Khi nhắc tới bóng đèn điện, người ta liền nghĩ ngay đến nhà sáng chế Thomas Edison. Thế nhưng, Edison không phải là người đầu tiên sáng chế ra thiết bị phát sáng. Ông chỉ là người có công đưa thiết bị phát sáng này từ phòng thí nghiệm vào đời sống con người mà thôi.
Vào năm 1800, nhà phát minh người Italia Alessandro Volta đã phát triển phương pháp thực tiễn đầu tiên làm phát ra điện, đó là cột volta. Đến năm 1809, Humphrey Davy lần đầu tiên biểu diễn đèn hồ quang carbon tại Viện Hoàng Gia ở London. Đèn hồ quang xuất hiện đúng vào thời điểm lịch sử khi mà điện đã rời bỏ phòng thí nghiệm đi vào cuộc sống thường ngày. Đối với nhiều người, đèn hồ quang là một thiết bị điện đầu tiên mà họ nhìn thấy.
Mãi đến năm 1879, tại phòng thí nghiệm của mình, Thomas Edison đã chế tạo bóng đèn điện sợi đốt đầu tiên và chính thức đưa vào sử dụng trong cuộc sống cho tới ngày nay. Có thể thấy rằng, Edison không phải là người đầu tiện có ý tưởng về một thiết bị chiếu sáng nhưng chính ông là người đầu tiên tìm ra được chất liệu làm nên bóng đèn điện có thể duy trì được nguồn sáng bền lâu và tiện lợi nhất.
Đặc điểm cấu tạo.
Bóng đèn điện cơ bản bao gồm sợi đốt, bóng thủy tinh và đuôi đèn. Sợi đốt làm bằng Vonfram, một chất liệu hiếm có khả năng chịu được nhiệt độ cao, có chức năng biến đổi điện năng thành quang năng. Bóng đèn được làm bằng thủy tinh chịu nhiệt, chịu được nhiệt độ cao, có vai trò bảo vệ sợi đốt ở bên trong. Đuôi đèn (đuôi xoáy E27 hoặc E14 và đuôi ngạnh B22) được làm bằng đồng hoặc sắt tráng kẽm gắn chặt với bóng thủy tinh, có chức năng nối với mạng điện cung cấp cho đèn.
Vai trò và lợi ích.
Bóng đèn sợi đốt ra đời làm thay đổi đời sống con người. Phát minh này được coi là một trong những phát minh vĩ đại nhất của con người. Nhờ có bóng đèn chiếu sáng, con người có không gian sáng sủa hơn, thuận tiện cho sinh hoạt và làm việc. Từ khi thiết bị chiếu sáng này ra đời, con người có thể làm việc trong đêm, tăng năng xuất lao động. Ánh sáng của điện năng chiếu sáng mọi không gian giúp con người kéo dài hoạt động, tăng lên chất lượng cuộc sống đáng kể. Bóng đèn điện còn tạo nên một thế giới sắc màu làm đẹp cuộc sống. Con người cũng biết tận dụng ánh sáng ấy làm nên những bức tranh màu sắc lộng lẫy.
Sử dụng và bảo quản.
Bóng đèn tròn gia dụng thường có tuổi thọ 1.000 giờ với điều kiện dùng đúng điện thế ghi trên bóng (120 V hay 220 V). Nếu trung bình mỗi buổi tối dung trong khoảng 3 giờ thì thời hạn sử dụng của bóng đèn ước lượng là khoảng 1 năm.
Nếu ta dùng bóng đèn với điện thế cao hơn điện thế ghi trên bóng thì tuổi thọ của đèn sẽ giảm đi rất nhanh, có khi hỏng ngay lập tức. Ngược lại nếu ta dùng bóng đèn với điện thế thấp hơn điện thế ghi trên bóng thi tuổi thọ của bóng đèn sẽ tăng lên nhưng độ sáng sẽ giảm đi.
Bụi vôn—fram từ dây tóc rã ra rất nhỏ, bị nung nóng nên bốc lên cao, đóng ở mặt trong bóng đèn, phần giá trên dây tóc. Cho nên vị trí đặt đèn được lợi ánh sáng nhất là treo đuôi đèn ở trên, bụi vôn-fram bốc lên sẽ bám ở phần đuôi đèn và không làm giảm độ sáng hiệu dụng của bóng đèn.
Bóng đèn điện hoạt động tỏa ra nhiều nhiệt lượng nên cần phải bảo quản thật tốt. Cần mắc bóng diện ở nơi cao, ít va chạm, có không gian thoáng rộng để chiếu sáng tốt nhất. Sử dụng một thời gian nên tháo bóng đèn ra lau sạch bụi bẩn, kiểm tra các mối tiếp điện. khi bóng đèn mờ quá hoặc có đốm đen thì nên thay mới. Bóng đèn hư hỏng không sử dụng nữa cần để riêng, không để lẫn vào rác thải sinh hoạt.
Bóng đèn điện là một vật dụng rất cần thiết cho mọi người trong sinh hoạt hằng ngày. Nếu một ngày nào đó, trên trái đất này không còn có bóng đèn nào chiếu sáng thì cuộc sống về đêm của nhân loại sẽ buồn chán biết chừng nào?