Lục bát là thể thơ độc đáo của văn học Việt Nam, rất thông dụng trong văn chương và trong đời sống. Đúng như tên gọi, một cặp câu thơ cơ bản gồm một câu 6 âm tiết và 1 câu 8 âm tiết, phối vần với nhau. Một bài thơ lục bát gồm nhiều câu tạo thành không hạn chế số câu. Đây là thể thơ được dùng chủ yếu trong ca dao, dân ca.
Có thể nói, thơ lục bát là niềm tự hào của dân tộc Việt. Và càng tự hào hơn nữa khi bản sắc văn hóa dân tộc Việt đã được nhân loại biết đến, khẳng định và tôn vinh. Để đạt được những chiến công vang dội đó, chúng ta đã luôn nỗ lực cống hiến, không ngừng tìm kiếm, lựa chọn, sàng lọc, kế thừa, phát huy, sáng tạo đổi mới tạo cho lục bát sự tinh luyện, thù biệt. "Nếu như người Anh, người Ý tự hào vì có thơ Sonne, người Nhật có thơ Haikư, người Trung Quốc có Đường thi…, thì chúng ta cũng có quyền tự hào vì có thơ lục bát. Đó là một trong những thể thơ đã có tự ngàn năm, tồn tại và phát triển thông qua lời ăn, tiếng nói của ông bà ta xưa truyền lại cho con cháu, qua tục ngữ, ca dao và qua làn điệu dân ca ở khắp mọi miền đất nước. Có thể nói: ở đâu có lục bát là ở đó có văn hóa Việt Nam".
Ví dụ:
Người đi theo gió đuổi mây
Tôi buồn nhặt nhạnh tháng ngày lãng quên
Em theo hú bóng kim tiền
Bần thần tôi ngẫm triền miên thói đời