Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Thuyết trình về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

thuyết trình về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
2 trả lời
Hỏi chi tiết
1.805
2
0
Phạm Tuyên
15/11/2022 22:04:39
+5đ tặng
Nhiều năm qua, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn đang là vấn đề day dứt tại nhiều xóm làng, thôn bản vì đó cũng chính là hệ lụy của khó khăn, đói nghèo, bệnh tật và chất lượng cuộc sống thấp.

Tảo hôn và sinh con sớm khiến cái đói, cái nghèo cứ đeo bám cuộc đời các em

“Tảo hôn” là việc kết hôn trước tuổi được phép kết hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam. Luật Hôn nhân và gia đình qui định: Tuổi được phép kết hôn đối với nam phải đủ 20 tuổi, đối với nữ phải đủ 18 tuổi trở lên (điều 9). Như vậy, việc kết hôn trước tuổi theo pháp luật qui định- gọi là “tảo hôn” bị pháp luật cấm. Nếu kết hôn trong trường hợp mà cả hai bên hoặc một trong hai bên chưa đủ tuổi kết hôn thì cả hai bên đều vi phạm pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam.


Bên cạnh đó, tình trạng hôn nhân cận huyết thống là việc kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có dòng họ trong phạm vi ba đời (nếu ông, bà là anh, chị, em ruột thì đến đời cháu sẽ vẫn chưa thể được kết hôn với nhau)… cũng đang là một vấn nạn cần nhanh chóng loại bỏ.


Có thể nói, cả việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đều gây ra hậu quả lâu dài, thậm chí nghiêm trọng đối với cả gia đình, nòi giống và cả xã hội. Đây cũng chính là trở lực lớn đang ngăn cản lại quá trình xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ mà chúng ta đang cố gắng hướng tới.


Từ lâu nay, trên khắp địa bàn hai xã Hang Kia và Pà Cò thuộc huyện Mai Châu- Hòa Bình luôn được biết đến như là một trong những “điểm nóng” của khu vực miền núi về tình trạng tảo hôn. Mặc dù công tác tuyên truyền, vận động cũng đã được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh chú trọng triển khai thực hiện suốt nhiều năm qua tuy nhiên hiệu quả đạt được vẫn còn hạn chế.


Một biểu hiện dễ nhận thấy nhất của vấn nạn tảo hôn là trong các phiên chợ ở địa phương, sẽ thấy có vô số những bà mẹ trẻ địu con trên lưng trông giống như chị cõng em. Thậm chí, có nhiều thiếu nữ mới chỉ khoảng 16- 17 tuổi mà đã là mẹ của đàn con nhỏ. Nếu đặt chân vào các bản nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa của hai xã này thì cũng sẽ không khó để tìm gặp những bé gái người Mông, dù mới chỉ 13- 14 tuổi đã phải gánh thiên chức làm vợ, làm mẹ.


Theo thống kê của ngành chức năng địa phương, nạn tảo hôn hiện đang có chiều hướng lan rộng hầu khắp các xã, thị trấn thuộc huyện Mai Châu. Nếu như trong năm 2015, có 20/23 xã, thị trấn ở Mai Châu có các trường hợp tảo hôn thì sang năm 2016, tình trạng đó vẫn chưa được kiểm soát. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2016, toàn huyện đã ghi nhận được trên 100 trường hợp tảo hôn, trong đó, số vụ tảo hôn cả vợ và chồng chiếm tới hơn 50%. Riêng xã Hang Kia xảy ra trên 50 vụ tảo hôn.

Hay như tại Thừa Thiên- Huế, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng thường xảy ra ở hai huyện miền núi là Nam Đông và A Lưới. Nơi đây vốn là địa bàn tập trung khá đông đồng bào các dân tộc cùng sinh sống như: Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu... Tính trong 8 tháng của năm 2016, ở hai địa phương này đã có tới 23 trường hợp tảo hôn; trong đó, huyện A Lưới có 11 trường hợp.

Chỉ trong vòng 3 năm qua, ở 6 huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi đã có tới hơn 500 trường hợp trẻ em cưới vợ, lấy chồng khi còn đang ở độ tuổi đi học. Đây quả là một con số đáng báo động về tình trạng tảo hôn tại địa phương này.


