã có âm trợ, chớ lo phiền chi cả.
Đến khi tiến binh trên Bạch Đằng, quả thấy trên không có tiếng xe ngựa, trận ấy quả được đại tiệp; tiên chúa lấy làm lạ, chiếu kiến lập miếu điện, trang nghiêm có từng hơn xưa, lại sắm thêm quạt lông, cờ hoàng đạo, chiên đồng, trống đại, rồi làm lễ thái lao, con hát đến làm lễ tạ; lịch triều theo đó dần dần thành ra cổ lễ.
Hoàng triều niên hiệu Trùng hưng năm đầu, sắc phong Phu Hựu Đại Vương. Năm thứ bốn mươi, gia thêm hai chữ Chương Tín, Năm Hưng Long thứ hai mươi, gia phong hai chữ Sùng Nghĩa, đến bây giờ anh uy càng thịnh, hương lửa không ngớt vậy”.
Quốc sử quán triều Nguyễn khi soạn Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã tham khảo rất nhiều nguồn tài liệu, trong đó có ghi chú: “Xét Đường thư, bản kỷ, đời Đức Tông, năm Trinh Nguyên thứ 7 (năm 791), chỉ chép rằng tù trưởng An Nam là Đỗ Anh Hàn làm phản, chứ không chép việc Phùng Hưng”.
Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư: Phùng Hưng là người ở làng Đường Lâm, thuộc Giao Châu. Ông vốn con nhà hào phú, có sức vật trâu, đánh hổ.[6] Chuyện kể rằng ông đã từng đánh chết một con hổ có thể quặp hai con trâu mộng mà vẫn chạy như thường,trừ được hoạ cho làng Đường Lâm.
Theo sách Việt điện u linh: Phùng Hưng là Thế Tập Biên Khố Di Tù Trưởng châu Đường Lâm, hiệu là Quan Lang. Phùng Hưng xuất thân gia tư hào hữu, sức lực dũng mãnh, đánh được hổ, vật được trâu. Người em tên Hải cũng có sức mạnh kì dị.[3]
Theo sách Việt sử tiêu án: Phùng Hưng quê ở làng Đường Lâm thuộc Phong Châu, con nhà hào phú, có sức vật trâu đánh hổ.[4][7]
Cho tới nay ngày sinh của ông vẫn chưa rõ. Các sách chính sử như Đại Việt Sử ký Toàn thư, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục ghi ông mất năm 802, chỉ một thời gian ngắn sau khi đuổi được giặc phương Bắc. Một nguồn dã sử cho biết ông sinh ngày 25 tháng 11 năm Canh Tý (tức ngày 5 tháng 1 năm 761) và mất ngày 13 tháng 8 năm Nhâm Ngọ (tức ngày 13 tháng 9 năm 802), thọ 41 tuổi.
Phùng Hưng vốn là cháu bảy đời của Phùng Tói Cái – người đã từng vào trong cung vua Đường Cao Tổ thời niên hiệu Vũ Đức (618–626) dự yến tiệc và làm Quan lang ở đất Đường Lâm. Bố của Phùng Hưng là Phùng Hạp Khanh, một người hiền tài đức độ.[cần dẫn nguồn]
Khoảng năm Nhâm Tuất (722) đời Đường Huyền Tông niên hiệu Khai Nguyên, Phùng Hạp Khanh đã tham gia cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan (tức Mai Hắc Đế). Sau đó, ông trở về quê chăm chú công việc điền viên, trở nên giàu có, trong nhà nuôi nô tỳ có đến hàng nghìn người[8].
Theo sự tích, Phùng Hạp Khanh có một người vợ họ Sử. Ông bà sinh một lần được ba người con trai khôi ngô khác thường, lớn lên ai cũng có sức khỏe, có thể kéo trâu, quật hổ. Anh cả là Phùng Hưng, em thứ hai là Phùng Hải (tự là Tư Hào) và em út là Phùng Dĩnh (tự là Danh Đạt). Đến năm ba anh em 18 tuổi thì bố mẹ đều mất. Trong ba anh em, anh cả Phùng Hưng là người có sức khỏe và khí phách đặc biệt.
Phùng Hưng nối nghiệp cha và đã trở thành Hào trưởng đất Đường Lâm. Cho tới nay dân gian vẫn còn lưu truyền câu chuyện ông dùng mưu kế giết hổ dữ mang lại bình yên cho làng xóm.
Việt Nam thời thuộc Đường gọi là An Nam đô hộ phủ, khi đó đang nằm dưới ách cai trị hà khắc của bọn quan đô hộ. Các quan đô hộ nhà Đường ra sức vơ vét của cải của người dân Việt Nam, bắt người dân Việt phải đóng sưu cao thuế nặng khiến lòng người ngày càng căm phẫn.
Cao Chính Bình, Hiệu úy châu Vũ Định (miền Việt Bắc) giúp Kinh lược sứ An Nam là Trương Bá Nghi đánh bại được cuộc xâm lược của quân Chà Và (Java) ở Chu Diên, sau đó được cử làm đô hộ An Nam. Chính Bình ra sức vơ vét của cải của nhân dân, đánh thuế rất nặng.
