"Quê Nội” là tác phẩm tiêu biểu, sâu sắc nhất về Cách mạng Tháng Tám của Võ Quảng. “Quê Nội” hấp dẫn bạn đọc chủ yếu là ở dòng văn xuôi tự sự, sống động, giàu có về hình tượng và phong phú về giọng điệu. Dựa vào góc nhìn và tâm lí của chú bé Cục -nhân vật dẫn chuyện - tác giả đã khéo chắp nối, móc xích các chi tiết các sự kiện khiến cho mạch truyện chảy tự nhiên và đầy bất ngờ. Thủ pháp tác giả thường dùng là khai thác sự khác lạ. Những con gà của chị Bốn, ông Bảy... khác nhau về hình dáng, giọng gáy, mầu lông, kiểu cách gọi bầy. Thằng Cù Lao ở cù lao Chàm về, người đen nhẻm, đội chiếc mũ nồi có nhiều khoanh xanh đỏ. Và theo bọn trẻ kháo nhau: nó là mọi biển, đít có đuôi, uống nước mặn bằng lỗ mũi... Sự khác nhau lớn nhất, bao trùm lên toàn bộ người và cảnh trong truyện là sự đổi thay từ Cách mạng Tháng Tám. Chòm đa Lí, trước là hang ổ của lũ ma Cụt Đầu, quỷ Năm Nanh nay là bãi tập của dân quân. Còn chị Ba cắt tóc ngắn, cạo răng đen, bỏ yếm thao khăn điều... vào tự vệ, cũng như ông Bảy Hóa cắt tóc cạo râu, dọn ban thờ, xé tranh thập điện, từ bỏ nghề thầy cúng để làm Việt Minh. Thay đổi nhiều nhất là bà Kiến. Trước nghèo nhất thôn, sống trong túp lều ghép bằng hai mảnh tranh, bà đói khát vật vờ chẳng ai để ý, nay bỗng trở nên người được Ủy ban xã và cả làng quan tâm góp tranh tre làm nhà, cử thầy đến dạy vần quốc ngữ... Võ Quảng không nói chính trị, nhưng rõ ràng bằng hình tượng, ông đã thể hiện tính chất nhân dân sâu sắc của Cách mạng Tháng Tám. Ngay cả những nhận thức ấu trĩ: ngày mai, ngày kia sẽ thịt hết trâu bò để cày máy, phá hết nhà cửa để lên nhà cao tầng bằng gạch ngói, sắt thép do tàu bay Liên Xô chở sang... cũng rất thật và nhuốm mầu lãng mạn nên thơ. Một đặc điểm nữa của "Quê Nội” là giọng điệu dân gian, tình tự dân tộc với đủ thể loại: Hô bài chòi, hát đò đưa hát bội, kể vè, nói vần, đọc thơ... Tác giả sử dụng nhiều nhất là thuật nói trạng. Nói trạng như ông Tư Đàm là nói kiểu Ba Phi: lên núi xông hương mê, bắt cọp ghè răng, nhổ vuốt, dắt nó về cưỡi. Loại đó không nhiều, nhiều hơn và cũng ngón nghề hơn là tác giả dựa vào tâm lí nhân vật mà lồng truyện trạng vào, như khi học vần: ba ba bỏ bể, cá trê phá nhà là Cục và Cù Lao nổi lên cãi nhau: bắt được ba ba người ta bỏ nồi chứ không ai bỏ bể, cá trê sống trong ao hồ làm sao phá được nhà v. v... Có thể nói chất folklore khá đậm đà. Hầu như người Hòa Phước ai cũng là diễn viên. Những cảnh lao động, tập tành đôi khi lớp lang, sôi động như trên sân khấu hài. Ngay cả đám trẻ trâu, chơi trò giật lá cũng xưng danh là chàng Lía, Trương Phi, Cốt Đột... Chính chất dân gian này đã tạo nên tiếng cười, niềm vui thấm đẫm các trang “Quê Nội”. Làm sao không vui khi những người nô lệ, từng chịu cảnh đói rét, chết chợ chết đường; từng sợ hãi từ lão lý trưởng đến cây sung, cây đa, từng bỏ làng ra đi nay được trở về đoàn tụ, trở thành những người tự do, bình đẳng cùng chung sức, chung lòng Xây nền độc lập lên đài tự do . Nói giọng điệu này khác, là để dễ nắm bắt tính độc đáo của văn Võ Quảng, trên thực tế “Quê Nội” là một chỉnh thể thống nhất hài hòa giữa trữ tình và tự sự, truyền thống và hiện đại, cái cao cả và cái buồn cười... Tất cả nhằm tôn vinh tình yêu xứ Quảng cũng là tình yêu Tổ quốc và niềm khao khát cách mạng. Mặt khác nó phù hợp với tâm lý, sở thích trẻ em mà tác giả hướng tới. Nhà văn Tô Hoài, nhiều năm liền phụ trách mảng văn chương cho thiếu nhi, so sánh “Quê Nội” với những tác phẩm hay viết về thời niên thiếu như “Chiếc Cáng Xanh” của Lưu Trọng Lư, “Phấn Thông Vàng” của Xuân Diệu rồi kết luận: Quê Nội có vẻ đẹp cao rộng hơn. Bà Alice Kahn, nhà phê bình từng dịch “Quê Nội” sang tiếng Pháp thì so sánh Cục - Cù Lao với đôi bạn Tom Sawyer - Hucklebery Finn của Mark Twain và tỏ ý thích Cục - Cù Lao hơn. Bà cũng cho rằng văn Võ Quảng giàu nhạc điệu và mầu sắc địa phương rất khó dịch. Kẻ hậu sinh viết bài này, 40 năm trước, lần đầu tiên đọc Võ Quảng, không kìm được niềm hứng khởi đã chạy đến tác giả hỏi ông bằng cách nào, nhờ đâu mà có sức tái hiện mạnh mẽ đến thế. Võ Quảng chỉ vào một chồng sổ tay rồi nói: "Hồng xem đi. Đầu tiên là mình ghi những tên người, tên đất đã từng quen, rồi cố nhớ lại, ôn lại, vẽ lên những hình tượng về họ, cố gắng vẽ cho thật rõ từng sợi râu, nếp áo. Mình ngẫm nghĩ về nỗi khổ cực, những phẩm chất tốt đẹp cũng như những tật xấu mà họ mắc phải..." Trang 117, sổ tay sáng tác của ông vẽ một mặt trời vàng, giữa ghi dòng chữ đỏ: Bừng lên một làng. Chung quanh mặt trời là nhiều vòng tròn nhỏ ghi tên các nhân vật. Ông bảo: "Bừng lên một làng là chủ đề, các nhân vật phải xoay quanh chủ đề đó như các hành tinh xoay quanh mặt trời". Vì vậy hơn 20 nhân vật ông từng ấp ủ, tái hiện đã phải bỏ đi để làm bật chủ đề và hợp với bạn đọc nhỏ. Võ Quảng viết “Quê Nội” năm 1961, phải mất 15 năm mới hoàn thành 400 trang sách. Ông không thành công một cách dễ dàng. Các nhân vật, các ấn tượng không ùa vào trong sách ông như các tác giả trẻ có ưu thế về vốn sống trực tiếp, về năng khiếu. Rõ ràng ông phải vật lộn với từng chi tiết.