Tại các huyện như: Minh Long, Sơn Tây và Trà Bồng, tình trạng kết hôn dưới tuổi quy định của pháp luật vẫn đang xảy ra trong cộng đồng và tập trung chủ yếu ở nhóm người dân tộc thiểu số. Đơn cử như tại huyện Sơn Tây, trong số 2000 trẻ bảo trợ, có tới 20 trường hợp tảo hôn ở lứa tuổi 12 và 16; ở huyện Trà Bồng, con số đó là 40/2.400 trẻ em…


Nguyên nhân của việc gia tăng tình trạng tảo hôn ở rất nhiều nơi trong cả nước như kể trên xuất phát từ khá nhiều lý do khác nhau. Trước hết, đó là do xuất phát từ cách suy nghĩ, thói quen của đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Đối với họ, việc bỏ tiền ra cưới vợ cho con cái cũng đồng nghĩa với việc trong nhà sẽ có thêm người làm nương, làm rẫy, có thêm người cáng đáng việc gia đình. Do đó, việc cưới con dâu về nhà được diễn ra càng sớm lại càng tốt.


Mặt khác, do phong tục còn nhiều lạc hậu, trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc thiểu số lại chưa cao, điều này đồng nghĩa với sự hiểu biết về pháp luật cũng như biết về hậu quả của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đang còn rất nhiều hạn chế. Cái đói, cái nghèo cứ đeo đuổi mãi nên các gia đình cũng hầu như không quan tâm nhiều đến con trẻ, người lớn mải lo kiếm cái ăn nên lũ trẻ bị bỏ mặc, chúng cứ tự do lớn lên và phải tự đấu tranh để sinh tồn.


Thêm vào đó, để xảy ra hôn nhân cận huyết không chỉ là phong tục lạc hậu mà còn do môi trường sống: Người dân ở những nơi hẻo lánh, biệt lập; hoặc do quan hệ trong đời sống: Anh em họ hàng gần gũi nhau trong công việc, sinh hoạt làm nảy sinh tình cảm và do xuất phát từ một tổ tiên chung nên thường có tình trạng kết hôn gần. Việc này cũng do trình độ, sự hiểu biết của người dân còn thấp…


Ngoài ra, đối với một số khu vực có tình hình kinh tế, xã hội khá hơn, nhiều bậc phụ huynh dù không muốn con mình đang ở độ tuổi còn non nớt mà đã sớm phải lo chuyện gia đình, nhưng vì con đã lỡ mang thai nên không còn cách nào khác là buộc phải tổ chức đám cưới.


Theo nhận định của ngành y tế ở nhiều địa phương, hiện nay, độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu của trẻ vị thành niên đang có xu hướng ngày càng sớm dần. Các trường hợp trẻ em gái mới có 12- 13 tuổi đã mang thai không còn là chuyện hiếm gặp. Bên cạnh đó, do giới trẻ ngày nay được tiếp xúc với quá nhiều luồng thông tin đa dạng nên tâm lý lứa tuổi của các em đã có sự phát triển sớm.


Hậu quả do việc kết hôn sớm, hôn nhân cận huyết thống từ lâu đã xảy ra trong cộng đồng với những tác động lâu dài và vô cùng nghiêm trọng. Trong đó, chất lượng của nguồn dân số tương lai bị đe dọa khi những đứa trẻ không được nuôi dưỡng tốt, sinh ra với tỷ lệ suy dinh dưỡng cao và mang rất nhiều bệnh tật hiểm nghèo.


Đồng thời, đối với những vấn đề về sức khỏe và tâm lý của các bà mẹ ở độ tuổi vị thành niên sẽ bị ảnh hưởng nặng nề sau khi kết hôn và quá trình sinh con, từ đó cũng sẽ rất dễ phát sinh ra nhiều mâu thuẫn đối với chồng và gia đình của chồng. Do ở vào độ tuổi như của các em đang rất cần được cắp sách đến trường thì đã phải vội vã bước chân về làm dâu nên phần nhiều trong số đó chưa kịp chuẩn bị cả về tâm lý và sức khỏe. Các em còn phải đối mặt với cả quãng đời phía trước của vai trò làm người vợ, người mẹ với rất nhiều trách nhiệm nặng nề, vượt quá sức lực và sự hiểu biết của mình.