Sách Việt điện u linh chép rằng: Giữa niên hiệu Đại lịch nhà Đường (766–779), nhân An Nam có loạn, anh em Phùng Hưng đem quân đi tuần các ấp lân cận, đánh đâu được đấy. Phùng Hưng đổi tên là Cự Lão hiệu là Đô Quân, Hải cũng đổi tên là Cự Lực, hiệu là Đô Bảo. Phùng Hưng dùng kế của người Đường Lâm là Đỗ Anh Hàn đem binh tuần hành mấy châu Đường Lâm, Trường Phong tất cả đều quy thuận, uy danh chấn động, muốn đánh lấy Đô hộ phủ.[3]
Đại Việt Sử Ký toàn thư ghi chép, Phùng Hưng đem quân đánh với Cao Chính Bình, lâu ngày không thắng được. Phùng Hưng dùng kế của Đỗ Anh Hàn, đặt đại bản doanh ở làng Triều Khúc, Thanh Trì đem quân vây phủ.[6]
Phần lớn các truyền thuyết đều kể rằng: Phùng Hưng nhận thấy lực lượng chưa thật đủ mạnh để đánh bại quân địch, ông đã cùng các tướng tỏa đi xung quanh chiêu mộ thêm binh lính và sắm thêm vũ khí, còn việc vây thành được giao cho ba người cháu gái họ Phùng, gọi Phùng Hưng bằng bác[9].
Quan Đô hộ Cao Chính Bình đem binh ra đánh, không hơn được, ưu phẫn phát bệnh vàng da rồi chết.[3] Theo sử sách thì Cao Chính Bình cai trị An Nam từ 790 đến 791.
Theo Việt điện u linh, Phùng Hưng vào Đô hộ phủ trị vì bảy năm rồi mất.[3] Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Hưng nhân đó vào đóng ở phủ trị, chưa được bao lâu thì chết. Theo Việt sử tiêu án: Ông Hưng cùng với em là Hải, xuất phục được các làng ấp ở chung quanh, tự hiệu là Đô Quân, Hải là Đô Bảo, dùng kế của người làng là Đỗ Anh Hàn, đem quân vây phủ, Chính Bình lo phẫn mà chết, ông Hưng vào ở trong phủ, cho Hải làm Thái úy, rồi ông mất. Dân chúng lập con Hưng là An làm Đô Phủ Quân.
Chính sử chép rằng ông cầm quyền cai trị không lâu sau đó đã qua đời ngay trong năm 791. Các sử gia hiện nay xác định ông mất khoảng tháng 5 năm 791[10].
Nguồn dã sử Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên và giai thoại dân gian cho rằng: ông cầm quyền được bảy năm, nhưng lại mất năm 802[11]. Thông tin này không phù hợp về logic: Năm 791 giành được Tống Bình mà mất năm 802, tức là Phùng Hưng cầm quyền trong 11 năm chứ không phải bảy năm. GS Nguyễn Khắc Thuần cho rằng Lý Tế Xuyên và truyền thuyết dân gian đã có sự lầm lẫn: hơn bảy năm là thời gian tính từ khi Phùng Hưng làm chủ khu vực quanh Đường Lâm tới khi ông mất, chứ không phải tính từ khi ông làm chủ Tống Bình[12].
Theo sách Việt sử tiêu án: Ông Hưng đồng lòng với dân chúng, lập em là Hải. Bồ Phá Lặc có sức khỏe đẩy được núi, không chịu theo Hải, lánh ở động Chu Nham. Bồ Phá Lặc lập An là con ông Hưng. An tôn cha là Hưng làm Bố Cái Đại Vương (tục gọi cha mẹ là Bố Cái), dân Thổ cho là linh dị, lập đền thờ ở phía tây đô phủ để thờ Hưng.
Theo sách Việt điện u linh, con của Phùng Hưng là Phùng An khi lên ngôi tôn Phùng Hưng làm Bố Cái Đại Vương, bởi quốc tục xưng cha là Bố, mẹ là Cái, nên mới gọi như vậy.
Phùng Hưng đồng lòng với dân chúng, lập em là Hải kế vị. Bồ Phá Lặc có sức khỏe đẩy được núi, không chịu theo Hải, lánh ở động Chu Nham. Bồ Phá Lặc lập Phùng An, con của Phùng Hưng. Phùng An tôn cha làm Bố Cái Đại Vương.[4]
Nhà Đường cho Lý Phục làm Tiết độ sứ Lĩnh Nam, khi Lý Phục đã đến nơi, người An Nam đều yên lặng. Nhà Đường cho Triệu Xương làm Đô hộ. Xương đến nơi, sai sứ dụ Phùng An. Phùng An đem quân đầu hàng.[4]
Sách Việt điện u linh chép: Phùng Hưng chết rồi, phụ tá đầu mục là Bồ Phá Lặc, sức có thể bài sơn cử đỉnh, dũng lực tuyệt luân, có ý không theo lập con Phùng Hưng là Phùng An, đem quân chống Phùng Hải. Phùng Hải tránh Bồ Phá Lặc, dời qua ở động Chu Nham, sau không biết ra sao nữa.[3]
Phùng An kế vị được hai năm, vua Đường Đức Tông phong Triệu Xương sang làm An Nam đô hộ. Triệu Xương đến nơi, sai sứ đem nghi vật dụ Phùng An; Phùng An sửa sang nghi vệ, đem quân nghênh hàng Triệu Xương, các thân thuộc họ Phùng giải tán hết.[3]
Nguyên quán[sửa | sửa mã nguồn]
Về mỹ thuật, bia có cùng một phong cách với nhiều bia hậu đời Nguyễn: không có trang trí diềm, trán gần như để trơn, hoa văn chỉ có mặt nhật nét mảnh và tia lửa yếu ớt.
Về quy mô, văn bia này được dựng ở cấp độ thôn xóm, cho nên rất khiêm tốn về mặt kinh phí, điều này thể hiện qua dáng vóc xinh xắn và khiêm nhường của bia: chiều cao 54 cm, rộng ngang 35 cm, tức là không bằng một tờ báo Nhân dân trải rộng. Cho thấy, bia được dựng nằm ngoài điển lệ của triều đình. Điểm này làm rõ hơn động cơ của dòng niên đại “Quang Thái thứ 3” trong văn bia.
Về trật tự chữ, chữ viết trên ngạch bi đều ngang từ trái sang phải, trong khi ngạch bia đời Trần thường là sắp chữ dọc.
Châu Đường Lâm – quê của Phùng Hưng, Ngô Quyền vốn từng có tên châu Phúc Lộc (gồm ba huyện Nhu Viễn, Đường Lâm và Phúc Lộc), châu này nằm phía tây nam Ái Châu, gần gũi Trường Châu, về sau đã có lúc quy về Ái Châu.
Vị trí chính xác của châu Đường Lâm còn phải khảo chứng thực địa, bổ sung các cứ liệu về họ tộc, cư dân, phong tục, sản vật, ngôn ngữ bản địa, cũng như sự thờ cúng và tư liệu điền dã tại địa bàn Thanh Hóa ngày nay và các khu vực lân cận. Dù vậy, có thể khẳng định rằng quê Ngô Quyền nằm loanh quanh giữa vùng Thanh Hóa – Nghệ An(40) ngày nay mà khó có thể ở vị trí Sơn Tây (khi đó là huyện Gia Ninh của Phong Châu) được.
Trong suốt lịch sử từ đời Hán cho đến năm 1964, khu vực Sơn Tây không hề có châu hay huyện hay làng nào tên là Đường Lâm. Tên ‘xã Đường Lâm’ tại Sơn Tây ngày nay mới xuất hiện từ năm 1964 (ngày 21 tháng 11).
Văn bia mà Trần Quốc Vượng nhắc đến, theo Trần Trọng Dương, Nguyễn Tô Lan đó là bia ngụy tạo:
Về địa danh học, văn bia này dù cố gắng ngụy tạo, nhưng vẫn vô tình để lại tên địa danh thời Nguyễn. Dòng đầu của bia ghi: 國威府福祿縣甘泉社“Quốc Oai phủ Phúc Lộc huyện Cam Tuyền xã”, dòng trên đồng thời cũng được khắc trên bia Phụng tự bi ký 奉祀碑記 được khắc năm Tự Đức thứ 4 (1851). Qua khảo chứng về diên cách địa danh hành chính của Đào Duy Anh[19] thì đây có khả năng là bia ngụy tạo vào đời Gia Long hoặc Minh Mệnh, vì đến năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) Phúc Lộc đã đổi làm Phúc Thọ.
Lăng mộ Phùng Hưng ngày nay nằm ở đầu phố Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội. Đền thờ ông được dựng lên ở nhiều nơi như quê hương Đường Lâm, đình Quảng Bá (Tây Hồ), đình Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội), đình làng Đào Nguyên, xã An Thượng, huyện Hoài Đức, ngoại thành Hà Nội với lễ hội được tổ chức vào ngày 10 tháng 2 âm lịch.
Tại xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình có ba ngôi đền thờ Bố Cái Đại Vương trong đó đền Cổ Hạc được coi là đền chính, tương truyền ông mất tại đây. Các di tích khác như đình làng Vũ Đại và đình làng Đồng Xuân ở xã Gia Xuân hay đình Vũ Nhì ở xã Gia Trấn, Gia Viễn cũng là nơi thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng.
Sau này đất Đường Lâm quê ông còn xuất hiện một vị vua nữa là Ngô Quyền, người đánh bại cuộc xâm lược của Nam Hán, chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc (938). Do vậy Đường Lâm còn được biết đến với tên gọi "Đất hai Vua".
Tại làng Triều Khúc, ông được thờ là thành hoàng của làng. Do đó, dân làng kiêng húy họ tên của ông, và không dùng chữ Phùng hoặc chữ Hưng khi đặt tên con cháu, đồng thời kiêng húy cả chữ Bố trong tên hiệu của ông (Bố Cái Đại Vương) khi người con gọi người cha.[14]
Tên ông còn được đặt cho các tuyến phố và ngôi trường ở Hà Nội, thành phố Ninh Bình, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |