Lê Chân là một nữ tướng tài giỏi của Hai Bà Trưng và được tấn phong là Thánh Chân công chúa. Bà còn được xem là người có công khai khẩn lập nên vùng đất mà ngày nay là thành phố Hải Phòng.Theo bản thần tích hiện còn lưu giữ ở Đền Nghè (thuộc quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng), Lê Chân xuất thân trong một gia đình nề nếp, quê ở vùng An Biên, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương (nay thuộc xã An Thủy, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Cha của bà là ông Lê Đạo, một thầy lang chuyên chữa bệnh cứu người và cũng là thầy dạy học; mẹ là bà Trần Thị Châu.Thuở con gái, bà được tiếng là người có nhan sắc, giỏi võ nghệ, lại có tài thơ phú. Thái thú Tô Định nghe danh, đòi lấy làm tỳ thiếp. Bị khước từ, Tô Định căm giận, bức hại gia đình bà. Thù nhà, nợ nước, Lê Chân ngầm đem một số người nhà, người làng đến vùng biển An Dương lập trại phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm và đánh bắt thủy hải sản tạo nên một vùng đất trù phú.Để vơi đi nỗi nhớ cội nguồn, bà đã đặt tên vùng này là An Biên trang. Cùng với việc chăm lo phát triển sản xuất, bà chiêu mộ trai tráng để luyện binh và được sự ủng hộ của nhân dân quanh vùng. Binh sĩ của Lê Chân được huấn luyện chu đáo và có sở trường về thủy trận.