Chỉ có thể bằng con đường giáo dục để mở ra các cửa sổ cơ hội cho các em về nhiều mặt như: Sức khỏe, việc làm, cuộc sống, kinh tế… tạo lập được nền tảng bền vững cho cuộc đời mỗi cá nhân cũng như sự phát triển của cả xã hội. Tuy nhiên, một khi cánh cửa này đã khép lại thì các cửa sổ cơ hội khác cũng sẽ bị thu hẹp hơn, đồng nghĩa với việc các em sẽ tất yếu bị đẩy đến một tương lai mờ mịt hơn.


Để giải quyết được tình trạng này, theo các chuyên gia về lĩnh vực hôn nhân, gia đình và xã hội đánh giá, trước hết cần phải khắc phục được các tình trạng như: Đói nghèo, lạc hậu, bất bình đẳng giới, bất bình đẳng xã hội, phân biệt đối xử giữa các vùng miền và giai cấp; đồng thời, phải làm sao để nâng cao được dân trí cho toàn xã hội.


Theo Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025, đặt ra mục tiêu: "… Giảm bình quân 2 - 3%/năm số cặp tảo hôn và 3 - 5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn có tỷ lệ này còn cao…".


Do đó, các địa phương cần tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật có liên quan đến hôn nhân gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết cũng như làm rõ những hậu quả, tác hại và hệ lụy do vấn nạn này gây ra. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức, dần dần thay đổi được hành vi, từng bước hạn chế và tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.


Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cũng cần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; mở lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên, hòa giải viên, cộng tác viên dân số ở cơ sở... Đồng thời, xây dựng một chế tài đủ mạnh để răn đe các trường hợp vi phạm, nêu gương cho cộng đồng, bởi trên thực tế, vì nhiều lý do, chính quyền ở cơ sở vẫn còn phớt lờ hoặc dễ dãi với người vi phạm nên đã tạo ra tâm lý xem nhẹ pháp luật trong một bộ phận người dân...

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
1
1
Thùy Linh
15/11/2022 23:15:29
+4đ tặng

 Trước hết nói về tảo hôn: Tảo hôn là việc xác lập quan hệ vợ chồng khi một bên hoặc cả hai bên nam nữ chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật về Hôn nhân và gia đình (Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên).

        Theo số liệu điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số (DTTS), tỷ lệ tảo hôn chung trong các DTTS là 26,6%, cao gấp 18 lần so với dân tộc Kinh (1,4%) và gấp 10 lần so với tỷ lệ chung của cả nước (2,5%). Có 40/53 DTTS có tỷ lệ tảo hôn trên 20%; trong đó, 10 DTTS có tỷ lệ tảo hôn từ 20-30%, 11 DTTS từ 30-40%, 13 DTTS ở mức 40-50% và 6 DTTS có tỷ lệ tảo hôn từ 50-60%. Các dân tộc có tỷ lệ cao nhất thường rơi vào các dân tộc sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, điển hình là các dân tộc: Mông, Xinh Mun, Lô Lô, Mảng, La Ha, Lự, Lào, La Chí, Cơ Lao, Hà Nhì, La Hủ, Phù Lá, Ơ Đu, Dao, Khơ Mú, Cống, Gia Rai, Xơ Đăng, Ba Na....(1)

         Các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Yên  Bái, Cao Bằng, Bắc Cạn, Kon Tum, Gia Lai có tỷ lệ tảo hôn cao trong cả nước, trong đó tỉnh Lai Châu có tỷ lệ tảo hôn cao nhất, có gần 1/5 dân số nam từ 15-19 tuổi (chiếm 18,65%) và 1/3 dân số nữ từ 15-18 tuổi (chiếm 33,8%) dân số của tỉnh tảo hôn. Tiếp đó là tỉnh Sơn La, nhiều xã có tỷ lệ tảo hôn lên tới trên 50%,...(2)

