Cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, phong trào chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta lần lượt bị thất bại. Đất nước ta đứng trước tình thế hết sức khó khăn. Nhiều nhà yêu nước đã ra nước ngoài tìm đường cứu nước, nhưng không phải ai cũng tìm được con đường đúng đắn. Chỉ có người thanh niên yêu nước đương thời Nguyễn Tất Thành-sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến được với chủ nghĩa Mác-Lê nin và tìm ra cho dân tộc ta một con đường cách mạng giải phóng đúng đắn.
Người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã tiếp thu di sản tinh thần yêu nước của dân tộc, của các vị tiền bối cách mạng, nhưng không đi theo con đường của những người này. Nguyễn Tất Thành có tinh thần yêu nước khác với các nhà cách mạng tiền bối. Ở anh có sự suy nghĩ chín chắn, sáng suốt tuyệt vời trong những nhận định chính trị của mình. Nhận định đó dựa vào quan điểm giai cấp, quan điểm lịch sử và nếu thiếu những quan điểm đó thì dù có tinh thần yêu nước cao như thế nào đi nữa, dù có chiến đấu anh dũng đến đâu đi nữa cũng không thể tránh khỏi thất bại như những nhà cách mạng Việt Nam đầu thế kỉ XX. Nhờ có những quan điểm chính trị đúng đắn nên Nguyễn Tất Thành đã vượt qua được hạn chế của thời đại, đây chính là thành công đầu tiên của người thanh niên yêu nước này.
Chí hướng của Nguyễn Tất Thành được hình thành vào khoảng thời gian từ năm 1900 đến năm 1905 khi Người mới mươi, mười lăm tuổi. Đây là lúc ngọn lửa duy tân mới được khơi dậy và đang cổ vũ biết bao nhiêu người dân yêu nước. Chí hướng xuất ngoại tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành không phải là sự kế tục chí hướng của các sĩ phu, mặc dù sự thất bại của các sĩ phu lúc đó có thôi thúc Người. Chí hướng của Nguyễn Tất Thành hình thành một cách độc lập gần như đồng thời với chí hướng theo chủ nghĩa dân tộc tư sản do Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh phát động trong những năm đầu thế kỉ XX. Nguyễn Tất Thành đã tránh được những hạn chế của các sĩ phu đương thời và Người sớm nhận thức được nhược điểm của Phan Bội Châu là chỉ lo đánh đuổi giặc Pháp và kì vọng vào Nhật để đánh Pháp để cuối đời ông phải soi mình xuống dòng sông Hương ở Huế mà thốt lên: “Than ôi, lịch sử của tôi là lịch sử một trăm lần thất bại và không một thành công”[3 : 45]. Vì vậy Người đã từ chối không đi Đông du. Người gần gũi hơn với tư tưởng dân chủ của Phan Châu Trinh, nhưng mặt khác Người cũng sớm nhận thức được nhược điểm này của bậc tiền bối này là yêu cầu người Pháp cải cách “chẳng khác gì xin giặc rủ lòng thương”.
Nguyễn Tất Thành có hoài bão khắc phục những hạn chế của các sĩ phu, tìm ra một phương pháp hoạt động độc đáo: đi ra nước ngoài, học hỏi kinh nghiệm của nhân loại, của thế giới, tìm con đường giải phóng cho dân tộc, cho nhân dân.
Lớn lên, hiểu biết và đau xót trước cảnh thống khổ của nhân dân, Nguyễn Tất Thành đã nuôi chí lớn đánh đuổi giặc Pháp để cứu nước cứu dân. Trước khi ra nước ngoài, Người đã tham gia vào công tác bí mật, làm liên lạc giữa các tổ chức yêu nước. Từ Làng Sen vào Huế, từ Huế vào Phan Thiết, rồi từ Phan Thiết đến Sài Gòn…ở đâu Người cũng thấy cảnh thống khổ của nhân dân; yêu nước, thương dân đã thôi thúc Người hun đúc chí căm thù và quyết tâm tìm đường cứu nước.