        Ở địa bàn xa xôi hẻo lánh, vùng đặc biệt khó khăn, tình trạng tảo hôn có xu hướng gia tăng, từ 2,4% năm 2011 lên 3,1% năm 2013 đối với nam và từ 8,4% năm 2011 lên 11,2% năm 2013 đối với nữ. Ở nhóm tuổi dưới 18, phụ nữ dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn cao hơn gần 3 lần so với nam dân tộc thiểu số (nữ DTTS 15,8%, nam DTTS 5,8%); phụ nữ sống ở khu vực nông thôn có tỷ lệ tảo hôn cao gấp 2 lần so với khu vực thành thị (tỷ lệ tương ứng là 15,2% so với 6,2% năm 2011 và 13,5% so với 6,7% năm 2013); vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên có tỷ lệ phụ nữ tảo hôn cao nhất so với các vùng khác (miền núi phía Bắc 18,8%, Tây Nguyên 15,1%)(3)

         Ở Quảng Ninh, tảo hôn chưa phải là vấn đề “nóng“, nhưng cũng có nhiều cặp vợ chồng người Dao, Tày,... xác lập quan hệ vợ chồng ở độ tuổi dưới 18. Theo thống kê từ nguồn báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp huyện, trong khoảng thời gian từ 2011-2015, trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số của tỉnh có 84 cặp kết hôn khi chưa đủ tuổi, trong đó chiếm gần 90% số cặp vợ chồng người Dao sinh sống ở các xã vùng khó khăn của tỉnh.

          Hôn nhân cận huyết thống: Là việc xác lập quan hệ vợ chồng giữa những người cùng giòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời. Theo thống kê của Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), các dân tộc Lô Lô, Hà Nhì, Phù Lá, Chứt, Ê Đê, Chu Ru, Si La, Pu Péo, Mông, Rơ Măm, Brâu… có tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống lên đến 10%. Cụ thể: Các dân tộc như Si La (Điện Biên, Lai Châu), Lô Lô, Pu Péo (Hà Giang), Mông (Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái), Brâu, Rơ Măm (Kon Tum)... cứ 100 trường hợp kết hôn thì có khoảng 10 trường hợp là hôn nhân cận huyết thống.

         Riêng ở tỉnh Lai Châu, từ năm 2004-2011 có trên 200 người kết hôn cận huyết thống, tập trung ở một số dân tộc thiểu số rất ít người như: Mảng, La Hủ, Cống. Ở tỉnh Lào Cai, theo kết quả khảo sát của Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình năm 2012 tại 44 xã thuộc 9 huyện đã phát hiện 224 cặp hôn nhân cận huyết thống; huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình có tới 23% dân số trong huyện mang gen bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia); tỉnh Kon Tum, qua khảo sát của Chi cục Dân số, Kế hoạch hoá Gia đình năm 2012, tại 6 xã thuộc 3 huyện Sa Thầy, Ngọc Hồi và Kon Plông đã phát hiện 56 cặp hôn nhân cận huyết thống/tổng số 350 cặp tảo hôn (chiếm gần 1/6 số cặp tảo hôn), đặc biệt tình trạng hôn nhân cận huyết thống diễn ra ở dân tộc Chứt tại bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh hiện nay vẫn còn là vấn đề nhức nhối.(4)

        Còn ở Quảng Ninh, theo khảo sát hành chính, thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện có tình trạng hôn nhân cận huyết thống.

        Hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống như thế nào?

       Thực tiễn và khoa học đã chứng minh việc kết hôn sớm làm mất đi cơ hội học tập, việc làm, cải thiện điều kiện sống và chăm sóc sức khỏe của bà mẹ, trẻ em. Việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết, kinh nghiệm và chưa sẵn sàng về mặt tâm sinh lý để mang thai và sinh con đã ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bà mẹ, sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh. Đây là một trong nguyên nhân làm tăng gấp 2 lần tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi thể thiếu cân và thấp còi; tăng tỷ lệ tử vong ở nhóm trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi (tỷ lệ này ở nhóm trẻ em dân tộc thiểu số cao gấp 3 lần so với nhóm trẻ em dân tộc Kinh); tăng tỷ lệ tử vong của bà mẹ liên quan đến thai sản (ở các huyện nghèo vùng dân tộc miền núi tỷ lệ này cao gấp 5 lần so với mức bình quân quốc gia và gấp 4 lần ở một số nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số so với nhóm phụ nữ dân tộc Kinh.

        Hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng nghiêm trọng đến giống nòi, chất lượng dân số và nguồn nhân lực của của vùng dân tộc thiểu số nói riêng và của một quốc gia nói chung. Đó là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số, của một quốc gia.

Những trẻ em được sinh ra từ các cặp vợ chồng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống có tỷ lệ mắc các bệnh dị tật bẩm sinh, chậm phát triển, suy dinh dưỡng, tử vong sơ sinh cao hơn so với những trẻ em được sinh ra từ các cặp vợ chồng đã đủ tuổi kết hôn, mạnh khỏe. Có tới 25% trẻ sinh ra từ các cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống khả năng bị các bệnh và 50% mang gen bệnh tan máu bẩm sinh di truyền (Thalassemia). Việt Nam được xếp vào khu vực có nguy cơ cao với trên 5 triệu người mang gen bệnh tan máu bẩm sinh. Tỷ lệ mang gen bệnh cao tập trung chủ yếu ở vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, vùng có tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao. Hiện tại chưa có phương pháp điều trị khỏi bệnh Thalassemia, người bệnh cần phải điều trị suốt cả cuộc đời với chi phí rất tốn kém, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, để lại những hậu quả rất nặng nề cho thế hệ tương lai.

        Tảo hôn và kết hôn cận huyết thống làm cho các chủ thể rơi vào vòng luẩn quẩn: Đói nghèo - thất học – đói nghèo. Thực tế cho thấy, các tỉnh có tỷ lệ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết cao thì cũng là tỉnh có tỷ lệ hộ đói nghèo cao và ngược lại. Có thể nói tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của nghèo đói, thất học và suy giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng tiêu cực đến việc hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ, thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội của đất nước nói chung, giữa miền núi và miền xuôi nói riêng.

  Vậy, nguyên nhân do đâu?

        Chúng ta cần chỉ rõ các nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống để có giải pháp hữu hiệu nhất ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này trong thời gian sớm nhất.

        Nhìn ở nhiều góc độ khác nhau sẽ có những nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên, từ thực tiễn cho thấy có những nguyên nhân khách quan và chủ quan sau:

       - Về khách quan, hầu hết các dân tộc thiểu số còn bị ảnh hưởng bởi phong tục, tập quán lạc hậu: Con trẻ vừa chào đời đã “đặt chỗ”- hứa hôn cho các con và quan niệm lấy vợ, lấy chồng cho các con khi tuổi vị thành niên để sớm có người nối dõi tông đường, có thêm nhân lực làm công việc ruộng nương,…; trong khi thể chế, pháp luật về Hôn nhân và Gia đình Việt Nam qua nhiều thời kỳ quy định chưa rõ ràng về khái niệm “tảo hôn”; chưa quy định cụ thể việc quản lý nhà nước về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, chưa quy định chế tài đủ mạnh để răn đe, trừng phạt các hành vi liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

        Ví dụ: Luật hiện hành quy định khái niệm tảo hôn: “Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi...” theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình. Khái niệm này làm cho các chủ thể tảo hôn có thể biện hộ rằng: Chúng tôi không "lấy nhau", chẳng qua chót có con với nhau thì về ở cùng nhau thôi!... Thực tế là như vậy, hiện nay nhiều đôi trẻ sớm  quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên, ở tuổi học đường phổ thông cơ sở, phổ thông trung học, để lại hậu quả có thai và sinh con mà không nhất thiết là cứ phải lấy nhau, cưới nhau. Họ cứ sống như vậy cho đến khi đủ tuổi kết hôn thì mới đến cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn. Như vậy, chính quyền địa phương rất khó kiểm soát, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, các hộ dân sinh sống cách xa nhau đến vài kilomet, hộ dân cách xa trung tâm trụ sở UBND cấp xã đến vài chục kilomet.

         Ở Quảng Ninh, tuy số lượng tảo hôn không cao, nhưng theo kết quả rà soát của chính quyền địa phương  trong năm 2017 trên địa bàn 9 huyện miền núi của tỉnh có tới 22 cặp tảo hôn, trong đó có trên 50% số cặp tảo tôn do hai bên chủ thể tảo hôn tự nguyện xác lập quan hệ vợ chồng, để đến lúc có thai thì các bậc cha mẹ mới biết.

         Hiện nay, Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam mới chỉ điều chỉnh các hành vi liên quan đến việc xác lập quan hệ hôn nhân, còn hành vi quan hệ tình dục ngoài vợ chồng ở tuổi vị thành niên thì không thể điều chỉnh được vì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật. Đây là việc khó có thể đưa vào quản lý nhà nước, vì đó là biểu hiện tình cảm của mỗi con người. Do vậy, thực tế không thể quản lý được các hành vi sớm xác lập quan hệ vợ chồng ở tuổi vị thành niên của các em.

         Hiện nay nhà nước ta mới chỉ ban hành nghị định (Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015) xử phạt hành chính đối với các hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn và đối với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn. Theo Nghị định này thì đối tượng bị xử lý cũng chỉ dừng ở những người đã thành niên (người tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa thành niên; người cố ý duy trì quan hệ vợ chồng với người chưa thành niên). Trong khi thực tế hiện nay nhiều trường hợp tảo hôn là do chính bản thân các em (cả bên nam và nữ chưa đủ tuổi kết hôn) tự xác lập quan hệ vợ chồng từ khi còn đang học cấp 2, cấp 3 để đến khi có thai và đặt các bậc phụ huynh vào tình thế phải làm theo các em. Trong những trường hợp này, nếu có xử lý hành chính đối với các bậc cha mẹ vì để các con tảo hôn và duy trì tảo hôn thì hậu quả đã xảy ra.

          Mục đích của chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống suy cho cùng là nhằm đảm bảo chất lượng dân số, bảo vệ quyền trẻ em; đảm bảo phát triển tiến bộ xã hội. Nhưng Luật Hôn nhân và Gia đình hiện nay mới chỉ điều chỉnh các hành vi liên quan đến kết hôn, còn những hành vi không lấy nhau, không kết hôn nhưng coi nhau như vợ chồng ở tuổi vị thành niên, có con chung ở tuổi vị thành niên thì chưa điều chỉnh. Đây là một sự bất cập của thể chế!

        Bên cạnh đó, môi trường sống, học tập của các em hiện nay đang bị “nhiễm nhiều luồng gió độc” bởi thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa (văn hóa truyền thống tộc người mai một thay vào đó là văn hóa lai căng khó kiểm soát), trong khi các em chưa có được môi trường tin cậy để giao lưu, để chia sẻ tâm tình với bạn bè, thầy cô, cha mẹ.

        - Về chủ quan: Do nhận thức chưa đầy đủ, chưa đúng đắn của bậc cha mẹ và chính bản thân các chủ thể tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong việc tạo điều kiện, tổ chức, xác lập quan hệ vợ chồng của đôi trẻ. Ngoài những trường hợp do quan niệm, do phong tục, tập quán, nhiều bậc cha mẹ biết rõ là vi phạm pháp luật nhưng lại chưa nhìn nhận đến hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nên vẫn tạo điều kiện để các em được làm vợ, làm chồng của nhau khi chưa đủ tuổi hay trong phạm vi họ tộc ba đời.

        Nhiều bậc cha mẹ chưa nhận thức được thế nào là "người cùng giòng máu về trực hệ; người có họ trong phạm vi ba đời". Nhiều tộc người thiểu số cho rằng cứ khác họ là được kết hôn với nhau. Ví dụ: Con trai mang họ Trương thì đương nhiên được kết hôn với con gái mang họ khác họ Trương. Nhưng thực tế người con gái kia lại là em con cô ruột của người con trai; hoặc một số tộc người có hôn nhân cận huyết lại cho rằng phải kết hôn trong họ tộc để tránh thất thoát tài sản của gia tộc.

        Bên cạnh đó, sự vào cuộc của chính quyền, nhà trường, đoàn thể, người thân chưa thực sự quyết liệt. Nhiều địa phương để xảy ra các cặp đôi tảo hôn và hôn nhân cận huyết rồi mới đến nhắc nhở, xử lý thì cũng đã có hậu quả (các đôi đã sinh đẻ đến vài đứa con,…); Nhà trường chưa tích cực giáo dục, tuyên truyền để học sinh có nhận thức đúng đắn về tâm sinh lý lứa tuổi; chưa mạnh dạn, thẳng thắn đưa vào sinh hoạt ngoại khóa các vấn đề về quan hệ tình dục lành mạnh, sử dụng biện pháp tránh thai an toàn; chưa thành lập các câu lạc bộ tâm tình thanh thiếu niên hay tổ chức các diễn đàn thanh thiếu niên dân tộc thiểu số để làm nơi tin cậy cho các em dễ chia sẻ tâm tình, nói nên những tâm tư, suy nghĩ của tuổi mới lớn, tuổi dậy thì, qua đó có định hướng, tháo gỡ những khó khăn trong sự thay đổi tâm sinh lý của các em; gia đình thì nhận thức không đầy đủ, thiếu đi sự quan tâm giáo dục, định hướng để ngăn ngừa tảo hôn mà hầu hết để các em tự xoay sở và đến khi có thai thì giải quyết bằng các cách hoặc là đưa đi phá thai hoặc là cho đôi trẻ về ở với nhau.

        Có thể nói từ gia đình, nhà trường và chính quyền hiện nay chưa quyết liệt có biện pháp ngăn ngừa, khi để xảy ra hiện tượng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống rồi mới vào cuộc để xử lý. Đây cũng là trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTMN gia tăng.
 

   Đã có nhiều giải pháp được đưa ra, song việc thực hiện các giải pháp đó như thế nào để hiệu quả mới là vấn đề cần bàn. Theo suy nghĩ của tác giả, các cấp, ngành, nhà trường, địa phương cần quan tâm thực hiện đồng bộ, hiệu quả 03 nhóm giải pháp sau:

        Thứ nhất:  Không ngừng tuyên truyền, vận động kết hợp giáo dục, định hướng nghề nghiệp để các đối tượng (học sinh, thanh thiếu niên, các bậc cha mẹ) được nâng cao nhận thức về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng như hệ lụy của nó đối với cá nhân, gia đình và xã hội; nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, xã hội trong việc tuân thủ pháp luật, xây dựng một thế hệ tương lai khỏe về thể chất, tốt về trí tuệ, tinh thần.

        Tuyên truyền phải bằng nhiều hình thức thiết thực: Phổ biến, quán triệt  các quy định của pháp luật về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; nêu gương các điển hình thanh thiếu niên trong học tập, vượt khó vươn lên chính mình ở các lĩnh vực; thoát nghèo, làm giàu chính đáng…; thành lập các câu lạc bộ thanh thiếu niên, tổ chức các diễn đàn chia sẻ tâm tình để các em coi đó là nơi tin cậy có thể nói ra những tâm tư, suy nghĩ, chia sẻ những khó khăn trong tâm lý…; hướng dẫn các em sử dụng biện pháp tránh thai, sinh hoạt tình dục lành mạnh để giúp cho “hươu chạy đúng đường”.
 

Đồng thời với việc tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, nhất là học sinh vùng dân tộc miền núi thì ngành giáo dục cần tăng cường giáo dục định hướng nghề nghiệp, thực hiện phân luồng giáo dục ngay từ cấp 2 để các em không còn cảm thấy “bơ vơ” sau khi tốt nghiệp cấp 2 vì mình không có khả năng học tiếp các bậc cao hơn nữa, để các em tự tin, hào hứng bước tiếp trên con đường dài phía trước của các em.

        Thứ hai: Rất cần thiết hoàn thiện thể chế pháp luật để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời với việc sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, để đảm bảo việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, rất cần thiết phải ban hành nghị định quy định chi tiết các vấn đề về quản lý tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, trong đó có nghị định thực hiện các chế tài xử lý nghiêm khắc các đối tượng liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đặc biệt quy định rõ mức xử lý hành chính và kinh tế đối với các chủ thể tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống khi đã tròn 15 tuổi trở lên để phù hợp với Bộ luật dân sự về trách nhiệm dân sự đối với các hành vi do lỗi của người từ đủ 15 tuổi trở lên; cụ thể hóa các tiêu chí về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong việc bình xét, đánh giá tiêu chí thôn/ làng, gia đình văn hóa, thôn/ làng nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu…

        Thứ ba: Xây dựng và thực hiện các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội các xã vùng khó khăn gắn với phát triển bền vững; tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất; phụng dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các tộc người thiểu số để khơi dậy lòng tự hào dân tộc, lấn át các luồng văn hóa ngoại lai độc hại.
   * (1) (2) (3) (4) Bài viết có sử dụng số liệu từ Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2020 của Ủy ban Dân tộc được phê duyệt bởi Quyết định số 498/QĐ-TTg…

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Gia sư Lazi Gia sư
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo